Sunday, December 5, 2010

CHỈ MỘT TUẦN, WIKILEADS ĐÃ BIẾN ĐỔI THẾ GIỚI

Thái An (Theo Guardian, AP)
Cập nhật lúc 05/12/2010 06:18:00 AM (GMT+7)

Làn sóng thông tin mật được tiết lộ, khiến các nhà lãnh đạo thế giới nổi cơn thịnh nộ và cái tên WikiLeaks nổi lên trong vòng một tuần nay.

Chiều chủ nhật trước, một lượng thông tin mật của chính phủ Mỹ lớn nhất từ trước tới nay đã được đưa lên các trang web của những tờ báo lớn tại Mỹ và châu Âu, cung cấp cho độc giả những chi tiết chưa từng có về Iran, Triều Tiên, Afghanistan và Nga.
 
Suốt cả một tuần lễ, dòng thông tin đã trở thành một “cơn lốc” lật tung mọi ngóc ngách bí mật về cách các nhà ngoại giao Mỹ và những chính phủ nước ngoài nhìn nhận thế giới. Theo những bức điện tín bí mật gửi đi từ đại sứ quán Mỹ, Ảrập Xêút đã muốn Washington đánh bom Iran, Anh thì “có những quan ngại sâu sắc về an ninh và an toàn của các vũ khí hạt nhân Pakistan", và Nga thì bị coi là “quốc gia mafia”.

 Nhưng có lẽ điều lúng túng nhất với Hillary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ, người chịu trách nhiệm cuối cùng về nội dung hầu hết các bức điện tín mật được tiết lộ tính đến thời điểm này, là bức điện công bố cho thấy, Washington có một chiến dịch thu thập thông tin kiểu như hoạt động gián điệp với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cùng các lãnh đạo LHQ khác, cũng như của các đại diện tại Hội đồng Bảo an đến từ Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp.

Bà Clinton đã cố gắng thanh minh với báo chí về hoạt động trên - yêu cầu nhà ngoại giao Mỹ tìm kiếm thông tin, số hiệu thẻ tín dụng, hộ chiếu của các quan chức LHQ, thậm chí là cả mẫu ADN - với cá nhân Tổng thư ký LHQ.

Một thông tin gây sửng sốt được rò rỉ từ các bức điện tín mật là, Ảrập Xêút thúc giục Mỹ “đánh rắn đánh dập đầu”, tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm vào chương trình hạt nhân Iran. Nó cho thấy một cảm giác rằng, các nhà lãnh đạo thế giới không phải quá phi thường mà là quá con người, và những quan điểm cá nhân trong những con người quyền lực ấy thường hoàn toàn trái ngược với những gì họ nói trước công chúng, rằng những thông tin từ các bức điện tín quá hấp dẫn, và có lẽ cũng quá nguy hiểm.

Phản ứng lập tức của Ngoại trưởng Mỹ là lên án mạnh mẽ và tuyên bố “tất cả các nước, gồm cả Mỹ, đều phải có những cuộc đối thoại riêng tư, trung thực với những quốc gia khác”.

Cựu ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hoà, Mike Huckabee muốn xử tử Bradley Manning, chuyên viên phân tích tình báo quân đội Mỹ, 23 tuổi, người đang bị giam ở một căn cứ quân sự tại Virginia, và đối mặt với phiên toà cáo buộc tội tải các file tài liệu trong khi đang thực hiện nhiệm vụ ở Iraq.

Còn nữ chính khách đang nổi Sarah Palin thì kêu Julian Assange, nhà sáng lập ra trang web Wikileaks là “hoạt động chống Mỹ với bàn tay đẫm máu” và thúc giục truy lùng Assange như trùm khủng bố Bin Laden.

Một số nhà lãnh đạo bị phơi bày điểm yếu từ các bức điện tín không tin tính chân thực của thông tin. Ví dụ như có bức điện cho biết, Nga sử dụng các thành viên mafia để thực hiện một số hoạt động như buôn bán vũ khí. Thậm chí trước khi bức điện tín mật được tiết lộ, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã nói: "Một số chuyên gia tin rằng, ai đó đang lừa gạt WikiLeaks, rằng danh tiếng của nó đã bị xói mòn vì mục tiêu chính trị”.

Một ngày sau đó, trong bức điện tín mật, quan chức ngoại giao Mỹ đã nói đến những nghi ngờ về việc Thủ tướng Italia, Silvio Berlusconi, có thể “được hưởng lợi cá nhân và khá hậu hĩ” từ các hợp đồng, thoả thuận bí mật với Putin.

Tổng thống Iran Ahmadinejad cũng phủ nhận rằng, các quốc gia Ảrập vùng Vịnh đối lập với chế độ của ông và nhấn mạnh: “Chúng tôi không nghĩ thông tin này bị rò rỉ. Chúng tôi nghĩ nó được tổ chức để xuất bản trên một nguyên tắc cơ bản là phục vụ mục tiêu chính trị”.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng không giữ được kiên nhẫn, thậm chí còn dọa sẽ khởi kiện về các cáo buộc tham nhũng.

Tình trạng tham nhũng lan tràn tại Afghanistan đã được tiết lộ, bao gồm cả một vụ việc xảy ra năm ngoái, khi phó Tổng thống Ahmad Zia Massoud đã bị chặn lại và thẩm vấn ở Dubai khi ông tới vương quốc này với 52 triệu USD tiền mặt.

Tại Anh, đã có lời kêu gọi Mervyn King, Thống đốc Ngân hàng Anh, từ chức sau khi một bức điện tín cho thấy, trong cuộc trao đổi ngắn với Đại sứ Mỹ tại London, Louis Susman, ông đã bày tỏ sự lo lắng về việc “thiếu kinh nghiệm”, “thiếu chiều sâu” củaThủ tướng David Cameron và Bộ trưởng Tài chính George Osborne.

Và ít nhất, một thông tin mật bị rò rỉ đã mang tia hy vọng về một tương lai hòa bình hơn trên bán đảo Triều Tiên khi cho biết, Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận thống nhất hai miền Triều Tiên dưới sự kiểm soát của Hàn Quốc và tự mình giữ khoảng cách với Bình Nhưỡng, mà Bắc Kinh mô tả là hành xử như “một đứa trẻ hư”.

Bức điện tín mật cho biết nội dung cuộc trao đổi giữa thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc và quan chức cấp cao Trung Quốc. Theo đó, hai quan chức cấp cao của Trung Quốc nói với ông rằng, họ tin là cần thống nhất hai miền Triều Tiên dưới sự kiểm soát của Seoul, và quan điểm này được giới lãnh đạo Bắc Kinh tán thành. Trong khi đó, một thứ trưởng Ngoại giao của Bắc Kinh đã trao đổi với quan chức Mỹ rằng, Bình Nhưỡng đã hành xử như một “đứa trẻ hư” để thu hút sự chú ý của Washington vào tháng 4/2009 bằng việc thử hàng loạt tên lửa.

Trong suốt cả tuần lễ, chính quyền Mỹ đã tăng cường áp lực với WikiLeaks. Hôm thứ ba, họ tuyên bố điều tra xem trang web này có vi phạm luật hoạt động gián điệp hay không. Một ngày sau đó, họ đã thành công khi buộc Amazon phải ngừng cung cấp dịch vụ hosting cho WikiLeaks, buộc trang web phải tìm đến máy chủ ở châu Âu.

Joe Lieberman, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Thượng viện Mỹ, nói bất kỳ công ty hay tổ chức nào khác “chứa chấp” WikiLeaks cần lập tức chấm dứt quan hệ với họ.

Hôm thứ sáu, trang web WikiLeaks bị tấn công lần thứ ba trong tuần này.

Thái An (Theo Guardian, AP)

----------------------------------

.
.
.

No comments: