Friday, December 17, 2010

Báo TỔ QUỐC - Số 101 - Ngày 15-12-2010

Ban biên tập
Báo TỔ QUỐC Số 101 Ngày 15/12/2010



Bước vào năm 2011 thế giới vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế. Giai đoạn cấp cứu có thể tạm xong nhưng giai đoạn cải tổ cơ cấu để phục hồi chỉ mới bắt đầu và sẽ đưa tới những thay đổi lớn. Điều chắc chắn là các nước giàu không còn tài trợ cho cho các nước đang phát triển bằng nhập khẩu hàng hóa và xuất khẩu tư bản được nữa. Họ đã tiêu xài quá nhiều trong một thời gian dài và đang mắc nợ lớn.

Mọi quốc gia sẽ đều phải giải quyết bài toán khó khăn là làm thế nào để cân bằng ngân sách mà không hy sinh những đầu tư cần thiết cho tương lai. Ngoài ra, tùy mức độ phát triển, mỗi quốc gia còn bị đặt trước một trong hai vấn đề nhức nhối: các nước giàu phải thắt lưng buộc bụng để giảm bớt nợ công và nhập siêu, các nước nghèo phải trông đợi trước hết vào thị trường nội địa và vốn đầu tư của chính mình.

Trong bối cảnh thế giới khó khăn này tình trạng của Việt Nam lại càng nghiêm trọng hơn. Chúng ta không chỉ có những vấn đề của những nước đang phát triển mà còn có cả những vấn đề chỉ có ở những nước giàu. Chúng ta nghèo một cách hổ nhục, thu nhập trung bình của một người Việt Nam chỉ bằng 1/10 mức trung bình thế giới, kinh tế của chúng ta chủ yếu dựa trên xuất khẩu nhưng lại nhập siêu liên tục ở mức báo động. Thêm vào đó là áp lực bành trướng thô bạo của Trung Quốc mà chúng ta chỉ đương đầu được nếu hội nhập nhanh chóng và quả quyết vào thế giới dân chủ. Mọi quốc gia đều phải xét lại nhưng Việt Nam lại càng phải xét lại triệt để và toàn diện hơn.

Năm 2011 cũng bắt đầu với đại hội 11 của ĐCSVN và việc chuẩn bị đại hội đã chứng tỏ nó lúng túng một cách bi đát. Các tài liệu căn bản được soạn thảo cho đại hội đều nhàm chán và lạc điệu đến độ người ta phải tự hỏi đảng cộng sản có còn trí khôn không và nghĩ mình đang sống ở thời đại nào. Nó đã quá phân hóa để có thể đổi mới, dù đó là điều kiện bắt buộc để tồn tại. Cụ thể là chỉ còn vài tuần lễ là đến ngày khai mạc đại hội nhưng đảng vẫn chưa có nổi đồng thuận về một Tổng bí thư mới và một Bộ Chính Trị mới. Không có gì đáng ngạc nhiên, chỉ có một lý tưởng lớn, một dự án lớn cho đất nước và những người lãnh đạo ngang tầm với đòi hỏi mới có khả năng gắn bó những con người trong một cố gắng chung. Đảng cộng sản hiện thiếu cả ba điều kiện này. Lý do duy nhất để ủng hộ nó chỉ là quyền lợi, nhưng hy vọng đoàn kết để tiếp tục chia sẻ quyền lợi chỉ là một ảo tưởng. Một mình nó quyền lợi chỉ dẫn tới xung đột.

Trong ba người có nhiều khả năng nhất để trở thành Tổng bí thư thì một người được cả nước biết là bảo thủ và thiển cận, một người cơ hội và vô nguyên tắc, và một người sau năm năm làm Thủ tướng đã chứng tỏ hoàn toàn không có bản lĩnh của một người lãnh đạo quốc gia, hơn thế nữa còn hung bạo và tham nhũng, tác giả của tất cả những vụ bắt người và xử án chính trị gần đây. Nhưng dù ai làm Tổng bí thư sau đại hội 11 thì cũng sẽ chỉ là một Tổng bí thư không uy tín đứng đầu một đảng cộng sản đã mất lý tưởng và định hướng, chia rẽ thành nhiều phe phái tranh giành quyền lợi. Đảng cộng sản đã tự cắt bỏ khỏi dân tộc và không có tương lai. Tất cả vấn đề chỉ là nó sẽ còn thống trị bao lâu và dẫn đất nước tới đâu trong quá trình băng hoại và đào thải này.

Ban biên tập
.
.
.

No comments: