Có thể lật đổ cái chưa hề có?
Bùi Tín viết riêng cho VOA
04/01/2010
http://www.voanews.com/vietnamese/2010-01-04-voa29.cfm
Mới đây, "tòa án nhân dân" tỉnh Thái Bình xử cựu trung tá Trần Anh Kim đã tuyên án ông 5 năm 6 tháng tù giam và 3 năm quản chế về tội”hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”.
Sắp tới vào ngày 20-1-2010,”tòa án nhân dân" Sài Gòn sẽ đưa ra xét xử 4 nhà dân chủ về cùng một tội danh như trên: 'hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân".
Vừa qua, nhiều ý kiến trao đổi đã được đưa ra về các vụ án trên đây, có nhiều ý kiến xác đáng, đặc biệt là của nhiều luật sư trong và ngoài nước, nêu rõ đây là những vụ án chà đạp công lý, những vụ án phi lý, bôi bác, không thể chấp nhận được trong một chế độ lấy pháp luật làm chuẩn, vi phạm nhân quyền mà chính quyền Việt Nam đã cam kết tôn trọng với thế giới.
Tôi xin nêu thêm một khía cạnh, cũng là vấn đề cốt lõi trong các vụ án trên đây.
Xin mọi người chú ý đến 4 chữ "chính quyền nhân dân” được nhắc đi nhắc lại trong bản cáo trạng của viện kiểm sát cũng như trong bản kết tội của hội đồng xử án.
Trước luật pháp nghiêm minh, mọi chữ, mọi từ ngữ đều phải có nội dung đúng đắn, chính xác, thích hợp, theo nguyên tắc” danh có chính, ngôn mới thuận".
Chính quyền hiện tại ở Việt Nam có thật sự là chính quyền nhân dân, chính quyền từ nhân dân, vì nhân dân, của nhân dân không? Đây là vấn đề cốt lõi trong văn kiện của toà án.
Trong thời kỳ Việt Nam đã hội nhập với cộng đồng thế giới, cần phải dùng ngôn từ, ngôn ngữ, nhận định của Liên Hiệp Quốc làm căn cứ, làm chuẩn. Trong các văn kiện, thống kê, tin tức của Liên Hiệp Quốc, chính quyền ở Việt Nam luôn được gọi là chính quyền cộng sản, hoặc chính quyền độc đảng, hoặc là chính quyền độc đoán, hay độc tài, chưa bao giờ được coi là «chính quyền nhân dân». Cũng như không ai công nhận chính quyền Bắc Triều Tiên là chính quyền "dân chủ" và "nhân dân" hay chính quyền Hitler là chính quyền «Quốc gia - Xã hội» như họ tự xưng.
Đầu năm 2009, bản thống kê của Liên Hiệp Quốc không xếp Việt Nam vào số 54 nước dân chủ truyền thống (old traditionnal democratic) - như Nhật Bản, Ấn Ðộ..., cũng không ở trong số 68 nước có nền dân chủ một phần (partly democratic) như Indonesia, Philippines, Malaysia, Nam Triều Tiên... ở châu Á ; Việt Nam bị xếp vào số vài chục nước độc đoán (authoritarian regime), lại đứng trên có 7 nước : Cuba, Senegal, Congo, Nigeria, Zimbabwe, Bắc Triều Tiên, Miến Ðiện.
Vậy thì ở Việt nam không có chính quyền nào có thể gọi là «chính quyền nhân dân.» Đó là một sự thật hiển nhiên, một kết luận trung thực, khoa học và phù hợp với thực tế khách quan. Do đó không ai có thể lật đổ một sự vật không tồn tại, không có thật.
Rõ ràng vụ án xử tội "hành động lật đổ chính quyền nhân dân" là một vụ án vu vơ, không có cơ sở hiện thực, một vụ án hoang tưởng, không có cơ sở pháp lý đúng đắn.
Từ nhận định trên đây, như có thể nghe trước được lời tự biện hộ trước tòa của các bị cáo Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long:
...Thưa quý tòa, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ bản cáo trạng và cho rằng chính quyền nhân dân chưa hề tồn tại trên đất nước Việt Nam này. Do đó tội”lật đổ chính quyền nhân dân" là chuyện hoang đường, không có cơ sở thực tiễn. Chúng tôi không thể lật đổ một sự vật không có thật. Chúng tôi hoàn toàn vô tội. Nếu tòa không tin, xin trưng cầu ý dân và thăm dò dư luận quốc tế.
Tuy nhiên, qua phiên tòa này, chúng tôi ghi nhận mong muốn tốt đẹp của quý vị là xây dựng một chính quyền thực sự từ nhân dân, vì nhân dân, của nhân dân, một chính quyền nhân dân chân chính. Muốn vậy, mong quý vị hãy vui lòng hợp tác với chúng tôi, vì toàn bộ ý muốn và hoạt động của chúng tôi là hoàn toàn tập trung vào mục tiêu duy nhất là xây dựng một chính quyền nhân dân đúng nghĩa trên đất nước ta, nhằm mang lại tự do, nhân phẩm, bình đẳng, ấm no, hạnh phúc - hiện đang thiếu vắng - cho toàn dân ta.
· Bài viết đầu năm này, xin (qua đài VOA) quý mến gửi tặng anh chị em sinh viên các trường Luật - Đại học Quốc gia Sài Gòn và Hà Nội.
No comments:
Post a Comment