Thứ ba 14 Tháng Mười Hai 2010
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20101214-luat-hinh-su-moi-cua-cam-bot-co-the-bop-nghet-tu-do-ngon-luan
Thứ sáu tuần rồi, chính quyền Cam Bốt đã ban hành bộ luật hình sự mới, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11/12/2010. Bộ luật này quy định một số tội danh mới, trong đó việc phát biểu quan điểm trái chiều có thể bị tù giam hoặc phạt vạ. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền rất lo ngại bộ luật này có thể hạn chế gắt gao quyền tự do ngôn luận tại Cam Bốt.
Từ Phnom Penh, thông tín viên Phạm Phan tường trình :
Thứ sáu tuần trước nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và địa phương cũng như tổ chức phi chính phủ lên tiếng bày tỏ mối lo ngại khi Bộ luật hình sự mới của Cam Bốt sẽ bắt đầu thi hành vào ngày hôm sau. Ưu tư lớn nhất của các nhà hoạt động bênh vực cho các quyền căn bản của người dân là luật hình sự mới này được dùng làm công cụ bịt miệng những ai mạnh dạn chỉ trích chính quyền, cũng như bóp nghẹt quyền tự do bày tỏ ý kiến.
Theo đại diện các tổ chức phi chính phủ tại Phnom Penh, luật mới kể ra nhiều loại tội phạm hình sự mới bao gồm cả việc có thể tù giam hay phạt tiền một cá nhân vì đã lên tiếng bày tỏ quan điểm bất đồng với chính quyền.
Bà Sara Colm, nhà nghiên cứu lâu năm của HRW về tình hình Cam Bốt nói : “Luật mới kết tội bất cứ ai dám chỉ trích quan tòa hay làm rối loạn trật tự công cộng bằng việc đặt câu hỏi về các quyết định của tòa án. Như thế sự kiện ra đời của Bộ luật hình sự mới gây thêm nguy hiểm cho người quan sát hoạt động tòa án cũng như các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và những người dân trực tính nói thẳng.”
Bà Sara Colm còn cho biết tổ chức HRW đang quan tâm đến các điều khoản của luật hình sự mới, vì nội dung luật mới thất bại trong việc bãi bỏ hành vi phỉ báng, trái lại nó được dùng làm câm miệng các tiếng nói phê bình ôn hòa và đàn áp quyền tự do ngôn luận.
Tổ chức nhân quyền Licadho có đưa ra tài liệu phân tích pháp lý khi Luật hình sự mới ra đời, trong đó chỉ ra rằng Luật mới phát biểu bất kỳ hành động nào nhắm vào giới chức công quyền làm ảnh hưởng đến danh dự của một cá nhân có thể bị trừng phạt 6 ngày tù giam và phải trả tiền phạt. Và Trong một hình thức cực đoan nhất, điều khoản của Luật mới có thể kết tội hình sự bất cứ hành động nào làm tổn thương đến tình cảm của giới chức công quyền.
Chính quyền Cam Bốt: Luật mới bảo vệ trật tự xã hội và quyền con người
Phía chính quyền thì trái lại họ lạc quan với Bộ luật hình sự mới. Ông Phay Siphan, người phát ngôn của chính phủ phát biểu: Việc ra đời của Bộ luật mới là một tin tốt lành cho nhân dân Khmer, vì nó bảo vệ quyền con người và giúp cho xã hội hiện nay được sống trong trật tự dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Nhân Dân Cam Bốt. Ông Phay Siphan nói thêm là nếu các tổ chức phi chính phủ bảo có một điều khoản trong Luật mới ảnh hưởng đến các quyền người dân thì họ đừng làm xôn xao mà hãy làm đơn khiếu nại gởi đến các định chế thích hợp để được cứu xét.
Dự thảo luật này trước đây được Quốc Hội thông qua nhanh vì đa số dân biểu thuộc đảng đương quyền.
Nhiều trường hợp đàn áp đối lập
Được biết Bộ luật hình sự mới nhằm thay thế luật cũ được ban hành dưới thời Cam Bốt được điều hành bởi một cơ chế do Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1993 khi quốc gia này vừa thoát khỏi cuộc nội chiến, và Đảng Nhân Dân Cam Bốt lúc đó đồng ý cho Liên Hiệp Quốc đưa quân vào với mục đích gìn giữ hòa bình cũng như tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do lần đầu tiên với sự tham gia của nhiều đảng phái khác nhau. Một sự kiện được coi là rất đặc biệt đối với ba nước Đông Dương từng bị sống dưới chế độ cộng sản.
Chính phủ do ông Hun Sen điều hành trong nhiều năm qua bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích liên tục và mạnh mẽ vì chính quyền tiến hành nhiều vụ kiện mang tội danh phao vu và thông tin sai lạc để chống lại các thành viên đảng đối lập và những người chỉ trích sự sai trái của chính quyền như tham nhũng, lạm quyền, bè phái hay cướp đất dân nghèo để làm giàu.
Như trường hợp của ông Sam Rainsy, lãnh tụ đảng đối lập mang tên ông đã phải tự sống lưu vong nếu không sẽ bị xét xử và tù giam trong một hệ thống tư pháp do nhà nước khống chế. Dù đã chạy được đến Pháp trước khi chính quyền ông Hun Sen mở phiên tòa, ông Sam Rainsy vẫn phải lãnh bản án khiếm diện 12 năm và nếu trở về trong lúc này ông phải ngồi tù cho đến hết án. Hành động này của chính quyền theo các tổ chức nhân quyền là nhằm làm suy yếu phe đối lập, đồng thời chính quyền có cơ hội tiếp tục thắng cử trong mùa bầu cử Quốc Hội vào hai năm tới, để tiếp tục hay mãi mãi cầm quyền mà không gặp bất kỳ lực lượng chính trị nào chống đối.
Một hồ sơ khác cũng thuộc loại hạn chế quyền tự do ngôn luận, nhà hoạt động nhân quyền địa phương là ông Leang Sokchouen hồi tháng 8 đã bị tù giam hai năm vì tội danh phát tán thông tin sai sự thật sau khi chính quyền cho rằng ông đã phân phát những tờ truyền đơn chống chính quyền.
Bộ luật hình sự mới được chính quyền bắt đầu thi hành chỉ sau một ngày cả thế giới kỷ niệm ngày nhân quyền 10/12. Ông Suon Sareth, Tổng thư ký Ủy ban Hành động Nhân quyền nói trong phạm vi lý thuyết, luật Cam Bốt trông rất hấp dẫn nhưng thực tế việc tôn trọng nhân quyền hãy còn nhiều vấn đề do vì chính quyền.
Một đảng nhỏ là Đảng Nhân Quyền nói người dân Khmer còn khổ sở rất nhiều, các quyền căn bản của họ không được thực thi đầy đủ trong đó có quyền tự do ngôn luận.
Bắt đầu kiểm tra tài sản quan chức để chống tham nhũng
Từ đầu tuần này, Đơn vị Chống tham nhũng bắt đầu làm việc như kiểm tra tài sản các giới chức cao cấp kể cả Thủ tướng Hun Sen, thời gian để ông Hun Sen kê khai tài sản từ 1/1 đến 28/2/2011. Ông Kimsour Phirith, một dân biểu thuộc Đảng Sam Rainsy nói việc công bố tài sản của viên chức cao cấp trong chính phủ là hữu ích để nhận diện ai tham nhũng, ai ăn cắp của công làm của riêng, tuy nhiên khi không cho điều tra các trương mục ngân hàng của những vị này thì không thể diệt hết tham nhũng.
Từ trước đến nay khi người dân nói đến hành vi không liêm chính của đảng cầm quyền thì rất dễ bị nghi ngờ hay bị kết tội “làm mất ổn định trật tự xã hội, xâm phạm lợi ích và an ninh nhà nước”. Tâm lý xã hội nơi đây thường cho là người trong guồng máy công quyền là người nhận được việc làm tốt vì dễ có cơ hội làm giàu.
NGHE : Thông tín viên Phạm Phan - Phnom Penh
.
.
.
No comments:
Post a Comment