Wednesday, December 8, 2010

LẠI NÓI CHUYỆN THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM - Phần 2 (Ngô Thiện Khải)

Ngô Thiện Khải
Phát thanh/cập nhật: 8/12/2010

Kính thưa quý thính giả, phần một bài viết nhan đề : “Lại nói chuyện tham nhũng ở Việt Nam!” của tác giả Ngô Thiện Khải đã nhắc lại vị trí của Việt Nam trong bảng bảng xếp hạng Chỉ số Tham Nhũng năm nay, do tổ chức vô vụ lợi Minh Bạch Quốc tế (Transparency International) thiết lập và báo cáo. Theo đó Việt Nam lại một lần nữa đứng chung hạng với Ethiopia và 6 quốc gia kém phát triển khác, ở vị trí thứ từ 116 đến 122 trên tổng số 178 quốc gia trong danh sách. Với số điểm 2.7 trên 10, mức tham nhũng ở Việt Nam thuộc vào nhóm 30% tệ hại nhất ở cuối bảng đánh giá này. Vị trí vừa kể của VN trong bảng xếp hạng tham những thế giới có lẽ không làm người ta ngạc nhiên, vì từ đã lâu tham nhũng ở Việt Nam đã được coi là một quốc nạn, và gốc rễ tham nhũng đã đâm sâu vào mọi lãnh vực và sinh hoạt trong xã hội qua việc phối trí nhân sự trong guồng máy nhà nước trong mục tiêu vì đảng và cho đảng. Các giới chức hữu trách Việt Nam vẫn thường khoả lấp tình trạng tham nhũng bằng cách cho rằng :”Nuớc nào cũng có tham nhũng, nên Việt Nam có tham nhũng cũng chỉ là bình thường”. Sự bao biện này hẳn nhiên là để che lấp những điều bất thường trong guồng máy cai trị ở Việt nam. Những bất thường đó như thế nào? Mời quý vị nghe sau đây những phân tích trong phần hai bài viết của tác giả Ngô Thiện Khải

*****

Do những nguyên nhân thâm căn cố đế, do cơ chế phi lý nên VN có một bộ chính trị, một trung ương đảng không hề được đề cập đến trong hiến pháp, nhưng lại độc tôn, độc quyền chi phối toàn bộ sinh hoạt quốc gia một cách độc đoán, không một ai hay một cơ quan nào chế ngự, kiểm soát được; mà chuyên quyền thì sinh ra lạm quyền, lạm quyền sinh ra tham nhũng. Vì vậy không thể nào tự biện minh bằng luận điệu "ở đâu cũng có tham nhũng", nên Việt Nam có tham nhũng cũng chỉ là bình thường. Kiểu khỏa lấp, đánh đồng các nước đều có tham nhũng như vừa kể chỉ cốt để che lấp những cái “không giống ai”, vốn là những thứ phát sinh ra tham nhũng ở Việt Nam.

Những quốc gia minh bạch đứng đầu bảng về thành tích không có (hoặc ít) tham nhũng là vì họ có sự minh bạch về quyền hạn và trách nhiệm của các cơ chế được quy định trong hiến pháp. Các sinh hoạt quốc gia đều dựa trên nền tảng pháp trị; lại có tự do ngôn luận để giúp sức phát hiện, ngăn chặn cái xấu, đề xướng và phát huy cái tốt. Có xã hội dân sự vững vàng để thực hiện hoặc điều hướng những sinh hoạt không thuộc về nhà nước cũng như về kinh tế, v.v...

Các quốc gia đó không hề có bộ chính trị hay trung ương đảng của bất cứ một đảng phái nào độc chiếm quyền hành hoặc đòi lãnh đạo toàn diện xã hội. Được lãnh đạo hay không là do quyết định của người dân bằng lá phiếu qua những cuộc bầu cử tự do và công bằng định kỳ theo hiến định. Và đó cũng là những nền tảng cho sự ổn định xã hội. Người ta có thể dễ dàng thấy điều này qua một số các quốc gia dân chủ đôi khi có khủng hoảng chính trị, các chính phủ bị thay đổi nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn; nhưng không vì thế mà sinh hoạt quốc gia bị hỗn loạn. Ngoài ra, những điều vừa nêu cũng chính là điều kiện cần thiết để bảo đảm không cá nhân hay phe nhóm nào tham nhũng mà vẫn có thể ung dung tiếp tục từ đời cha đến đời con trên đầu, trên cổ người dân.

Với những dữ kiện so sánh vừa nêu, người ta thấy việc thủ tướng và bộ máy cầm quyền tại Việt Nam hùng hổ tuyên bố quyết tâm diệt tham nhũng, hay cho tòa án xét xử một vài bộ mặt không còn dùng được nữa chỉ là những trò hề, không giúp gì cho việc chống tham nhũng.

Đảng Cộng Sản Việt Nam có thể đã quen thói tật nói cho qua, như quen ký cam kết quốc tế rồi quên, nhưng trong thời đại mới, với tài lực chắt chiu, kinh tế trồi sụt, khi người dân các nước cấp viện chất vấn chính nhà cầm quyền của họ về mọi chi tiêu trong ngoài, trong tinh thần minh bạch (transparency) và trách nhiệm (accountability), thì rồi sẽ đến lúc nhà nước Việt Nam với các áp lực quốc tế và đặc biệt là sự đấu tranh ngày càng rộng lớn của người dân, sẽ không thể tiếp tục hành xử trịch thượng đối với người dân Việt Nam như hiện nay.

Đối với người Việt Nam, thời hạn để nhà nước hiện nay chứng tỏ thiện chí và quyết tâm cải sửa đã kéo dài hàng mấy chục năm, nhưng họ càng sửa thì càng sai. Nếu người Việt Nam không muốn mang nỗi nhục cho đến đời con cháu, thì không còn cách nào khác ngoài việc tham gia, tự mình tháo gỡ các cơ chế gây nên sự độc quyền cai trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chính cái độc quyền cai trị đó đẻ ra nhà nước độc tài, nhân sự tham nhũng, công an bạo lực, và những luật lệ chồng chéo,... tất cả cốt chỉ để làm đệm êm cho ghế ngồi của các lãnh tụ.

Tham gia tháo gỡ như thế nào, thì phương thức đấu tranh bất bạo động đã chỉ ra hàng trăm cách, mà mỗi người đều có thể tham gia trong vị trí, hoàn cảnh của mình. Đây là cách tháo gỡ độc tài hữu hiệu, không gây đổ máu, mà nhà cầm quyền độc tài dù có biết cũng phải bó tay.

--------------------

Ngô Thiện Khải
Phát thanh/cập nhật: 6/12/2010
.
.
.

No comments: