Monday, December 27, 2010

BẠO LỰC - ĐÂU LÀ ĐIỂM DỪNG ? (Nguyễn Quang Thân)

27.12.2010

Năm 2010 sắp qua. Khoan hãy nói tới những vụ “gây nhức đầu” kiểu Vinashin. Khoan hãy nói tới những bàn cãi nảy lửa quanh những vụ trọng đại khác như bauxite, cho thuê rừng hay tàu cao tốc, những vấn đề xã hội như tham nhũng, ắc tắc giao thông hay biến đổi khí hậu. Những vụ việc ấy quả là trọng đại, gây bàn cãi, tranh luận, thậm chí chia rẽ, nhưng dù sao người ta cũng còn nhìn thấy điểm cuối khi cơ quan quyền lực cao nhất có quyết định CÓ hay KHÔNG.

Nhưng có những vấn đề tuy có vẻ nhỏ nhặt của đời sống hàng ngày lại gây ra cơn nhức đầu, bức bối dai dẳng cho toàn cộng đồng, không trừ một ai, như đạo đức xã hội, giáo dục, y tế xuống cấp v.v.. Trong “trăm mối tơ vò” ấy, mỗi người dân không khỏi lo âu về một hiện tượng xẩy ra âm thầm nhiều năm qua, được đưa ra ánh sáng ngày một nhặt hơn trong năm nay và hình như chưa thấy điểm dừng trong những năm tới.

Đó là vấn đề bạo lực bỗng dưng bột phát mấy năm lại đây nơi tưởng như an lành nhất là gia đình và nhà trường. Nếu trước đây, thầy giáo cốc đầu một em học sinh đã có thể gây ra phản ứng bất bình thì nay có vẻ như đó chỉ là chuyện nhỏ. Thật khó tưởng tượng nổi một ông hiệu trưởng THPT lại có thể là kẻ mua trinh, mua dâm và xa hơn, môi giới mại dâm với học sinh của chính mình, trường mình. Nhiều ông thầy không cần “gạ tình đổi điểm” như ông Đ trước đây mà hiếp dâm học sinh ( Cần Thơ, Phú Yên, Hà Tĩnh…). Khi thầy đã như thế thì nhà trường còn là nơi bạo lực không được chấm dứt mà được nâng cấp. “Học sinh chém gục thầy giáo tại trường” (TPO), “học sinh chém đứt gân thầy giáo” không là hy hữu mà đã hơn một lần được đưa ra tòa và báo chí đưa tin.

Gia đình, cái nôi ấm cúng cũng không còn bình yên như trước. Cảnh vợ chồng giết nhau chỉ vì lý do lãng nhách, bố mẹ giết con hay con giết bố mẹ, cháu giết ông bà hoặc dùng những thủ đoạn phi nhân nhất để đối xử với người sinh thành hay người đã từng đầu gối tay ấp không còn là chuyện hiếm.

Thống kê những tội ác kiểu đó trong nhà trường và gia đình không khó nhờ báo chí hay bộ lưu trữ (cache) của Google. Tìm được nguyên nhân khó hơn. Trước đây ai cũng biết và nghĩ tất cả những điều đáng buồn ấy xẩy ra là do đói nghèo, thất học và trẻ con “mất dạy” từ trứng nước trong gia đình. Nhưng hiện nay “người giàu cũng khóc”, không ít gia đình giàu có xẩy ra bại hoại đạo đức, không ít trí thức phạm trọng tội và cạn tàu ráo máng khi đối xử với cha mẹ, con cái. Nguyễn Đức Nghĩa chưa phải là kẻ tội phạm có khuôn mặt trí thức tồi tệ nhất. Vì sao vậy? Phải chăng vì đạo hiếu truyền thống đang lâm nguy, vì chúng ta đang bấn loạn kỷ cương xã hội và gia đình, vì nền giáo dục tuy thường xuyên nâng cao khẩu hiệu “tiên học lễ”, nhưng có vẻ như chiếc xe đã đầy xăng mà vẫn không chạy được. Hình như không phải chỉ trong gia đình mà ngay trong nhà trường, những người có trách nhiệm chủ chốt cũng như các bậc cha mẹ đang loay hoay tự hỏi: dạy con trẻ như thế nào để chúng thành người tử tế đây?

Cơ quan quyền lực cao nhất có thể chặn con tàu cao tốc chưa thích hợp bằng một cuộc bỏ phiếu. Nhưng thật khó khăn khi ngăn xu hướng đi xuống của đạo đức xã hội. Đây là lĩnh vực khó gò vào giây cột của luật pháp. Cũng không phải một chuyến xe sắp rơi xuống vực mà có thể khựng lại khi nhấn phanh. Đã có ba bộ dấn thân vào ngăn chặn bạo lực học đường. Không thiếu những cơ quan, những hội đoàn chăm lo, bảo vệ trẻ em trong đó có học sinh. Không thiếu những đợt “cấm phòng”, chỉnh huấn để rèn giũa, điều chỉnh đạo đức của thầy giáo. Không thiếu những biện pháp chống bạo hành phụ nữ. Đó là những việc cần làm và đã được làm tích cực. Nhưng có vẻ như “mèo lại hoàn mèo” giống chuyện đuổi đi đuổi lại lấn chiếm vỉa hè vậy.

Khó khăn, nhưng không phải xã hội chúng ta đã chào thua, hoàn toàn bất lực trước một vấn nạn như thế. Những điều gây chứng nhức đầu và thực sự đáng lo ngại của bạo lực gia đình và học đường không từ trên trời rơi xuống. Nó xuất phát từ những hành vi xã hội của chính bản thân chúng ta. Nó bắt nguồn từ đâu thì cần chặn lại tại nơi đó. Nếu nạn tham nhũng, tệ giả dối, nói mà không làm, người trên không gương mẫu cho kẻ dưới, nhân viên công quyền không thượng tôn pháp luật để làm gương, xã hội thiếu cái mới để sản sinh ra cảm hứng và sinh khí, thì chắc sẽ có ngày không còn gì quý giá trên đời này kể cả danh dự, lương tâm và sự xấu hổ. Nếu bố mẹ vì tiếc của mà lấy gáo dừa làm bát đưa cơm cho ông bà thì thằng cháu sẽ dùng chính cái bát ấy nuôi người đẻ ra chúng. Cái “nhân” ấy đã trở thành cái “quả” này.

Nhưng làm thế nào để không còn hay chí ít hạn chế đáng kể tham nhũng, để mọi người, trước hết là nhân tố lãnh đạo xã hội không lời nói đi một đàng, việc làm đi một nẻo, người trên trở thành tấm gương cho kẻ dưới, người có học, người thầy, người sáng dẫn dắt người mù chứ không phải ngược lại, nghĩa là, chặn những chuyện nhức đầu từ căn nguyên? Chắc không phải một kế hoạch “nhân trị, đức trị” dù rất tỉ mỉ chu đáo có thể dứt được những điều đáng buồn ấy.
 
.
.
.

No comments: