Tuesday, January 5, 2010

MINH VĂN trong KIẾN TRÚC

Minh văn
blog Nhà báo tự do Xuân Bình
04/01/2010
http://xuanbinhfreelance.wordpress.com/2010/01/04/minh-van/
Vậy là văn hiến, sành điệu như Hà Nội, ngả ngốn trên một đống tiền như Nha Trang và thừa khôn, láu như Sài Gòn nhưng kiến trúc của chúng ta vẫn rất xa hai chữ Minh Văn.
Trong các văn tự biểu hình, mọi yếu tố âm, nét chữ, tiết điệu và câu cú đều phải truyền lực cho ngữ ngôn, làm nổi bật hiệu quả đặc thù của các biểu tượng và diễn đạt tư tưởng.
Hàng nghìn năm qua, Minh Văn tựa như giọt nước tinh tế, lặng lẽ và bền bỉ trong dòng chảy giao lưu văn hóa Việt Nam- Trung Hoa, hai quốc gia đồng chủng, đồng văn.
Minh văn là những chữ cổ được viết, vẽ, khắc… trên các đồ vật, hay thể hiện trong trang trí nội thất, thiết kế kiến trúc, quy hoạch. Nó xuất hiện trên rất nhiều chất liệu như gỗ, gốm, đồng, vải, thảm đến những công trình xây dựng có quy mô lớn…
Minh văn không chỉ là hệ thống ký hiệu thị giác ghi lại hay cho phép văn tự truyền tải thông tin ngôn ngữ trong không gian và lưu giữ nó cùng thời gian. Đôi khi nó là một phúng dụ trừu tượng hay ẩn dụ những quan niệm văn hóa, thẩm mỹ khác biệt. Nó gây dựng biểu tượng, làm sáng tỏ những ước mơ, khát vọng của con người.

Minh Văn nhìn từ… Niết Bàn
Lâu nay mọi người thường gắn khái niệm “minh văn” với trang trí nội thất, thiết kế sản phẩm, đồ vật và giới hạn trong những không gian nhỏ. Nhưng nhiều công trình kiến trúc tôn giáo tiêu biểu có bình đồ được thiết kế theo chiết tự Hán lại cho thấy “minh văn” có đời sống đáng kể trong thiết kế kiến trúc, quy hoạch và tạo tác trên những không gian rộng lớn hơn.Chùa Tức Mạc, Nam Định là nhận diện thiết kế kiểu chữ Chữ Đinh (T) với chính điện (thượng điện) được nối thẳng góc với nhà bái đường.
Chùa Dâu, Bắc Ninh, đền thờ vua Đinh-Lê, Ninh Bình là đề tài để nghiên cứu thiết kế chữ Công (I) với nhà chính điện song song với nhà bái đường và được nối với nhau bằng nhà thiêu hương (ống muống).
Công trình tiêu biểu cho kiểu Nội công ngoại quốc là chùa Bút Tháp, Bắc Ninh, chùa Keo (Thái Bình, Nam Định). Kiến trúc này có bố cục mặt bằng phía trong hình chữ Công và tường bao quanh phía ngoài hình chữ Quốc .
Chùa Kim Liên, chùa Tây Phương, Hà Nội là kiến trúc chữ Tam với ba nếp chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng song song với nhau.
Chưa có mô hình, master plan, bản vẽ mặt cắt ngang hay ảnh vệ tinh, những thiết kế ngày trước có thể “làm khó” cho nhiều người trần, kẻ phàm. Nhưng những tác phẩm này như là tín dấu, một vật phẩm, nghi lễ thờ cúng, hầu dâng. Nó thật dễ để Thần, Phật chiêm ngưỡng và thụ hưởng từ cõi trên.

Một quỹ Gen văn hóa
Phần lớn minh văn thì ẩn hiện trong các thiết kế nội, ngoại thất hay các chế tác vật dụng, vật phẩm nó gần gũi, tác động trực tiếp hơn với đời sống.
Các minh văn luôn biến dịch khi xuất hiện hay được thể hiện trên các chất liệu, không gian khác nhau. Nó có vần luật tương quan giữa các tỷ lệ ngắn, dài, cao thấp, nhỏ to; giữa cái chi tiết với tổng thể. Nó hàm chứa những nguyên tắc có ý nghĩa triết học về sự cân bằng và ổn định trong các trang trí dạng kỷ hà, vuông, tròn, hình đa giác…
Có thể tìm minh chứng từ rất nhiều các kiến trúc cổ. Đồ án trang trí chữ Vạn trên chất liệu gỗ ở cửa sổ am Tích Thiện, bình phong phủ thờ của chùa Bút Tháp, cửa đại ở nhà Vương, Hà Giang hay chữ Thọ ở cung điện, lăng tẩm Huế….bất kỳ nơi nào, từ chùa thờ Phật, đình đền cúng Thần, các minh văn đều biến hoá sinh động đến mức ngạc nhiên. Minh văn là nơi neo bám, phát triển các trang trí hoa, lá, thú, linh vật, thực vật hóa linh vật như các đề tài Dơi ngậm chữ Phúc, Cúc hóa Rồng, Rồng hóa Mây, Long-Thọ…
Biểu tượng lưỡng nghi trên các cửa sổ chùa Kim Liên, Tây Phương không chỉ là một ví dụ thông minh khi kết hợp giữa công năng và trang trí. Những mảng âm- dương, đặc- rỗng, đen- trắng đủ ngăn cách trong ngoài, đủ chiếu sáng, thông gió, làm mát và còn “bắt” người ta phải nhắm mắt lại để tưởng tượng ra những biểu tượng lớn hơn của vũ trụ, càn khôn.
Trên cổng, cửa các tư gia, minh văn giống như những lời chào mặc thiệp. Đó cũng là những lời gia huấn, giáo huấn khắc trên cột nóc, hoành phi, câu đối.
Trong các kiến trúc đương đại, tái hiện minh văn đến độ đậm đặc phải kể đến phủ Thành Chương ở Sóc Sơn, Hà Nội. Khi chuyển động cùng con tàu Bhaya trên phong cảnh thủy mạc Hạ Long, chữ Thọ trên các ô cửa đã biến hóa thành Vạn- Thọ. Dù không nhiều nhưng minh văn ở các khu resort Hội An riverside, Victoria, Palmgarden cũng để lại những dấu ấn hoài niệm khó quên về một Hội An di sản văn hóa.

Không phải Văn nào cũng Minh
Có ba ví dụ rất đáng suy ngẫm.
Căn phòng mang tên một nhà văn rất nổi tiếng người Anh, nơi được ghi nhận là đắt giá, sang trọng bậc nhất của một khách sạn cổ nhất Hà Nội. Sẽ thật tuyệt vời khi thả mình trên chiếc ghế kiểu vua Louis đọc Người Mỹ trầm lặng trong nắng chiều mùa đông lọt qua cửa sổ. Đôi khi đứng ở bancon ngắm đại lộ nhập nhòa trong những tán cây xanh để thấy thiên nhiên và nhân văn hòa quyện. Không xa là công thự lớn đầy uy quyền và đài phun nước đẹp như một chuyện đồng dao mới… Nhưng đáng tiêc là đồ án minh văn trong trang trí nội thất mới lại không mấy ăn nhập với một không gian rất châu Âu này.
Trang trí chữ Vạn trên bình phong có thể tán khí xấu từ một hành lang dài đâm thẳng giữa phòng nhưng lại làm căn phòng nhỏ được thiết kế cách nay hơn 100 năm trở nên chật chội, tủn mủn. Trang trí chữ Vạn trên vai ghế, trang trí hồi văn trên giá sách hay hình vẽ bát quái trên cánh tủ chỉ là những cố gắng gắn, vá, đùn đẩy những chất liệu chứ không hướng tới gia tăng những giá trị văn hóa phương Đông. Ép dầu, ép mỡ chứ ai lại đi ép… thiết kế?!
Trong phòng Grand Deluxe Suite ở một khu nghỉ cao cấp mới, được đầu tư nhiều tiền bạc nhất ở Nha Trang, câu chuyện về thiết kế nội thất còn khó nói hơn. Lan can ở bancon hướng ra biển khá thô kệch.
Cửa kính khung nhôm rẻ tiền lạnh lùng, khinh khỉnh các vật dụng bằng gỗ. Góc khác, quạt Tàu hắt bóng xuống hàng ghế Louis và bàn quỳ trang trí theo môt típ ưa thích của các… Pharaon ở Ai Cập cách nay chừng 5000 năm. Trong không gian lạc xoong ấy, rất nhiều chữ Vạn-Thọ, trang trí hồi văn “khệnh khạng” trên thảm, bàn sơn mài hay khóa tủ bằng đồng … Tại sao lại phải bỏ ra 354 USD cho một lần qua đêm nơi này????
Ví dụ cuối cùng khá nhạy cảm. Đó là kiến trúc Dinh Độc lập ở Sài Gòn. Trên trang web của khu di tích có viết:
“Khi thiết kế Dinh Ðộc lập, Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ muốn tìm một ý nghĩa văn hóa cho công trình, nên mọi sự xếp đặt từ bên trong nội thất cho đến tiền diện bên ngoài, tất cả đều tượng trưng cho triết lý cổ truyền, nghi lễ Phương đông và cá tính của dân tộc. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống Phương Ðông. Toàn thể bình diện của Dinh làm thành hình chữ CÁT ( ), có nghĩa là tốt lành, may mắn; Tâm của Dinh là vị trí phòng Trình quốc thư; Lầu thượng là Tứ phương vô sự lầu hình chữ KHẨU ( ) để đề cao giáo dục và tự do ngôn luận. Hình chữ KHẨU ( ) có cột cờ chính giữa sổ dọc tạo thành hình chữ TRUNG ( ) như nhắc nhở muốn có dân chủ thì phải trung kiên. Nét gạch ngang được tạo bởi mái hiên lầu tứ phương, bao lơn danh dự và mái hiên lối vào tiền sảnh tạo thành hình chữ TAM ( ). Theo quan niệm dân chủ hữu tam Viết nhân, viết minh, viết võ, ý mong muốn một đất nước hưng thịnh thì phải có những con ngườ i hội đủ 3 yếu tố Nhân, Minh, Võ. Ba nét gạch ngang này được nối liền nét sổ dọc tạo thành hình chữ VƯƠNG ( ), trên có kỳ đài làm thành nét chấm tạo thành hình chữ CHỦ ( ) tượng trưng cho chủ quyền đất nước. Mặt trước của dinh thự toàn bộ bao lơn lầu 2 và lầu 3 kết hợp với mái hiên lối vào chính cùng 2 cột bọc gỗ phía dưới mái hiên tạo thành hình chữ HƯNG ( ) ý cầu chúc cho nước nhà được hưng thịnh mãi.”
http://xuanbinhfreelance.files.wordpress.com/2010/01/29051239156796.jpg?w=500&h=225
Cứ theo thông tin này thì phải công nhận rằng Dinh Độc Lập là kiến trúc nhiều… chữ nhất Việt Nam. Nhiều năm qua, trên khá nhiều tờ báo, nhất là báo tết, người ta vẫn liên tục ngợi ca kiến trúc này như một sự thành công đáng nể khi thiết kế gắn với các chiết tự Hán????!!! Ơ hay, mọi người quên rằng Dinh Độc Lập vốn là đơn đặt hàng, là công trình biểu tượng tham vọng chính trị của một chủ nhân không kịp sống tới ngày khánh thành nó mà sao tới bây giờ mọi người vẫn tiếp tục quỳ mọp xuống để “thả chữ” tán tụng chữ Cát với chữ Hưng???? (Hehehehhe tác giả bài viết này chắc là Đảng viên Đảng Cần lao Nhân vị của anh em ông Diệm?)
Cá nhân tôi chỉ thấy tiếc rằng không ai có một chữ nào, một chữ thôi để lý giải, biện minh cho việc vì sao phải san phẳng, xóa sổ dinh Norodom ra khỏi lịch sử thay vì cứu giúp, phục dựng nó với tư cách là biểu tượng của một giai đoạn lịch sử- văn hóa, một kiến trúc đẹp? Nếu là KTS Ngô Viết Thụ tôi sẽ không làm ngơ trước sự thật này.
Vậy là văn hiến, sành điệu như Hà Nội, ngả ngốn trên một đống tiền như Nha Trang và thừa khôn, láu như Sài Gòn nhưng kiến trúc chúng ta vẫn rất xa hai chữ Minh Văn.

Chữ Vạn của Tan Hock Beng
Những bài học từ đồ án trang trí chữ Vạn ở Princess D’Annam resort ở Hàm Tân Phan Thiết chính là nguyên cớ để tôi trở lại chuyên đề này.
Thiết kế Princess D’Annam là Tan Hock Beng- kiến trúc sư người Singapore gốc Hoa. Từ những năm 1990, Tan Hock Beng dành nhiều năm dày công nghiên cứu văn hóa resort của khu vực Đông Nam Á và thế giới. Tan Hock Beng rành rẽ từng lớp mái hình thuyền của người Toradja trong kiến trúc truyền thống Indonesia, kết cấu nhà sàn Dayak của người Malaysia hay các chùa tháp của người Myanmar, Thái Lan, chất liệu đá của người Campuchia. KTS quá hiểu những nguyên do, tác động từ kiến trúc tới thành công của các khu nghỉ ở Bali, Langkawi, Phuket… KTS đã rất cố gắng vượt qua bản thân để chăm chút cho Princess D’Annam có được một tinh thần hoàn toàn mới mẻ. Những giá trị văn hóa đa dạng, khác biệt thực sự mang ý nghĩa sống còn với resort.
Có lẽ trong quá trình tiếp cận dự án, Tan Hock Beng đã không bỏ qua tháp nước biểu tượng của Phan Thiết với đồ án trang trí chữ Phúc- Lộc- Thọ- Hỷ- Cát mà KTS Suphanouvong đã làm hồi năm 1938.
Là người gốc Hoa, KTS cảm nhận sâu sắc ý nghĩa vật hiệu, phù hiệu hay biểu tượng của minh văn. Nhưng Tan Hock Beng cũng nhận thấy biểu tượng Phúc- Lộc- Thọ- Hỷ- Cát là không mới và bị bó hẹp trong một không gian phương Đông.
Là người Singapore, một đất nước trẻ, năng động, nơi giao thoa mạnh mẽ văn hóa Đông-Tây, tác giả có nhạy cảm nghề khi lựa chọn chữ Vạn- Swastika như là điểm nhấn trong đồ án thiết kế.
Đó không chỉ là biểu tượng cho lòng từ bi và trí tuệ vô hạn của Phật hay công đức viên mãn.
Với người Hindu giáo, Swastika thể hiện sự thiêng liêng cao cả. Trong tiếng Phạn, có thể hiểu chữ đó là “hãy để cho điều tốt đẹp được thắng thế”.
Với người Trung quốc, chữ Vạn là một từ đồng âm với mười nghìn, một con số bao hàm toàn bộ sự sáng tạo của vũ trụ. Họ cũng quan niệm chữ vạn là “tướng cát tường hải vân”- tướng tốt lành, biểu trưng công đức sâu rộng như biển và quần tụ như mây.
Người Israel có biểu tượng này trong ngôi sao David. Trong các biểu tượng chữ + của La Tinh, chữ T của Hy Lạp, dấu X của thánh Andrew, gương thần của Venus, chìa khóa của thần sông Nil… đều có vay mượn từ Swastika hay tục thờ lửa của người Aryan, Vedic. Ở các nền văn hóa Celtic, Phần Lan… chữ Vạn còn được sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực nghệ thuật như dệt vải, kiến trúc, gốm sứ và tạc tượng. Người ta gọi đó là bánh xe ánh sáng.
Có tới 6 kiểu chữ VẠN trong kiến trúc Princess D’Annam resort. Thú vị nhất là KTS xếp 4 hành lang thành một chữ Vạn (hình b). Khó hình dung nhất là chữ T khắc chìm trên ghế gỗ (hình b6) đó chính chỗ nối, khoảng trống giữa hai chữ VẠN được ghép song song.
Với tư duy thực dụng, thực tế đến duy lý Tan Hock Beng biết bóc tách cảm xúc của mình ra khỏi tầng tầng, lớp lớp ngữ nghĩa, biểu tượng của chữ Hán. Không phô bày, trình diễn kiến thức, KTS tiết chế từng chi tiết của minh văn và đặt nó rất gần trang trí hình học và khoa học của văn minh phương Tây
Với tư thế, tầm nhìn ấy, bằng việc lược bỏ tối đa các khối, nét, mảng, những thao tác hình thức rồi gợi mở tưởng tượng và suy tưởng, Tan Hock Beng thành công khi chuyển tải một cách tinh khéo âm hưởng phương Đông trong bản thiết kế minh văn mang ngôn ngữ hiện đại. Điều đó giúp Princess D’Annam resort trở thành một trong những kiến trúc giản dị, tao nhã bậc nhất trong lịch sử 14 năm phát triển resort Việt Nam nói chung và “thủ đô”resort Phan Thiết nói riêng.

XEM HÌNH NƠI TRANG CHÍNH :
http://xuanbinhfreelance.wordpress.com/2010/01/04/minh-van/



No comments: