Saturday, December 18, 2010

CHUYỆN THỦ TƯỚNG và TRIẾT LÝ NĂM CAM (Kami)

Kami
18.12.2010

Hôm qua 17/12/2010 tin tức hàng đầu liên quan tới Việt nam trên các phương tiện truyền thông đại chúng toàn cầu chắc chắn không ngoài tin tờ báo Asahi Shinbum của Nhật tiết lộ họ có trong tay bản dự thảo nhân sự của Bộ Chính Trị và Trung ương Đảng CSVN tại Hội nghị trung ương lần thứ 14 do một trong số hơn 200 đại biểu dự hội nghị gửi tới. Theo đó, ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hiện nay nhiều phần sẽ là Tổng bí thư đảng CSVN thay ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Tấn Dũng, đương kim Thủ tướng vẫn tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa sau đại hội đảng lần thứ 11. Hai gương mặt mới, ông Trương Tấn Sang (hiện là Thường trực Ban Bí Thư) sẽ là Chủ tịch nước thay ông Nguyễn Minh Triết và ông Phạm Quang Nghị (bí thư thành ủy Hà Nội) sẽ là chủ tịch quốc hội.

Việt nam ta là một trong số rất ít các quốc gia vốn theo chủ nghĩa cộng sản còn sót lại vẫn duy trì chế độ độc tài đảng trị, theo đó mọi quyền hành chính trị nằm trong tay một nhúm người của một chính đảng duy nhất hợp pháp đó là đảng cộng sản Việt nam. Nói quyền hành chính trị tức là nói đến mọi chủ trương, đường lối mọi mặt, lập pháp, hành pháp v.v… của một quốc gia phải có cũng đều do một nhóm nhỏ có tên là Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất gồm 15 thành viên toàn quyền chi phối.

Điều đó khác với các chính thể dân chủ, cộng hòa khác đang tồn tại ở đa số các quốc gia khác, khi mà Hiến pháp được coi là một hệ thống quy đinh những nguyên tắc chính trị căn bản, các quy tắc và nguyên tắc quy định bản chất và phạm vi thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền phải do nhân dân phúc quyết. Nghĩa là nhà nước chỉ được hoạt động trong khuôn khổ những điều mà Hiến pháp, luật pháp cho phép, còn ngược lại thì người dân được làm bất kỳ điều gì mà luật pháp không cấm. Khi chính quyền nhà nước không tôn trọng hay không tuân thủ Hiến pháp, luật pháp cao nhất trong khi ban hành các văn bản dưới luật vi hiến thì sẽ bị Tòa án Hiến pháp xử lý kịp thời. Và một điều đặc biệt là một nhiệm kỳ của chính quyền nhà nước chỉ tồn tại trong một thời gian ấn định cụ thể 4-5 năm, hết thời hạn thì tổ chức tổng tuyển cử để bầu các đại biểu Quốc hội mới và xác định chính phủ cầm quyền mới. Đó chính là sự thách thức đối với mỗi đảng phái chính trị khi tranh giành quyền lực cần phải có khi muốn có quyền tham gia chính phủ mới, đó là phải biết trân trọng quyền quyết định thông qua lá phiếu bầu của mỗi cử tri, là khởi nguồn của sự thắng lợi của mỗi đảng chính trị trong mỗi cuộc bầu cử.

Hiểu như vậy để thấy việc độc tài chính trị của bất kể nhóm người nào đó cũng chỉ là hành động ăn cướp quyền của nhân dân mà Hiến pháp và luật pháp đã ghi nhận. Không thể viện bất kỳ lý do nào, nguyên nhân gì để biện minh cho hành động ăn cướp quyền dân một cách ngang ngược, có hệ thống và kéo dài như ở Việt nam ta hiện nay là một ví dụ. Cần nhớ rằng tại điều 6 của Hiến pháp năm 1992 nước Cộng hòa XHCN Việt nam quy định “Điều 6: Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân… “và theo hiến pháp và luật pháp nhà nước Việt nam thì các đại biểu Quốc hội không có nghĩa vụ phải tuân theo các chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Phạm Nhật Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty tư nhân AVG

Vậy cái kết quả từ Hội nghị Trung ương lần thứ 14 mà tờ Asahi Shinbum của Nhật tiết lộ nêu trên là cái quái gì? Cái đó thể hiện đảng CSVN đang ngồi trên luật pháp hay luật pháp Việt nam hiện nay là cái oẳn – tà – là – oằn của cụ Nguyễn Công Hoan ngày xưa?

Người đại biểu nhân dân muốn được dân chọn vào ngồi trong Nghị viện để thay mặt họ trong vấn đề của cơ quan Lập pháp thì người đại biểu đó phải biết và phải thực hiện đúng, đủ và tốt những điều cam kết hay những điều đã hứa hẹn với cử tri khi vận động tranh cử. Có như vậy mới có hy vọng con đường chính trị của mình thông suốt, ngồi ghế dân biểu nhiều nhiệm kỳ để ích ước lợi nhà. Ngược lại thì không và chỉ một lần là chấm hết, khi thất hứa hay không bảo vệ lợi ích chính đáng của họ thì dân họ sẽ không tin và họ sẽ phế bỏ ở những cái tên này trong những cuộc tranh tài kỳ bầu cử của nhiệm kỳ sau.

Ở các nước người làm chính trị gia hay để trở thành dân biểu cũng khốn khổ, khốn nạn lắm, mất tiền bạc không ít mới giành được cái chức dân biểu, đó chính là lý do vì sao mà toàn người có tiền có của, có học thức mới dám tham gia làm chính trị. Đảng ta thì bảo đó là thể hiện bản chất xấu xa của các nước dân chủ tư sản, chính trị chỉ phục vụ cho kẻ giàu có mà bỏ rơi người lao động mà không nói bọn người giàu có ấy muốn trở thành đại biểu nhân dân (dân biểu) là do ai đưa họ vào ngồi cái ghế đó? Ở Việt nam ta thì sao thì chắc khỏi phải nói chắc ai cũng hiểu, chỉ có điều con người ta chỉ và luôn luôn phục vụ tận tình cho những kẻ mang lại quyền lợi cho họ. Dân biểu cũng vậy, họ luôn phục vụ cho người có công đưa họ vào ngồi cái ghế đó, đảng hay nhân dân cũng thế cả, dân bầu thì họ phục vụ dân, đảng cử thì họ phục vụ đảng là đương nhiên.

Nhân việc Asha Shinbum nói ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tái đắc cử chức vụ Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa, xin nhắc lại một chuyện không nhỏ mà có lẽ Thủ tướng của ta nhiều việc nên có thể quên để nhớ rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới. Đó là những điều Thủ tướng phát biểu và hứa trong “Cuộc đối thoại của Thủ tướng với nhân dân cả nước ” sáng ngày thứ Sáu – 09/2/2007 và đừng quên rằng ông Nguyễn Tấn Dũng hứa hẹn vào khi đã làm Thủ tướng không cần dân bầu. Trong buổi đối thoại với nhân dân mang tính giao lưu trực tuyến này, Thủ tướng đã dành gần 4 giờ với 30 câu hỏi trên mọi lĩnh vực, ở đây chỉ nói tới một việc mà phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân mà Hiến pháp Việt nam quy định (vi hiến) khi trả lới câu hỏi của ông Phạm Dương Quốc Tuấn (trích):

“Phạm Dương Quốc Tuấn: Kính chào Thủ tướng ! Vì sao Thủ tướng lại ký chỉ thị nghiêm cấm tư nhân hoá báo chí dưới mọi hình thức? Như vậy, có đi ngược lại mục tiêu tự do dân chủ mà Thủ tướng phấn đấu hay không?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đúng, tôi có ký chỉ thị nhằm tăng cường sự quản lý của Nhà nước về báo chí để phát huy tối đa nhất, tốt nhất vai trò của báo chí của chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển về mọi mặt của đất nước. Để mỗi tờ báo, tạp chí (với hơn 600 tờ báo, tạp chí) của chúng ta thật sự là cơ quan ngôn luận, thật sự là diễn đàn dân chủ của các tầng lớp nhân dân; để mỗi tờ báo, mỗi tạp chí là một ngọn cờ chiến đấu của nhân dân ta vì mục tiêu một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trong chỉ thị tôi ký có nghiêm cấm không được tư nhân hóa báo chí với bất cứ hình thức nào và không được để bất cứ thế lực nào chi phối báo chí để phục vụ ý đồ riêng trái pháp luật, gây phương hại cho đất nước. Đây là chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đúng theo quy định của pháp luật hiện hành, đúng theo ý chí  nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân ta, đồng bào ta, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước ta. Mọi việc làm tốt, làm hay của báo chí phải được trân trọng và khen thưởng thỏa đáng, kịp thời, đồng thời mọi vi phạm về hoạt động báo chí cũng phải được xem xét, xử lý nghiêm minh đúng pháp luật...”

Tóm lại là Thủ tướng kiến quyết cấm báo chí tư nhân dưới mọi hình thức thông qua chỉ thị số  37/2006/CT-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2006 , cộng với nghe Thủ tướng trình bày thì có vẻ có lý lắm vì nó ảnh hưởng tới an ninh và ổn định chính trị vốn liên quan tới sinh mệnh của đảng, vì theo ông Thủ tướng phải cấm vì “ … không được để bất cứ thế lực nào chi phối báo chí để phục vụ ý đồ riêng…“.

Vậy mà đến hôm nay thực tế thì sao? Theo báo Tuổi trẻ online ngày thứ năm 16/12/2010 trong bài “AVG AVG là ai? có đoạn: “Trong vài tháng gần đây, làng truyền thông VN xôn xao bàn tán về sự xuất hiện của AVG, một công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông mới xuất hiện, chưa có sản phẩm nào “trình làng”, nhưng được dự báo sẽ là một gương mặt đáng gờm với bất cứ ai, cho dù đó là Đài truyền hình quốc gia!….vốn pháp định của AVG là 1.400 tỉ đồng. Nhưng thông tin mới nhất do ông Vũ cho biết: vốn của AVG đã tăng lên 1.800 tỉ đồng, từ sáu cổ đông chính, trong đó có Tập đoàn An Viên….Tập đoàn An Viên của gia đình họ Phạm là cổ đông lớn nhất của AVG. Công ty AVG đã được cấp các giấy phép cần thiết cho việc truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số mặt đất trên phạm vi toàn quốc, truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số vệ tinh. Như vậy, AVG là công ty tư nhân đầu tiên ở VN được phép truyền dẫn phát sóng truyền hình.

Và cũng hôm nay hình như để nhắc nhở Thủ tướng (sợ ông quên), báo chí trong nước cũng lại có một tin không nhỏ liên quan đến tập đoàn tư nhân AVG, đó là tin “Ông Trần Đăng Tuấn sẽ là Tổng Giám đốc AVG”
Chắc không phải bình luận gì thêm giữa lời nói và việc làm của một ông Nguyễn Tấn Dũng Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan Hành pháp của Việt nam và chuyện ở Việt nam có hay không có báo chí tư nhân thì ai cũng có thể đánh giá và kết luận. Mà để kết thúc bằng bài viết xin dẫn một câu triết lý nổi tiếng của trùm mafia – xã hội đen nổi tiếng một thời đã bị tử hình Năm Cam, người đã đưa các ông Bùi Quốc Huy, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Trần Mai Hạnh, nguyên Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phạm Sỹ Chiến, Viện phó Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nửa đường đứt gánh vì ăn tiền hối lộ có nói rằng ” Ở Việt nam cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng… rất nhiều tiền”
AVG chắc cũng thế hay Thủ tướng quên mất câu  “còn đảng còn mình” mà đang cố tình tự diễn biến thưa Thủ tướng?
.
.
.

No comments: