Cần có thêm tranh luận về vấn đề “đẻ thuê”
Anna Salleh
Nguồn Calls to debate 'fertility outsourcing'
23/12/2009 - 13:57
http://www.bayvut.com.au/tri-th%E1%BB%A9c/c%E1%BA%A7n-c%C3%B3-th%C3%AAm-tranh-lu%E1%BA%ADn-v%E1%BB%81-v%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%81-%E2%80%9C%C4%91%E1%BA%BB-thu%C3%AA%E2%80%9D
Phụ nữ Ấn Độ mang thai thuê nhận được khoảng từ 5.000 đến 6.000 đô-la để sinh một đứa trẻ, gấp 6 đến 10 lần thu nhập hàng năm thông thường của phụ nữ Ấn Độ.
Trong bối cảnh các nước giàu đang tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ ở các quốc gia nghèo, những nhà đạo đức sinh học, luật sư và những người ủng hộ việc bảo vệ sức khỏe phụ nữ đã nêu vấn đề về việc tìm kiếm phụ nữ sinh con thuê, đặc biệt ở những nước như Ấn Độ.
Phát biểu tại một hội nghị ở Brisbane hồi gần đây, chuyên gia xã hội học, Phó giáo sư Catherine Waldby thuộc Đại học Sydney, cho biết Ấn Độ đã vượt qua Mỹ trong việc nước này được coi là nguồn cung ứng những bà mẹ mang thai thuê với giá thấp cho các cặp vợ chồng thuộc các nước phát triển.
Bà Waldby, người gần đây đã trình bày một bài phát biểu về chủ đề này tại Hội nghị Khoa học – Công nghệ và Mạng lưới Xã hội ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương do Đại học Griffith tổ chức, cho biết: “Sinh sản đang dần trở thành một hình thức tạo công ăn việc làm cho phụ nữ ở một số nơi.”
Theo bà Waldby, nhiều cặp vợ chồng tới Ấn Độ để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung một phụ nữ Ấn Độ - người được trả tiền để mang thai và sinh con thuê. Bà cũng cho hay tiếp theo “mô hình trung tâm điện thoại”, chính phủ Ấn Độ nay đang khuyến khích “dịch vụ đẻ thuê”.
Bà Waldby cho biết thêm chi phí thuê phụ nữ sinh con, chuyên gia khoa học và lao động trong ngành y tế ở Ấn Độ đều rẻ hơn so với ở Mỹ, nơi nghề mang thai thuê bắt đầu phát triển vào đầu thập niên 1990.
Phụ nữ Ấn Độ mang thai thuê nhận được khoảng từ 5.000 đến 6.000 đô-la để sinh một đứa trẻ, gấp 6 đến 10 lần thu nhập hàng năm thông thường của phụ nữ Ấn Độ. Như vậy, một cặp vợ chồng phương Tây chỉ chi khoảng 15 đến 20 ngàn đô-la cho một phụ nữ Ấn Độ mang thai thuê trong khi nếu ở Mỹ, họ phải trả khoảng 100 ngàn đô-la.
“Giá cả ở Ấn Độ cạnh tranh hơn so với Mỹ”, Waldby nhận xét.
Nhu cầu khổng lồ
Phó giáo sư Waldby dự đoán nghề “đẻ thuê” ở Ấn Độ sẽ phát triển nhanh chóng. “Nhu cầu thuê người sinh con rất lớn và phần lớn nhu cầu này chưa được đáp ứng vì hầu hết các nước không ban hành luật lệ cho phép đẻ thuê. Ở một vài nước có luật này, chi phí lại rất cao”, bà Waldby nói.
Bà Waldby cho biết thêm chính phủ Ấn Độ đã bổ sung loại visa y tế để tạo điều kiện cho ngành du lịch chữa bệnh, dành cho cả những người muốn tìm kiếm người sinh con thuê.
Khác với người đẻ thuê sử dụng trứng của chính họ, những người đẻ thuê này được cấy trứng thụ tinh sẵn của cặp vợ chồng muốn sinh con và do vậy việc này sẽ không ảnh hưởng đến gen di truyền của đứa trẻ. Nghĩa là đứa trẻ không mang những nét di truyền giống người mẹ mang thai thuê và Ấn Độ có thể dễ dàng cung cấp dịch vụ cho thị trường những người muốn sinh con da trắng trên toàn cầu.
Bà Waldby cho biết khía cạnh tiếp thị này được phản ánh trên những quảng cáo trực tuyến của các trung tâm y tế cung cấp dịch vụ sinh con thuê qua việc những trung tâm này thường đăng ảnh những ông bố bà mẹ và những đứa trẻ da trắng phương Tây.
Câu hỏi lớn hơn
Theo bà Waldby, mặc dù những người mang thai thuê rõ ràng được hưởng nhiều lợi ích về mặt tài chính, những người có thẩm quyền cần xem xét những vấn đề lớn hơn.
Ấn Độ đã nổi tiếng là đất nước nơi người ta có thể mua các cơ quan nội tạng từ những người nghèo muốn kiếm tiền. Dịch vụ đẻ thuê thương mại có thể coi là một cách kiếm tiền “ít vất vả” hơn.“ Tuy nhiên, điều đó làm tăng thêm một số mối quan hệ quyền lực giữa các nhóm dân tộc khác nhau”, bà Waldby nhận định. “Đối với đa số dân số trên thế giới, nguồn vốn duy nhất họ có là cơ thể họ.”
Chưa có những cuộc tranh luận về vấn đề đẻ thuê
Theo Sama, tổ chức ủng hộ việc bảo vệ sức khỏe phụ nữ có trụ sở tại New Delhi, một lần mang thai thuê có thể giúp phụ nữ xây nhà. Tuy nhiên, chính phủ cần có những quy định chặt chẽ đối với dịch vụ này. “Người ta phát triển loại hình dịch vụ này như là một sinh kế thay thế nhưng không chỉ đơn giản như vậy”, bà Preetie Nayak thuộc tổ chức Sama cho biết.
Theo bà Preetie Nayak , khi được cấy trứng đã thụ tinh vào cơ thể, phụ nữ sẽ gặp nhiều rủi ro về sức khỏe. Phụ nữ cũng có thể bị gia đình ép buộc sinh con thuê để kiếm tiền. Đồng thời, phụ nữ có thể bị mọi người chê trách vì kiếm tiền theo cách này. Thông thường những người đẻ thuê thường sinh con xa nhà. Do vậy họ có thể nói với mọi người rằng đứa trẻ đã qua đời khi sinh chứ không thừa nhận họ làm dịch vụ đẻ thuê.
Những vấn đề liên quan đến pháp luật cũng có thể nảy sinh, ví dụ khi cặp vợ chồng muốn có con chia tay và một trong hai người không còn muốn có đứa con đó nữa.
“Công chúng cần thảo luận thêm về vấn đề này”, bà Preetie Nayak đề nghị và cho biết thêm ngành đẻ thuê thương mại tại Ấn Độ đã thu được doanh thu 445 triệu đô-la trong khoảng hai hoặc ba năm trước đây.
Luật pháp của Úc
Bà Anita Stuhmcke, Phó Giáo sư chuyên ngành luật tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết hầu hết các tiểu bang tại Úc hiện nay cho phép phụ nữ sinh con thuê và được nhận “những chi phí hợp lý”, theo đó người ta cho rằng mỗi lần sinh con thuê, người mẹ được thuê nhận khoảng 50 ngàn đô-la.
Tuy nhiên, bà Anita Stuhmcke cho biết hình thức đẻ thuê thương mại được liệt vào một dạng tội phạm vào những năm 1980 và những điều tra gần đây của chính phủ về vấn đề đẻ thuê đã không xem xét lại quyết định này.
“Chính phủ đã không bàn thảo tới vấn đề du lịch chữa bệnh, đồng thời cũng chẳng nói gì tới sự kiện người Úc đi ra nước ngoài”, bà Anita Stuhmcke nói. “Nếu chính phủ ban hành lệnh cấm ở Úc, mọi người sẽ đi tìm người sinh con thuê ở một nơi khác.”
Bà Anita Stuhmcke cho rằng chính phủ sẽ bị cho là “thiếu trách nhiệm” nếu “đẩy công dân Úc ra nước ngoài để tìm người đẻ thuê hoặc đẻ thuê cho những người mà họ sẽ không nhận được những khoản chi phí xứng đáng với công của họ.”
“Theo tôi, điều đó không công bằng”, bà Anita Stuhmcke nhận xét. Bà cho rằng việc Úc không thể đối mặt với thực tế của tình trạng đẻ thuê thương mại còn có nghĩa là những người thực hiện dịch vụ này không thể tham gia thảo luận vấn đề.
“Ngay khi họ mở miệng, họ bị đánh giá là những tên tội phạm”, bà Anita Stuhmcke nói.
No comments:
Post a Comment