Thursday, December 23, 2010

CHIẾC QUẦN DÀI PHỤ NỮ NHÌN TỪ QUAN ĐIỂM CHÍNH TRỊ (Đặng Đình Túy)


Đặng Đình Túy
Thứ Năm, 23 tháng 12 2010

Nghệ sĩ hài hước Trần văn Trạch kể rằng hồi xưa, trong một đêm văn nghệ ở Hồng Kông do đoàn văn nghệ Việt-Nam trình diễn, người quản trò (ngày nay ta gọi là Em-Xi, master of ceremonies) khi giới thiệu các nữ nghệ sĩ đã khéo gợi lòng tò mò của các đấng nam nhi Tàu rằng chốc nữa quí vị sẽ thấy các cô trên sân khấu, các cô mặc những chiếc áo dài xẻ hai bên hông tựa chiếc sường sám của phụ nữ chúng ta nhưng đặc biệt là chỗ xẻ khá cao, lên đến tận sườn trong khi áo của phụ nữ chúng ta chỉ xẻ cao quá đùi một ít thôi. Nghe thế, phe đàn ông Hồng Kông vỗ đùi sảng khoái, hào hứng chờ đợi màn trình diễn. Trong trí họ, chiếc áo của người phụ nữ Trung Hoa chỉ để lộ một mảnh đùi trên đầu gối mà đã gây cho họ bao nhiêu ước ao thèm muốn huống hồ đàng này chỗ xẻ được nâng lên đến tận hông thì phải biết! Họ không ngờ là phụ nữ Việt còn mặc chiếc quần bên dưới chứ không…bỏ trống như phụ nữ Tàu.

Như vậy tự hồi nảo hồi nào dân tộc ta đã có một quan niệm hết sức politically correct. Hãy nhớ rằng từ xưa, các vì vương ta đã có sắc luật chuẩn nhận (ép buộc) việc phụ nữ mặc quần. Cũng may nếu các sử quan bỏ quên không ghi sự kiện này thì cũng còn câu ca dao châm biếm trong dân gian: “Không đi thì chợ không đông; đi thì lột lấy quần chồng sao đang”. Đấy nhé, các nữ nghệ sĩ trình diễn ngày nay đừng tưởng mình tân tiến, người xưa đã biết phăng-te-di diện quần mầu rồi kia (hồng quần nhẹ bước chinh yên). Và đấy nhé, các ông tây, các ông đừng tưởng cái gì các ông cũng dẫn đầu nhân loại: tổ tiên chúng tôi đã biết, trong phạm vi phục sức, đề cao giá trị người phụ nữ bằng cách bắt họ mặc quần!

Tôi xin giải thích những ba hoa dài dòng trên đây: một bà đầm trí thức, bà Christine Bard, vừa viết cuốn sách có tựa “Une histoire politique du pantalon”, do nhà Seuil xuất bản, dày 392 trang, giá bán là 22€. Tôi vốn khoái nghe lý luận của bậc trí thức, kiểu giáo sư Nguyễn văn Trung mình ngày xưa toàn viết chuyện cao xa, bỗng thình lình ngồi suy ngẫm chuyện phòng trà mà viết nên Ảo ảnh Thanh Thúy khiến mọi người xô nhau đọc ầm ầm. Bạn sẽ tự hỏi không biết những gì dính nơi cái quần mà người ta có thể kéo dài hơn ba trăm trang sách? Ối, hơi đâu mà nghe mấy người trí thức tán láo. Họ nói ngược rồi nói xuôi, chiều nào nghe cũng thuận tai cả. Tôi chỉ tóm tắt đôi điều như sau.

Trước hết phải nói rằng cái gọi là bề ngoài nơi con người gồm thân xác hắn –phần để trống– và trang phục – phần che kín những gì hắn không-muốn-để-trống, nhưng qua nhiều thời đại thì ý nghĩa/công dụng của trang phục dần dần biến dạng. Ngày nay, trang phục trên căn bản vẫn y nguyên nhưng ý nghĩa khác đi. “Le costume reflète l’ordre social et le créé” – trang phục phản ánh trật tự xã hội và (cùng lúc) tạo ra nó. Cho dù ngày nay ở Tây phương, mức sống vật chất khá cao, ai cũng có thể dư sức sắm bộ vét cùng cà vạt, nhưng anh công nhân lao động chân tay chẳng hạn không đến sở với lối phục sức như vậy; (người ta cũng không thể đến dự đám cưới, hoặc đi hầu tòa với quần jean và T-shirt); trong cách nhìn này, bộ đồng phục học sinh là một cuộc cách mạng nhỏ nhằm xóa bỏ ý thức giai cấp. Đến trường với bộ đồng phục, các em giải bỏ được mặc cảm giàu/nghèo và nguồn gốc gia thế. Cũng cùng một nỗ lực, người cộng sản đã xiển dương lối phục sức cổ Mao: nam/nữ, nghèo/giàu (quên, xin lỗi, xã hội Cộng sản không có kẻ giàu người nghèo, ai cũng như ai, muốn rõ bạn cứ về Việt-Nam mà xem) trên/dưới như nhau. Việc nhỏ nhưng ngẫm lại thì chúng ta nhận ra rằng khó mà xóa cho được bất bình đẳng xã hội.

Tất nhiên, bên cạnh sự xếp đặt có tính hình thức tượng trưng cho các giai tầng xã hội, vẫn có nhóm những kẻ không tuân theo. Hay/dở, tốt/xấu, lợi/hại trước hành động đó còn tùy cách nhìn, cách đánh giá, cách diễn dịch. Ậy, thế là chúng ta đang đi sâu vào lối phân tích của tác giả rồi.

Tác giả, trong tựa đề, không nói rõ là chiếc quần dài của phụ nữ nhưng rõ ràng là bà không quan tâm đến chiếc quần dài nam giới, mà nếu có thì chỉ để so sánh và làm nổi bật điều muốn đề cập. Trước nhất, xin bạn đọc lưu ý: phụ nữ tây phương người ta mặc váy hoặc áo… đầm, hai loại có đặc điểm chung là không có đáy tức trống ở bên dưới. Quan niệm đưa đến sự hình thành nữ phục như vậy (do bọn đàn ông sáng tạo) được giải thích là tuân theo lẽ tự nhiên – đáy quần có khi gây trở ngại cho sự vận động của cơ thể người đàn bà. Đấy là lý luận không phải để chứng minh cho nữ phục mà cho nam phục, từ đó cái gì ngược lại là về phần nữ: quần dài là y phục đóng mà váy là y phục mở. Hình thể người đàn ông về phương diện giải thể học cho phép y khoác y phục đóng kín vì đối với y việc tháo mở để giải quyết những cần thiết không khó khăn. Dụng cụ khóa kéo (fermeture glissière) là một phụ tùng tiện lợi cho riêng y trong khi nó chỉ giúp được có nửa việc cho phái nữ. Như đã nói, hồi đầu, phụ nữ tây phương mặc áo dài hoặc váy. Theo cách giải thích của tác giả khi bà trả lời phỏng vấn (do nhà báo François-Guillaume Lorrain của tuần báo Le Point đặt câu hỏi) thì việc cổ xúy phụ nữ mặc quần xảy ra đồng thời với việc công nhận quyền công dân năm 1792, trong thời kỳ này các triết gia, các nhà bác học và chính trị gia đều phản đối, cho rằng có một khác biệt to lớn giữa phái tính và để tôn trọng luật thiên nhiên, họ đề nghị cấm phụ nữ mặc quần và hoạt động chính trị. Dù vậy, những năm 30 có vài khuôn mặt phụ nữ bắt đầu phục sức kiểu đàn ông. Để phản kháng, dư luận gán cho họ khuynh hướng “lại đực” (transsexuel), như vậy phe chống đối liên kết khuynh hướng chống người đồng tính với phong trào đòi giải phóng phụ nữ. Mãi tới khi nữ tài tử Marlène Dietrich cũng vào thời kỳ ấy, khoác những bộ smoking đàn ông, nhờ sự nổi tiếng và được hâm mộ nơi bà nên dần dần có những phụ nữ nhất là trong giới trưởng giả bắt chước. Ngày nay vẫn có những trường hợp mà người phụ nữ được coi là nghiêm chỉnh khi họ mặc váy thay vì là quần. Trong những cuộc tiếp tân của giới lãnh đạo, các bà mệnh phụ thường chọn váy hơn là quần. Ở Pháp, một vị nữ bộ trưởng trong chính phủ Chirac dưới thời tổng thống Giscard d’Estaing mặc nam phục bị chỉ trích bởi chính ông thủ tướng, trong khi ông tổng thống Giscard thì ngợi ca. Qua hai thái độ đối chọi trước sự việc khoác nam phục của bà bộ trưởng, người ta không thể bảo rằng kẻ chống (Jacques Chirac) là lạc hậu, chống bình đẳng phái tính và kẻ bênh (Giscard d’Estaing) có ý thức nâng cao nữ quyền.

Đối với tác giả cuốn sách, trang phục là một thứ ngôn ngữ có tầm chính trị (le costume comme un langage ayant une portée politique), quả là như vậy thật nhưng tùy vào quan điểm từng cá nhân. Xin trở về cuốn sách của C. Bard. Chúng ta có cảm tưởng rằng bà đã đùa với ngôn ngữ, đùa với lý luận. Bảo rằng chiếc quần dài là biểu tượng của tự tôn nam phái và chiếc váy là mối tự ti nữ phái, hay dùng giọng điệu nữ nhi rất yếu đuối và rất đáng yêu rằng nổi lo ngại thường xuyên của phe tóc dài là chiếc váy bị lật lên (la jupe soulevée est la cauchemar des femmes) thì tại sao chúng ta không nhớ lại hình ảnh Marylin Monroe mặc chiếc áo dài trắng bước qua lỗ thông hơi của đường xe điện ngầm: có hình ảnh nào gây ấn tượng sâu đậm trong đầu các đấng mày râu hơn vài giây đồng hồ khi ngọn gió tốc cao? Tại sao không có một diễn dịch khác rằng chính đấy là một phần của biểu tượng nữ quyền? Khen cho cái lưỡi không xương! Từ một sự việc chúng ta truy tìm ý nghĩa của nó nhưng khốn thay, tùy góc nhìn và tùy lối diễn dịch chúng ta khám phá ra cùng lúc những ý nghĩa những biểu tượng phức hợp, chúng có thể theo một chiều và rồi chúng cũng có thể tạo mâu thuẫn, nghịch lý. Rốt cuộc, để làm gì? Theo tác giả, là nhằm tranh đấu cho tự do cá nhân và bình đẳng phái tính. Thì ra trong nỗ lực đấu tranh, phương tịện nào cũng tốt miễn đạt được mục đích thôi.

Người phụ nữ đã không nhìn thấy khía cạnh xây dựng xã hội con người trong phạm vi này. Ngoài thiên nhiên kia, mọi sinh vật đực đều có bộ mã đẹp. Các nhà sinh vật học giải thích sự kiện đó như để giúp cho “chàng” chinh phục “nàng” dễ dàng. Nếu so sánh bộ mã thiên nhiên của loài vật với bộ mã tự tạo của con người thì rõ ràng các đấng nam nhi chúng ta đã tự ý chối từ làm đẹp mình. Nhìn kỹ đi, hãy bắt đầu bằng chiếc quần: giản dị, tiện lợi, khiêm tốn; chiếc áo; chiếc mũ… tất tất đều khô khan, nghèo tỉa vẽ, nghèo sắc mầu; hắn chỉ còn làm đỏm được với chiếc cà vạt! Sự “hy sinh” ấy (anh xấu để em thêm đẹp, em biết không?) nàng không nhìn thấy, nàng chỉ khóc ti ti vì những chỗ yếu kém thua thiệt. Người phụ nữ, khi tranh đấu cho quyền bình đẳng, ít hay nhiều nàng đã đánh mất lợi thế của nàng như tư thế người đàn bà (đây là ý kiến tôi, không phải ý kiến của bà C. Bard); nói cách khác, nàng tự đồng hóa với nam nhi khi giành quyền bình đẳng. Không không, xin đừng hiểu nhầm rằng tôi đang tìm cách dìm phu nữ hay có thói khinh thị họ (misogyne); tôi chỉ nhìn theo hướng khác. Cũng lấy thí dụ của chiếc quần dài và chiếc váy: những người tranh đấu cho nữ quyền coi chiếc quần dài như tượng trưng cho bình đẳng nam nữ; tôi, tôi chỉ nhìn thấy họ đang đánh mất một phần lợi thế nơi họ. Nhan sắc chẳng phải là ưu điểm của phái nữ sao? Chẳng ai cấm người đàn bà mặc váy ra tranh cãi trước quốc hội, ngồi ghế chánh án, lãnh đạo nhân dân. Hãy tìm một thế bình đẳng trong khác biệt; đừng tìm bình đẳng trong đồng dạng! Nét tâm lý đặc biệt của kẻ đua tranh là ghét đối thủ nhưng, vô hình chung, lại muốn bằng đối thủ và, tệ hơn, giống đối thủ. Tôi lạy các bà, xin đừng tìm cách giống chúng tôi. Giá trị của các bà chính là chỗ không giống chúng tôi đấy ạ!

--------------------------------------
* Blog của Đặng Đình Túy là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
.

No comments: