Monday, December 20, 2010

CỦA NGƯỜI PHÚC TA (truyện ngắn Trần Chiểu)

Trần Chiểu (truyện ngắn) 
20.12.2010

 San người Nam Sách, tỉnh Hải Dương ra cư ngụ ngoài vùng mỏ năm 18 tuổi, học hết lớp 7 phổ thông. San được người chú họ tên là Sổ, đỡ đầu cho học Trường Xây dựng. Học nề hai năm ra trường, tay nghề bậc 3, San được phân công về Công ty nhà ở 2, biên chế trong Đội xây dựng 4, do ông Phu làm đội trưởng. Ông Phu có con gái lớn tên là Sim, năm lên mười, bị bệnh đậu mùa, trí nhớ kém, học trước quên sau, bỏ dở lớp 6, ở nhà lo cơm nước giúp mẹ. Ông Phu ưng San: “Nó chịu thương chịu khó, lại biết chắt chiu”. Bà Phu thì bảo: “Tướng mạo nó,  được con mắt nhanh, cái dái tai dày, vành tai hũm, giữ của đấy”. Ông Phu ngắt lời vợ: “Ta gả con Sim cho thằng San chăng bà?. Bà Phu đắn đo: “Liệu thằng San có bằng lòng không, ông thử ướm nó xem, nếu nó ưng con mình, thì gả, cho nó ở rể”. Ông Phu mới hía ra điều hệ trọng ấy với ông Sổ, chú họ San, ông này đã vồ vập. Hai ông “tâm đầu ý hợp” cho gọi  San vào.
Ông Sổ hỏi San: “Ông Phu, thủ trưởng cháu, cháu biết rồi, chú không phải giới thiệu, điều chú muốn nói với cháu bây giờ, có mặt ông Phu đây, là chú đã có lời với ông Phu trước, xin cho cháu được đạ vào làm con cái ông Phu, ý cháu thế nào?”. Thấy San còn lưỡng lự, ông Sổ lại bảo: “Cháu được đạ vào cửa ông Phu  đây là phúc rồi đấy”. Nghe ông Sổ nói vậy, San nghĩ: “Sim xấu người, nhưng được nết làm, lại là con một, bố mẹ song toàn, còn khoẻ cả, nhà cửa vườn tược đề huề. Ông Sổ tinh đời, chọn không sai”. San thưa với hai ông: “Cháu ra đây được, lại được học nghề đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định là nhờ 2 ông, cháu coi hai ông như cha, hai ông bảo sao cháu xin vâng ạ”. Lễ hỏi cho đôi trai gái nên duyên, được tổ chức vào giờ Tý, ngày Mùi, tháng Thân, năm Đinh Sửu, “được tuổi cả hai đứa”. Một tuần sau, ông Phu sắm lễ vu qui cho con gái chu đáo, ấm cúng, ai cũng mừng “con ông thành gia thất”.

*

Lấy vợ được một năm, vợ đẻ con gái đầu lòng, “cái rận cái chấy”, San mừng lắm “con gái giống cha như đúc”, đặt tên là Sâm. Ông Phu bảo con rể: “Nó mẹ tròn, con vuông rồi, ở nhà đã có bố mẹ giúp, con  phải đi học, sau này lấy cái cần câu cơm, bố lo liệu đâu vào đấy cả rồi, ý con thế nào, nói cho bố biết”. San thưa: “Được thế thì còn gì bằng, con cám ơn bố mẹ”. Hôm sau, ông Phu đưa giấy gọi nhập học cho con rể và gấp rút chuẩn bị để cậu tú lên đường, nhập môn. San học kém, cả khoá học không được môn nào trung bình, nhưng nhờ có thầy, là chỗ bạn chiến đấu của ông nhạc giúp tận tình, bản luận án tốt nghiệp thầy làm cho, thi thiếu 2 điểm, cũng thầy đỡ, anh mang về cái bằng đại học đỏ trình bố mẹ vợ. Ông bà Phu thích lắm, càng quí con rể. Hồi ấy, người có bằng đại học hệ chính qui, lại trong biên chế Nhà nước, có giá lắm.
Ông Phu chạy cửa thị xã, ém San vào phòng Quản lý công trình công cộng và phát triển đô thị, giữ chân cấp đất, là nhờ bà Xuyến, dì ruột bà Phu, cán bộ tổ chức Tỉnh uỷ, có ý kiến với ông Tưởng Chủ tịch thị xã, chỗ thân tình của bà. Bà Xuyến sau này chuyển về Công ty Ngoại thương, làm Trưởng phòng Xuất nhập khẩu nông, lâm, khoáng sản. Nếu không có chuyện rùm beng về 10 cái tivi Nhật vỏ đỏ, 19 in phân phối sai đối tượng, thì khoá ấy bà đã vào Hội đồng nhân dân, thay ông Vũ, Phó Chủ tịch, phụ trách tài mậu, bị kỷ luật buộc ra khỏi Đảng, đi lấy vợ bé ngoài Vân Đồn. Ông Phu nể ông Tưởng xếp con mình vào chỗ thơm, không quản ngại “giúp khoản công thợ” xây ngôi nhà 2 tầng ở phố Đông. Bà Xuyến lại mới chuyển về Uỷ ban nhân dân thị xã, làm Trưởng phòng Quản lý công trình công cộng và phát triển đô thị, San càng có điều kiện gần gũi bà Xuyến, qua bà Xuyến, được tiếp cận thường xuyên với Chủ tịch thị xã. Anh học được nhiều điều hay, mở mang đầu óc, khôn khéo trong giao tiếp, ứng xử, rõ ràng là “gần đèn thì rạng”.
*
Hồi ấy, cấp đất ở, đâu khó khăn phức tạp như bây giờ. Người ta còn cho nhau cả một lô đất xây biệt thự, không tính toán thiệt hơn, chứ đâu có chuyện “giọt nước mái nhà này, róc vào hiên nhà kia đã vác búa nói chuyện với nhau”. San nói với bố vợ: “Cơ quan đang khuyến khích người đi học. Con thưa với bố mẹ, cho con đi khoá này, 3 năm, nhanh thôi mà, khi con trở về, tình hình tổ chức nhất định sẽ có những thay đổi lớn, công việc bấy giờ sẽ thuận đối với con hơn, ý bố mẹ thế nào?”Nghe con rể nói phải, ông Phu bảo con gái: “Chồng con có chí, con phải cố gắng nuôi con, để động viên chồng con đi học, đúng như nó nói, 3 năm nhanh thôi mà, nên thợ nên thầy nhờ có học, con ạ, con thu xếp cho chồng con đi”. Ông Tưởng và bà Xuyến tạo mọi điều kiện cho San đi học, thứ nhất, ngoài khoản lương hàng tháng lĩnh đủ, kể cả phụ cấp khu vực và các khoản phụ cấp khác nếu có, còn được cộng thêm tiền tài liệu học tập, học phí. Ông Phu cất công lên trường trước, lo chỗ ăn chỗ ở cho con rể, thật hiếm có một ông bố vợ như ông Phu, chu đáo, coi con rể như con ruột. San cảm động trước sự quan tâm săn sóc của bà Xuyến, của ông Tưởng và bố mẹ vợ, anh thêm quyết tâm học thành tài. Nhưng khổ nỗi, các môn kinh tế, chính trị khô khốc, khó nhập tâm, học mệt như đánh vật, San đuối sức, sợ học không đến nơi đến chốn, phụ lòng những người có công tạo dựng cho mình, nhất là để ông nhạc khằn khèo thì còn ra làm sao, San tìm thầy đỡ đầu. Thầy Triệu, cùng quê Nam Sách, Hải Dương với San, chủ nhiệm bộ môn, biết gia cảnh San, ông thương tình sẵn lòng giúp đỡ. Có thầy, các môn (thầy không phụ trách), điểm dưới trung bình, thầy nhờ bạn đồng nghiệp xin cho, nhưng có nâng, cố lắm cũng chỉ trung bình, không thể nào khác được. Đến kỳ thi tốt nghiệp, sức học càng đuối, tự thấy “khó có thể vượt qua được chướng ngại” này, San đánh bài ngửa với thầy: “Ba năm đèn sách, công cha mẹ, công vợ, mà em tay trắng về, khổ tâm lắm thầy ạ, còn sự nghiệp em nữa chứ, thầy cố giúp em, em nên người sau này, không dám phụ công thầy, em nói có quỉ thần chứng giám”. Rồi San cũng đem được cái bằng Đại học chính trị về trình bố mẹ vợ.
Ông Phu mừng con rể, một cán bộ trẻ có 2 bằng đại học chính qui. ở thị xã này người có hai bằng đại học chính qui, đếm trên đầu ngón ta, chứ nhiều nhõi gì. San còn là con rể ông Phu nhé, cán bộ chủ chốt của thị xã đấy, đem những tiêu chuẩn đó để cọ xát trong cuộc chạy đua vào hàng ngũ cán bộ cốt cán, phần thắng 100% thuộc về San là cái chắc, chắc như “đinh đóng cột”.

*

Bà Xuyến lên Thị uỷ, làm Phó Ban Tổ chức, San được đề bạt làm Trưởng phòng quản lý công trình công cộng và phát triển đô thị. Bấy giờ, chưa có phòng Thị chính như bây giờ, việc quản lý đất đai nói chung, cấp đất ở nói riêng, không gắn với qui hoạch và kế hoạch. Chủ tịch thị xã chỉ đạo thế nào, thực hiện vậy, có gì cấn lại lên xin ý kiến cấp trên về làm. Làm nhưng phải lựa lúc Chủ tịch vui vẻ, có “biến tướng”, bị phát hiện, cứ “vò đầu bứt tai”, ông ấy lại thương, cho qua: “Lần sau  làm bậy, tao gọt đầu”. ấy là thời kỳ đất nội thị đã có giá chứ không “bèo” như trước, bởi vì ngoài biên giới đã thông thương, buôn bán sầm uất, trong này than thổ phỉ mọc như nấm, cai than, chủ thầu, nhà buôn, cán bộ có chức, có quyền bị cuốn vào cơn lốc nhà cao tầng mặt phố.
Đất Trung tâm thương mại, đất Chợ trung tâm lên cơn sốt giá chóng mặt. Người có quyền cấp đất lên ông lên bà. Người mót đất khúm na khúm núm chạy cửa này, cửa nọ. Bọn phe đất lên ngôi. Tỉnh ngó xuống, can thiệp vào là phải. Ông nào cũng ký vào đơn xin đất, có quyền thế mà, ai dám cãi. Thị xã không thể không nhìn vào chữ ký đó mà cấp, không cấp không xong, chứ đùa à. Thế là sinh ra cái bệnh “đất thơm” cấp cho đối tượng thương binh, gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng cũng ghé gẩm vào cho con, cháu, họ hàng “té nước theo mưa”, thành thử “tuần chay nào cũng có nước mắt”. Con cháu các cụ cả, ở ngoài mặt phố, đẹp chửa?
San đối chiếu tiêu chuẩn “sâu ra, cao xuống”, thì ông nhạc anh đủ điều kiện xin đất ở mặt phố, không phố Chợ trung tâm thì Trung tâm thương mại, chỉ có nhất. San nói với bố: “Tiêu chuẩn bố xét là được”. Ông Phu đắn đo: “Bố đã có nhà ở”. San giải thích cho ông nhạc nghe chủ trương “sâu ra, cao xuống” đầy rẫy cán bộ thị xã có nhà cao, cửa rộng còn chiếm đất giữa phố, không phải chỉ có bố già mà còn có cả con cái bố già, đã ai đụng đến cái lông chân bố già đâu. Nghe con rể nói thế, ông Phu tặc lưỡi ký vào đơn xin đất ở. Ông được cấp ngay lô đất số 5, diện tích 62 mét vuông, mặt tiền 4 mét, hai mặt đường, phố Chợ trung tâm, cạnh lô đất bà Xuyến, diện tích nhỉnh hơn 3 mét vuông, cũng hai mặt đường, mặt tiền 6 mét. Thời ấy “cấp như cho”, mà sang tay nhau, có rẻ cũng phải 300 triệu. Ông Hành, họ nhà Y, bán lô đất giữa phố về xây biệt thự, còn tiền để ra, gửi quĩ tiết kiệm, ăn đủ ba đời. Chuyện thật mà cứ như đùa. Mẹ ông Tưởng được thị xã cấp lô đất số 1, phố Chợ trung tâm theo diện chính sách “gia đình có công với cách mạng”, diện tích hẹp hơn diện tích lô đất bà Xuyến, nhưng những ba mặt đường, cổng chợ. Ông Tưởng xây nhà 4 tầng. Bà mẹ ở được một năm thì về với tổ tiên, ông Tưởng được hưởng quyền thừa kế. Ông bán ngôi nhà hai tầng ở phố Đông, cho thằng con cả 200 triệu, xây khách sạn mili. Như vậy, về phương diện pháp lý, ông Tưởng vẫn chưa có đất ở, chưa được cấp đất lần nào, khi đưa ra Hội đồng tư vấn cấp đất ở thị xã, ông Tưởng thuộc diện số 1 được cấp đất ở. Nhưng ông không xin, mà ông nhường cho một thương binh mù, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, dư luận xôn xao “khen ông thức thời, khen ông tốt, khen ông biết ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, không như mấy bố già cứa tuốt, chẳng nể ai, chẳng ngán ai.
San biết “kẻ hay người dở “ qua việc xin đất ở, cấp đất ở, làm gì mà khó. Đến khi ông Tưởng gọi dây nói cho San: “Cậu xem lô đất Cửa hàng Kẽm, đã cấp cho ai chưa, nếu còn, cấp cho bà Hải”. San chẳng lại gì bà Hải bến Đò, chuyên đóng gạch xỉ bán, là chị ông Tưởng Chủ tịch thị xã. “Các vị muốn xoá đói cho bà Hải đây. Được thôi”. Bà Hải được cấp đất ở chỗ hơi hẻo lánh, không mấy ai để ý tới, nhưng đến khi mở con đường từ phố Hẹn ra biển thì đắt khiếp lên được, bởi vì con đường mở ra triển vọng hết sức tốt đẹp cho các hoạt động karaoke, xông hơi, thẩm mỹ... Bà Hải không có tiền nộp lệ phí đất, ông Tưởng đưa cho chị 100 triệu: “Tiền hoả hồng cho chị”. Đất tên bà Hải, nhưng ông Tưởng quản lý. Ông sang tên cho nhà “Mão thịt chó” lấy 100 cây vàng 24K, giao kèo: “Hai bên không được lộ chuyện mua bán lô đất bà Hải, chỉ khi nào đất bán công khai, sẽ làm trước bạ, sang tên, đổi chủ”.
San cũng phải tính cho mình một lô đất ở chứ, chả lẽ, cấp đất ở cho người ta, mình “nằm giữa mất phần chăn”, trật khấc ra hay sao. San đề đạt nguyện vọng với Chủ tịch thị xã, “xong ngay”. Lô đất ở khu nghỉ mát, bấy giờ thuộc loại “đất thánh”, chỉ có những người giàu có, những người có thế lực mới chỗm chệ xơi, chứ dân đen, có mà ăn đất thật. Ông Phu bán lô đất cho Hoàng, anh chàng phất lên nhờ vào than thổ phỉ, 400 triệu, gạt hẳn một nửa cho con rể xây khách sạn mili; còn lại, ông đổi sang đô la Mỹ, toan gửi tiết kiệm để lúc về già đỡ gánh cho con, không may bị bọn lưu manh lừa mất sạch. Ông tiếc đứt ruột, nhưng tự an ủi: “Của đi thay người, có phải đồng tiền xương máu mình làm ra đâu, có mất chỉ mất mỗi mấy    chữ ký”.
Thầy giáo Tần, bạn chiến đấu của ông Phu, người có công dìu dắt San nên người đến chia buồn với ông Phu. Ông Phu mời cơm thầy giáo Tần, đôi bạn tri kỷ dốc bầu tâm sự: “Tôi muốn qua anh, gửi lời xin cấp đất tới cháu San, anh bảo cháu giúp tôi”. Ông Phu đỡ lời thầy giáo Tần: “Việc của anh, cháu nó có trách nhiệm phải lo. Nó lo cho người ta còn được nữa là cho anh”. Đúng là San lo cho người ta còn được, nhiều người được San giúp, có nhà cao, cửa rộng, họ không sao quên ơn San. Ông Phu lại nói: “Anh là phải có lô đất ở Trung tâm thương mại mới phải. Anh đã được cấp đất lần nào đâu, lại ở sâu, ở cao, dịp này phải được cấp đất ở. Không thể để anh phải chờ lâu”. Ông Phu còn đãi đằng: “Phải thế, không là không xong với tôi. Anh có hiểu vì sao tôi nói thế không? Vì các ông lãnh đạo thị xã này, có ông nào chê xuất đất đâu, mà lại toàn xuất đất  ngon, trăm cây vàng, chứ ít ỏi gì”. Thầy giáo Tần phân bua: “Đúng như ông nói, các ông ấy chẳng chê xuất đất nào đâu, nhưng có thí cho mình, thì cũng chỉ xương xẩu, còn nục nạc, họ ăn chân ăn tay nhau, đến gì thứ mình, thường dân”.
San xem hồ sơ xin cấp đất của thầy giáo Tần, thấy thiếu ý kiến tổ trưởng tổ dân, trực tiếp đến khối A, tổ 17, gặp ông tổ trưởng tổ này: “Ông giáo Tần ở sâu, ở cao, lại chưa được cấp đất ở lần nào, đúng thế, ông xác nhận vào đơn xin cấp đất ở cho ông giáo Tần”. Biết chuyện này, thầy giáo Tần rất lấy làm cảm kích: “Thằng San được đấy, nó giữ được nghĩa tình sau trước làm một”. Lại bà Xuyến điện xuống: “Anh xem lại hồ sơ xin cấp đất của em Hoè, còn thiếu gì không, sớm giải quyết cho nó”. San thưa: “Vâng ạ, cháu sẽ lo cho em trong dịp này, em không phải chờ lâu, bà yên tâm”. San xếp đơn cấp đất ở của ông giáo Tần và cô Hoè lên trên, giải quyết trước, chỉ còn chờ ông Tưởng ký là gửi thông báo cấp đất ở cho đương sự ngay. Nhưng ông Tưởng bị mổ cắt ruột thừa, việc cấp đất ở tạm đình lại, không thể khác được, cứ phải chờ ông Tưởng. San lại nhận được đơn xin cấp đất của chị Oanh, con gái thầy giáo Triệu. Chị Oanh hiện là Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phong Doanh, cần lô đất mặt đường, phố Thương mại, mở sạp hàng. Thầy giáo Triệu điện về, thăm hỏi tình hình sức khoẻ, công việc làm ăn của San, rồi đặt vấn đề Oanh, con gái ông xin cấp đất ở: “Em Oanh nó kinh doanh du lịch, phải có đất mặt phố, xin nơi khác chắc là không khó, thế mới phải cậy cửa anh, anh phải lo cho em trong dịp này, để ra giêng nó động thổ, được tuổi mà”.
San xếp đơn xin cấp đất của Oanh, con gái thầy giáo Triệu sau đơn cấp đất ở của cô Hoè, cháu bà Xuyến và thầy giáo Tần. Ông Tưởng ra viện, San đến thăm ông và đưa hồ sơ xin cấp đất ở của cô Hoè, của thầy giáo Tần và cô Oanh, con thầy giáo Triệu. Ông Tưởng hỏi: “Anh đã kiểm tra kỹ chưa, đúng tiêu chuẩn, đúng đối tượng cấp chưa ? Anh định cấp cho 3 vị này lô đất số mấy, ở phố nào ?”. San thưa: “Cấp ở phố Thương Mại, lô số 4 cho bà Oanh, lô số 5 cho ông giáo Tần, lô số 6 cho bà Hoè”. Ông Tưởng ký thông báo cấp đất ở cho ba người, danh sách đầu tiên trong số 100 hồ sơ xin cấp đất ở của cả thị xã, dồn cục lại từ năm kia đến giờ. San gửi thông báo đi rồi mới phát hiện ra, 3 lô đất ấy đã cấp cho 3 người trong ngành hải quan, họ đã nộp tiền, chờ giao đất. San đến thương thuyết với họ, nhưng không xuôi, bởi vì họ là những cán bộ trong ngành hải quan, đầu có sạn, lại nhiều tiền, không xong với họ, nếu họ không được giao đất. Người đầu tiên gặp San nói toạc ra ngay: “Tôi không nhận bất cứ lô đất nào khác. Anh giao đúng lô đất ấy cho tôi trong năm nay, tôi biếu anh chiếc Dream II đập hộp”. Người thứ hai, đến gặp San, rắn hơn: “Tôi sẽ kiện lên tỉnh, nếu anh không giao đúng lô đất trong thông báo cho tôi. Một khi tôi nhận được đúng lô đất của tôi, tôi cũng bồi dưỡng cho anh một con Dream II đập hộp”. Người cuối cùng đến gặp San, chỉ hỏi một câu ngắn gọn: “Tôi có được đúng lô đất Uỷ ban thị xã thông báo không? Không nói nhiều, anh cần gì, một Dream II đập hộp, được chưa? Cứ giao đất là có ngay”.
Bạn đọc thông thái kính mến. Chúng ta lạ gì những cuộc ngã giá đại loại như việc giao đất ở ở thị xã đông người hiếm đất này nữa. Tại sao vậy, xin thưa: “Mất một xe Dream II đập hộp, giá bấy giờ 5 cây vàng, cộng với khoản nộp lệ phí đất 45 triệu, vị chi 60 triệu, bán 300 triệu, còn rẻ chán, không vậy chó nào ném chiếc Dream II đập hộp qua cửa sổ”.
San lại lọ mọ đến gặp ba chỗ người trong nhà, “vặt đầu gãi tai” xin họ nhận lô đất khác, để 3 lô đất ấy cho 3 cán bộ trong ngành hải quan, không thì không xong với họ. Họ đã đi lại, giẫm nát lớp sỏi đầu ngõ nhà ông Tưởng, Chủ tịch xã chứ ít ỏi gì. Nhưng đến cửa ông Tần, ông này đã gay gắt: “Sao anh lại có thể làm cái việc trái lương tâm đạo lý ấy. Anh về đi”. San đến gặp bà Hoè, bà này cũng nhất quyết: “Tôi chỉ nhận lô đất thị xã thông báo cấp cho tôi. Chả nhẽ anh  ăn tiền của họ, anh bỏ rơi tôi?”. Còn nhà chị Oanh, San đến đúng ba bận, có mặt cả 2 vợ chồng chị ta, đều không xong. San nói xẵng với họ: “Nếu các người không nhận lô đất khác, cứ một mực đòi lô đất ấy, thì rồi chẳng có lô đất nào hết”.

*

Rốt cuộc, sau cuộc họp gia đình, gồm thầy giáo Tần, thầy giáo Triệu và bà Xuyến tại nhà ông Phu mới ngã ngũ được. Thị xã quyết giao đất ngay cho bà Oanh, ông Tần, bà Hoè ở khu đất mới san, không đẹp như ở phố Thương Mại, phố Chợ trung tâm, nhưng được cái không khí trong lành, thuận lợi kinh doanh du lịch, bán bấy giờ 400 triệu một lô đất vẫn còn hớ. Mọi người hể hả ra về, San chưa hết tức, chờ họ đi cả, anh ném một câu tục: “Ăn cả c...”. Ông Phu gọi con rể vào bảo: “Thôi con ạ, giận cá chém thớt làm gì, âu cũng là con người, ai chả tham”. San bảo: “Đất có ma bố ạ, chỗ nào cũng thiêng”. Trong nhà, ông Phu nghe điện thoại, đầu dây bên kia nhờ cho gặp San. San cầm ống nghe: “Dạ. Báo cáo anh, mai giao đất cho các anh bên hải quan ạ. Vâng. Mai em trực tiếp giao cho họ. Anh có dặn gì em không?”. Người vừa nói chuyện qua điện thoại với San là ông Chủ tịch thị xã vừa nhận được quyết định của tỉnh, đề bạt San làm Phó Chủ tịch thị xã, phụ trách giao thông công chính. Chủ tịch hỏi: “Anh có biết sự kiện quan trọng đối với sự nghiệp của anh không?. Anh trả lời : Dạ, không ạ. Anh nói dối, ai mà tin được./.
.
.
.

No comments: