Sunday, December 19, 2010

ĐẢNG CỘNG SẢN DẪN DẮT DÂN TỘC VIỆT NAM ĐI CHỆCH HƯỚNG? - Phần 3 (RFA)

Ngọc Trân, thông tín viên RFA
2010-12-19

Tuy mô hình CNXH thực tế đã áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, nhưng không mang lại kết quả, và ở Việt Nam, sau bao nhiêu năm xây dựng CNXH, chưa ai nhìn thấy CNXH là gì.
Trong khi các lãnh đạo đảng hàng đầu cũng không thể giải thích được CNXH mà chúng ta đang đi tới nó có hình thù như thế nào, thế nhưng ĐCSVN nhất định đưa cả nước tiến lên CNXH. Điều này đã khiến cho các tầng lớp nhân dân Việt Nam lo ngại, rằng CNXH là không có thật, do Việt Nam đã mất mấy chục năm “tiến lên CNXH” mà vẫn không thấy tới.
Ngoài các khái niệm “CNXH”“định hướng XHCN”, những quan điểm nào trong dự thảo văn kiện Đại hội đảng, gây nhiều tranh cãi? Ngọc Trân trình bày tiếp.

“Kinh tế thị trường” hay “định hướng XHCN”?

Khái niệm “Định hướng XHCN” đã được gán ghép vào hầu hết các cụm từ liên quan đến chính trị, văn hóa, xã hội… như: “xã hội XHCN”, “nhà nước pháp quyền XHCN”, “dân chủ XHCN”, “công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN”, “định hướng XHCN” còn được ghép vào nền kinh tế ở VN, trở thành “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”, và ĐCS cho rằng đây là khám phá mới, một sự sáng tạo của đảng.

Theo định nghĩa, kinh tế thị trường là nền kinh tế tự do, được vận hành theo quy luật cung cầu của thị trường và là nền kinh tế lấy kinh tế tư nhân làm chủ đạo. Ngược lại với kinh tế thị trường, kinh tế XHCN là nền kinh tế chỉ huy, do chính phủ trung ương điều khiển và kinh tế XHCN chỉ có sở hữu nhà nước và sở hữu hợp tác xã, không hề có sở hữu tư nhân như nền kinh tế thị trường. Và do vậy, khái niệm “kinh tế thị trường” “XHCN” là hai khái niệm trái ngược nhau, nên không thể đi cùng với nhau.

Các lãnh đạo đảng cho rằng, sau đổi mới, đất nước phát triển là nhờ “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Ông Nông Đức Mạnh đã phát biểu: “Về ‘tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Sau 20 năm đổi mới, nước ta đã chuyển đổi thành công từ thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp trước đây sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trái với quan điểm của ông Nông Đức Mạnh, GS Trần Phương nói rằng đổi mới ở VN chính là quay trở lại nền kinh tế thị trường mà VN đã từ bỏ: “Ông phải trung thực với chính ông. Tôi nói là khi chúng ta đổi mới là chúng ta lùi lại. Lùi lại chế độ tư hữu, lùi lại nền kinh tế thị trường, từ bỏ cái mô hình CNXH do Mác phác thảo ra”.

Cùng quan điểm với GS Trần Phương, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Việt Nam phát triển là do chuyển sang “kinh tế thị trường” chứ không phải nhờ cái “định hướng XHCN”.
TS Trần Đình Thiên đã nói: “Có lẽ trong 25 năm vừa rồi, cái điều chúng ta đạt được quan trọng nhất là thị trường, là chuyển sang thị trường chứ không phải giữ cái định hướng XHCN. Bây giờ phải nhìn nhận thẳng thắn như vậy. Thế thì đến bây giờ chúng ta nhìn lại cái công thức phát triển ấy là kinh tế thị trường định hướng XHCN, là nên được hiểu như thế nào cho nó rõ ràng? Nếu không minh bạch chỗ này, không rõ ràng chỗ này thì có thể là cái đoạn đi tới của ta gặp vấn đề.
Có lẽ mấy điểm không rõ ràng về mặt khái niệm, mà cái khái niệm này là khái niệm cơ bản để thiết kế ra đường lối phát triển. Đây là thời điểm mà tôi nghĩ rằng bàn cương lĩnh là bàn đến khái niệm lớn, những cái định hướng lớn cho một đường lối phát triển thì có mấy điểm tôi thấy mấy cái điểm chưa rõ ràng là thế này. Thứ nhất chúng ta đều biết đó là định hướng XHCN, nói thế thôi nhưng mà XHCN ngày xưa có được định nghĩa đâu cho rõ được, bởi vì nó gắn với cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Thế còn định hướng XHCN mà nó gắn với thị trường là không rõ”.

TS Trần Đình Thiên cho rằng, sở dĩ đảng đưa cái “định hướng XHCN” vào trong “kinh tế thị trường” là do vẫn còn nuối tiếc, chưa muốn VN trở thành kinh tế thị trường.
Ông Thiên đã nói: “Khi mà chúng ta đưa định hướng XHCN vào, đưa cái khái niệm gọi là lực lượng chủ đạo trong kinh tế thị trường vào thì cái đấy nó hàm một cái ý tứ ở bên trong đấy, tức là chúng ta không muốn chấp nhận thị trường. Nó có một cái nuối tiếc, không muốn, từ từ thôi, càng chậm càng tốt. Cố gắng phanh hãm lại và như thế có lẽ rằng là cái cuộc chơi thị trường không bao giờ có thể phát triển”.


Đảng đại diện cho GCCN và nhân dân lao động?

Một quan điểm khác trong dự thảo cương lĩnh đã gây tranh cãi, đó là: ĐCSVN cho rằng, đảng vẫn còn đại diện cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Trong dự thảo cương lĩnh có đoạn: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”.

Trong một lần đến thăm công nhân ở mỏ than Quảng Ninh hồi tháng 3 năm nay, TBT Nông Đức Mạnh một lần nữa đã nhấn mạnh: “Đảng ta là đảng của ai? Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại diện đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc.
Các đồng chí nằm trong lực lượng tiên phong đó, một lực lượng nòng cốt, lực lượng của liên minh công nông. Các đồng chí là nền tảng của toàn bộ khối đại đoàn kết của toàn dân tộc, thì đây chính là chỗ dựa nền tảng vững chắc của đảng nhất của đảng để lãnh đạo cách mạng đất nước ta. Mong các đồng chí phát huy tốt, xây dựng tốt, thì phải hiểu hết tính chất, vai trò của giai cấp công nhân của chúng ta”.

Phản bác lại quan điểm này, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, đảng đã không còn đại diện cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động: “Nền tảng xã hội của chúng ta là gì? Đảng ta đang dựa vào nền tảng xã hội gì? Kinh tế thì nói là quốc doanh, chủ đạo, tư nhân, vậy nền tảng xã hội, chính trị của chúng ta là gì? Liên minh giai cấp công nhân, nông dân với trí thức, đó là nền tảng xã hội chứ gì?
Bây giờ tôi xin hỏi: giai cấp công nhân của chúng ta bây giờ thế nào mà các ông bảo rằng là lãnh đạo? Chúng ta có dựa được giai cấp công nhân không? Mà giai cấp công nhân đang khốn nạn đây. Lãnh đạo xã hội làm sao mà lãnh đạo được? Quốc hội có dựa vào giai cấp công nhân không? Đảng có dựa vào giai cấp công nhân không? Cái đó nói mồm thế thôi chứ thực tế không có.
Chúng ta có dựa vào giai cấp nông dân không? Nông dân khổ như thế, khó khăn như vậy. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh là cái sai lầm lớn là đầu tư kém vào nông nghiệp và nông thôn, mặc dù có rất nhiều nghị quyết. Khi chúng ta khủng hoảng vừa rồi, chúng ta mới thực sự thấy vai trò của nông nghiệp và nông thôn, nông dân. Chứ còn bình thường mà nói, để ý gì bao nhiêu đến nông dân và nông thôn. Nói như vậy chứ có phải là chỗ dựa thật vững chắc của đảng đâu?
Đảng ta có dựa vào trí thức không? Cũng không luôn. Thế là ba cái anh mà đã viết ra trong văn kiện, để là chỗ dựa nền tảng xã hội và chính trị của chúng ta đấy, chúng ta không dựa được, đúng không. Chúng ta nói mà chúng ta không làm được. Thế còn một nền tảng nữa rất quan trọng, đó là doanh nhân. Thế thì chúng ta dựa vào doanh nhân loại nào? Đâu có dựa vào doanh nhân tư nhân? Chúng ta dựa vào các ông đại gia đấy chứ. Mà đại gia đó còn lớn hơn nhà nước, là quốc doanh. Đấy, chỗ dựa của chúng ta là như thế”.

Cùng quan điểm với TS Lưu Bích Hồ, bà Dương Thu Hương, nguyên Phó Thống đốc NHNN đã nói, thực trạng đời sống của công nhân và nhân dân lao động ngày càng bị áp bức, bóc lột.
Bà Hương cho biết: “Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng giãn rộng ra, ngày càng trầm trọng, chứ không phải được thu hẹp lại. Không phải là chênh lệch giữa các vùng, các miền còn lớn, mà trong này (văn kiện) không hề nói tới khoảng cách chênh lệch giàu nghèo. Và bây giờ hình thành nên những nhà tư sản đỏ. Còn dân nghèo, tôi cũng được vinh dự mấy năm ở quốc hội được tiếp ruộng với nông dân, tôi thấy họ quá khổ, quá bị áp bức bóc lột luôn. Hơi một tí bị tù, hơi một tí bị thế nọ, thế kia, và đất đai bị tước đoạt luôn.
Ba mươi Tết, tôi nhớ có một ông thương binh gọi điện cho tôi: ‘Đến giờ này họ còn đuổi tôi ra khỏi nhà để họ giải phóng mặt bằng’. Tôi phải gọi điện cho đồng chí bí thư dưới tỉnh mà tôi làm đại biểu: ‘Anh ơi, có gì đấy, anh để cho qua Tết đi, anh đừng làm như thế này, đến Tết mà, người ta thương binh, người ta ăn Tết ở đâu’. Như vậy là ông ta không nói gì cả.
Nhưng mà sáng hôm sau, anh thương binh đó gọi điện cho tôi: ‘Chị Hương ơi, nó đã trói tôi như một con chó, nó quẳng ra giữa đường và đất đai tôi nó đã tịch thu’.
Tôi nói thật, mà người ta thương binh, chứ không phải là một dân thường, cái điều đó tôi rất là đau, và tôi cảm nhận rằng, bao nhiêu năm, bao nhiêu người hy sinh chiến đấu để được cái ngày hôm nay, nhưng mà bây giờ người ta cư xử với những người cống hiến cho nền độc lập của đất nước này như thế, tôi đau vô cùng, nhưng tôi không làm gì được”.

Ngoài các quan điểm đã nêu, những quan điểm nào trong dự thảo văn kiện Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội Đảng lần thứ XI, đã và đang gây tranh cãi? Mời quý vị đón nghe trong chương trình phát thanh kỳ tới.

Theo dòng thời sự:



Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: