Nguồn: Bill Powell, TIME
30.11.2010
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Wed, 12/01/2010 - 14:09
Trước tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang tăng cao lên điểm đỉnh trong vòng mấy thập niên qua, quốc gia được cho là cường quốc mới của thế giới quyết định đã đến lúc phô trương thanh thế.
Trung Quốc đã điều động quan chức ngoại giao quan trọng nhất của mình, uỷ viên quốc vụ Đới Bỉnh Quốc đến Seoul để thúc đẩy hội thảo với Tổng thống Nam Hàn Lee Myung Bak. Tại Bắc Kinh, vị bộ trưởng ngoại giao đã triệu tập các phóng viên vào cuối chiều Chủ nhật để thông báo rằng Trung Quốc đang kêu gọi Hoa Kỳ, Nam Hàn, Nhật Bản, Nga và, đúng thế, Bắc Hàn - tất cả thành viên của nhóm gọi là đàm phán sáu bên - cùng họp mặt để "hội thảo khẩn cấp" về việc ngăn chặn tình trạng an ninh đang suy giảm tại hai miền Triều Tiên.
Với những hình ảnh của Đảo Yeonpyeong bị tàn phá vẫn nhấp nháy trên màn ảnh truyền hình trên khắp Nam Hàn và quân đội nước này đang trong tình trạng báo động cao nhất, Trung Quốc lại kêu gọi thảo luận... về việc nối lại cuộc thảo luận sáu bên.
Phản ứng của Nam Hàn cũng đủ lịch sự như cứng rắn. Một quan chức cao cấp trong chính quyền Lee Myung Bak nói với TIME hôm thứ Ba, "chúng tôi nghĩ rằng điều cần làm trước tiên đối với bất cứ thành viên nào [của cộng đồng quốc tế] là chỉ ra trách nhiệm của Bắc Hàn trong cuộc tấn công vừa qua." (Trung Quốc đã chưa làm việc này.) Nếu không, vị quan chức này lạnh lùng nói, "đề nghị đối thoại sẽ thiếu tính chân thành." Hôm thứ Hai tại Washington , Phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Bibbs đã chẳng thèm lịch sự. Ông đã chế diễu: "Tôi không cho rằng Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác muốn giữ ổn định trong khu vực bằng hàng loạt những hoạt động quan hệ công chúng."
Thật sự là thế giới - và Hoa Kỳ và đặc biệt là Nam Hàn - muốn Trung Quốc làm một điều gì đấy. Điều mà họ muốn - mà vẫn muốn Trung Quốc làm là gửi Đới Bỉnh Quốc (hoặc những quan chức cao cấp khác trong Đảng đại diện cho trung tâm quyền lực cao nhất của Trung Quốc) sang Bình Nhưỡng không phải bàn về chuyện thảo luận sáu bên mà để gõ vào đầu. Và cứ tiếp tục gõ đầu cho đến khi Kim Jong Il và người con trai thứ ba, kẻ nối dõi Kim Jong Un 28 tuổi hiểu được thông điệp rằng Bắc Hàn phải chấm dứt thái độ khiêu khích của mình.
Nhưng trong khi Bắc Hàn và Nam Hàn đang nhích dần đến một cuộc chiến tranh được cho là đẫm máu nhất của thế kỷ 20, phản ứng ngoại giao của Trung Quốc thật giống như là điếc đặc - và tồi tệ hơn nữa là mù tịt. Họ từ chối công khai lên án đồng minh của mình rồi lại kêu gọi quay lại quá trình ngoại giao đã kéo dài hai năm qua mà trong thời điểm này đã không còn quan trọng. Chẳng trách việc một nhà ngoại giao phương tây tại Seoul đã bực dọc nói với TIME hôm thứ Hai rằng khi đề cập đến vấn đề Bắc Hàn, "Trung Quốc dường như không hiểu được vấn đề."
Vấn đề ở đây, ông nhanh chóng bổ sung, là: Trung Quốc, qua quá trình tăng trưởng kinh tế lâu dài và với tầm vóc của mình, đã kéo Nam Hàn vào quĩ đạo của họ. Bắc Kinh đã và đang là đối tác thương mại lớn nhất của Seoul trong vài năm qua. Không ít hơn 21,5% hàng xuất khẩu của Nam Hàn trong năm 2009 đã đến Trung Quốc. (Kế theo sau là Hoa Kỳ, chỉ chiếm 10,9%.) Cả Nam Hàn và Trung Quốc, qua thương mại, đang làm giàu cho nhau. Một Triều Tiên thống nhất do Seoul dẫn đầu (không kể đến dòng họ Kim) sẽ lập tức biến miền Bắc thành một đại công trường xây dựng. Và bất cứ ai đã từng đến Trung Quốc một lần trong hai thập niên qua cũng hiểu rằng giới lãnh đạo Trung Quốc rất am tường về việc biến một quốc gia thành một công trình xây dựng. Thay vì thế, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như chấp nhận đóng vai trò cân bằng quyền lực đầy thận trọng, một kiểu trò chơi giữ-quốc-gia-vùng-đệm-tồn-tại-bất-chấp-mọi-điều. Kết quả là những gì thế giới chứng kiến hôm thứ Ba với cuộc tấn công vô nguyên cớ của Bình Nhưỡng vào hòn đảo Yeonpyeong dân cư thưa thớt. Hai thường dân và hai lính Thuỷ quân Lục chiến của Nam Hàn bị giết.
Việc đăng tải hàng loạt những thư từ ngoại giao của Hoa Kỳ từ WikiLeaks đã gây kích động trong giới truyền thông rằng có lẽ Trung Quốc không chơi trò hai mặt đối với Bắc Hàn. Nhưng tin tức này cho biết Đại sứ Hoa Kỳ ở Seoul đã trích lời Cố vấn An ninh Quốc gia Nam Hàn Chun Yung-Woo, kể lại việc hai quan chức Trung Quốc không nêu danh nói rằng Trung Quốc sẽ đồng ý với một Triều Tiên thống nhất dưới sự quản lý của Seoul trong một "quan hệ đồng minh ôn hoà" với Hoa Kỳ - miễn là không thù địch với Trung Quốc. "Hai quan chức này," Chun nói, đã sẵn sàng "đối diện với thực tế mới rằng Cộng hoà Nhân dân Triều Tiên giờ đây không còn giá trị của một quốc gia vùng đệm đối với Trung Quốc." Sự tiết lộ của WikiLeaks dường như cũng cho thấy rằng các quan chức Trung Quốc - đa số là nhân viên bộ ngoại giao hoặc các "chuyên gia" nghiên cứu có thể sai lầm một cách tuyệt vọng về những gì đang thực sự xảy ra ở Bắc Hàn như những người khác.
Cả hai điểm trên đều chắc chắn đúng. Liệu các quan chức bộ ngoại giao Trung Quốc cũng mù tịt về việc Bắc Hàn dự định thử nghiệm tên lửa như bất cứ ai ở thế giới bên ngoài? Không nghi ngờ gì nữa. Nhưng điều quan trọng là cần hiểu rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đưa ra những quyết định quan trọng về chính sách đối với Bắc Hàn. Họ có ảnh hưởng nhưng không ra quyết định. Việc này dành cho các thành viên của Uỷ ban Trung Ương, bộ quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (hoàn toàn cách biệt với Bộ Ngoại giao) Hội đồng Quốc vụ (có toàn quyền với Bộ Ngoại giao) và những sĩ quan cao cấp trong Quân đội Giải phóng Nhân dân. (Có hơn 180 nghìn quân Trung Quốc tử trận trong cuộc chiến Triều Tiên 60 năm trước). Có bao nhiêu nhà thảo chính sách thực sự ở Trung Quốc mà thế giới gián tiếp biết được qua tiết lộ của WikiLeaks? Điều này không rõ, nhưng có lẽ không nhiều.
Vì thế không nên quá tin tưởng vào thực tế rằng có những người trong bộ ngoại giao và kinh tế ở Bắc Kinh, thường xuyên làm việc với người nước ngoài và là những người thực sự "hiểu được vấn đề" khi nói đến Bắc Hàn. Họ không là người vận hành đất nước, ít nhất là chưa vào lúc này. Một quan chức cao cấp Nam Hàn tham dự cuộc gặp gỡ giữa Đới Bỉnh Quốc và Lee Myung Bak hôm Chủ nhật - một cuộc họp kéo dào 2 giờ 10 phút - nói ông có cảm giác rằng "nhóm lãnh đạo tối cao của chính quyền Trung Quốc có mối quan tâm hoặc khó khăn nào đó. Họ hiểu rằng tình huống của Bắc Hàn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đối với quyền lợi quốc gia của Trung Quốc trong tương lai." Nhưng nếu Trung Quốc thay đổi vị trí của mình đối với Bắc Hàn, ông Đới không tiết lộ dấu hiệu này, vị quan chức Nam Hàn cho biết. "Trung Quốc đã không thay đổi vị trí chính thức của mình."
Hiện giờ thì chưa. Nếu họ đang trong quá trình làm việc này, họ sẽ phải nhanh chóng cho Bình Nhưỡng biết rằng họ không hài lòng. Các quan chức Trung Quốc, như tiết lộ của WikiLeaks cho thấy rõ, có thể mù tịt về quyết định đối với Bắc Hàn như bất cứ ai khác; nhưng không nên nhầm lẫn việc này với việc thiếu quyền lực. Bắc Kinh vẫn là chiếc phao cứu hộ kinh tế của Bình Nhưỡng: Bắc Hàn hầu như hoàn toàn dựa vào Trung Quốc về mặt cung cấp năng lượng. Từ năm 2002 đến 2007, tỉ lệ năng lượng xuất khẩu năng lượng của Bắc Kinh sang Bình Nhưỡng đã tăng gấp ba, từ 118 triệu Mỹ kim lên đến 402 triệu Mỹ kim. Nếu Trung Quốc thực sự muốn Kim Jong Il chú ý, họ có thể làm được. Vấn đề là: liệu họ có thực sự muốn thế?
.
.
.
No comments:
Post a Comment