Monday, December 13, 2010

DƯƠNG QUẢNG HÀM và NHỮNG NGÀY HÀ NỘI NỔ SÚNG THÁNG 12-1946

Wednesday, December 08, 2010

Trong trận nổ súng chống Pháp tại Hà Nội đêm 19 tháng 12, 1946 và kéo dài hai tháng - giữa 8,000 tự vệ thành (thanh niên sinh viên học sinh, không có quân chính qui CS) và 4,500 quân Pháp - người Pháp chết và bị thương 3,800, ta chết vô số kể, trong có Giáo Sư Dương Quảng Hàm, người đầu tiên soạn bộ Việt Nam Văn Học Sử.

Một cảnh hiếm có: Thanh niên sinh viên học sinh yêu nước đào hào chiến đấu giữa Hà Nội. Không thấy báng dáng một người bộ đội nào.

Nếu muốn nói đến một bậc thầy mà sách trước-tác ảnh hưởng tới nhiều thế hệ thanh niên trí thức Việt Nam trong thế kỷ XX, ít nhất là trong lãnh vực văn học, thì người ấy là Giáo Sư Dương Quảng Hàm.

Giáo Sư Dương Quảng Hàm, còn có bút hiệu khác là Hải Lượng, sinh ngày 14 tháng 7, 1898, mất vào tháng 12 năm 1946. Ông quê ở làng Phú Thị, huyên Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, xuất thân từ một gia đình Nho học, nên theo học chữ Nho từ nhỏ, sau ra Hà Nội học quốc ngữ và năm 1920, tốt nghiệp trường Cao Ðẳng Sư Phạm Ðông Dương. Từ năm 1920-1946, ông dạy tại trường Trung Học Bảo Hộ (Trường Bưởi, sau này là Chu Văn An.)

Ông là em ruột nhà thơ Dương Bá Trạc, cả hai anh em đều chết trẻ. Dương Bá Trạc hoạt động cách mạng cùng Phan Chu Trinh, vào mật khu Yên Thế với Hoàng Hoa Thám, năm 1944 được Nhật đưa đi Singapore cùng với Giáo Sư Trần Trong Kim và chết tại đấy nội trong năm ấy. (*)

Dương Quảng Hàm là nhà biên khảo đầu tiên về văn học sử Việt Nam, biên soạn bằng chữ quốc ngữ, đó là bộ Việt Nam Văn Học Sử Yếu, in vào tháng 6 năm 1941. Sách được tái bản rất nhiều lần, được bộ Quốc Gia Giáo Dục công nhận là sách giáo khoa cho học sinh bậc trung học. Sách gồm 48 chương, nghiên cứu về các giai đoạn phát triển văn học Việt Nam: Thời Lý Trần (thế kỷ XI-XIV), thời kỳ Lê-Mạc (thế kỷ XV-VIII), thời kỳ Cận Kim (thế kỷ XIX), thời kỳ hiện đại, đầu thế kỷ XX, giai đoạn hình thành một nền quốc văn mới, trong chương này ông giới thiệu các thi, văn sĩ hiên đại với những tác phẩm thể hiện một phong cách thơ văn mới. Ngoài ra còn có những chương về văn chương bình dân, ảnh hưởng của Tàu và Pháp trong văn chương Việt Nam, các chế độ về thi cử, vấn đề ngôn ngữ văn tự, các thể văn.

Ông còn để lại một số những tác phẩm như: Tập Bài Thi bằng Sơ Học Yếu Lược (1902, soạn cùng với người em là Dương Tự Quán) - Những Bài Lịch Sử An Nam Dùng Cho Học Sinh Các Lớp Nhì và Nhất Các Trường Tiểu Học Pháp Việt (1927). Ông còn dịch Lục Vân Tiên và có vài tác phẩm viết bằng tiếng Pháp: Lecon d' Histoire d' Annam, Lectures litteraires sur l'Indochine.

Từ thập niên '40 tới nay, có thế hệ thanh niên nào không học hỏi Dương Quảng Hàm qua cuốn Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Văn Học Việt Nam hay Việt Nam Thi Văn hợp Tuyển? Trong các cuốn trên, cuốn sử yếu in lần đầu năm 1943. Tại miền Nam sau 1954, cuốn sách trên là căn bản cho các giáo trình sách giáo khoa chính thức bậc Trung học, in đi in lại nhiều lần. Tới 1975, không rõ có bao nhiêu triệu người đã học hỏi từ cuốn sách ấy. Ra khỏi lớp học, vào đời, nếu đi dạy học hay bước vào nghề văn học, người ta lại cần tới sách vở của Dương Quảng Hàm một lần nữa, lần này lâu cả chục năm. Song người ta học hỏi từ sách ông, tra cứu sách ông bất cứ khi nào, mà hỏi về cuộc đời ông thì chẳng mấy ai biết được gì, chưa nói tới chuyện biết cho rõ ràng.

Những năm qua lục tìm tài liệu về Dương Quảng Hàm, có kẻ bâng khuâng, buồn bực. Một người để lại những tác phẩm lớn lao và căn bản về văn học sử Việt Nam như ông, mà hầu như không thấy ở đâu nói đến. Hay nếu có, chỉ là những nét sơ sài. Tác phẩm ông lớn lao vì nhiều nguyên do, trong có nguyên do mãi năm 1943 nước ta mới có bộ văn học sử đầu tiên, và ông là người biên soạn bộ sách đầu tiên ấy. Ông biết rõ điều đó khi viết: “Ai cũng biết rằng hiện nay không có quyển sách nào chép về văn-học lịch-sử nước ta, không nói gì những sách tham khảo tinh tường cho các học giả dùng, ngay đến những sách tóm tắt các đại cương cho học sinh dùng cũng không có.” (1)

Ðặt tầm sách quan trọng như thế nên khi soạn sách, ông theo “những phép-tắc soạn sách” riêng của mình, nhưng cũng là những khuôn vàng thước ngọc mà ông kể ra như sau:
-“hết sức cẩn thận... điều gì xác thực, chắc chắn mới chép... lấy sự thực làm trọng.”
-“mỗi việc quan trọng kể ra, mỗi cái chứng cớ dẫn ra, thường có chưa rõ xuất xứ.”
-“Việc học văn-học-sử phải căn cứ vào các tác phẩm:... không những cần biết những điều cốt yếu về thân thế và văn nghiệp của mỗi tác giả, lại cần đọc nhiều thơ văn của tác giả ấy mới có thể lĩnh hội được cái khuynh hướng về tư tưởng và cái đặc sắc của văn từ của tác giả ấy.”
-“chú thích kỹ lưỡng.”
-“lấy sự minh bạch làm trọng.” (1)
…..

Nhưng không phải vì ít tài liệu về Dương Quảng Hàm mà rồi không viết về ông, cho nên có người cho rằng cứ phải viết, biết đâu tài liệu sẽ tới; như trong đêm khuya tĩnh mịch, vẳng nghe một điệu sầu trong gió, im lặng mà nghe, sẽ thấy xa xa vọng lại một âm hưởng hòa nhịp nào đó, cho dù rất đỗi mơ hồ. Vì sao trong những đêm trăng, ta thường nghe tiếng hạc vàng? Có khi cuối đường tuyệt lộ, ai ngờ lại gặp tri âm?

Không phải tự dưng số báo tháng 12 này viết về Giáo Sư Dương. Tháng 12 năm 1946, đêm 19, Hà Nội nổ súng đánh Pháp vào lúc 20 giờ, và trong trận đánh ấy, hay ngay trong đêm ấy, có thể trong ngày và đêm sau, trên các con đường của kinh thành, những góc phố của thủ đô, trong khói lửa mù trời, Dương Quảng Hàm đã “mất tích.” Từ điển Tác giả Việt Nam viết: “Ông mất tích tại Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.” Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, cũng một tác giả soạn, hai tháng sau, không dùng chữ “mất tích” nữa. Chỉ viết là ông “mất.” Có một sự cân nhắc nào, và tại sao, Cục Xuất Bản trong bộ Văn Hóa Thông Tin tại Hà Nội lại phải can thiệp để tác giả viết khác đi như thế? Từ mất tích đến mất, cái tích kia là thế nào? Có chỗ khác lại nói ông bị Pháp giết.

Từ ngày “Toàn Quốc Kháng Chiến” 19 tháng 12, 1946 tới nay, đã trên 60 năm, trong có 35 năm hòa bình. Lẽ ra với thời gian ấy, sách vở nghiên cứu văn học ít nhất đã phải có một bài về những tháng ngày cuối cùng của nhà biên khảo tên tuổi nhất trong ngành. Tới nay chúng tôi chưa thấy.

Tại Sài Gòn năm 1966, Giáo Sư Phạm Thế Ngữ viết về cuốn Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm chỉ có đúng mười dòng, trong có mấy dòng này: “Tuy nhiên bộ sách xuất hiện vào 1943 có thể coi như tổng hợp tất cả những gì đã thâu lượm được sau mấy chục năm người ta để ý nghiên cứu văn chương và chế độ nước nhà. Ðó cũng là bộ văn học sử đầu tiên hoàn bị, chép từ khởi thủy đến hiện đại.” (2)

Chúng ta ngưỡng mộ ông, thương tiếc ông, chưa đủ. Chúng ta còn cần làm sáng tỏ cái chết của ông. Phải có câu trả lời cho những câu hỏi sau đây:
Dương Quảng Hàm chết như thế nào? “mất,” “mất tích,” “chết trong đám cháy,” “Pháp giết” hay “bị CS ám hại” vì ông là Việt Quốc?

Chú thích:
(*) Theo Một Cơn Gió Bụi của Trần Trọng Kim
(1) Dương Quảng Hàm, 'Biên tập đại ý,' Việt Nam Văn học sử yếu, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Sài Gòn, 1958, trang 3, 4, 5.
(2) Phạm Thế Ngữ, Kim Văn Tân Tuyển, Anh Phương, Sài Gòn, 1966, trang 453.
.
.
.

No comments: