Việt Tân
Cập nhật ngày: 18/12/2010
Để đánh dấu Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 62, nhiều hoạt động đấu tranh đã được thực hiện nhằm áp lực nhà cầm quyền CSVN chấm dứt tình trạng chà đạp nhân quyền, đồng thời phải thả tất cả các nhà dân chủ đang bị giam cầm vì bất đồng chính kiến.
Năm nay, với hơn 17.000 chữ ký thỉnh nguyện thư của đồng bào khắp nơi trên thế giới trong 2 tháng qua, các phái đoàn người Việt đã đến bộ ngoại giao nhiều nước để vận động chính giới trong tuần lễ Ngày Quốc Tế Nhân Quyền năm 2010.
Vào ngày 6-12-2010, tại Canada, một phái đoàn đại diện Đảng Việt Tân, do anh Trần Duy Chính hướng dẫn cùng với 4 thành viên khác đã đến Bộ Ngoại Giao Canada ở thủ đô Ottawa để chuyển giao thỉnh nguyện thư yêu cầu can thiệp cho các nhà dân chủ Việt Nam đang bị giam cầm, đặc biệt là Giảng viên Phạm Minh Hoàng, Mục sư Dương Kim Khải, bà Trần Thị Thúy, và ông Nguyễn Thành Tâm. Phái đoàn cũng trình bày về hiện tượng nhà cầm quyền CSVN lạm dụng các điều luật 79, 88 trong Bộ luật hình sự của họ làm phương tiện bỏ tù những ai dám lên tiếng bênh vực cho lẽ phải.
Về phía Bộ Ngoại Giao Canada, bà Alexandra, phụ tá Bộ trưởng đặc trách các nước trong vùng Đông Nam Á, đã tỏ ra am hiểu tình trạng vi phạm nhân quyền có hệ thống tại Việt Nam và cho biết Toà Đại Sứ Canada thường xuyên theo dõi tình trạng này và cập nhật cho Bộ Ngoại Giao. Bà niềm nở tiếp nhận Thỉnh Nguyện Thư và cho biết sẽ trình lên Bộ Trưởng cũng như hồi đáp trong những ngày tới.
Tiếp theo đó, vào đúng ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10-12-2010, các phái đoàn của các tổ chức, cộng đồng Việt Nam và cơ sở Việt Tân tại Úc, Hoa Kỳ, Đức, Hòa Lan cũng đồng loạt có những buổi tiếp xúc, vận động Bộ Ngoại Giao và chính giới thuộc các nước này.
Tại Úc châu, phái đoàn đại diện Đảng Việt Tân, do Bác sĩ Nguyễn Đỗ Thanh Phong hướng dẫn, đã được Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Úc đặc trách Đông Nam Á tiếp kiến. Phái đoàn đã trao Thỉnh Nguyện Thư với hơn 17.000 chữ ký yêu cầu chính phủ Úc can thiệp cho các nhà dân chủ trong tù ngục hiện nay, và cập nhật một số trường hợp đàn áp nhân quyền gần đây tại Việt Nam . Hai phía đã thảo luận một số phương hướng để hỗ trợ người dân Việt Nam đấu tranh cho dân chủ vì đó cũng là lợi ích cho sự ổn định dài hạn trong vùng và các quyền lợi kinh tế của người dân Úc. Ông Thứ Trưởng nhấn mạnh Úc là nước rất quan tâm đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam . Chính phủ của ông đã nhiều lần đặt vấn đề này với nhà nước CSVN. Về các hỗ trợ cụ thể, ông cho biết sẽ làm việc với Tòa Đại Sứ Úc, và phối hợp với Tòa Đại Sứ Pháp tại Việt Nam để can thiệp cho các nhà dân chủ đang bị giam giữ.
Tại Đức Quốc, nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10.12, vào lúc 11 giờ, Ủy Ban Điều Hợp Những Công Tác Đấu Tranh tại CHLB Đức (UBĐH) đã cùng phối hợp với các đoàn thể, đảng phái bạn như Linh mục Đỗ ngọc Hà; Hội Phụ Nữ Tự Do tại CHLB Đức, Bà Trần thạnh Lộc; Hội Phụ Nữ Berlin, Bà BS Lâm; Đảng Dân Tộc (ông Trần Văn Sơn); Đảng Việt Tân (bà Lý Thị Khiếu); đại diện Vietnam-Haus; Tổ Chức Sinh Hoạt NV tại CHLB Đức (ông Phạm Công Hoàng), đã đến bộ ngoại giao Đức để trình bày về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Phái đoàn Việt Nam đã được bà Melanie Moltmann, ông Kremer và ông Dirk Sander đại diện Bộ Ngoại Giao niềm nở đón tiếp. Phái đoàn trình bày về tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng đang xảy ra hàng ngày trên cả nước Việt Nam , và liệt kê một số trường hợp cụ thể đối với các nhà dân chủ, đồng bào dân oan, các tôn giáo.
Bà Lý Thị Khiếu, đại diện Đảng Việt Tân trong phái đoàn, đã trao đến Bộ Ngoại Giao Đức danh sách hơn 17 ngàn chữ ký thỉnh nguyện thư được thu thập trong hai tháng qua, yêu cầu nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho bốn đảng viên VT — bà Trần Thị Thúy, ông Nguyễn Thành Tâm, mục sư Dương Kim Khải và giảng viên Phạm Minh Hoàng – và các nhà dân chủ khác đang bị cầm tù.
Về phía Bộ Ngoại Giao Đức, ông Sander cho biết, nhân quyền rất quan trọng đối với cá nhân ông và chính phủ Đức. Ông mong muốn có được thêm nhiều dịp tiếp xúc với cộng đồng người Việt tại Đức trong tương lai để có thêm các dữ kiện cập nhật về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam hầu có thể hỗ trợ hữu hiệu hơn.
Đại diện Bộ Ngoại Giao Đức tiếp kiến phái đoàn người Việt.
Cũng trong ngày 10-12, tại Hoà Lan, lúc 10g30 sáng, một phái đoàn người Việt gồm 7 đại diện Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hoà Lan và Đảng Việt Tân đã đến Bộ Ngoại Giao Hoà Lan tại thành phố Den Haag để trình bày về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Phái đoàn được bà Innes Coppoolse, Quyền Giám Đốc Vụ Á Châu và bà Jelly Koouwen, chuyên viên về chính sách Bộ Ngoại Giao, tiếp đón.
Trong hơn 1 tiếng đồng hồ, phái đoàn người Việt đã trình bày về tình trạng vi phạm nhân quyền với những bằng chứng cụ thể về các vụ công an đàn áp người dân, ngay cả đánh đập đến chết hay bắn thẳng vào đám đông; các vụ giam cầm phi pháp đối với các nhà bất đồng chính kiến, các lãnh đạo tôn giáo, và các bloggers để bịt miệng họ. Và nghiêm trọng không kém là hiện tượng nhà cầm quyền Hà Nội lạm dụng các điều luật Hình Sự 79 "âm mưu lật đổ chính quyền" và điều 88 "Tuyên truyền chống phá nhà nước" cho nỗ lực đàn áp các tiếng nói yêu nước và tranh đấu cho lẽ phải.
Phái đoàn đặc biệt nêu lên trường hợp cụ thể của 4 đảng viên Việt Tân đang bị giam giữ - giảng viên Phạm Minh Hoàng, Mục Sư Dương Kim Khải, bà Trần Thị Thuý và nhà truyền đạo Nguyễn Thành Tâm. Tất cả những người này đều tranh đấu ôn hoà để đòi quyền tự do tôn giáo, công bằng xã hội qua việc khiếu kiện đòi lại đất đai đã bị các quan chức chế độ cưỡng chiếm. Đây là những việc làm được người Việt khắp nơi ủng hộ mà 17000 chữ ký trong thỉnh nguyện thư gởi Bộ Ngoại Giao Hoà Lan là bằng chứng.
Đại diện chính quyền Hoà Lan, bà Innes Coppoolse xác định lãnh vực nhân quyền là một trong những lãnh vực luôn được chính phủ Hoà Lan quan tâm. Bà cho biết chính phủ Hoà Lan luôn cố gắng trong lãnh vực ngoại giao để cải thiện tình trạng nhân quyền tại các quốc gia có vi phạm trầm trọng, và sẽ có một số nỗ lực cụ thể trong thời gian tới.
Phái đoàn Cộng Đồng người Việt tại Bộ Ngoại Giao Hòa Lan.
Song song với công tác ngoại vận, tại các thành phố lớn, những cuộc biểu tình tuyệt thực của người Việt cũng đã diễn ra cùng với một số sinh hoạt đấu tranh khác nhân kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền.
Tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, dưới thời tiết giá lạnh khắc nghiệt, một cuộc biểu tình tuyệt thực 24 tiếng đồng hồ, do đảng Việt Tân tổ chức, đã diễn ra trong 2 ngày 10 và 11-12-2010 trước tòa đại sứ CSVN.
Đoàn biểu tình giương cao các bức ảnh chân dung phóng lớn của những nhà dân chủ đang bị giam giữ trong nước trong cuộc tuần hành tố cáo hành động vi phạm nhân quyền, đàn áp người dân trong nước của nhà cầm quyền CSVN.
Tiếp theo đó là cuộc tuyệt thực 24 giờ của 14 đại diện người Việt trên khắp Hoa Kỳ và Canada . Đặc biệt trong buổi sinh hoạt thắp nến vào buổi tối, các tuyệt thực viên và đồng bào tham dự đã có dịp tâm tình cùng với các nhà dân chủ trong nước như Linh mục Phan Văn Lợi, Hòa thượng Thích Thiện Minh, Luật sư Lê Trần Luật, nhà dân chủ Nguyễn Ngọc Quang, Luật sư Lê Thị Công Nhân.
Biểu tình tuyệt thực trước tòa đại sứ CSVN tại Washington DC (Hình bbc.co.uk/vietnamese).
Tại Đức Quốc, vào chiều ngày 10-12 ở Hamburg , Hội Người Việt Tị Nạn Cộng Sản Tại Hamburg đã tổ chức một buổi biểu tình phát truyền đơn trước nhà ga chính, kéo dài từ 16 đến 18 giờ. Ban tổ chức đã trưng bày nhiều biểu ngữ, hình ảnh tố cáo tội ác của Đảng CSVN cùng với những bằng chứng về sự chà đạp nhân quyền và cam tâm làm tay sai cho Trung cộng của nhà cầm quyền CSVN Hà Nội.
Biểu tình trước nhà ga Hamburg, Đức.
Tại Berlin, Đức Quốc, lúc 4 giờ chiều ngày 10-12, trong khu công viên Wittenberg dưới ánh sáng của vạn ánh đèn mùa Giáng Sinh, với dòng người xuôi ngược nhộn nhịp chuẩn bị mùa lễ, các hội đoàn người Việt đã dựng một bàn thông tin và phát tán tài liệu về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Người dân Berlin , một phần của Đông Đức cộng sản trước đây, đã chia xẻ niềm cảm thông sâu xa với người dân Việt Nam . Họ biết và còn nhớ rõ thế nào là sống trong một đất nước không có nhân quyền và thường xuyên sợ hãi.
Ngày hôm sau, 11-12, cũng tại Berlin, người Việt tại Đức đã tổ chức một cuộc biểu tình trước tòa đại sứ CSVN ở quận Treptow, tố cáo những tội ác của ĐCSVN đã làm đối với đất nước và dân tộc Việt Nam. Cuộc biểu tình bắt đầu lúc 13 giờ và kéo dài suốt 2 tiếng đồng dưới cơn mưa phùn giá rét.
Biểu tình trước toà đại sứ CSVN ở Berlin .
Tại Hòa Lan, cuộc biểu tình do Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hoà Lan tổ chức đã diễn ra trước sứ quán CSVN tại thành phố Den Haag, lúc 13g00 ngày 10-12, ngay sau khi phái đoàn người Việt tiếp kiến với Bộ Ngoại Giao Hòa Lan. Mặc dù thời tiết giá rét khắc nghiệt nhưng đã không ngăn được tấm lòng của đồng bào Hòa Lan đối với đồng bào quê nhà.
Phát biểu tại cuộc biểu tình, ông Chủ tịch cộng đồng Nguyễn Liên Hiệp ca ngợi tinh thần của các đồng hương đến tham dự cuộc biểu tình bất chấp thời tiết. Và hướng về sứ quán CSVN, ông yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội phải chấm dứt tình trạng chà đạp nhân quyền tại Việt Nam .
Biểu tình trước sứ quán CSVN ờ Hòa Lan.
Trong ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10-12-2010, tại Paris, Pháp Quốc, Hiệp hội các quốc gia Á châu tranh đấu cho nhân quyền, tổ chức buổi biểu tình thắp nến vào lúc 18giờ 30 tại quãng trường Nhân Quyền Trocadéro Paris quận 16. Cộng đồng Việt Nam đã cùng với các cộng đồng bạn, Tây Tạng, Miến Điện, Đài Loan, Trung Hoa dân chủ, và sinh viên Pháp đồng loạt đòi hỏi Bắc Kinh phải trả tự do cho nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba, đòi hỏi các chế độ độc tài, trong đó có chế độ độc tài CSVN phải tôn trọng nhân quyền. Hà Nội không được đàn áp những người lên tiếng đòi hỏi công bằng, cũng như tranh đấu bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải đang bị Bắc Kinh thôn tính. Đặc biệt những người gốc Trung Hoa trong cuộc biểu tình cũng phản đối việc Bắc Kinh lấn chiếm Việt Nam .
Sau các phát biểu của Thượng Toạ Thích Quảng Đạo, Bác sĩ Phan Khắc Tường đại diện cộng đồng Việt Nam, Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo thuộc Đảng Việt Tân lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội phải trả tự do cho các nhà dân chủ Việt Nam đang bị giam cầm, trong đó có các đảng viên Việt Tân - giảng viên Phạm Minh Hoàng, mục sư Dương Kim Khải, bà Trần Thị Thúy, ông Nguyễn Thành Tâm. Buổi lể kết thúc vào lúc 21giờ cùng ngày, với phần thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân bị các chế độ độc tài và Cộng Sản bức hại từ trước đến nay.
Cũng tại Paris, vào ngày 14-12, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) cùng với thân nhân giảng viên Phạm Minh Hoàng đã tổ chức một cuộc họp báo liên quan đến việc bắt giữ trái phép ông Hoàng. Cuộc họp báo cho biết CSVN đã vừa tăng hạn “tạm giam" ông thêm 4 tháng nữa. Giáo sư Hoàng, một đảng viên Việt Tân, bị công an bắt ngày 13-8 với tội danh gán ghép là "âm mưu lật đổ chính quyền" theo điều 79, Bộ luật hình sự CSVN. Ngày 28-9 Bộ Công an CSVN cho biết đã ra quyết định khởi tố ông Phạm Minh Hoàng về tội này.
Tại buổi họp báo, Tổng thư ký RSF, ông Jean François Julliard, cho biết RSF sẽ tiếp tục sát cánh với cộng đồng người Việt tranh đấu cho sự tự do của ông Hoàng, kể cả các vận động cá nhân với tân Ngoại trưởng Pháp, bà Michèle Alliot Marie.
Trước đó vài ngày, bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ giảng viên Phạm Minh Hoàng, thay mặt gia đình gửi thư cảm tạ quý đồng hương, ân nhân và các vị dân cử ngoại quốc trên khắp thế giới đã nhiệt tình bày tỏ sự quan tâm hỗ trợ qua việc ký tên vào thỉnh nguyện thư gửi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu, khối ASEAN và các bộ trưởng ngoại giao nhiều nước để kêu gọi họ can thiệp cho anh Phạm Minh Hoàng, Mục sư Dương Kim Khải, bà Trần Thị Thúy và ông Nguyễn Thành Tâm. Bà cho biết, với "hơn 17 ngàn chữ ký của quí vị đối với chúng tôi thật vô cùng quý báu, là niềm khích lệ lớn lao đối với chúng tôi, nói lên sự đồng tình và cảm thông với những hành động của chồng tôi cũng như những người yêu nước khác đã bị giam cầm một cách phi lý, chỉ vì họ đã bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa".
Tổ chức RSF họp báo tiếp tục tranh đấu cho giảng viên Phạm Minh Hoàng.
Cùng với những sinh hoạt ngoại vận, biểu tình tại các thành phố lớn tại các quốc gia có đông người Việt cư ngụ, một số sinh hoạt đặc thù khác cũng được ghi nhận trong thời điểm kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền năm nay:
Một buổi hội luận với chủ đề Vấn Đề Nhân Quyền Tại Việt Nam trên diễn đàn Paltalk, do Ủy Ban Phối Hợp Hành Động Vì Dân Chủ tổ chức, đã diễn ra trong ngày 10-12. Các diễn giả tại buổi hội luận này gồm các vị đại diện UBPH và Linh mục Phan Văn Lợi (VN), Luật sư Lê Thị Công Nhân (VN), Nhà văn Vũ Thư Hiên (Pháp) và Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích (Hoa Kỳ).
Đảng Dân Chủ Nhân Dân cũng cho biết trong ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10-12 đã nỗ lực treo biểu ngữ, vẽ khẩu hiệu và rải truyền đơn tại nhiều tỉnh thành, tố cáo Đảng CSVN vẫn đang chà đạp nhân quyền, vi phạm tinh thần bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Vào ngày 6-12 từ Saigon, Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế, người sáng lập Cao Trào Nhân Bản, đã đưa ra một bản tuyên bố chung của người Việt tham gia đấu tranh cho tự do, dân chủ tại Việt Nam nhân kỷ niệm năm thứ 62 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Văn bản này tố cáo CSVN không hề tôn trọng các quyền căn bản được quy định trong bản tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền LHQ mà họ đã long trọng ký kết. Bản tuyên bố tiếp tục được nhiều người cùng ký tên. Bác sĩ Quế nhận định rằng “Bất cứ nhà nước nào không tôn trọng hiến pháp nước mình, cũng như luật lệ quốc tế đã cam kết thừa nhận, thì nhà nước ấy đã phản bội, không còn tính chính danh, và người dân có chính nghĩa khi phải đòi lại những quyền căn bản của mình để thiết lập một nền dân chủ pháp trị.”
Ngoài ra như hàng năm, lễ trao Giải Nhân Quyền 2010 đã diễn ra đúng ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10-12 tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Giải Nhân Quyền được thành lập từ năm 2002 bởi tổ chức Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam. Từ đó đến nay, mỗi năm MLNQVN đã cứu xét trao Giải Nhân Quyền cho những người tranh đấu bất bạo động cho lý tưởng Nhân Quyền tại Việt Nam . Năm nay, Giải Nhân Quyền Việt Nam được trao cho ông Đoàn Huy Chương và ký giả Trương Minh Đức. Cả hai nhà tranh đấu cho nhân quyền này hiện đang bị nhà cầm quyền CSVN giam giữ.
Lễ trao giải Nhân Quyền VN năm 2010.
Ban Thông Tin Đảng Việt Tân – 17/12/2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment