Saturday, December 18, 2010

BÌNH DƯƠNG : 7.000 CÔNG NHÂN DÌNH CÔNG ĐÒI TĂNG LƯƠNG (BBC)

BBC
Cập nhật: 05:45 GMT - thứ bảy, 18 tháng 12, 2010

Bảy ngàn công nhân tại Công ty cổ phần giày Duy Hưng, KCN Sóng Thần 1, tỉnh Bình Dương đình công liên tiếp trong hai ngày đòi chủ tăng lương.

Duy Hưng là doanh nghiệp giày tư nhân. Sản phẩm chủ yếu là giày thể thao, xuất sang thị trường Âu châu và Á châu. Một năm công ty sản xuất 5 triệu đôi giày.
Công nhân cho rằng trong hoàn cảnh vật giá leo thang liên tục, mức lương hiện tại không đủ trang trải chi phí cuộc sống.
Cuộc đình công bắt đầu từ phân xưởng 1, với 6.000 công nhân nghỉ việc nêu yêu sách tăng lương tập thể. Người lao động đòi công ty tăng thêm 300.000 đồng mỗi tháng.
Sau đó khoảng 1.000 công nhân tại phân xưởng 2, copy cách làm của công nhân xưởng 1, tổ chức đình công theo từng nhóm.
Đến trưa ngày 17/12 đại diện công ty gặp người lao động, hứa sẽ tăng lương kể từ tháng 1/2011. Lương công nhân sẽ tăng trung bình 200.000 đồng/tháng.
Có khoảng 7.000 công nhân làm tại công ty giày Duy Hưng.

Báo Việt Nam đưa tin từ đầu năm đến nay tỉnh Bình Dương xảy ra “hàng chục” vụ đình công, lãn công. Số lao động tham gia lên tới “hàng chục nghìn người”. Nguyên nhân hàng đầu gây ra đình công là lương thấp, công nhân không đủ sống, trong khi vật giá leo thang.

Lương thấp
Theo chuyên gia nước ngoài, so với các nước khác tại châu Á công nhân Việt Nam có mức lương thấp nhất.
Tại cuộc hội thảo do Cục Xúc Tiến Thương Mại, Bộ Công Thương phối tổ chức ngày 10 tháng 12, Giám đốc Phòng Thương Mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) Matthias Duhn đưa ra một số thống kê về lương.
Được trả “gần 49 USD/tháng, lương của người lao động Việt Nam chỉ xếp trên Campuchia - với 47.36 USD/tháng,” ông Duhn nói.
Trong khi công nhân tại Indonesia được trả 82 USD/tháng, Trung Quốc 117 USD/tháng, Thái Lan 156 USD/tháng, Philippines 167 USD/tháng, Malaysia 336 USD/tháng, Ðài Loan 540 USD/tháng, Hàn Quốc 830 USD/tháng, Singapore 1.146 USD/tháng và Nhật 1.810 USD/tháng, đại diện Eurochamcho cuộc hội thảo biết.
“Trả công lao động rẻ là một trong những nguyên nhân khiến giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp ở Việt Nam thấp,” báo Thanh Niên trích lời ông Matthias Duhn.
“Vì thế, không thể dựa vào giá lao động rẻ để đạt tới chuỗi giá trị gia tăng cao được.”
Với đồng lương thấp, mỗi năm Việt Nam có tới “hàng trăm” vụ đình công đòi tăng lương, báo Việt Nam đưa tin.
Không chỉ lương thấp, công nhân tại tại các khu chế xuất còn bị ép buộc làm hơn số giờ qui định, nhưng không được trả tiền phụ trội. Bữa ăn trưa của công nhân thường đạm bạc, thiếu thốn chất lượng, không đủ chất để tái tạo sức lao động.
Cạnh đó, công nhân nghỉ bệnh, nghỉ thai sản bị có thể bị đuổi việc.
Nhiều vụ ngộ độc thức ăn tập thể xảy ra tại các khu công nghiệp trong nước, do thực phẩm ôi thiu, mất vệ sinh.
Luật lao động của Việt Nam gồm nhiều quy định chồng chéo khiến đa số công nhân không thể đình công “đúng luật.”
Hầu hết các cuộc đình công tại Việt Nam đều bị coi là “bất hợp pháp.” Trong khi hệ thống công đoàn tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động yếu ớt, ít khi đứng về phía người lao động.
.
.
.

No comments: