'Bao giờ người VN hồn nhiên trở lại?'
Quốc Phương
BBCvietnamese.com
Cập nhật: 16:34 GMT - thứ bảy, 2 tháng 1, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/01/100102_vo_thi_hao_2010_inv.shtml
"Bây giờ tôi đang viết hai cuốn, một cuốn truyện ngắn và một cuốn tiểu thuyết lịch sử về thời kỳ Tự Đức, có tên gọi là Rừng đoạn đầu," nhà văn Võ Thị Hảo hé mở với BBC Việt ngữ về các dự định sáng tác vào năm mới của bà trong cuộc trao đổi ngày 01/01/2010.
"Cuốn tiểu thuyết Rừng đoạn đầu viết về nhân vật Cao Bá Quát, dự kiến giữa năm này thì viết xong," bà Hảo nói tiếp.
Có vẻ như tác giả của 'Giàn thiêu' tiếp tục thử nghiệm sử dụng bối cảnh lịch sử như một thủ pháp để bàn về xã hội và con người Việt Nam qua mọi thời đại, như bà cho biết:
"Việt Nam có rất nhiều lần để lỡ các thời cơ đổi mới - những thời cơ thay đổi để chọn cho mình một hướng đi tốt hơn. Nhưng mỗi lần như thế, thì lại vấp phải sự thủ cựu. Người ta luôn luôn muốn lái đất nước này, dân chúng này đi theo một con đường độc tài,
"Thời Tự Đức là thời đã từng giết giáo sỹ và Cao Bá Quát là một nhà thơ, một nhà văn rất có tài, ông rất muốn thay đổi. Và cuối cùng do không chịu đựng được sự thủ cựu, ông đã khởi nghĩa và bị Triều đình chém và bêu đầu ở trên cọc."
Nhà văn hy vọng rằng tác phẩm mới sẽ có số phận thuận lợi hơn một tác phẩm khác mà bà đã viết, nhưng không được in trong năm vừa qua:
"Cuốn Dạ tiệc quỷ không xin được giấy phép xuất bản. Còn cuốn này viết về thời đã qua, thời phong kiến, thì có thể dễ được xuất bản hơn."
Bà Hảo cũng thừa nhận khả năng theo đó một tác phẩm văn học có thể bị từ chối xuất bản ở trong nước, ngay khi người ta biết tác giả là ai, mà không cần phải chờ tới thẩm định nội dung của tác phẩm đó.
"Chuyện đó cũng có thể có, nhưng mình vẫn cứ viết thôi," bà nói.
'Chưa ra đời'
Đánh giá không khí và sáng tác văn học trong nước năm vừa qua, tác giả "Người sót lại của rừng cười" cho rằng mọi người 'vẫn viết,' nhưng theo bà vì nhiều lý do, năm qua chưa có tác phẩm xuất sắc:
"Tôi cho rằng những cuốn hay nhất chưa ra đời. Nó có thể đã ra đời, nhưng còn nằm trong tay một ai đó và cũng rất khó để người ta chấp nhận cho nó ra đời,
"Vì những cuốn hay nhất phải luôn luôn gắn với cái khao khát, nguyện vọng của người Việt Nam, với những gì đang xảy ra và đã xảy ra, cộng với văn tài." bà Hảo giải thích, đồng thời cho biết quan niệm của mình.
Nhà văn cho rằng các nhà xuất bản nếu nghe được điều này, sẽ không hề 'tủi thân' vì họ biết rõ nếu ký giấy phép cho in những tác phẩm mà 'dân thích' thì họ có thể bị kỷ luật.
Về tình hình phê bình văn học trong nước năm 2009, nữ văn sỹ tỏ ra thẳng thắn khi cho rằng Việt Nam năm qua 'thực sự chưa có phê bình.' Bà nhận xét:
"Những bài đậm đà, bàn sâu sắc một vấn đề, bỏ thời gian khảo cứu kỹ lưỡng một hay một số tác phẩm, nếu có ai bỏ công ra viết, thì cũng không có chỗ đăng,
"Hiện nay các báo in cũng rất khó khăn để tồn tại, lượng phát hành đều giảm. Chưa nói tới chuyện các nhà phê bình có viết phê bình thực sự hay không."
'Sự thật và hơi thở'
Là người có kinh nghiệm trên thị trường xuất bản và văn hóa phẩm, khi từng mở một công ty trong lĩnh vực này, Võ Thị Hảo cho rằng bà có thể hiểu được thị hiếu của độc giả trong nước hiện nay:
"Đa số độc giả thích tìm đọc những cái dễ hiểu, hấp dẫn đọc một lần đã hiểu, có thể gọi là thị hiếu bình dân. Còn để đọc các tác phẩm vốn khó hiểu hơn, nhiều tầng ngữ nghĩa và lấp lánh hơn, thì độc giả đó không nhiều."
Năm 2009, nhà văn nữ này đã khai trương một trang blog cá nhân, với một số phát ngôn công khai kêu gọi tự do, dân chủ và công lý cho nhân dân, được cho là khá mạnh mẽ và thẳng thắn. Tuy nhiên, bà cho hay đã không gặp bất cứ 'đe dọa' nào:
"Tôi không bị đe dọa, bởi vì tôi nghĩ từ trước tôi đã luôn là như thế rồi. Điều đó không phải là sự cố gắng hay là tôi tự cố làm ra như thế mà đó là bình thường,
Bà Hảo tin rằng việc nói lên sự thật giống như là điều mà bà gọi là "hơi thở," dù bà thừa nhận rằng đã tự 'kiềm chế' khá nhiều.
"Sự thật như là hơi thở vậy. Tôi thấy người Việt Nam ta cần trở lại việc nói lên sự thật như là người ta thở bình thường. Bao giờ người Việt Nam ta trở lại sự hồn nhiên, thì đất nước sẽ khá hơn."
Nhà văn tin rằng nhờ điều này, mọi người sẽ bớt "gian dối đi" và những người 'muốn áp đặt' người khác, muốn 'tước đoạt quyền tự do' của người khác sẽ phải 'kiêng dè hơn.'
'Hiến pháp không cấm'
Nhìn sang năm mới 2010, Võ Thị Hảo cho hay bà cảm thấy không lạc quan và cũng không bình thản. Về các vụ bắt giữ và xét xử đã và sắp diễn ra với những người được cho là các nhà hoạt động dân chủ và bất đồng chính kiến năm vừa qua, bà bình luận:
"Tôi thấy việc bắt giữ và xử những người bất đồng chính kiến và khép vào những tội nặng như thế, mặc dù họ có thể muốn lập một đảng là Đảng Dân chủ, quy họ vào khung tội có thể dẫn tới tử hình, là cực kỳ vô lý.
"Trong hiến pháp không cấm điều đó. Hiến pháp Việt Nam không có một từ nào cấm thành lập đảng. Điều đó làm cho tôi rất buồn, thậm chí là phẫn nộ. Điều đó tất nhiên là không tốt và làm cho nhiều người Việt Nam buồn, dân chúng buồn."
Nhà văn cho rằng để bày tỏ chính kiến của mình, người dân có thể có nhiều con đường, nhưng qua cung cách mà chính quyền đang hành xử với nhiều nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam hiện nay, khó có con đường nào khác giúp họ tránh được rủi ro:
"Làm sao để tránh được nếu như mọi người không muốn cho mình nói lên nguyện vọng ấy. Cần phải nói dối về nguyện vọng ấy thì tôi nghĩ là rất khó."
Cuối cùng, bà Hảo cũng muốn chia sẻ một thông điệp cho năm 2010, bà nói:
"Cuộc sống dù có thế nào, thì người ta vẫn phải sống, phải vận động. Sự thật và khát vọng của con người để có được dân chủ và tự do vẫn luôn là một vận động rất mạnh mẽ. Nó cũng như mặt trời, đến lúc thì nó phải lên."
No comments:
Post a Comment