Gia Minh, biên tập viên RFA
2010-12-13
Trong ngày hôm nay, hai cơ sở của hội thánh Tin Lành Mennonite tại Quận 2, thành phố sẽ bị cưỡng chế theo lệnh mà cơ quan chức năng đưa ra.
Tuy nhiên theo đối tượng bị cưỡng chế thì biện pháp này có những điểm không theo đúng qui trình luật pháp Việt Nam .
Mục Sư Nguyễn Hồng Quang cầm lệnh cưỡng chế hội thánh Mennonite. Photo courtesy of vietnameseutah
Thực tiễn
Lệnh cưỡng chế được giao cho người điều hành Hội thánh Tin Lành Mennonite tại Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10 tháng 12, và ngày thực hiện chỉ bốn hôm sau đó. Hai cơ sở của hội thánh Tin Lành Mennonite trong diện cưỡng chế, thì một trụ sở được cho biết không nằm trong sơ đồ qui hoạch được công khai cho người dân điạ phương.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang, người phụ trách hội thánh Tin lành Mennonite tại quận hai, thành phố Hồ Chí Minh, trích dẫn những văn bản luật pháp mà chính quyền điạ phương không tuân thủ, cũng như những điều mà bản thân ông cho là không phù hợp khi đưa ra lệnh cưỡng chế đối với hai cơ sở của giáo hội mà ông đang phụ trách:
"Báo chí Việt Nam có đăng về nhận thức vấn đề. Dân chúng, cử tri có đối thoại với chính quyền nhiều lần. Khi chứng minh pháp lý, dân thắng, pháp lý thắng. Khu phố một nằm ngoài phạm vi thu hồi đất, nhưng rồi họ lấy lý do làm đẹp cảnh quan nên thu luôn Khu phố 2, Bình Khánh, khu phố 1, Bình An, Trại phong Thanh Bình của Công giáo…Tất cả những khu này nằm ngoài qui hoạch Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, ngoài quyết định thu hồi đất. Hiện nay nhà cầm quyền áp lực ‘ghê gớm’, nhưng khi dân lên nhận tiền họ cho là ‘tự nguyện’ di dời.
Chúng tôi đã quyết định khởi kiện vụ án hành chánh, kiện Uỷ ban Nhân dân Quận 2 về quyết định bồi thường, thu hồi đất. Tòa đã thụ lý.
Cơ sở của chúng tôi trong tổ 79, chúng tôi nói với cơ quan chức năng là họ thu hồi đúng, nhưng trình tự thu hồi sai qui định. Pháp luật vận dụng về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, áp giá đền bù cũng sai luật quốc gia, sai luật hiện hành.
Chúng tôi có gửi đơn khiếu nại lên cơ quan cao hơn là Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Theo nguyên tắc của Khoản 2, Điều 148/105 của Luật Nhà ở, trong trường hợp cưỡng chế, quyết định đó phải ‘cuối cùng’ ngoài thời hiệu khiếu nại, và phải có phán quyết cuối cùng của Tòa án hay của cơ quan thẩm quyền cao nhất cuối cùng. Trường hợp đất có nhà ở không được cưỡng chế cho đến khi có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng.
Tôi đã gặp Bí thư, nhưng thấy họ không có cơ sở pháp lý. Luật sư, cơ quan Tài nguyên-Môi trường mà chúng tôi hỏi ý kiến tư vấn đều cho rằng quận 2 sai luật."
Một người từng cư ngụ tại Trung tâm Mục vụ Hội thánh Tin lành Mennonite trong 10 năm qua, mục sư Phạm Ngọc Thạch trình bày tình hình trước cưỡng chế:
"Khu vực trong ruộng chúng tôi ở đã 10 năm. Tại nơi này có bảy khẩu: có người già, có người bệnh liệt giường. Vợ chồng tôi có con nhỏ chín tháng tuổi. Họ đưa quyết định khẩn cấp có ba ngày phải giải tỏa, làm sao chúng tôi có thể xoay xở để dọn đi đến nơi nào. Họ lại giải tỏa một lần luôn hai căn. Như vậy chúng tôi đi đâu? Ác hơn nữa họ cắt điện khi còn ba ngày nữa mới giải tỏa. Nơi chúng tôi không có điện có nước, trong khi chốt gác cách đó chừng 50 mét thì điện sáng choang…"
Ông Đinh Quang Hải, một tù nhân mãn hạn hồi trong năm, và đang tá túc tại Trung tâm Mục vụ Hội thánh Tin lành Mennonite ở quận 2, thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết tình hình tại đó trước khi cưỡng chế:
"Tối hồi hôm tôi đi làm về, an ninh đi theo vào tới nhà; sáng nay đi từ trong đó ra họ cũng đi theo suốt luôn."
Vào sáng ngày 13 tháng 12 chúng tôi liên lạc đến Văn phòng Uỷ ban Nhân dân quận hai để tìm hiểu sự việc, nhân viên văn phòng cho biết chủ tịch Quách Thành Cang bận đi họp, và vấn đề phải hỏi Thanh Tra Xây dựng quận hai:
"Ông Tất Thành Cang đi họp. Việc giải tỏa thì hãy liên lạc Thanh Tra Xây Dựng."
Tuy nhiên khi chúng tôi liên lạc với Thanh tra Xây dựng Quận hai thì nhận được câu trả lời thẩm quyền thuộc Uỷ ban Nhân dân Quận:
"Ở đây thuộc quận, nên thẩm quyền trả lời ở quận."
Lâu nay, nhiều người dân tại Việt Nam phải đi khiếu kiện liên tục đến các cấp từ điạ phương đến trung ương. Họ bỏ công ăn việc làm, chịu dãi nắng dầm sương vì cho rằng việc cưỡng chiếm nhà cửa, đất đai mà họ sử dụng không đúng pháp luật.
Họ trưng ra đầy đủ giấy tờ và các qui định luật pháp mà chính quyền điạ phương không thực hiện trong quá trình giải quyết vụ việc như trường hợp mà mục sư Nguyễn Hồng Quang vừa trình bày. Do đó tình trạng khiếu kiện kéo dài và xảy ra khắp nơi.
Theo dòng thời sự:
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia . All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment