Nhà nước CSVN tăng cường đàn áp trước thềm đại hội đảng
Ledienduc's Blog
Tháng Một 23, 2010
http://ledienduc.wordpress.com/2010/01/23/nha-n%c6%b0%e1%bb%9bc-csvn-tang-c%c6%b0%e1%bb%9dng-dan-ap-tr%c6%b0%e1%bb%9bc-th%e1%bb%81m-d%e1%ba%a1i-h%e1%bb%99i-d%e1%ba%a3ng/
New York (22/01/2010) – Sau khi công bố Bản báo cáo toàn cầu năm 2010, Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) nói rằng vụ xử nặng bốn nhà dân chủ vừa qua, mà trong đó có vị luật sư nổi tiếng Lê Công Định, cho thấy không khí đàn áp đang gia tăng ở Việt Nam.
Bản báo cáo toàn cầu năm 2010 dày 612 trang là bản báo cáo lần thứ 20 của tổ chức này, tổng kết vấn đề nhân quyền trên toàn thế giới tại hơn 90 quốc gia và lãnh thổ. Riêng tại Việt Nam, bản báo cáo này cho biết trong năm 2009 nhà nước đã bắt bớ giam cầm hàng chục nhà đấu tranh dân chủ, Bloggers, dân oan khiếu kiện và thành viên của các tổ chức tôn giáo.
Ông Brad Adams, Giám đốc phân bộ Á Châu của HRW nói rằng: “Qua cách hành xử đối với các nhà đấu tranh ôn hòa, có lẽ nhà nước Việt Nam trở thành quốc gia đàn áp nặng nề nhất ở Á Châu. Chúng tôi cũng sẵn sàng lắng nghe nếu nhà nước Việt Nam cho rằng chúng tôi sai, nhưng chẳng có hề có dấu hiện nào cho thấy họ có khuynh hướng gia giảm đàn áp các tiếng nói đối lập”.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền lo ngại rằng, trước thềm đại hội đảng 2011, nhà nước Việt Nam sẽ tăng cường đàn áp để dập tắt các tiếng nói đối lập, hay bất cứ mối nguy nào đe dọa đến sự tồn vong của chế độ độc đảng này.
Ngoài ra trong năm 2009 còn có một số vấn đề nổi bật như việc cảnh sát đàn áp nông dân biểu tình phản đối chiếm đoạt đất đai ở miền Tây, các giáo dân Công giáo tại một số giáo phận ở miền Trung và miền Bắc phản đối chính quyền chiếm đoạt tài sản của giáo hội và người sắc tộc Thượng chống đối việc chính quyền kiểm soát các nơi thờ phượng của họ.
Bốn vị mới bị tuyên phạt tù hôm 20 tháng Giêng tại Sài Gòn là LS.Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long, với các án phạt từ 5 năm cho đến 16 năm tù giam. Họ bị bắt giam hôm tháng 5 và tháng 7 với lý do có liên quan đến các hoạt động của Đảng Dân Chủ Việt Nam. Công an còn tố cáo họ “kết hợp” với các nhà đấu tranh ở hải ngoại lập ra các websites chống chính phủ Việt Nam, đăng tải các bài viết chỉ trích, xúi giục bạo loạn và có âm mưu lật đổ chế độ chiếu theo điều 79 của Bộ luật hình sự. Một vị thứ năm là ông Trần Anh Kim, đã bị xử truớc đó hôm 28/12, với bản án 5 năm rưỡi tù giam, cũng chiếu theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự.
Hôm 14 & 15 tháng Giêng, Tòa án Gia Lai cũng đã xử phạt 2 người Thượng, mỗi vị 9 và 12 năm tù với tội danh thành lập tổ chức “phản động”, phá hoại chính sách đoàn kết.
Ông Adams còn nói thêm: “Các chính phủ tôn trọng nhân quyền cần phải lên tiếng cho các nhà đấu tranh ôn hòa ở Việt Nam, và yêu cầu nhà nước VN tôn trọng các cam kết quốc tế. Cho đến giờ này, các nhà tài trợ vẫn giữ im lặng về vấn đề nhân quyền, nhưng các nhà đấu tranh cho rằng họ sẽ không bao giờ thành công nếu không có sự ủng hộ kiên định của quốc gia có ảnh hưởng”.
Cũng theo bản báo cáo này cho biết trong năm 2009, tòa án ở Việt Nam cũng đã xét xử tối thiểu 20 người lên tiếng chống chính phủ và các chức sắc tôn giáo, với các tội danh mù mờ. Trong số này gồm có 9 nhà đối kháng bị xử ở Hà Nội và Hải Phòng hôm tháng Mười vừa rồi, với tội danh tuyên truyền chống chính phủ theo Điều 88 Bộ luật hình sự. Các bản án của họ sẽ được xử lại tại tòa án tối cao vào tuần này, mặc dầu trước đó cơ quan Giám sát Việc giam giữ tuỳ tiện của LHQ cho biết 5 trong số này đã bị bắt giữ một cách tùy tiện, vô cớ.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền nói rằng hiện có hàng trăm tù nhân chính trị và tôn giáo đang bị giam giữ ở Việt Nam. Vấn đề tự do tôn giáo trở nên tồi tệ hơn kề từ năm 2009. Nhà cầm quyền Việt Nam nhắm vào những vị lãnh đạo tinh thần, tôn giáo và giáo dân các tôn giáo có can dự vào vấn đề bênh vực cho công lý, nhân quyền, tự do tôn giáo và dân oan.
Ngoài ra còn có các cuộc đụng độ giữa giáo dân và chính quyền tại tỉnh Quảng Bình vì chính quyền địa phương chiếm đoạt tài sản của giáo hội, và nhà nước còn chỉ đạo các cuộc trấn áp có sử dụng côn đồ đối với các môn sinh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đã từng đòi hỏi phải có tự do tôn giáo rộng rãi hơn nữa.
Tại cao nguyên Trung phần, nhà cầm quyền còn bắt bớ các giáo dân Tin Lành người Thượng thuộc các giáo phái chưa đăng ký, dân oan bị cướp đất hoặc những ai can tội đưa thông tin về các vụ vi phạm nhân quyền ra hải ngoại. Có nhiều trường hợp, công an đánh đập, tra tấn người Thượng bằng roi điện chỉ vì họ không chịu gia nhập vào các giáo hội do nhà nước kiểm soát.
Trong đợt “Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện” trước Hội đồng Nhân quyền LHQ (UN Human Rights Council – HRC) vào tháng Năm vừa qua, Việt Nam đã bác bỏ các kiến nghị của Hội đồng Nhân quyền LHQ đưa ra nhằm cho phép các cá nhân, tổ chức được quyền tự do diễn đạt ý kiến và quyền lập hội, báo chí tư nhân và bảo vệ nhân quyền. Chính phủ Việt Nam còn từ chối cấp chiếu khán cho phép chuyên gia về nhân quyền của tổ chức này đến Việt Nam để xem xét, điều tra các vấn đề về tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, vấn đề tra tấn và bạo hành đối với phụ nữ.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền nói rằng nhà nước Việt Nam có ác cảm đối với vấn đề tự do ngôn luận và các quyền căn bản khác là điều không tốt cho khối ASEAN, là tổ chức mà năm nay Việt Nam sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên. Việt Nam đã ký vào điều lệ của ASEAN, với thỏa thuận là các quốc gia thành viên “phải củng cố nền dân chủ, nâng cao sự quản lý nhà nước, bảo vệ và đề cao nhân quyền và các quyền tự do căn bản”.
Ông Adams còn nói rằng “bằng việc giam giữ, nhốt tù các nhà đấu tranh, bất đồng chính kiến, nhà nước Việt Nam đã nhạo báng những lời hứa của họ đối với khối ASEAN và cộng đồng quốc tế”.
Theo Bản thông cáo báo chí của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW)
Nguồn: Bản dịch ra tiếng Việt của TNTDDC
No comments:
Post a Comment