Dạ tiệc quỷ – Chương 3 : Cưỡng hiếp một đôi chân
Võ Thị Hảo
Posted on 21/12/2010 by Báo Dân
http://danlambao.wordpress.com/2010/12/21/da-tiec-quy-chuong3/
DCVOnline & Dân Làm Báo - Bạn đọc thân mến, Dạ Tiệc Quỷ là tiểu thuyết của nhà văn Võ Thị Hảo viết về một thời kỳ đầy biến động và đau thương trong lịch sử Việt Nam từ những năm 1954 đến nay. Tác phẩm được hoàn thành từ năm 2006, nhưng không được xuất bản tại VN.
Nhằm chống lại sự kiểm duyệt, “Dạ tiệc quỷ” đã được DCVOnline khởi đăng từ hôm 17/12. Sau khi 2 chương đầu của tác phẩm được xuất bản, thì DCVOnline lập tức bị tin tặc tấn công dữ dội, buộc phải đình bản nhiều ngày.
Được sự cho phép của Ban Biên Tập DCVOnline, Dân Làm Báo xin được tiếp tục đăng những phần tiếp theo của “Dạ Tiệc Quỷ”, với mong muốn được chia sẻ những khó khăn mà DCVOnline đang gặp phải, đồng thời giúp bạn đọc đang quan tâm đến tác phẩm được tiếp tục theo dõi.
Xin chân thành cảm ơn Ban Biên Tập DCVOnline đã tin tưởng gửi đăng và giới thiệu tác phẩm đến đông đảo bạn đọc Dân Làm Báo. Xin chúc các bạn sớm khắc được khó khăn và mau chóng quay trở lại
Thân ái !
***
Mời các bạn đọc lại các chương trước của Dạ tiệc quỷ :
Chương 1 : Lời Nguyền
Chương 2 : Trăng lạnh
***
Chương 3 : Cưỡng hiếp một đôi chân
Võ Thị Hảo
Chết!
- Nó chết thật?
- Nó cả gan chết ?
- Nó dám treo cổ?
Ông Dậm lẩm bẩm như mê sảng.
Ngoái nhìn gương mặt vã mồ hôi lạnh, tái xanh tái tử của Lình.
Cái thây đang đung đưa trước mặt nhoè đi.
Hiện lên một cái thây khác.
Trong tiếng chân chạy rậm rịch, tiếng la hét ắng nghẹn của ai đó.
Cũng là thây người thắt cổ.
Một thây khác. Còn ấm nóng. Mũi giày thêu đập vào mặt ông.
Đôi giầy ấy, đêm hôm trước, ông đã nhìn thấy, đã nhớ. Và nhớ rất rõ.
Không, ông nhớ rõ cái đôi chân nhỏ xíu, trắng xanh, lồng quyền quý trong đôi giấy gấm này. Giầy gấm kết cườm thêu chỉ bạc.
Ông đã cưỡng hiếp đôi chân ấy. Lấy hai bàn chân đã chết cứng ấy mà cọ vào dương vật của ông cho đến khi ông gào rú lên.
Ông đã gào rú lên vì khoái cảm khi nhìn thấy đôi chân nhỏ xinh như hai chiếc lá bươm bướm bạc nắng. Đôi chân ông đã trộm nhìn thấy, thấp thoáng ẩn hiện dưới gấu váy lĩnh óng chuốt trong những dịp bà Cử cùng cô Phượng đi phát chẩn.
Con mắt ông Dậm hoăm hoắm theo đôi chân từ hôm ấy, thấy bụi đất bám vào đế giày gấm mà tiếc của, rồi ông nghĩ ngược lên, ông mường tượng ngược lên bắp chân, từ bắp chân ngược lên đầu gối rồi từ đầu gối ngược lên đùi và lên cao, cao nữa.
Nhưng ông Dậm chịu thua, không mường tượng nổi. Cả đời ông chưa được nhìn thấy một cái gì đẹp đẽ như bà Cử và Phượng.
Không thể biết nó tròn méo ra sao, ông điên cuồng muốn được nhìn thấy. Điên cuồng muốn đập nát cả túp lều và gốc cây cổ thụ cả chín sinh mạng nhà ông nương thân. Để thoả thuê tốc cái váy lĩnh lên, nhìn chằm chặp vào cặp đùi lạ lẫm, cưỡng hiếp cả hai cái người có đôi chân như đôi lá bươm bướm ấy.
Rồi thì đôi chân đi giầy ấy thõng xuống, tái nhợt, đung đưa ngay cửa giữa ngôi nhà lớn mà ông vừa cướp được của ông Cử.
Cái thây thắt cổ ấy đập thẳng vào mũi ông lúc gà gáy.
Lúc gà gáy, ông hùng hổ dẫn đầu một đàn bảy đứa con và vợ, rời túp lều lá ngoài bờ sông, tay cuốc tay thuổng xông vào. Ông lại gào thét xỉ vả mấy đứa con cầm xà beng, cầm cào, dao phay dao phát đang chần chừ phải phá tung cánh cổng chính, đập vỡ nát cánh cửa gỗ lim của gian chính điện, xông vào.
Cái thây còn ấm nóng, vừa treo cổ chết, đập vào mặt ông đêm ấy là của bà Cử.
Người đàn bà có đôi chân đã bị ông cưỡng hiếp tối hôm qua.
Và ngày hôm qua cũng là ngày óc ông Cử đã bị loạt đạn súng kíp tự chế bắn vãi tung ra ngoài ruộng mạ.
Cánh cửa gỗ lim nhà ông Cử chắc chắn đến mức bà Cử kịp treo mình lên xà nhà và tắt thở trước khi ông Dậm cùng đàn con phá xong cửa, hằm hè xông vào.
- Nhà nó có mả thắt cổ.
Như bị đánh trúng gáy, ông Dậm vục mặt vào tường. Đôi vai xệ xuống.
Nhưng chỉ trong chốc lát, ông Dậm đã hồi lại. Ông thét:
- Nhà lũ bóc lột có mả ăn cắp. Mả thắt cổ.
Ông lại lẩm nhẩm, mặt tươi lên:
- Đó là con đường tất yếu của những kẻ bóc lột. Cán bộ đội đã phổ biến thế! Quả thật người nói mà như thần nói, không sai một ly.
Ông Dậm lại vồ lấy chiếc cào phân lợn bên cạnh, lăm lăm trong tay, huơ lên đầu Lình:
- Thế cái lũ bóc lột phản động nó kêu gào cái gì bậy bạ trước khi nó chết? Mày nghe gì?
Lình nhìn bố, mắt đỏ đọc:
- Nói bố nghe, lại chửi mất mả.
- Nói! Mày phải nói!
- Bố muốn à?
- Mày không nói, tao đập chết!
- Thôi được. Bố muốn đập chết thì cứ đập. Tôi cũng chẳng thiết sống.
Mẹ Cả bảo: nghe mẹ trẻ gào lên: Tao chết đi nguyện làm giống quỷ, báo thù cho cha mẹ họ hàng chết thảm. Vô phúc. V… ô… ph… ú… c.
- Khốn nạn!
Ông Dậm ngồi bệt xuống đất. Chốc lát, quay ra, mắt long sòng sọc:
- Con mẹ già mày đâu? Nhìn thấy nó thắt cổ mà không ngăn lại. Rặt một lũ chó chết!
Ông Dậm thét. Chiếc cào phân vung lên, đập đánh hự vào đầu Lình.
Lình choáng váng ngồi thụp xuống. Không kêu la. Nét mặt không động. Chuyện cơm bữa.
Ông Dậm không đập bất cứ cái gì vớ được trong tay, bất cứ lúc nào, vào đầu cậu mới là chuyện lạ.
Cung cách ông Dậm đập cái gì đó vào đầu Lình thật diệu nghệ. Giống như con rắn đang bò êm ru trên cỏ như đang bỏ đi, như đang mơ màng tận bên kia bờ ao, bỗng thình lình quay ngoắt lại mổ một phát chí tử vào con nhái.
Như một người tiện tay quẳng đi miếng vỏ cam vừa bóc xong. Những chiếc răng của chiếc cào phân không trúng đầu, sượt qua má, để lại một vệt xước chạy từ thái dương xuống mũi. Đôi mắt xếch của Lình lại lần nữa toé lửa.
Từ khi biết chạy trên những gốc rạ nhọn để lùa vịt hay chăn trâu thuê, bấu chân trên mặt đường làng trơn trượt, mọi lỗ chân lông dựng đứng, cố bám níu đường trơn cho khỏi ngã vập mặt, vai bị dây thừng siết tướp đỏ máu, cố trì kéo những bó cỏ to gấp năm lần cái thân còm cõi, Lình không nhớ rõ đã bao lần cậu toan giết bố.
Mỗi sáng, vừa mở mắt, Lình lại đứng dậy, quay mặt về hướng đông, nhìn mặt trời bắt đầu ló chùm tia trên rặng ổi xanh mốc ở Bụi Thằng Quỷ. Lình nhổ nước bọt lên lòng bàn tay trái, dùng bàn tay phải đập bép một nhát cho thiêng.
Lình quỳ xuống khấn.
Khấn rằng ngày hôm nay, ông Trời có thương Lình thì xin hãy cho sét đánh chết tươi cậu và ông bố của cậu. Khấn rằng trời hãy giết ông Dậm chết đi, chết ngay, cho ông không thể ác với cậu, mẹ cậu và mọi người được nữa.
Lình mong mỏi được nhìn thấy ngày ông Dậm chết do bàn tay ông trời.
Lình khấn: Tôi nói dứt khoát với trời đây này! Nếu trời không giết bố tôi hoặc giết tôi, tôi sẽ giết bố!
Nước mắt Lình chảy mặn xót trên đôi má chi chít vết thương. Vết thương mới chồng lên vết cũ. Từ những cú đánh bất thình lình của ông Dậm.
Thường thường Lình chuẩn bị giết bố vào khoảng nửa đêm.
Khi sau một ngày Lình mệt nhoài, chân đầy vết đỉa cắn. Những dòng máu chảy ra miệng những cái vết thương tròn ghê tởm, nhờn nước dãi và nọc độc từ cái miệng hút máu của lũ đỉa. Nếu không biết bóc lá nón cũ ra mà dán vào, máu trong người sẽ cứ rỉ ra mãi. Máu nơi chân Lình đã được cầm lại bằng nước miếng và lá nón, đen bầm loang lổ dọc bắp chân.
Những đêm Lình thốt tỉnh sau một giấc ngủ ngắn, người đầm đìa mồ hôi lạnh, là lúc Lình lủi như một con chó dại vào xó buồng, mắt cũng vằn những tia máu như mắt chó dại.
Bà Cả nhiều lần trông thấy thằng Lình – con cả của bà, nửa đêm chồm dậy, mắt long sòng sọc, ôm đầu chui vào xó buồng, miệng lảm nhảm vừa rên khóc vừa chạy tới chỗ chiếc áo của bố nó vắt trên sào, giật lấy rồi dùng hai tay gồng lên vừa vặn, xoắn, vừa rú lên như bóp cổ ai đó.
Kết thúc những cơn mê sảng ấy, đứa con cả của bà lại lăn ra ngủ.
Bà đến gần, thấy một vết thương mới trên đầu trên mặt Lình.
Những vết thương đó chẳng lần nào giống lần nào. Lúc tròn lúc méo. Lúc rộng lúc hẹp.
Bà thuộc lòng hình thù của các loại vết thương trên đầu Lình.
Bởi vì, trên người bà, cũng đầy những vết thương với hình thù đa dạng như vậy.
Nó tuỳ thuộc vào kích thước và loại đồ vật nào mà ông Dậm vớ được lúc ông đột nhiên lên cơn tức giận và ông lập tức trút vào đầu một ai đó.
Đương nhiên, người gần ông nhất là người được tận hưởng.
Có điều khác với thằng con cả, những vết thương của bà hội họp nhau ở chỗ khác. Không ở trên đầu.
Đó là khu vực vú và cửa mình.
Bầm tím. In những ngón tay xoắn vặn, máu ri rỉ chảy.
Đó là đặc ân của người chồng dành cho vợ.
Ông Dậm cho rằng vợ là một loại gia súc không phải nuôi, thậm chí nó còn nuôi lại mình và lũ con. Vợ mang hình thù của con người, bị xích bằng trăm ngàn sợi dây chắc hơn dây thừng lông lợn. Nhược điểm duy nhất của vợ kém loài gia súc, là không đem mổ thịt được nhưng bù lại, không có loài gia súc nào sống lâu như thế.
Ban đêm, trong ngôi nhà lớn, im rợn, lạnh lẽo của ông Cử, mẹ con bà Cả và Lình cùng những đứa con khác tận hưởng mộng mị và thế giới của riêng mình.
Bà Cả cũng vụng trộm một mơ tưởng giết chồng.
Sở dĩ bà sống được vì giấc mơ ấy.
Nhưng khi mặt trời lên, mọi thứ đổi khác.
Những tia mặt trời xuyên qua nhà này sau một đêm chật chội ác mộng đã mang màu xanh lét. Và gương mặt bà Cả, Lình cùng sáu đứa còn lại cũng chuyển màu theo.
Một sự phục tùng vô điều kiện. Một sự luồn cúi thảm hại hoàn toàn xâm lấn gương mặt bà Cả.
Bà lom lom lo sợ nhìn mặt bạo chúa của bà. Chỉ cần ông chồng nhếch mép, bà sẵn lòng chiều ý và sẵn lòng bò xuống đất để ông khỏi nổi giận.
Bà nể sợ, thậm chí hãnh diện vì ông Dậm của ngày hôm nay khác hẳn ông Dậm của một năm trước.
Trước đây, ông bị cả làng gọi là phường khố rách áo ôm. Thì nay, ông oai phong. Mỗi lần ông đi qua, cả làng cúi mặt. Nếu ai không tránh được thì lại xoăn xoe luồn lọt.
Cả một đời đói rạc đói rài. Nếu trước đây mùa giáp hạt nào cả nhà bà cũng lo chết đói, thì nay, bà chỉ ngồi một chỗ cũng thu được ối thứ. Những kẻ đánh dậm hay đặt lờ bắt lươn, mang nơm đi đơm cá, khi mò lên bờ, việc đầu tiên phải làm là lựa những con lươn, con cá to nhất cho vào một giỏ, đem đến nhà ông Dậm trong khi quần áo còn ướt lướt thướt.
Mà ai cũng biết, đem đến nhà ông là phải lựa lúc.
Cái lúc ông Dậm và cán bộ đội cải cách đang ở nhà, để nhìn thấy món quà biếu của họ.
Bở vì, nếu không, rất có thể bà Cả nhanh tay mang ra chợ bán trộm mà ông Dậm không biết.
Vì cả làng ai cũng thuộc tính ông Dậm.
Dù đã có được một ngôi nhà lớn với nhiều của chìm, bản thân hút điếu bát vàng chiếm được của ông Cử, sáng rượu trưa rượu tối rượu, nhưng ông Dậm vẫn giả nghèo giả khổ, bắt vợ con phải mặc áo rách, ăn cơm độn ba phần khoai hai phần rau má.
Lình cũng vậy, khi mặt trời mọc.
Mặt trời lên độ con sào, Lình đã cày được áng chừng một phần ba thửa ruộng. Con trâu được chia “quả thực” cũng từ chuồng trâu của ông Cử đã bắt đầu thở hồng hộc, trở chứng không muốn bước, thì trở đường cày, đã thấy bố ngật ngưỡng đi ra ruộng, miệng còn nồng nặc hơi bữa rượu buổi sáng.
Ông Dậm đứng đầu bờ, tay chống nạnh, bắt đầu quát tháo bắt bẻ đường cày sao không thẳng, sao mày cày được ít thế. Sao tao đẻ ra mày, tao chăm chỉ đầu tắt mặt tối, làm hộc tốc dốc gan mửa mật mà mày lười chảy thây, ngủ ươn xác, sắp đứng ngọ rồi mà chưa được ba đường cày.
Ban ngày, hễ thấy bóng ông bố là Lình giật thột, co rúm lại.
Căm và sợ.
Nỗi sợ lâu ngày thành quen, như con nhái tê điếng đi khi nhìn thấy con rắn.
Tê điếng thế này, là thói quen từ năm Lình lên năm tuổi đến bây giờ. Lình lên năm, ông Dậm mang Lình đi đánh dậm. Nước ngập đến cằm, có lúc lút cả đầu sắp chết đuối vẫn phải lội xuống vì sợ bố. Mỗi lần Lình sơ ý để sổng một con cá to cỡ nửa bàn tay hoặc vào mùa đông rét căm căm, Lình cố ngủ nướng không thức dậy đúng giờ Tý để đi cất vó tôm, ông Dậm thộp ngực áo cậu, đấm đá tận lực, đến lúc đứa con còm cõi rũ ra như một miếng giẻ rách và ông mệt thở hổn hển mới thôi.
Trước năm mười bốn tuổi, Lình là một đứa trẻ thất thần, thường run như giẽ, nghe tiếng ai nói to là muốn lăn ra chết giấc… Mỗi khi bố đấm đá đau quá, Lình còn biết ôm chân bố van lạy, nước mắt lã chã.
Nhưng đến mười bốn tuổi rưỡi, khi chỏm tóc chạm mái lều, ra vào cửa đều phải cúi đầu, người nhà ngạc nhiên nhìn thằng Lình.
Nó đã trở thành một người khác. Nó trở nên dạn đòn. Nếu ông Dậm nổi cơn đấm đá, nó không kêu khóc, không van xin, chỉ đứng nhìn trân trân ra phía rặng ổi. Miệng thầm khấn mặt trời.
Khi thằng Lình không biết lạy bố nữa, ông Dậm từ đấm đá chuyển sang thói đập và đạp.
Hễ trong tay cầm cái gì là ông đập luôn vào đầu thằng con cả. Nhiều lần ông đập chày hoặc gạch vỡ, thằng Lình có nhanh nhẩu nghiêng người tránh được không chết nhưng cũng tạt ngang mặt, máu chảy luễ loã.
Thực ra Lình không chết là bởi ông Dậm đập cũng có nghề như bố ông trước đã từng đập ông. Ông bố vừa đập vừa giảng giải: tao đập mày là để tao dạy mày. Sau này mày phải thờ tao cả đời vì mày đã được bố mày đập đấy con ạ. Thương cho roi cho vọt. Các cụ dạy thế. Tao đập mày đau nhưng không phạm chỗ hiểm, vì để mày sống, còn có thằng cày ruộng, thằng chống gậy.
Trong những trận bị đòn, ông Dậm đã bao lần nghiến răng thầm nghĩ, sau này có con, ta quyết không bao giờ đánh con, vì ta đã bị bố ta đánh đập như con chó con trâu, ta muốn giết bố ta. Để con ta sau này không giết bố, ta sẽ không đánh đập chúng.
Nhưng khi đã có con, ông Dậm bỗng sinh thói đánh đập vợ con tàn tệ. Nhiều khi nhìn thằng Lình hoặc vợ máu chảy ròng ròng, ông Dậm cũng thoáng ân hận, nhưng rồi sau lại đâu vào đấy.
Lình cũng quen dần, đã biết luyện miếng nghiêng đầu né đòn. Có thể tránh những cơn điên giận có báo trước, khi thấy mặt ông Dậm sầm sì. Nhưng những cơn nổi điên bất thường của ông thì không biết đường nào mà lần.
Đôi lúc, nhìn máu trên đầu con chảy xuống má thành dòng, bà Cả xót con gào khóc, quên cả sợ, liều mạng lôi cả tông cả giống nhà ông Dậm ra mà chửi.
Thế là ông Dậm sấn vào, túm tóc vợ tát liên hồi kỳ trận.
Nhiều lần, ông lột truồng vợ trước mặt con, quấn tóc bà vào cây cau, trói bêu cả đêm phơi sương.
Đàn con xót mẹ, lấy áo rách đắp cho mẹ, xấu hổ nhục nhã trước xóm giềng, kêu khóc như ri.
Ông Dậm vồ lấy chiếc roi tre. Một trong bảy chiếc roi tre hong mồ hóng dẻo quánh, không thể gẫy được, đã lên nước bóng loáng. Ông cần roi quất vung vít. Cả lũ bỏ mẹ lại bên gốc cau, chạy tán loạn.
Hôm đó, ông sẽ ngồi uống rượu và chửi ba ngày liền, không đánh dậm, không đi cày, ngồi kẹp lấy hũ gạo và chum khoai khô đặt trong buồng. Cả mấy đứa con đói meo sợ mất mật, không dám bén mảng đến cửa buồng, đành đợi đến khi bố say ngã lăn ra cửa buồng rồi mới dám ra gốc cau cởi trói cho mẹ.
Bà Cả được cởi trói. Toàn thân bà tê phù, đổ sụp xuống gốc cau, tóc bị giật đứt một nhúm, thân mình chằng chịt vết dây trói. Bà không còn nước mắt để khóc, nằm gục xuống gốc cây một chốc, rồi lê ra vườn nhặt lá nhọ nồi nhai nát đắp vào vết thương trên đầu Lình và dịt vào những lằn roi rớm máu trên người bà.
Ông Dậm vẫn nằm trấn giữ hũ gạo và chum khoai khô trước cửa buồng, cằm vểnh lên trời như một bắp ngô rậm rạp và ngáy như kéo gỗ. Mấy mẹ con đành lếch nhếch kéo nhau ra đồng nhặt rau má và đào khoai ăn sống cầm hơi.
***
Vô… phúc…
Không gian rùng rợn. Tiếng rú lay lắt. Lời nguyền đặc quánh thít chặt lấy dãy chuồng lợn và những toà nhà ngang dọc.
Tiếng rú đã tắt mà như còn bay lượn ở đây, xuyên thấu buổi ban mai.
Rụng rời những tia nắng đầu tiên của rạng đông.
Ông Dậm mắt lạc thần.
Ông nhìn vào dãy chuồng lợn. Dãy chuồng ám khói ba mươi ba gian.
Thời ông Cử, dãy chuồng này nuôi ba mươi ba con lợn nái.
Mười một tháng sau khi toà nhà ông Cử lọt vào tay ông Dậm, hai mươi chín gian chuồng bỏ không, chỉ còn bốn gian, trong có ba lợn cấn, một lợn nái vừa đẻ.
Trước cửa chuồng thứ hai mươi chín, có con lợn nái vừa đẻ, một đám ngừơi bu đen. Hoá ra họ đứng đây từ lâu, trước cả ông. Mãi giờ ông mới nhận ra.
Bà Cả – được lên chức từ khi ông Dậm ép Phượng – con gái ông Cử phải làm vợ hai, đã được đàn con gọi là mẹ Cả để dễ phân biệt với mẹ trẻ Phượng, đang đứng vòng ngoài, tóc chưa kịp vấn, mặt tái nhợt. Bà đang chỉ trỏ, hoa chân múa tay như lên đồng, mặt không giấu được vẻ đắc thắng.
- Bố đến! Bố đến! Mau tránh ra.
Bây giờ ông Dậm mới nghe được tiếng kêu dẹp đường của thằng Hai.
Bây giờ thì ông Dậm đến, mới nhìn thật rõ vợ bé của ông đang treo lủng lẳng trên sợi thừng bện bằng lông lợn, thân hình mảnh mai lệt quệt gần sát đất mà chân vẫn như dợm bước về phía trước.
Đầu trên của thòng lọng thít chặt lấy chiếc đòn tay gỗ xoan. Mặt người xấu số bị mớ tóc xổ tung che phủ. Mớ tóc dài chấm đất, óng nuột, sinh động, phản chiếu những tia mặt trời đầu tiên phun thẳng qua kẽ lá của những rặng cây, phun qua những song gỗ cáu bẩn của chuồng lợn và hắt bóng trở lại trên mặt bà Cả.
Ông Dậm bỗng xót ruột cồn cào.
Phượng, vợ bé của ông, dáng liễu yếu đào tơ như người đẹp trong tranh tố nữ, bây giờ treo lủng lẳng ở đây. Nhìn xa, chỉ như một chùm tóc rũ rượi.
Chùm tóc như một đám mây đen sầm sập.
Trong đám mây cuồng nộ ấy có tiếng sét lằn rạch tia chớp sởn gai lưng.
Ông Dậm rùng mình.
Mắt ông bị hút chặt vào đôi gót chân vàng nhợt của mẹ trẻ Phượng.
Đôi gót chân nhỏ xíu giống hệt đôi gót chân quý phái trong đôi giầy gấm thêu chỉ bạc của bà Cử.
Vô… phúc!
Ông Dậm thở hắt ra.
Một cơn giớ từ mảnh vườn hoang phía sau lưng thổi tới. Mái tóc người chết tung lên, dạt sang trái, những sợi tóc quấn cả lên cây cột cáu bẩn của gian chuồng lợn, lộ rõ cái hình hài của người đàn bà.
Người chết mặc áo mới, váy lĩnh đen yếm hoa hiên ba lớp, áo choàng ngoài màu mỡ gà. Hai vạt trước của áo tứ thân buộc lại thành nút rũ tình tứ xuống cặp đùi thon dài in hằn còn như rạo rực qua lần lụa lĩnh thâm .
Đôi dải áo so le đung đưa.
Thân mình mẹ trẻ Phượng bất chợt như sống lại, uyển chuyển dưới sợi dây thừng bện bằng lông lợn.
***
“Hộc!”
Những người đang đứng vây quanh giật thót. Rụng rời chân tay.
Thây người thắt cổ bỗng đột ngột xoay lại, sau tiếng hộc của con lợn nái đang dồn đàn con mới đẻ vào góc chuồng, đứng chặn phía ngoài mớ rơm rạ rải dầy trong chuồng, mắt long sòng sọc.
Đám người hét lên một tiếng kinh hoàng.
Ông Dậm cũng bủn rủn chân tay. Người như sắp đổ vào bức tường gạch.
Bỗng một tiếng trẻ khóc. Vút lên.
Như đâm vào tim.
Mảnh như lưỡi dao lá lúa.
Dội ngược lên từ đám rạ trải nền chuồng lợn.
Nơi con lợn nái đang sục sạo ngửi hít.
Có cái gì động cựa trong đám rạ.
Từ vồng ngực người chết, đôi bầu vú bỗng trễ xuống, căng vồng lên.
Những tia sữa trắng đục phun ra từ đầu vú, dào dạt làm ướt đầm ngực áo, rỏ thành đôi dòng xuống đám rơm rạ đang cựa quậy dưới chân người chết.
Lập tức, trong không gian mênh mang hương hoa lúa, hương của loài nếp cái đang trổ đòng ngậm sữa, át cả mùi phân chuồng hoai hoai và mùi mồ hôi nồng nặc phả ra từ những chiếc áo nâu cũ vá chằng vá đụp của đám đông người.
Lình chăm chú nhìn đám rạ đang vồng lên dưới chân người chết.
Rẽ đám người, Lình bước hẳn vào chuồng lợn cúi xuống bới tìm.
Ngón chân cái để trần, xinh xắn của mẹ trẻ Phượng đung đưa trước mặt Lình như một cánh hoa tàn.
Lình ngộp trong hương hoa lúa phả ra từ đôi dòng sữa.
Một cảm giác ngây ngất tràn ngập.
Lình ngước nhìn mẹ trẻ Phượng.
Không còn đâu nỗi ghê sợ trước một người chết.
Hình như mẹ trẻ thoáng mỉm cười.
Lình khấn một lần nữa về phía mặt trời, rồi cúi xuống, dõi theo dòng tia sữa đang tuôn chảy từ ngực mẹ trẻ Phượng.
Lình cau mày, đưa tay gạt lớp rạ.
Hoá ra, dưới lớp rạ là một cái nôi mây chắc chắn. Lòng nôi bọc gấm hồng và những dải đăng ten màu trắng.
Trong nôi, một bé gái đang khóc ngằn ngặt. Một dải lụa hồng đã thắt nút thòng lọng quấn quanh cổ.
Bé Miên – đứa em cùng cha khác mẹ với Lình.
Đứa con gái mới sinh tròn tháng tuổi của ông Dậm và mẹ trẻ Phượng, mặt phơn phớt một lớp lông tơ vàng óng. Cái miệng rộng với môi trên hơi cong cong, khóc mà như hé cười. Tròng mắt màu xanh lơ tương phản với một cái bớt màu tím hình bông hoa sao nhỏ xíu ngay dưới mí mắt trái.
Ngày sinh bé Miên, ông Dậm vừa nhồm nhoàm nhai thịt thủ lợn, vừa khinh miệt nói: Dào, đằng nào thì cũng chỉ là cái hĩm, Miên với chả Du chi cho mệt xác, uốn quẹo cả lưỡi. Chi bằng cứ gọi là con Tép cho dễ nghe. Gọi thế để trong nhà lúc nào cũng có tôm tép mà ăn, chẳng lại đến cái đận đói rã họng.
Tiếng khóc xé ruột lại dội lên từ dưới nôi mây, thọc thẳng vào tim Lình.
Nhưng bé vẫn tên là Miên.
Lình mở lớp vải bọc gấm hồng.
Lình đồ chừng, mẹ trẻ Phượng toan tính mang bé Miên đi cùng về thế giới bên kia. Nhưng đến phút cuối, mẹ trẻ đã không nỡ siết nút dây thòng lọng quanh cổ đứa con còn đỏ hỏn.
Bé Miên trong nôi càng ngằn ngặt khóc.
Lình bế lên, ghé miệng bé vào bầu sữa của người chết đang nhểu giọt. Bé Miên hối hả mút chùn chụt.
Nước mắt Lình nối nhau rỏ xuống chiếc nôi hồng.
Bét Miên nín khóc dần.
Bé đã no bụng và thiu thiu ngủ. Con lợn nái mắt vẫn lom lom nhìn Lình, dè chừng. Đàn lợn con trong chuồng ngửi thấy hơi sữa, bắt đầu ủn ỉn sục sạo quanh nôi.
Bầu sữa của mẹ trẻ Phượng cũng đã cạn kiệt. Khi những giọt cuối cùng nhểu xuống, gương mặt của người mẹ đang lắc lư dưới sợi dây thừng bỗng vọp lại, đôi gò má nhọn hoắt như gò má của một bà lão.
Ông Dậm đứng ngoài chuồng lợn, nãy giờ nhìn lom lom, buông một câu thản nhiên:
- Đưa cái giống quái này đi. Không được để nó trong nhà này.
Lình sửng sốt nhìn ông Dậm, năn nỉ:
- Kìa bố, hột máu của bố mà. Nó chết mất.
Ông Dậm quay ngoắt lại, chỉ mặt Lình:
- Tiên sư mày! Hột máu của mày ấy! Cái giống quái, giọt máu của cái giống vô ơn, cường hào áp bức bóc lột thì có. Của mày đấy. Mày giỏi mày nuôi! Nếu mày còn dính líu đến nó, bước khỏi nhà này.
Lình nhìn sững ông bố, như nhìn một loài sâu bọ chưa có tên:
- Bố có thể nói thế thật?
Ông Dậm quát:
- Tao nói thế đấy. Nó là con tao thật, nhưng một nửa con này lại là máu của cái giống nhà bóc lột, phải đào tận gốc trốc tận rễ. Nó dám bỏ tao. Tao căm cái giống nhà nó tận xương tuỷ.
- Ông bà Cử đã cứu bố khỏi chết đói. Bố quên à?
- Chuyện qua rồi, xưa rồi mày ạ. Cái gì qua rồi là để nó qua. Bây giờ là lúc phải chứng tỏ lập trường. Lập trường không rõ ràng, là mất nhà, lại ra lều lá. Mày ngu lắm.
- Vậy để chứng tỏ lập trường thì bố phải để hột máu của bố chết?
- Sống chết là việc của nó. Ra ngã ba, cổng chợ, có ai xin thì cho đi cho khuất mắt tao.
- Con hỏi lại: bố có định làm thế thật không?
Ông Dậm giơ tay, lại chực tát tai Lình:
- Thằng khốn nạn! Sao mày cứ đi bao che cho bọn bóc lột? Cút đi theo con mẹ trẻ này cho khuất mắt.
Lình ôm chặt bé Tép đang ngủ vào lòng, dợm bước ra khỏi chuồng lợn:
- Tôi tởm ông.
Một chân Lình vừa bước ra, con lợn nái từ nãy vẫn trấn góc chuồng lại hộc lên, nhảy xổ tới kéo gấu quần Lình, đứng thẳng trên hai chân sau, vươn hai chân trước và cái mõm hồng hồng đến rà sát như hôn hít trên người bé Tép.
Con lợn rên ư ử như tiếng người khóc.
Lình cúi xuống, vuốt ve con lợn nái:
- Mày chỉ là giống lợn, mà còn biết thương người. Thôi mày ở lại. Tao mang con Tép đi.
Lình bước vào nhà, khẽ khàng sợ làm bé Miên tỉnh dậy. Bỏ chiếc khăn đầu rìu xuống, vơ vội hai bộ quần áo nâu bạc màu đang phơi lõng thõng trên dây ngoài hiên nhà gói vào khăn buộc ngang lưng. Lật viên gạch kê chân cột lên, lấy mấy đồng bạc dành dụm từ những ngày đi mót lúa và cày thuê nhịn không dám ăn trưa. Đội chiếc nón rách lên đầu, Lình nhổ một bãi nước bọt vu vơ xuống nền đất, ôm con bé, quày quả bước ra đầu ngõ.
- Lình, mày bỏ mẹ mày?
Mẹ Cả lình tóc tai xoã xượi, đuổi theo khóc gọi.
Không ngoái lại, Lình đáp:
- Không ở được cái nhà này, mẹ ạ.
Bà Cả khóc lớn hơn:
- Mày đi, từ nay bố mày đánh, ai đỡ đòn cho mẹ?
Lình hơi xoay người, không nhìn vào mắt mẹ Cả:
- Mẹ khổ cả đời vì ông ấy chưa đủ, sao không biết thương xót kẻ khác, lại còn xúm tay giúp ông ta hại người?
Mặt mẹ Cả lập tức sắt lại:
- Tao quá khổ vì cái thằng bố mày. Thì tao không để đứa nào sướng. Nó trẻ đẹp hơn tao. Nó là con nhà giàu có. Thế thì bây giờ nó phải khổ hơn tao. Mày quyền gì mà nói với tao bằng giọng ấy?
Lình cười nhạt, càng ôm chặt bé Tép vào lòng, cắm cổ bước ra khỏi cổng, bắt đầu đặt chân vào con đường gập gềnh ổ trâu dẫn tới phố huyện.
Lại chao chát tiếng quát tháo chửi bới phía sau lưng:
- Thằng vô ơn bạc nghĩa kia! Tao nói thế, mà mày dám bước chân ra khỏi cái nhà này à? Mày rời cái nhà này là chết đói rục xương, tao nói cấm có sai.
Lình không quay lại, lầm lũi bước đi.
Vẫn nghe tiếng ông Dậm giục bà Cả rối rít:
- Mụ chạy ngay theo nó. Cái mẽ nó thì dám bỏ đi đâu. Hai mẹ con mụ mang con bé ra phố. Rẻ cũng được vài mươi đồng bạc. Không được ăn quà ngả ngớn ngoài chợ. Mang ngay về đây. Tiêu riêng, tao đánh tuốt xác.
Lình cắm cổ chạy, ôm con bé ướt mèm vào ngực.
Lại vẳng tiếng gọi nghèn nghẹt như bị ngạt mũi của bà Cả:
- Lình! Mày đâu rồi? Nghe bố mày nói gì chưa?
Lình nghe nói, ruột quặn thắt trong một cơn buồn nôn cố nén:
- Con nghe rồi. Mẹ Cả cứ về đi. Con cũng tính mang nó đi bán rồi mang tiền về tậu trâu. Con đi lên chợ huyện, bán xong rồi mang tiền về ngay.
Bà Cả nghi ngờ:
- Mày nói thật đấy chứ, hả thằng Lình? Mày không bỏ mẹ mày chứ?
- Vâng!
Lình vâng một tiếng thật to, rồi cắm cổ chạy gằn trên con đường gập gềnh sống trâu.
Con Tép lại tỉnh giấc, khóc ngằn ngặt trên ngực Lình.
Mắt Lình như hai hòn than bốc cháy.
Sẽ đi. Đi xa, thật xa. Mỗi bước đi là để lại đằng sau một rác rưởi.
Đi đi. Nơi không có bố mẹ. Không có người phải thắt cổ chết.
Nơi cậu không phải đổ máu đầu vì những cú đập bất thường của người cha.
Nơi sáng sáng cậu không phải nhìn mặt trời và khấn rằng ngày hôm nay, xin trời hãy cho sét đánh chết cậu và ông Dậm để cậu khỏi mang tội giết cha vào một ngày nào đó.
Lình nhớ lại. Trước mắt cậu chập chờn cái đêm mà cậu chợt tỉnh giấc, nhận ra mình đang đứng trước chiếc giường của ông Dậm. Cậu cầm con dao, nhìn trừng trừng vào cái cổ thô bỉ như cổ trâu.
Cậu nhớ, cậu đã cố ghìm hết sức, để giữ cho cánh tay phải không vung lên.
Nhưng một sức mạnh man dại, như từ đâu đó, sai khiến. Một cơn điên khùng không thể nào kiềm chế. Như một lằn chớp rạch sắp nổ ra.
Cậu nhìn cái cổ và đôi bàn tay của người cha. Cái cổ họng đó bây giờ thì ngoan, nhưng ban ngày thì từng hô hét để trói người vào cọc bắn, từng hô đập người chết phọt óc, từng chửi bới mạt sát cậu, mẹ Cả và mẹ trẻ Phượng, tục tằn không thiếu một lời nào bẩn thỉu.
Và cái đôi bàn tay này, đặc biệt, cái bàn tay phải này, mười đầu ngón tay toè ra như vồ đập đất, khốn khổ vì gần hết một đời nghèo hèn lam lũ.
Cậu đã có lúc ngồi khóc vì ngồi thương cái bàn tay dị dạng lam lũ khốn khổ đó.
Vậy mà bàn tay đó lại thường xuyên tạt tai, đánh đập cậu. Bất thình lình như một con rắn hổ mang bành. Bất cứ lúc nào. Phản trắc như một con rắn. Và cũng bàn tay ấy, đã nhiều lần trói mẹ Cả vào gốc cau. Cũng đã nhiều lần đánh đập mẹ trẻ Phượng.
Toàn thân Lình run lên.
Cậu nhìn chằm chằm vào cái cổ.
Bỗng cậu thấy sợ hãi, tháo mồ hôi lạnh.
Cậu luyến tiếc rời mắt khỏi cái cổ.
Nhưng cậu lại luyến tiếc đưa mắt vào cánh tay phải và đóng đinh cắp mắt vào đó, không thể rời ra được.
Con dao cậu vung lên.
Ta sẽ chặt cái bàn tay này. Chặt đi, để bàn tay này không thể tác quái được nữa.
Con dao ngập ngừng.
Ngập ngừng. Rồi vung lên.
Bỗng có một bóng đen bước nhanh tới sau lưng.
Bóng đen đó lẹ làng giữ chặt lấy cánh tay Lình.
Sự bất ngờ làm Lình rụng rời cả chân tay.
Cậu há miệng định kêu lên.
Nhưng bóng đen đã thọc cả nắm tay vào miệng Lình, chặn nghẹt, không cho tiếng kêu thoát ra khỏi miệng.
Lình mắc cứng họng. Giẫy giụa. Hung hăng vừa cắn vừa nhìn xem kẻ nào cả gan.
Thì thấy một đôi mắt thật buồn.
Rọi nhìn thăm thẳm vào mắt Lình.
Mẹ trẻ Phượng.
“Đừng!”.
Mẹ trẻ thì thầm.
“Đừng có điên rồ thế!”
Rồi rút nắm tay bé nhỏ rớm máu vì vết răng cắn ra khỏi họng Lình.
Lình rũ người xuống, con dao rựa rơi trên mặt đất.
“Tôi sẽ giết ông ta, nếu ông ta còn đụng đến tôi hoặc mẹ trẻ!”
Lình bỏ đi, miệng bất chợt nhai nhóp nhép.
Cái đêm ấy qua đã lâu rồi. Cách đây bảy tháng.
Lình cúi xuống, ngắm nhìn bé Tép.
Cậu chợt mỉm cười, nhìn cái miệng bé xíu mà đã phảng phất giống đôi môi hồng của mẹ trẻ Phượng. Lòng cậu lại đau nhói. Giá như đứa bé này là con của cậu và mẹ trẻ Phượng!
Mười sáu tuổi, nếu người ta được ngủ với đàn bà, liệu người ta có con không nhỉ?
Chợt nơi chót lưỡi cậu, rồi trong họng, cồn cào cái vị của nắm tay bé nhỏ đã chặn họng cậu đêm nào.
© DCVOnline
———————————————-
DẠ TIỆC QUỶ – Chương 2 : TRĂNG LẠNH (Võ Thị Hảo)
http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/12/da-tiec-quy-chuong-2-trang-lanh-tieu.html
DẠ TIỆC QUỶ – Chương 1 : LỜI NGUYỀN (Võ Thị Hảo)
http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/12/da-tiec-quy-chuong-1-loi-nguyen-tieu.html
.
.
.
No comments:
Post a Comment