Friday, December 17, 2010

DẠ TIỆC QUỶ - Chương 1 : LỜI NGUYỀN (tiểu thuyết - VÕ THỊ HẢO)

17-12-2010


DCVOnline: Tiểu thuyết Dạ Tiệc Quỷ được nhà văn Võ Thị Hảo viết xong từ cuối năm 2006 gồm có 22 chương, nói về một thời kỳ rất nhiều biến động và đau thương trong lịch sử Việt Nam từ những năm 1954 đến nay.
Tuy nhiên, cho đến nay tiểu thuyết này đã không được phép xuất bản tại Việt Nam.

Trao đổi với DCVOnline, bà Hảo chỉ rõ: “Quỷ chính là thế lực đen tối, nhưng, theo một nghĩa khác, “quỷ” cũng là những con người bị đẩy ra bên lề xã hội”
“Đây là một sự ám ảnh, một món nợ lẽ ra người khác phải trả. Là một nhà văn, tôi không quên món nợ đó và tôi phải viết lại. Đây là điều đã thúc đẩy tôi viết Dạ tiệc quỷ”,
bà nói.
Nhà văn cũng nhấn mạnh rằng:
“Đây là món nợ mà giai cấp cầm quyền phải trả”

Bà Võ Thị Hảo hiện đang sinh sống tại Hà Nội – Việt Nam.
DCVOnline sẽ lần lượt đăng tải tiểu thuyết Dạ Tiệc Quỷ của nhà văn Võ Thị Hảo.

---------------------------------------

... Vô phúc...Vô... ph... ú... c...

Tiếng rú xé gió xuyên thấu dãy nhà ngang dài hun hút đang ngủ lịm trong sương mù. Tiếng rú làm bở bục những bức tường gạch nung quá lửa bị nứt vỡ cong vều lên dưới lớp vữa nhào bằng vôi trộn mật mía, cáu xỉn lại vì thời gian và những vết chân ruồi.
Tiếng rú là một cơn gió độc lao đến căn buồng thứ bảy, nơi ông Dậm nằm ngủ, mình trần, quần lá toạ bằng lụa đã rung rúc, ống co ống duỗi, râu vểnh lên trời như một bắp ngô rậm rạp.
Tiếng ngáy hắt ngược trần nhà, đập trở xuống sập gụ chân quỳ cẩn bạc khảm trai. Lũ muỗi đang đậu trên mũi ông rung bần bật lên từng đợt như sốt rét.
Tiếng rú sỗ sàng tóm râu ông Dậm, dựng ngược dậy.

- Đứa nào sáng chưa nứt mắt mà đã làm loạn? Nhông quá hoá rồ. Mau gô lại, đánh ba hèo, nhốt chuồng lợn. Thằng Lình đâu?
Ông gọi ba tiếng.
Chẳng ai thưa.
Ông càng tức giận, giọng lạc đi. Ông gọi tiếp. Tiếng uễnh oãng vỡ ra như tiếng sói tru trong đêm lạc rừng.

Chỉ nghe tiếng huyên náo cứ dội thốc tới từ phía đã phát ra tiếng rú.
Ông Dậm vểnh tai nghe. Càng tức tối.
Ông đứng vụt dậy trên sập. Oai như dũng tướng sắp đại phá.
Chợt đầu ông đập đánh cốp vào bàn thờ. Đau điếng.
Ông Dậm nghiến răng chửi thề, co chân đạp vào bàn thờ.
- Khốn nạn! Lũ mê tín dị đoan chết rồi còn phá hoại thành phần cốt cán.

Chưa dứt lời, cạp quần lụa tía ông đang mặc bỗng rời lưng ông mà tụt xuống, phơi tô hô cặp mông lở lói chằng chịt sẹo và những vết ghẻ lở.
Chiếc quần lụa nằm thành một đống mềm nhũn dưới chân.
Ông Dậm day ngón tay lên chỗ đau trên trán, nhìn xóc lên bàn thờ. Lại nhìn xuống chiếc quần.
Màu lụa tía đã rung rúc lại khiến ông nhớ đến chủ cũ của ngôi nhà và chiếc quần này.
Chiếc quần này ông chiếm được của ông Cử, quá rộng, quá dài so với thân hình vặn vẹo của ông Dậm.

Nhưng ông Cử thì không cần mặc quần nữa. Đã khá lâu rồi ông Cử không cần mặc quần. Vì là đã là linh hồn thì đâu cần quần áo. Linh hồn chỉ trần truồng mà bay.
Ông Cử đã sang thế giới bên kia.

Tiễn đưa ông, là một chiếc cọc. Ba sợi thừng chuyên trói chó để cắt tiết và buộc lợn vào thang mà thiến của nhà ông Dậm. Một loạt đạn trong nòng súng kíp tự chế.
Rộn ràng hơn, thêm ba nhát cuốc mẻ và mười bảy nhát vồ đập đất.
Để cho vỡ nát đôi mắt thảng thốt.
Cho vỡ nát cả cái uất hận đang đọng lại dưới tròng mắt mở chong chong.
Bộ óc mẫn tiệp từng dạy học, từng làm thơ, từng cho thuốc cải tử hoàn sinh cả ngàn mạng người trong xứ, đã bị loạt đạn tự chế của con ông cu Cáy nhồi vào nòng súng làm nổ tung.

Ông cu Cáy trước đây đã được ông Cử cứu mạng trận đau bụng bão. Đau đến mức cắn đất cắn sỏi, bò lê bò càng trên mặt đất, sắp chết. Nay thì viên đạn của con ông cu Cáy đã làm tinh óc ông Cử trắng hồng phọt ra ruộng mạ. Óc ông Cử làm bữa tiệc cho lũ giun đất và sâu bọ.

Linh hồn ông Cử lên trời.
Để lại bàn thờ tổ tông chói loà bảy đời cụ kỵ khoa bảng.
Để lại thê tử, chiếc cọc và dây trói, chiếc cuốc mẻ lưỡi và những chiếc vồ đập đất bết máu.
Để lại những vỏ đạn, ngôi nhà, đồ đạc của cải và những bộ quần áo bằng lụa nõn, lụa tía quý phái.

Những thứ ông Cử để lại thì không ế.
Bài vị và tranh chân dung tổ tông thì đã có nhà hàng xóm nhanh tay tra vào bếp lửa để nấu bánh đúc ngô trộn cám.
Chỉ còn đôi lư hương mạ vàng may mà ông Dậm nhanh tay, đánh chết giấc gã hàng xóm bặm trợn mà giữ lại được, vẫn ngự trên bàn thờ.
Bản thảo của những bài thơ và sách vở thì đã bị cán bộ ở trên về và cả làng đem ra xỉ vả suốt mấy tháng.

Đọc diễn văn tố tội, tố khổ. Những lời đanh thép ngùn ngụt căm thù làm rung cả những chiếc cọc hoen máu.
Những chiếc cọc cũng không ế.
Sau bài diễn văn, chúng lại cần mẫn đứng làm cọc trói những kẻ bị xử tử mới.
Khi nạn nhân bị lôi xềnh xệch đến trước cọc, chiếc cọc khiến người xấu số rụng rời vì mùi tử khí toả ra nồng nặc.
Khi nạn nhân bị trói vào cọc, mùi máu cũ quện lớp lớp trên cọc khiến nạn nhân mê mụ.
Và khi những viên đạn, những lưỡi cuốc bổ xuống, chiếc cọc là chỗ dựa duy nhất cho những cái đầu tội nghiệp bị đập nát, đổ gục.

Chiếc cọc và dây trói cùng cuốc, vồ đập đất trở thành của thiêng.
Những lớp máu và óc hết lớp nọ đến lớp kia phủ lên nhau, ôm ấp lấy nhau, trơ gan mưa nắng và làm câm miệng những kẻ bướng bỉnh.

Những bộ quần áo bằng lụa nõn lụa tía thì ở cùng nhà ông Dậm. Kèm thêm ngôi nhà và hầu hết tài sản. Nhìn từ bên ngoài, nhà trống trơn. Từ chum vại, khung cửi, cho đến cả chiếc thuyền tán và tràng kỷ, tủ thuốc, sọt hái dâu cho tới cả cào cuốc, đều bị đám bần cố nông được chia quả thực đến vơ vét hết.
Nhưng tất cả của chìm gồm vàng bạc châu báu của nhà ông Cử chôn giấu dưới gầm bàn thờ, đều đã được ông Dậm khôn ngoan khảo đả, vừa đánh vừa dọa vừa hứa hẹn cứu giúp ông Cử khai ra trước khi bị bắn chết.
Ông Dậm lẳng lặng đợi lúc đêm khuya hì hục đào, lấy ra rồi đem giấu dưới nền chuồng lợn - không ai biết.

Những thứ ông Dậm không giấu được, chỉ là Phượng và con Tép.
Phượng là con gái thứ hai của ông bà Cử. Đẹp nổi tiếng trong vùng. Mỗi lần cô cùng bà Cử đi ra đình phát chẩn, cô hay mặc váy áo lụa thêu hoa ngâu, nước da nõn nà, mắt Phượng mày ngài lóng lánh, mở lơ mơ như ngái ngủ trông càng thêm quyến rũ.
Từ tà áo lụa thêu của cô và bà Cử toả một làn hương ngọt như mùi mật hoa đỗ trun, khiến cho những kẻ đang chìa bàn tay trước cô để nhận phát chẩn, trong đó có ông Dậm, phát cuồng vì thèm muốn và ghen tị.
Ông Dậm không nhớ nổi đã bao nhiêu lần ông vừa nuốt nước bọt vừa thề rằng phải chiếm bằng được cô Phượng.
Vậy mà ai ngờ, ông Dậm đã mang được Phượng - tiểu thư ngàn vàng của ông bà Cử, về làm vợ hai. Phượng làm vợ hai ông Dậm ngay sau khi ông Cử bị xử tử, để cứu Long - người anh cả con trai duy nhất của ông bà Cử. Nhờ có cô em gái chịu lấy ông Dậm, Long không bị bêu đầu trên cọc bắn, chỉ bị cùm chân trong gian nhà kho, rồi trốn biệt tích ngay đêm đó. Phượng cũng đang đu mình trên dây, đang trèo tường định trốn đi, thì bị ông Dậm bắt trói lại. Chín tháng sau đã sinh cho ông Dậm một bé gái. Phượng đặt tên là Miên, còn ông Dậm đặt tên là Tép.

Cái tiếng rú vừa rồi, ông Dậm nghe như tiếng Phượng.
“Con này vẫn lầm lì, ngang ngạnh như cái giống nhà nó. Tiên sư cái giống bóc lột, cái giống phản động nhà nó!” - ông Dậm lầu bầu.
Ông ngó quanh, tìm một cái gì đó để trả thù.
Ông nhìn lên bàn thờ.
Bàn thờ trống trơn. Lăn lóc vài bắp ngô khô để giống, ông mới chất lên từ mấy hôm trước. Chỉ còn đôi lư hương mạ vàng sáng chói, chạm trổ kỳ lân, đứng đó, thách thức.

Phải rồi!
Ông Dậm kiễng chân, tay quắp lấy một chiếc lư hương. Ông đặt nó xuống đất.
Đang sẵn thân mình tô hô không quần, ông ghé cái vật nhọ nhem nhọ thủi của ông vào miệng lư hương.
Một dòng nước khai nồng từ giữa hai đùi ông tồng tộc chảy xuống.

Ông Dậm cúi người ngắm kỹ cái vật dùng để đi tiểu của ông.
Và ông sực nghĩ: chính nó, nó đấy, đã cho ông có bảy mặt con với bà Cả.
Cũng chính nó, ngoan lắm, đã làm ông nhiều lần có cảm giác như cưỡi mây bay lên tiên với mẹ trẻ Phượng và làm cho ông có đứa con thứ tám vừa đầy tháng. Đó là con Tép.
Ông Dậm rên hự lên trong một khoái cảm rợn người.

Bỗng cửa bật tung.
Một kẻ chít khăn đầu rìu nhô cái mặt lem luốc vào.
Tóc gã ta rối tung, rơi xoã ra ngoài vành khăn. Gã gọi thất thanh:
- Bố ! Bố gọi con...

Ông Dậm đang cơn, giật bắn mình, vội vồ lấy chiếc quần che thân thể trần truồng, thét lên, phun nước bọt vào mặt kẻ vừa xô cửa xông vào:
- Thằng chó Lình! Mày rúc mặt vào bãi cứt nào, để mặc lũ chúng làm loạn thế hử?

Lình tóc dựng ngược, mồ hôi thoát như tắm, nói không ra hơi, mắt tròn xoe nhìn bố đang ở truồng:
- Bố... không phải ai làm loạn...

Ông Dậm trợn mắt càng thét lớn, một chân tròng vào quần:
- À, thằng này giỏi bao che! Mày lạ lắm khi thấy con c... của bố mày à? Làm sao mà mắt mày cứ nhìn tao như mắt ốc nhồi thế hử? Mày chưa thấy con c… của bố mày bao giờ hẳn? Cái này nó đẻ ra mày đấy con ạ.

Lình ấp úng:
- Lạ gì. Trước, bố suốt ngày đóng khố. Bố tắm truồng. Đóng khố thì có khác cởi truồng là mấy.

- Thằng này láo. Thời bố mày đóng khố cởi trần đã qua rồi nhé. Đây là thời bố mày làm chủ nhân ông. Bố mày bây giờ mặc quần lụa, vai đeo xà cột. Bố mày muốn cho ai sống thì người đó được sống, bắt ai chết thì người đó phải chết. Nghe chưa?
- Dạ, con thấy.

Ông Dậm đã mặc xong quần, thoả mãn thở ra:
- Thế là mày cũng đã bớt ngu được vài phân.

Ông vớ lấy chiếc điếu bát cẩn vàng, vê vê một mồi thuốc nhét vào nõ điếu.
Chiếc điếu bát cũng toả sáng, phô bày vẻ quý phái rồng chầu nguyệt chạm cảnh vẻ. Cần điếu đã hơi mòn, óng chuốt vì bàn tay người khác.
Ông Dậm thì không quên được cái vết tay. Vết bàn tay ông Cử.
Cái bàn tay thanh nhã cầm bút lông với những móng tay dài cỡ một tấc được chăm sóc kỹ lưỡng.
Cái bàn tay ấy là chủ trước của ngôi nhà chật ních những nghiên bút và sách vở cùng những đồ đạc quý giá này.

Bỗng tiếng huyên náo, ngày càng ồn ã hơn, như một con trăn gió phóng vút tới. Ông Dậm lại thét:
- Thằng Lình, toi cơm! Sao mày để chúng nó làm loạn thế hử? Con mẹ trẻ Phượng?

Lình mặt tái tử, khổ sở lắp bắp:
- Dạ, mẹ trẻ...
- À! Mày chúa giỏi bao che. Mày đồng loã với con mẹ trẻ mày. Tao phải đập cho chết cái thói bao che của mày!

Ông Dậm hùng dũng vồ lấy chiếc điếu bát, vung mạnh.
Vừa tầm đập xuống thì ông khựng lại.
Cái ánh vàng lấp lánh khảm quanh nõ điếu xói vào mắt ông, khiến ngực ông nhói một nhát. Ông hạ điếu xuống, ngắm chiếc điếu quý, nhẩm tính xem chiếc điếu này giá bằng bao nhiêu con lợn nái.
Ông tiếc.
Ông đưa mắt nhìn quanh.
Phải kiếm một viên gạch vỡ để đập thế mạng chiếc điếu cẩn vàng.
Xét cho cùng, đập gạch vỡ thì vẫn oai phong, tiếng kêu to hơn mà không tốn kém.

Ông hạ giọng:
- Mày còn già hàm à? Không loạn, đứa nào làm gì mà rú lên như lợn bị chọc tiết thế hử? Thằng Ba, thằng Tư, con Năm, con Sáu, con Bảy đâu? Đứa nào làm loạn?
- Dạ, không phải thằng.
- Thế thì con nào? Cái thằng ngậm cứt kia!
- Dạ, không phải con, mà là... mẹ trẻ ạ..
- À, tao bảo có sai bao giờ. Con mẹ trẻ giỏi nhỉ! Đã bảo đàn bà nằm ổ, chỉ việc kiêng khem, cho con bú, còn máu non đã gào thét loạn xạ. Nó muốn xoã tóc ra đường ăn cứt chắc?
- Dạ, mẹ trẻ đã xoã tóc rồi ạ...
- Hở? Nó điên rồi hẳn? Mà con mẹ ấy cũng có máu điên điên.

Ông Dậm hạ thấp giọng, gằn gằn nhìn Lình:
- Nó điên đấy. Tao biết. Khi tao nằm trên bụng nó, nó nhìn tao trừng trừng, mắt lạc đi như một con điên...

Rồi ông cười như ngậm sỏi, mắt ánh lên dâm dục:
- Ấy thế nhưng tao càng sướng mới chết!

Lình không giấu được cái nhìn ghê tởm. Một tia căm ghét loé lên:
- Đừng nói những điều ấy với con...

Ông Dậm nghiến răng. Hàm răng ám khói nhe tận mặt Lình:
- Mày... mày ghen? Nói! Thằng chó dái kia! Nói! Mày có xí xớn gì con mẹ trẻ mày không? Nó ngon như cái bánh nếp thế mà... Thằng chó nào trông thấy nó mà chẳng dựng đứng lên! Hả?

Lình đau đớn:
- Thôi nào, bố im đi!

Ông Dậm càng quát lớn, rên lên như bị ai bóp cổ:
- Hẳn rồi! Mắt chúng mày lấc láo như quạ vào chuồng lợn. Giời cao đất dày ơi! Cả thằng Hai, thằng Ba. Con cái gì chúng mày! Thấy con mẹ trẻ là suốt ngày lượn quanh như lũ dê đực sổng chuồng! Tao không dữ đòn, thì thằng Hai, thằng Ba đã nuốt chửng con mẹ trẻ mày từ lâu rồi!

Lình khinh miệt:
- Đừng nghĩ ai cũng như bố!

Ông Dậm sấn tới, giáng cho Lình một cái tát:
- Láo! Mày nói gì? Tao là thành phần cơ bản nhất, trong sạch nhất! Thành phần cốt cán nhất. Đứa nào dám đụng đến thành phần bần cố nông, tao ghè răng nung vôi. Kể cả mày, con ạ. Sao mày không chết đường chết chợ cho khuất mắt tao?

Một tia căm hận lại xẹt ngang, làm xanh lẹt đôi tròng mắt đang cố nhìn tránh ra xa trên đầu ông Dậm:
- Bố rủa con chết đường chết chợ bao nhiêu lần rồi! Thế bố đẻ ra tôi làm gì? Thà bố bóp chết tôi từ lúc mới đẻ.

Lình càng nói càng uất, dợm chân quay ngược trở ra:
- Tôi ghét cái nhà này! Tôi đã nài bố cho tôi ở lại lều cũ của cả nhà ngoài bờ sông! Bố lấy mẹ trẻ, sao cứ bắt dọn về đây.

Ông Dậm lại giáng cho Lình một bạt tai nữa, sải một bước đã chắn ngang lối đi của Lình. Ông hằm hè ghè cái điếu bát trên đầu Lình:
- Mày còn già hàm à? Bụng trâu như dạ bò. Mày tưởng bố mày mắt ngưỡng thiên chắc! Còn xơi! Bố mày biết tuốt tuồn tuột. Nhưng phải bắt chúng mày về. Chúng mày không về, lấy chó nó chăn lợn và cày ruộng à? Mày mà còn già hàm, coi chừng tao triệu tập đội đấu tố mày về tội a dua bọn địa chủ bóc lột róc xương hút tuỷ nhân dân...

Lình nhủn cả người, vai xệ xuống:
- Nhà này đầy người chết mắt cứ mở trừng trừng, ghê cả người...
- Ghê cái con tườu. Tuyên truyền mãi, học tập mãi mà sao cái đầu óc ngu si của mày không thủng hả? Lão Cử thuộc diện thành phần bóc lột, phong kiến tư sản hủ bại. Lão đáng bị khoét mắt đem cho chó ăn chứ không phải là chết còn mắt thế đâu nhé.
- Ông Cử là ông ngoại của con Tép, con bố đấy chứ ai!
- Ông ngoại cái con khỉ. Đã là thành phần bóc lột hủ bại thì bắn chết, đập chết tuốt tuồn tuột. Tao vẫn nhớ lúc óc lão phọt ra ruộng mạ, anh em bần cố nông trong làng đứng dưới quyền tao chỉ huy, đồng loạt reo ầm lên. Chiến thắng! Mày biết thế nào là chiến thắng không hả con?
- Tôi chưa biết!
- Bác Thắng bảo tao: Chú Dậm phải biết rằng, trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ. Khi óc lũ bóc lột phọt ra, đó là lúc chúng ta sướng, như khi đang đ... đàn bà. Đó là sướng chiến thắng. Tao biết cái sướng ấy đấy, con ạ.
- Nhưng ông Cử đã cứu cả nhà ta khỏi chết đói hồi Ất Dậu mà, ông ấy chỉ dạy học và bốc thuốc...

Ông Dậm vẫn say sưa trong khoái cảm:
- Thế rồi, mụ Cử thắt cổ chết theo chồng. Thằng con trai khôn hồn biến tăm tích. Đã trói gô lại, nhốt trong nhà kho, mà làm thế nào nó lại như độn thổ. Lạ. Chắc chắn phải có đứa phản động nào giúp nó. Có thể là tay chân của bọn địch từ bên Xiêm la cử về. Tao đang dò. Biết đứa nào, tao băm nát.

Lình lầu bầu:
- Chỉ nhớ bố và ông Chắt còn đánh nhau loã cả máu đầu để tranh vào ở nhà ông Cử.
- Ấy thế thằng Chắt mới ngu! Đứa nào không theo thì chết là phải. Thế mới gọi là tự do dân chủ công bằng. Tao là người có công vạch mặt lũ bóc lột, đưa lão Cử ra dựa cọc, thì mới có cái nhà này. Tao không ở thì còn ai đáng ở? Thằng nào dám bước chân đến đây đòi lại, chia cho đứa khác, tao băm mất xác. May tao dữ đòn chứ không thì chúng nó đã chia cái nhà này cho ít nhất ba bần cố nông cùng chui rúc rồi. Tao có công. Chẳng dọn về đây thì làm đứa ngu chui rúc lều lá cả đời á?
- Bố không biết là láng giềng qua lại lườm nguýt tôi, bảo “ác giả ác báo”. Đêm đêm, tôi cứ thấy ông Cử bị trói vào cọc, bị đập đầu bằng dùi vồ, óc phọt cả ra ruộng mạ, mẹ trẻ lăn ra chết giấc ngay bên chân ông Cử.
- Đấy! Chính thế. Cái con mẹ trẻ mày là cái đồ vô ơn. May có tao cứu, được về lại cái nhà này, chỉ việc chăn lợn, đẻ con. Thế là để lợn chết cả lũ. Rặt một lũ vô tích sự. Con nhà giàu thưa xương, dài lưng tốn vải.
- Nhưng mẹ trẻ chỉ một mực đòi chết ...
- Chính thế! Tao giao cho mày canh con mẹ trẻ mọi nơi mọi lúc, đừng để nó thắt cổ chết. Nó đẹp quá, lại đang mang đứa con tao trong bụng, để nó chết thì phí của trời.
- Vâng, con đã canh, bố ạ. Đêm con không dám chợp mắt sợ mẹ trẻ nhảy xuống giếng như mấy lần trước.
- Chính thế. Về việc này thì mày giỏi, con ạ. Nếu không nó chết nhe răng từ lâu. Đấy! Tao không dưng cứ mang tiếng ác. Tao đã không để nó đập đầu chết theo cha, lại cho làm vợ. Đàn lợn cũ nhà nó ba mươi hai con nái, nay chết gần ráo. Tao đã giao hẹn: cứ một con lợn chết là một trận đòn.
Con sau chết là cứ hai trận mà tính lên. Bị đòn, sao dám trách là tao không bảo trước.

Tiếng huyên náo ồn ã dội vào. Ông Dậm lại vểnh tai nghe.

Lình như sực tỉnh, ứa nước mắt:
- Thôi đi, bố ác vừa thôi! Bây giờ thì dù cả đàn lợn nái chết, bố cũng không thể đánh chửi mẹ trẻ được nữa.

Ông Dậm lại gầm lên:
- Thằng phản phúc. Tao bóp chết! Mau lôi cổ con mẹ trẻ mày đến đây, xem còn giỏi gào rú nữa không!

Mắt Lình toé ra một tia lửa dữ dội, giọng vẫn cố lễ độ:
- Tôi không đưa mẹ trẻ đến được. Mẹ trẻ đang ở trong chuồng lợn.
- Đến ngay! Đã bảo điệu cổ đến. Đêm qua nó là cái con ngựa điên, không ngủ với tao. Tao mới dần cho một trận đã đời. Ai khiến nó cho lợn ăn sớm thế.
- Mẹ trẻ không cho lợn ăn.
- Thế thì làm gì? Cái thằng ngẫn ngờ này, bẩm báo mãi không xong một việc. Lưỡi mày rụt xuống háng rồi hả?
- Thưa bố, mẹ trẻ không cho lợn ăn, không đến nữa. Dù bố gọi thế nào cũng không đến đâu…

Mắt Lình ánh lên một tia ngạo nghễ đắc thắng:
- Mẹ thoát khỏi tay bố rồi!

Ông Dậm giẫm chân bành bạch, vồ lấy viên gạch vỡ, vung lên, thét:
- Nó trốn hả? Mau bắt lấy nó! Đem về lột truồng ra trói vào gốc cau.
- Ông đi mà bắt. Ba đời bố ông cũng không thể bắt và lột truồng mẹ trẻ Phượng...

Ông Dậm quật Lình ngã trên sàn nhà, dận một chân lên bụng, một chân lên ngực:
- Lần này thì tao giết mày! Tao chà chết cái giống phản phúc ăn phải bả của bọn bóc lột...

Lình nói trong tiếng nghẹt thở, nức nở:
- Ông giết tôi đi! Mẹ trẻ Phượng thắt cổ chết trong chuồng lợn rồi!

Ông Dậm thõng tay. Viên gạch vỡ thoát nạn, nằm ngỗ ngược trên bàn.

Lúc đó trời mới hừng đông. Những tia nắng hồng nhạt thếch đã xỏ vào giường ông Dậm.
Nắng hồng như máu loãng.

Tiếng la lối càng rộ lên dưới dãy nhà lúp túp phía đông.
Nơi ấy, dãy chuồng lợn ám khói ba mươi ba gian.
Nơi ấy, có một người.
Cái thây người treo lủng lẳng bằng sợi thừng bện lông lợn đen xỉn thõng thượt lệt quệt sát đất.
Phía trên, nút thòng lọng thít chặt lấy chiếc đòn tay gỗ xoan. Mặt người xấu số bị mớ tóc xổ tung che phủ.
Mớ tóc dài chấm đất, óng mượt, phản chiếu những tia mặt trời đầu tiên phun xói qua những kẽ lá của rặng cây.
Phun qua những song gỗ cáu bẩn của chuồng lợn và hắt bóng ở lại trên mặt bà Cả đang đứng gần đó. Mặt bà tím bầm, mắt đỏ như vừa bị phun nọc.
Bà Cả đang trân trân nhìn cái gót chân trắng nhợt của người chết lộ ra dưới suối tóc dài chấm đất.
Thân hình người chết đong đưa như đang cử động.
Cả đám đứng xem rùng mình ớn lạnh.
Dáng ngừơi mẹ trẻ đong đưa, đong đưa, trong xiêm áo yêu kiều thời con gái, như đang dợm chân bước đi.
Như sắp vươn người ra khỏi chuồng lợn rác rưởi hôi thối, qua những chiếc đòn tay rui mè mọt ruỗng quện phân lợn và bồ hóng, qua đám người thảm hại nhớn nhác chưa kịp hiểu ra điều gì.
Đôi chân xinh xắn cứng đờ vút thẳng hai mũi bàn chân ra phía trước, như sắp bước đi trên không khí, trên đám cây đậu cằn cỗi không ra nổi hoa trái, như sắp sải bước qua đám hoa dâm bụt không hiểu vì cớ gì nở vô duyên, qua những rặng cây viền ngoài ngôi nhà cổ rộng thênh và buồn thảm, qua dàn hoa đỗ trun hồng thắm thơm ngọt ngào đang nở rộ ngoài kia.
Đôi chân dợm bước theo những tia nắng ra ngoài cánh đồng bỏ hoang lúp xúp cỏ và rạ ngoài kia do trong làng ngoài xóm mải đấu tố bỏ cấy cày.
Đôi chân như sải bước lên trời.
Gió đưa đẩy làm gấu váy và những dải thắt lưng rực rỡ phơ phất bay trên nền váy lĩnh đen, khiến cái thây của mẹ trẻ Phượng càng sống động và ma mị.

Lình đưa ông Dậm đến bên người thắt cổ, quỳ xụp xuống, nấc lên:
- Lạy mẹ trẻ!

© DCVOnline

-----------------------------------

Đọc thêm :

  - 

Vân Anh, thông tín viên RFA  -  2010-12-12

VÕ THỊ HẢO  -  11:09 sáng ngày 11/12/2010

Võ Thị Hảo  -  13-12-2010 
.
.
.

No comments: