Sunday, December 19, 2010

LỊCH SỬ CA KHÚC GIÁNG SINH "SILENT NIGHT"


Silent night, holy night, all is calm, all is bright...

Năm 1817, cha Joseph Mohr, lúc đó mới 25 tuổi, được bổ nhiệm làm linh mục phụ tá tại nhà thờ Thánh Nicholas ở miền Oberndorf, nước Áo. Lúc thiếu thời Mohr đã say mê âm nhạc, có lúc cậu sáng tác thơ và đặt lời cho những bài ca trong các nghi lễ đặc biệt tại giáo đường. Khi trở thành linh mục, cha Mohr làm việc không biết mệt mỏi trong công tác từ thiện, phục vụ thanh thiếu niên con các gia đình nghèo khó trong vùng.

Một ngày mùa đông năm 1818, cha Mohr đang cố hoàn thành mọi việc sửa soạn cho thánh lễ Giáng sinh, một nghi lễ mà cha đã hoạch định trước cả tháng. Mọi thứ đều đã xong xuôi, từ bài hát cho đến bài giảng. Nhưng lúc cha dọn dẹp thánh đường mới phát hiện một trở ngại tưởng không thể khắc phục được: đó là chiếc phong cầm của nhà thờ bị hư. Nóng lòng, cha lui cui hàng giờ đánh vật với hàng phím, với bàn đạp của chiếc đàn. Bất chấp mọi khó nhọc của cha, chiếc đàn vẫn nằm ỳ ra không lên tiếng, im lặng chẳng khác cái lặng lẽ của một đêm đông giá lạnh.

Nhận thấy không thể làm gì hơn, vị linh mục ngừng lại và cầu nguyện. Cha cầu xin Chúa cho cha tìm được một giải pháp để đem âm nhạc đến với giáo dân trong ngày lễ có ý nghĩa nhất trong năm. Và rồi cha đã tìm được đáp ứng cho lời cầu nguyện của mình khi nhớ lại bài thơ mà mình sáng tác cách đây gần hai năm. Đó là bài Still Nacht! Heilige Nacht! (Đêm yên lặng! Đêm thánh!). Cha thấy dường như Chúa đã cho cha một tia sáng hi vọng. Bỏ bài thơ vào túi áo, cha vội vã ra khỏi nhà băng qua những đường phố đầy tuyết phủ. Chỉ còn mấy giờ nữa là thánh lễ nửa đêm bắt đầu.

Cũng vào chiều hôm đó, Franz Gruber, người giáo viên làng 31 tuổi, đang co ro trong căn phòng nhỏ bên cạnh trường học. Mặc dù đã theo học phong cầm với giáo sư nổi tiếng Georg Hardobler, Gruber cũng chỉ chơi đàn cho nhà thờ St. Nicholas nhỏ bé. Cha Morh bước vào, hối hả kể cho kéo ông giáo làng nghe nỗi khó khăn của mình. Sau khi bảo Gruber rằng chiếc đàn không thể sửa được, cha liền đem bài thơ ra và nói:
- Franz, anh xem có thể viết nhạc cho bài thơ này để ca đoàn hát được không? Không có phong cầm thì ta chơi guitar vậy.

Rồi vị linh mục đưa mắt nhìn đồng hồ trên bàn, nói thêm: “Không còn nhiều giờ nữa đâu”.
Đọc kỹ bài thơ, Gruber gật đầu, chấp nhận thử thách.
Mấy giờ sau, hai người gặp nhau tại nhà thờ. Gruber đưa cho vị linh mục xem bản nhạc của mình. Linh mục dùng đàn guitar gảy lên những nốt nhạc rồi vội vã chuyển cho ca đoàn. Không có nhiều thời giờ, cha Mohr và Gruber chỉ dạy được cho ca đoàn phần hòa âm bốn giọng của mỗi hai câu thơ cuối.

Trong thánh lễ nửa đêm, cha Mohr và Gruber đứng trước bàn thờ giới thiệu bản nhạc nhỏ bé và giản dị của hai người. Họ đâu ngờ rằng Still Nacht! Heilige Nacht! được dịch sang tiếng Anh là Silent night vào tháng 12-1839, không chỉ sẽ được nhớ tới vào ngày Giáng sinh năm sau trong ngôi làng bé nhỏ của họ mà còn được khắp thế giới ca vang.

Bài hát càng được phổ biến thì nguồn gốc càng bị phân hóa. Có nhiều lúc các nhà xuất bản gán cho tác giả bản nhạc này là một trong các nhạc sĩ đại tài như Bach, Beethoven hoặc Handel. Chỉ mãi tới khi Franz Gruber gửi tới các báo và các nhà xuất bản bản sao tờ phổ nhạc của mình thì nguồn gốc đích thực mới được công nhận. Mặc dù vậy, nhiều giai thoại về lời ca của bản nhạc vẫn còn truyền tụng.

Cha Mohr qua đời trong cảnh nghèo khó năm 1848 trước khi được công nhận là tác giả bài thơ được phổ nhạc.
Vào cuối thập niên 1890, bản Silent night được phiên dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau và là bản nhạc không thể thiếu trong các lễ hội Giáng sinh trên khắp thế giới. Sang thế kỷ 20, bản nhạc này đã đi ra khỏi các giáo đường, hội nhập với những tập tục Giáng sinh khác. Năm 1905, bản nhạc Silent night được thu âm lần đầu tiên do ban nhạc Haydn Quartet. Đó mới chỉ là khởi đầu, sau đó bản nhạc đã được thu âm cả ngàn lần do các ban nhạc khác nhau trên khắp thế giới hát. Tới năm 1960, Silent night đuợc công nhận là bản nhạc được ghi âm nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc.

Trong tâm trí nhiều người, bản Silent night được viết ra lúc khởi đầu chỉ là một bản nhạc giản dị, một khúc ngợi ca, được sáng tác để làm nghi thức mừng lễ Giáng sinh có ý nghĩa hơn, bản nhạc xưa cũ này vẫn còn mạnh mẽ và tươi mát như lần đầu tiên được hát lên trong ngôi thánh đường nhỏ bé nơi nước Áo xa xôi.

----------------

1. Bản nhạc này đã được nhạc sĩ Hùng Lân “Việt hóa” dưới tên Đêm thánh vô cùng từ hơn nửa thế kỷ trước tại Việt Nam và được hát trong các thánh đường Công giáo cũng như trên các đài truyền thanh, truyền hình từ đó đến nay trong mùa lễ Giáng sinh. Ông không chuyển dịch bài ca nhưng đặt lời hoàn toàn mới, dùng những từ ngữ văn chương như “xe chữ đồng, ơn châu báu không bờ bến, nhắp chén phiền, vương phong trần, tuyết sương mịt mù...”. Sau đây là lời ca do ông đặt:

1. Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời xe chữ đồng.
Đêm nay Chúa Con thần thánh tôn thờ. Canh khuya Giáng sinh trong chốn hang lừa.
Ơn châu báu không bờ bến, biết tìm kiếm của chi đền.
2. Ôi Chúa Thiên đàng, cảm mến cơ hàn. Nhắp chén phiền, vương phong trần.
Than ôi Chúa thương người đến quên mình, bơ vơ chốn quê nhà lúc sinh thành.
Ai đang sống trong lạc thú, nhớ rằng Chúa đang đền bù.
3. Tinh tú trên trời, sông núi trên đời.
Với Thánh thần mau kết lời, cao rao hóa công đã khéo an bài.
Sai con hiến thân để cứu nhân loại, hang chiên máng rêu tạm trú, bốn bề tuyết sương mịt mù.


2. Bản Anh ngữ:






.
.
.

No comments: