Wednesday, December 15, 2010

BẢO VỆ GIÁO DÂN CỒN DẦU ĐANG TỊ NẠN Ở THÁI LAN (BPSOS)

Mạch Sống
Wednesday, December 15 @ 00:18:03 EST

BPSOS Gởi Người Can Thiệp cho Giáo Dân Cồn Dầu Ở Thái Lan

Trong chiến dịch Cứu Cồn Dầu, đầu tháng 12 tổ chức BPSOS cử vị Cố Vấn Cao Cấp Về Các Vấn Đề Quốc Tế đến Thái Lan tiếp xúc và phỏng vấn một số giáo dân Cồn Dầu đang lánh nạn ở quốc gia này.
Cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees vừa thăm hỏi vừa lấy thông tin từ những nhóm người này để chuẩn bị cho họ vào phỏng vấn với Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc.
“Đây là lần thứ hai trong vòng 3 tháng Đại Sứ Rees đã đến Thái Lan để tiếp xúc với nhóm người dân Cồn Dầu đi lánh nạn sau cuộc đàn áp đẫm máu ngày 4 tháng 5”, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS cho biết.
Trong chuyến công tác này Đại Sứ Rees cũng đã họp với vị Cao Uỷ Trưởng Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và nhân viên đặc trách vấn đề tị nạn của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Bangkok.

Ngay khi từng nhóm người Cồn Dầu đặt chân đến Thái Lan, BPSOS đã giúp đưa họ vào các chỗ ở an toàn, trợ giúp về đời sống, và hướng dẫn họ chuẩn bị hồ sơ xin tị nạn.

Theo Ts. Thắng, tình trạng của các người lánh nạn ở Thái Lan nói chung rất bấp bênh vì chính phủ Thái đã từng trục xuất ngay cả những người được Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thừa nhận tư cách tị nạn và bảo vệ.
“Có nguồn tin cho biết là công an Việt Nam cài người theo dõi để áp đảo tinh thần của những người dân Cồn Dầu đang lánh nạn ở Thái Lan”, Ts. Thắng nói.
Ông nhắc lại trường hợp của Cô Vũ Phương Anh, nạn nhân của sự buôn bán lao động ở Jordan, cũng đã từng bị người của chính quyền Việt Nam sách nhiễu và hăm doạ trước đây.
“Bảo vệ cho một người đã khó khăn và tốn kém; nay chúng tôi phải bảo vệ cho gần 60 người”, Ông giải thích. “Chúng tôi thường xuyên di dời chỗ ở của họ cho an toàn.”

Ngoài những người tị nạn đến từ Cồn Dầu, BPSOS cũng đang can thiệp cho nhiều chục trường hợp người dân tộc thiểu số Tây Nguyên vốn phần lớn theo đạo Tin Lành, người dân tộc Khmer Krom theo Phật Giáo tiểu thừa, và khá đông những người tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền đã phải đi lánh nạn sau khi bị chính quyền đưa vào tầm nhắm.
Đại Sứ Rees cũng đã tiếp xúc với một số người trong các thành phần này.

Tháng 7 năm nay, Ts. Thắng đã cùng một nhân viên BPSOS đến Thái Lan phỏng vấn các người mới đến từ Cồn Dầu; các dữ kiện thu thập được đã được BPSOS dùng để phát động chiến dịch Cứu Cồn Dầu.
Trong thời gian qua BPSOS cũng đã sắp xếp để một nhân viên cao cấp của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế phỏng vấn một số người dân Cồn Dầu đã bị bắt giam và tra tấn để ép cung. Sau khi ra khỏi nhà giam, họ đã đào thoát đến Thái Lan. 
Ts. Thắng tiết lộ rằng có một số người Cồn Dầu đang lánh nạn ở quốc gia khác hơn là Thái Lan và BPSOS cũng đang can thiệp cho họ về pháp lý.

Sau khi ở Thái Lan, Đại Sứ Rees đã lên đường đến Malaysia để phối hợp với Liên Minh CAMSA nhằm đẩy mạnh nỗ lực bảo vệ cho công nhân Việt đang lao động tại quốc gia này.
Trước khi làm Đại Sứ Toàn Quyền của Hoa Kỳ ở Đông Timor, Ông Rees đã từng là thẩm phán của toà án Liê n Bang ở American Samoa, Cố Vấn Trưởng của Sở Di Trú Hoa Kỳ, Tham Mưu Trưởng của Dân Biểu Christopher Smith. Sau thời gian làm Đại Sứ ở Đông Timor, Ông Rees đã trở về làm việc ở Bộ Ngoại Giao về các chương trình xã hội và nhân đạo quốc tế. Ông về hưu đầu năm 2009 và ngay sau đó đã tham gia tổ chức BPSOS.

----
Mọi đóng góp cho Quỹ Cứu Cồn Dầu đều được miễn trừ thuế và xin gởi về:
BPSOS/Cồn Dầu
PO Box 8065
Falls Church
, VA 22041
.
.
.

No comments: