Saturday, December 11, 2010

HỘI THẢO "VĂN HÓA VIỆT THỜI TOÀN CẦU HÓA" (Người Việt)

Tuesday, December 07, 2010 5:00:41 PM

WESTMINSTER - Chiều 5 tháng 12, giới sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam tại Nam California đã có mặt khá đông tại Viện Việt Học để tham dự buổi hội thảo về “Tiếng Việt và văn hóa Việt thời toàn cầu hóa” do nhà bình luận Nguyễn Hưng Quốc từ Úc qua thuyết trình.

Cũng trong buổi sinh hoạt này nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn cũng từ Úc qua đã mang đến một chương trình âm nhạc đặc biệt với tựa đề “Tặng Vật Cho Người.”

Quang cảnh buổi hội thảo “Tiếng Việt và văn hóa Việt thời toàn cầu hóa” của Nguyễn Hưng Quốc tại Viện Việt Học, Nam California. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Tiếng Việt và văn hóa Việt với thế hệ đầu tiên của người Việt hải ngoại đã là điều làm nặng tâm trí trong cuộc sống của mình ngay khi mới tạm ổn định được trên miền đất mới. Những nỗ lực của thế hệ người Việt này, may mắn thay, đã đưa đến được kết quả là sự phát triển khá rộng rãi trong giới trẻ ngay tại những nước chưa có được những ưu ái của nhà cầm quyền trong phạm vi giáo dục, trừ Úc Châu là nước mà chính quyền đã áp dụng chương trình tiếng Việt như các ngoại ngữ khác trong các học trình tại Úc.

Có lẽ vì thế mà buổi thuyết trình của nhà bình luận Nguyễn Hưng Quốc đã thu hút các văn gia, báo giới và các nhà giáo dục người Việt ở Nam California đến tham dự đông chật cả trụ sở khiêm nhường của Viện Việt Học.

Không biết sự có mặt khá đông của một cử tọa phải nói là chọn lọc, có là điều làm hứng khởi cho thuyết trình viên không mà trong suốt gần một tiếng đồng hồ, diễn giả Nguyễn Hưng Quốc đã thu hút khá mãnh liệt sự chú tâm của mọi người.

Ðiều đầu tiên diễn giả mang đến cho mọi người là chuyện toàn cầu hóa không chỉ là chuyện kinh tế, chính trị, xã hội... mà cả đến văn hóa nữa. Trong thời toàn cầu hóa, Việt Nam vừa gia nhập thì liệu nền văn hóa Việt Nam sẽ thế nào và ảnh hưởng ra sao. Diễn giả cho rằng: “Văn hóa Việt Nam chưa sẵn sàng để bước vào toàn cầu hóa.” Diễn giả chứng minh nhận định của mình rằng “trong khi văn hóa Tây phương phát triển tự nhiên, thì Việt Nam vẫn là thứ văn hóa làng, cho người ta cảm giác văn hóa Việt Nam chưa thực sự được quốc gia hóa.” Diễn giả đưa ra những thực tế cụ thể như cho tới năm 1978, nhiều vùng quê Việt Nam vẫn còn quan niệm người miền Nam là “Người Việt,” còn người miền Bắc là “Người Bắc” thuộc xứ khác. Trong lãnh vực văn học nghệ thuật thì vẫn còn khuynh hướng coi văn học Việt Nam là văn học Hà Nội (?).
Thế mà trong tình trạng đó phải toàn cầu hóa văn hóa của mình, thì theo diễn giả “Toàn cầu hóa đối với văn hóa Việt Nam là một sự đứt đoạn, là một chấn thương...”

Ðề cập đến ngôn ngữ trong thời toàn cầu hóa, diễn giả đã lôi kéo được sự chăm chú của hết thẩy người nghe khi nêu ra thực tế sinh động của giới trẻ trong nước qua ngôn ngữ và sinh hoạt. Qua ngôn ngữ hiện nay ở trong nước và những hiện tượng văn hóa diễn ra trong sinh hoạt của người dân thì có điều nghịch thường là miền Bắc lại là nơi phát sinh ra loại ngôn ngữ “mới” và các chuyện “tiếu lâm thời đại” nhiều hơn ở trong Nam. Ðiều đó khiến diễn giả cho rằng “người dân miền Bắc phải chịu sống trong chế độ cộng sản lâu hơn người dân miền Nam nhiều nên đã có những phản ứng ngấm ngầm chống lại chế độ qua văn hóa (cách sống).” Những người dân ở miền Bắc cũng biết ngôn ngữ mới có nhiều điều sai nhưng họ cứ dùng như một cách “phá phách trong ngôn ngữ,” hay như một thách thức với xã hội. Sự phá phách hay thách thức gì, theo diễn giả thì không phải thách thức văn hóa mà là thách thức chính trị nhiều hơn. Một điều khác nữa là không chỉ có giới trẻ giang hồ sử dụng ngôn ngữ “mới” mà chuyện đó lại rất “vô tư” nơi các giới khác trong xã hội, như giới lớn tuổi, giới bình dân, giới có học và cả nữ giới nữa...

Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc thuyết trình đề tài đang được nhiều người quan tâm. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Có thể nói trong phần này, cả diễn giả lẫn khán giả đã có một sự hòa điệu, bởi hầu hết người Việt hải ngoại hiện nay, kể cả giới trẻ, cũng rất “xốn” tai khi nghe thấy những từ ngữ mới trong ngôn ngữ Việt Nam. Luôn luôn có những tiếng cười râm ran hoặc vỡ ra khi diễn giả nêu ra những thí dụ cụ thể mà nhiều người nghe cũng từng được nghe nhiều lần mỗi khi về đến quê nhà, hay có khi ngay tại hải ngoại trên một vài trang báo, trong buổi truyền thanh hay qua các chương trình truyền hình “lô cồ” (local).

Diễn giả cũng cho rằng ngôn ngữ là sự thay đổi trong tiến trình xã hội. Việc chấp nhận hay không là do từ sự đào thải tự nhiên của xã hội ấy, không thể có sự bắt buộc. Với người Việt hải ngoại, đang sống trong một môi trường sống, khác với trong nước dưới chế độ cộng sản, thì với loại ngôn ngữ mới này có nên du nhập hay không là tùy vào sự cân nhắc, ý thức của mỗi người, nhất là giới truyền thông báo chí và giới làm văn học nghệ thuật.

Kết thúc bài nói chuyện, phần lớn từ sự xuất khẩu tự nhiên của diễn giả, Nguyễn Hưng Quốc đã đưa đến một số các nhận định trong đó nhận định “sự toàn cầu hóa sẽ đưa đến tình trạng mọi chuyện đều được thương mại hóa, không có loại trừ nào với văn hóa.” Minh chứng rõ rệt nhất là các tác phẩm của nhà văn ăn khách nhất hiện nay ở trong nước là Nguyễn Huy Thiệp, mỗi năm in một tác phẩm thì đều là tác phẩm cũ, chỉ mới có một phần hay một truyện mới viết mà thôi. Toàn cầu hóa cũng đưa đến sự thiếu vắng văn hóa cao cấp trong lãnh vực văn hóa. Như văn hóa ẩm thực, Việt Nam đang lan tràn những cung cách “đặc sản” mà phần lớn là bình dân.

Toàn cầu hóa với văn hóa Việt Nam cũng đang dẫn đến nền “văn hóa Blog, văn hóa Mạng” khiến công an nhà nước CSVN đã mở ra mặt trận mới là đánh phá các website.

Tuy nhiên, diễn giả kết luận: “Toàn cầu hóa đến trong khi văn hóa Việt Nam chưa được chuẩn bị, nhưng cũng thức tỉnh cho người Việt rằng không phải cái gì của Việt Nam cũng là nhất.”

Ngay sau khi diễn giả chấm dứt phần nói chuyện, nhiều người tham dự đã lên đặt nhiều vấn đề để thảo luận cùng diễn giả và buổi hội thảo đã được diễn ra trong không khí cởi mở, thân thiết và tạo được nhiều sự đồng cảm với nhau.

Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc là tác giả của khá nhiều cuốn sách nhận định, phê bình về nhiều vấn đề liên quan đến Việt Nam từng được độc giả người Việt khắp năm châu trân trọng đón nhận. Nguyễn Hưng Quốc cũng là một chiến sĩ văn hóa chống lại văn hóa vô sản nên từng hai lần bị công an CSVN “làm việc” khá chu đáo khi ông về cộng tác các công tác giáo dục với một vài đại học ở trong nước. Chuyến đi này của ông tới Nam California nơi có thủ đô của người Việt tị nạn, theo ông mong ước là “để cổ xúy cho một thái độ mới cho văn học Việt Nam. Tùy chuyên môn của công việc của mỗi người, chúng ta hãy đóng góp một phần khác nhau vào công việc này, công việc 'Văn Hóa Việt Nam trong thời Toàn Cầu Hóa'.”

Vào cuối tuần này, Thứ Bẩy 11 tháng 12, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc còn có một buổi nói chuyện nữa về “Thực trạng và xu hướng văn học Việt Nam hiện nay” cùng với một chương trình nhạc của Hoàng Ngọc Tuấn tại nhật báo Việt Báo vào lúc 1 giờ chiều.

---------------------------------

Nguyễn Hưng Quốc :
.
.
.

No comments: