Thursday, December 9, 2010

HS - TS - VN (Mai Hương)

Mai Hương
Thứ Năm, 09/12/2010

Mai Hương gửi tới Dân Luận

Chúng muốn ta quỳ – mỏi gối xin, cho
Để Hoàng Sa, Trường Sa máu cuộn cùng nước mắt
Để nỗi đau hóa lặng câm giữa hai hàm răng nghiến chặt
Để xa xót tủi hờn nhức mãi tâm can…

Vào năm 1992, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa ban hành một đạo luật tuyên bố rằng Biển Đông là của họ, rằng bất cứ tàu quân sự hay tàu khoa học nào của ngoại quốc đi ngang qua Biển Đông phải xin phép chính quyền Trung Quốc, nếu không sẽ bị đánh đắm. Sau đó, họ ra tuyên cáo cấm ngư dân Việt đánh cá trong Biển Đông, rồi loan báo về các cuộc tập trận của họ trong vùng.

Vào tháng 07/2007, một đơn vị Hải Quân Trung Quốc bắn chết 1 ngư dân Việt và làm một số bị thương, cũng như đánh chìm ngư thuyền Việt, gần đảo Trường Sa vì lý do họ gọi rằng những ngư thuyền này “xâm phạm lãnh hải” của họ. Vụ bắn giết này xảy ra trước sự chứng kiến của tàu Hải Quân Việt Nam. Tàu Hải Quân chỉ đứng nhìn chứ không có hành động nào để bảo vệ những ngư phủ của mình.Trong khi đó, Trung Quốc công khai tuyên bố rằng đã có 'thoả thuận chung' giữa Trung Quốc và Việt Nam về chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này.

Trước đó, vào năm 1999, Nhà cầm quyền Việt Nam đã bí mật ký một hiệp ước với Trung Quốc nhằm phân định biên giới phía Bắc Việt Nam. Nhà cầm quyền Việt Nam đã lén lút nhượng đất cho Trung Quốc. Nhiều dãy núi trước đây thuộc tỉnh Hà Giang và Lạng Sơn của nước ta nay thuộc về lãnh thổ của Trung Hoa.

Năm 2000, người dân Việt Nam lại một lần nữa bàng hoàng khi biết rằng chính quyền khiếp nhược của họ lại ký một hiệp ước khác, nhượng 11 ngàn km2 thuộc Vịnh Bắc Việt cho Trung Quốc.

Đến tháng 11/2007, một giọt nước cuối cùng đã làm tràn ly nước, khi Quốc Vụ Viện của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa thiết lập huyện Tam Sa để chính thức quản trị các quần đảo của VN thì cả ngàn sinh viên Việt Nam tại các Đại Học Hà Nội và Sài Gòn đã đồng loạt biểu tình phản đối. Để đàn áp, nhà cầm quyền cho hàng ngàn mật vụ và quân đội mặc quần áo dân sự, được huy động đến để triệt tiêu các cuộc biểu tình này.

Bất chấp những bức xúc của người dân, ngày 29 tháng 4 năm 2008 công an đánh đập dã man sinh viên Nguyễn Tiến Nam và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa khi họ tham gia biểu tình cùng một số người dân ở Thanh Hoá, Thái Bình, Hải Phòng đổ về Hà Nội biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa – Trường Sa cũng như lên án việc hải quân Trung Quốc bắn giết ngư dân Việt Nam trong Biển Đông.
Tôi ngước mắt vọng trời, trời rựng máu.
Tôi cúi đầu tìm đất, đất ứa lệ.
Hoàng Sa thiêng liêng.
Trường Sa thiêng liêng mãi trong trong lòng đất Mẹ
Tổ quốc muôn đời bất khuất Việt Nam.
(Hoàng Sa Trường Sa ầm ầm dậy sóng – Bùi Minh Quốc)

Vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày 28 tháng 7 năm 2008, một biểu ngữ có nội dung: “Tham nhũng là hút máu nhân dân; Lạm phát giá cả tăng cao là giết dân; Mất đất, biển, đảo là có tội với tổ tiên; Yêu cầu đảng Cộng sản thực hiện ngay dân chủ hóa đất nước - Đa nguyên – Đa đảng”; đã được treo tại cầu vượt Nam Thăng Long, Nội Bài thành phố Hà Nội.

Ngày 16 tháng 8 năm 2008 một biểu ngữ khác lại được treo tại cầu vượt Lạch Tray Hải Phòng với nội dung: “Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo Việt Nam. Dân chủ, Nhân quyền cho Nhân dân Việt Nam. Đa nguyên - Đa đảng cho Việt Nam”.

Công an được lịnh bắt giữ sáu người treo biểu ngữ, họ gồm có các ông: Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Hữu Tính, Nguyễn Kim Nhàn, Ngô Quỳnh.

Ngày 6 tháng 12 năm 2008 một cuộc biểu tình khác của thanh niên sinh viên Việt Nam phản đối Trung Quốc đã bị lực lượng an ninh dập tắt ngay từ đầu.

Nhà cầm quyền tiếp tục đàn áp dã man những người dân lên tiếng phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa Trường Sa như việc hành hung và bắt cóc bloger Điếu Cày. Bỏ tù anh hai năm rưỡi với tội danh bịa đặt trốn thuế. Cho xã hội đen hành hung cô Phạm Thanh Nghiên giữa đường phố Hải Phòng và kết án cô 4 năm tù vì hành vi toạ kháng tại nhà và treo băng rôn có hàng chữ ‘Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, phản đối công hàm bán nước 14/9/1958’.

Những bắt bớ của nhà cầm quyền đã làm tăng dần lên nỗi bức xúc cay đắng của những người dân yêu nước muốn bảo vệ tổ quốc. Tiếng nức nở của lòng dân được tìm thấy trong những câu thơ của Trần Mạnh Hảo:
Có nơi đâu trên thế giới này
như Việt Nam hôm nay
Yêu nước là tội ác
biểu tình chống ngoại xâm bị “Nhà Nước” bắt?
Các anh hùng dân tộc ơi!
Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo ơi!
nếu sống lại, các Ngài sẽ bị bắt!
ai cho phép các Ngài đánh giặc phương Bắc?

Đường ra biển dân tộc ta đang bị tắc
Phải giành lại Hoàng Sa từ anh bạn Thiên triều
tôi yêu Tổ Quốc tôi mà tôi bị bắt!
Tổ Quốc, yêu Người phải lấy máu mà yêu!
(Tôi Yêu Tổ Quốc Mà Tôi Bị Bắt-Trần Mạnh Hảo)

Từ tháng 4 năm 2010 người ta bắt đầu thấy xuất hiện những tờ rơi kêu gọi bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Và để đối phó lại với sự truy bức bắt bớ của nhà cầm quyền người dân tìm cách biểu lộ nhanh hơn, kín đáo hơn, những chữ viết tắt HS.TS.VN đã bắt đầu xuất hiện ở những nơi hoang vắng, trên bờ tường, bên vệ đường, nơi bến xe, góc cột đèn. Nó làm người ta nhớ đến chuyến đi bộ lịch sử của thánh Gandy ngày nào.

Rồi HS.TS.VN xuất hiện ở khắp nơi, công khai nơi cổng trường học, bên góc phố, nơi tấp nập đông người qua lại, ở Bình Dương, Củ Chi, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Hới, Quảng Bình, Thanh Hoá, Nam Định, Phan Thiết, Ban Mê Thuộc, Sài Gòn…HS.TS.VN thay ngàn người, thay ngàn lời giải bày lòng yêu nước với quê hương, nó đến từ trái tim, từ trách nhiệm, từ những giòng lệ nóng của người cựu bộ đội, từ nỗi xót xa của người sinh viên trẻ, nó bày tỏ tấm lòng của người ở ngoài nói với người trong tù, của những con người tay không đối diện với cường quyền:
Tôi vây giữa ngàn thông, ngàn hoa.
Gốc thông nào cũng khắc Hoàng Sa – Trường Sa.
Cánh hoa nào cũng nhắc Hoàng Sa- Trường Sa.
Vụt hiện lên một thời thơ ấu, ta lớn từ lệ máu,
ê a bên thềm miệng sữa ê a.
À ơi! Ơi ! à.
vỗ lòng ta tựa sóng Hoàng Sa – Trường Sa.
(Hoàng Sa Trường Sa ầm ầm dậy sóng – Bùi Minh Quốc)

Kèm theo những chữ viết ở mỗi địa danh là nỗi lòng của những người viết, những nỗi sợ, nỗi lo, nỗi hồi hộp của các sinh viên:
… Trên quốc lộ 22, hướng đi Củ Chi, là con đường mà chúng tôi chọn. Hồi hộp lắm khi ngắm nhìn lại các kết quả mà cả nhóm đã dán, sau khi trải qua những giây phút hồi hộp và lo lắng. Chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được góp một phần sức lực nhỏ bé của mình, thực sự đây sẽ là những kỷ niệm rất khó quên đối với từng người trong chúng tôi…

Của bác Mão tại quận Thanh Xuân người đã dám viết những chữ HS.TS.VN đầu tiên tại thủ đô Hà Nội:
Có ai biết để có Hà Nội bây giờ, bao nhiêu đời ông cố ông kỵ chúng ta đã đổ biết bao xương máu ra mới bảo vệ được cái nước này, cái thủ đô này suốt một nghìn năm qua? Thế mà bây giờ, giặc vào chiếm đảo, chiếm đất, chiếm biển, chiếm rừng thì ta lại chẳng dám đụng đến cả cái tên của chúng nữa. Chỉ rón rén gọi là “nước lạ, tàu lạ.” Thế thì ta có đáng đứng trên cái đất thủ đô này không, chứ đừng nói gì đến ăn mừng!

Của vô vàn những con người bình thường lặng lẽ khác ở khắp nẻo đường đất nước:
…Tôi tuy vẫn sợ, nhưng vẫn muốn tiếp tục làm. Tôi xin gởi Ban Biên tập mấy tấm hình chụp hành động yêu nước lén lút của tôi trong hơn 2 tuần qua. Viết tới đây, tôi muốn khóc. Yêu nước mà lại lén lút sao trời? Nhưng đành vậy chứ sao, vì tôi biết nếu mình có bị gì, thì sẽ không ai giúp được. Thôi đành nuốt hận yêu nước lén lút vậy.

Và của các sinh viên ở Quảng Ninh trong ngày quốc khánh:
… Rạng sáng 2-9, chúng tôi đã bắt đầu hành trình đưa 6 chữ "HS.TS.VN" thiêng liêng đến mọi con đường, ngõ xóm của tỉnh Quảng Ninh – quê hương vàng đen của Tổ Quốc. Hy vọng mọi người sẽ nhận ra rằng: Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, dù khó khăn hay ngặt nghèo đến mấy, những đứa con của đất mẹ Việt Nam vẫn sẽ can đảm đứng lên, khẳng định, bảo vệ Hoàng Sa & Trường Sa mãi mãi là khúc ruột của Việt Nam. Trong buổi sáng trọng đại này, khi nhà nhà phấp phới cờ hoa chào mừng ngày Quốc khánh, còn gì ý nghĩa hơn khi phố phường tràn ngập những dòng chữ đỏ khẳng định "Hoàng Sa & Trường Sa là của Việt Nam".

Những dòng chữ như thổn thức nhắc nhở nhau, ban đầu ở những nơi hoang vắng, dần dần công khai trên phố… Và cứ thế HS.TS.VN lại tiếp tục xuất hiện mỗi ngày, mỗi giờ trên từng địa danh của đất mẹ như để cùng xiết tay nhau muôn người như một, như để cùng nối tấm lòng nhau./.


----------------------------------

HS.TS.VN: Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam

.
.
.

No comments: