Monday, December 13, 2010

ĐÊM VĂN NGHỆ "KHÁCH THÍNH" TẠI VIỆN VIỆT HỌC


Nguyên Huy/Người Việt
Sunday, December 12, 2010

WESTMINSTER (NV) - Một đêm văn nghệ “khách thính” vừa diễn ra tại Viện Việt Học vào tối hôm Thứ Bảy, 11 tháng 12. Khoảng trên 100 thân hữu của viện có mặt vừa để tham dự trình diễn vừa để thưởng thức tài nghệ tiếng hát, tiếng đàn của nhau.

Cô Kim Ngân, một trong những người điều hành sinh hoạt của Viện Việt Học cho biết: “Ðây là lần thứ bẩy, anh chị em thân hữu có máu văn nghệ của viện yêu cầu tổ chức để mọi người có cơ hội được sinh hoạt trong một không khí giải trí lành mạnh. Tuổi trẻ thì mong mỏi được biết thêm về một vài khía cạnh về đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Mỗi tháng chúng tôi tổ chức một lần kể từ tháng 6 đến nay. Lúc đầu thì cũng chỉ có ít người nhưng qua một vài lần tổ chức, số người đến tham gia cứ ngày một đông nên những buổi sinh hoạt trở nên rất phong phú cả về hình thức lẫn nội dung.”
Ban hợp ca của Ðêm Văn Nghệ tại Viện Việt Học đang trau chuốt rủ nhau “Về đây nghe em.” (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Lần này không khí đã có vẻ gia đình khi mọi người đến sinh hoạt đem theo vài khay thức ăn để mời nhau cùng lót lòng trước khi say sưa tiếng hát với cung đàn hằng 3, 4 tiếng đồng hồ.
Thân hữu Nguyễn Minh, người điều hợp chương trình lần này đã tuyên bố khai mạc buổi diễn sau 45 phút dành cho việc ăn uống. Theo MC Nguyễn Minh thì buổi sinh hoạt lần này gồm có 2 phần, phần trình diễn của các tiếng ca tài tử trong số thân hữu của viện và phần thứ hai là phần “hát cho nhau nghe” cho tất cả những ai muốn hát.
Ngay sau lời tuyên bố của MC, chín thân hữu nghệ sĩ của viện thướt tha trong những chiếc áo dài nền nã bước lên sân khấu. Bảy tiếng hát nữ và hai tiếng hát nam thu hút được ngay sự chú ý của mọi người trong bản nhạc “Về Ðây Nghe Em” của nhạc sĩ Trần Quang Lộc. “Về đây nghe anh, về đây mặc áo the, đi guốc mộc để lòng mình vào lời ca dao, để lòng mình... và về đây nghe lại tiếng xưa... ” Nhạc đã hay mà tiếng hát lại rất quyện tròn, ngọt ngào như những tiếng ru của quê hương chìm khuất. Cả chín giọng ca hòa trộn trong tiếng hợp ca không kém một ban hợp ca chuyên nghiệp nào, nếu không muốn nói là còn hơn một số ban hợp ca chỉ chú trọng đến hình thể trình diễn.
Mỗi tiếng ca là mỗi góc tâm tình. Mỗi tiếng ca là mỗi lời mời gọi. Mỗi tiếng ca là mỗi nhắn nhủ thương yêu. Tất cả những “mỗi” ấy đã hoàn tất một tâm tình chung là “chúng ta có mặt ở đây là để chia sẻ cùng nhau cuộc sống, chia sẻ cùng nhau những nhức buốt tâm tình, chia sẻ cùng nhau những vấn vương một thời đã qua biết bao lưu luyến.”

Chưa hết bàng hoàng trong những phút mở đầu đêm văn nghệ “khách thính” thì ban tổ chức đã giới thiệu ngay mục kế tiếp. Tiếng hát của nhạc sĩ Bùi Khánh, một người rất hăng say trong việc tổ chức những đêm văn nghệ khách thính đã qua. Tiếng hát Bùi Khánh cũng làm mọi người thích thú khi anh đưa điệu nhạc dịu êm nhịp Boston của Từ Công Phụng trong bài nhạc vượt thời gian “Bây Giờ Tháng Mấy” thành nhịp Fox-Trot dậm dật lôi cuốn. Rồi đến tiếng hát Thu Hà quá ngọt ngào, hiền hậu với “Thuyền Trăng” của Văn Phụng trong nhịp Bolero da diết hẹn hò. Rồi tiếp đến Giáo Sư Lê Trung qua bài “Người Tình Không Chân Dung” khắc khoải một tình yêu lứa đôi tràn tình yêu tổ quốc, đến Mina Uyển rộn rã trên keyboard do chính cô thả 10 ngón tay ngà đệm cho tiếng hát của mình.
Và thích thú biết bao nữa khi cô giáo Jenny Trần, một bạn trẻ mới 28 tuổi, bước lên sân khấu nhỏ nhẹ thay Phạm Mạnh Cương qua khúc “Thu Ca” nhịp nhàng, quyến rũ của điệu Tango.
Tất cả những tiếng hát trong phần “sinh hoạt trình diễn” đều có mức nghệ thuật đạt lòng người. Giọng ca trong, nhịp điệu vững, trình diễn với phong thái đài các, sang cả, nên buổi sinh hoạt đã làm mê đắm lòng người tham dự.
Khi phần trình diễn chấm dứt, mọi người đều thấy một khoảng trống thiếu vắng. Nhưng đã tiếp ngay sau đó là phần “Hát cho nhau nghe.” Hát cho nhau nghe là một tiết mục trong những buổi sinh hoạt hội đoàn “cây nhà lá vườn.” Mục này có khi nghe được nhưng nhiều khi phải miễn cưỡng vỗ tay.
Cô giáo trẻ Jenny Trần, một tiếng ca thân hữu của Ðêm Văn Nghệ Viện Việt Học, trả lời phỏng vấn đài LA-18. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/124365-big_DP-101210-VanNgheVVH%202.jpg

Trong đêm “khách thính” tại Viện Việt Học, phần không như thế mà đã thể hiện được sự tôn trọng nhau. Phần lớn những thân hữu tới đóng góp trong mục này đều đã lượng giá được tiếng hát của mình nên chương trình hát cho nhau nghe đã trở thành sinh hoạt “khách thính” thật sự. Cả người hát lẫn người nghe đều như trao cho nhau những tình cảm trân quí của mình qua âm nhạc, nhất là phần này lại được giới trẻ tham gia rất đông và thường lại chỉ hát những ca khúc tiền chiến hay nhạc thời chinh chiến mà không có một ca khúc khích động nào của loại nhạc mà chúng ta thường gọi là nhạc trẻ.

Hỏi cô giáo trẻ Jenny Trần vừa xuất hiện trong bài “Thu Ca” của Phạm Mạnh Cương về việc này, cô nhận xét: “Nhạc xưa, thời mà Jenny chưa sanh ra, nó là nhạc của tâm hồn người, thể hiện phong phú tình cảm con người, nó đưa con người vượt lên. Còn nhạc trẻ thời nay, nó ồn ào, phơn phớt không nói lên được cái gì ngoài sự kích động và nhuốm tính cách thương mại nhiều.”

Hỏi thêm thì được biết cô có lớp học “Step-Up, Tutoring” ngay bên cạnh Viện Việt Học. Cô cho biết thấy hoạt động của viện đã giúp cho giới trẻ Việt Nam hải ngoại biết đến quê hương đất nước, giúp cho tuổi trẻ sống và biết thêm về truyền thống văn hóa của dân tộc mình nên cô đã tham gia chương trình này và sẽ hướng dẫn học trò của cô để các em có ý thức về quê hương dân tộc. Jenny Trần tốt nghiệp CSU Long Beach ngành sư phạm, qua Mỹ cùng gia đình năm 1992 và thường được nghe nhạc Việt Nam từ bé “như những lời ru của mẹ,” cô nói tiếp như thế.

Khách thính là một hình thức sinh hoạt văn học nghệ thuật mà giới văn nghệ sĩ trí thức ở Âu Châu nhất là ở Pháp vào thế kỷ thứ 18 thường tổ chức tại các tư gia, trong các lâu đài của các vương tôn công tử. Khách thính qua đến Việt Nam thường dưới hình thức các cuộc họp mặt thân tình giữa anh chị em bằng hữu, phần nhiều thuộc một giới nào đó trong xã hội thượng lưu. Tại hải ngoại, hình thức văn nghệ khách thính hay được diễn ra nơi tư thất của giới bác sĩ, luật sư nhất là vào thời gian phong trào hát Karaoke thịnh hành.

Nay Viện Việt Học, theo yêu cầu của các thân hữu có máu văn nghệ, tổ chức được những buổi văn nghệ chan chứa tình nghệ sĩ như bảy lần tổ chức đã qua thì người tham dự có thể coi như là những buổi văn nghệ “khách thính” của giới am tường văn học nghệ thuật xưa vậy.
.
.
.

No comments: