Saturday, January 2, 2010
ẨTN MẠN về DÒNG SÔNG PHỐ HOA !
Tản mạn về dòng sông phố Hoa!
Nguyễn Quang Nhàn
Đăng ngày 2-1-2010
http://danchimviet.com/articles/1875/1/-Tn-mn-v-dong-song-ph-Hoa/Page1.html
1.
Giao thông như dòng sông, có thông thoáng mới có dòng chảy bình thường, có rừng, cây cỏ muôn hoa mới có dòng nước sạch trong, hiền hòa, tắm mát thêm cho cuộc sống xã hội. Nếu ngăn lại như đắp đập có thể tạo nên hồ-đẹp như Đà Lạt Hồ Xuân Hương, Tuyền Lâm, hoặc tạo nên dòng điện Suối Vàng, Đa Nhim…..sáng phục vụ cho sinh hoạt cuộc sống con người, cho hoa tươi màu, rau xanh sạch, cà phê, chè, đồng ruộng lúa xanh tươi… Ngăn chặn dòng giao thông để làm “phố đi bộ” có tạo nên Hồ, thành dòng điện sáng, con nguời thêm đẹp, hoa thêm thắm, rau màu thêm xanh…!? Nếu chỉ bằng ý chí, đi ngược lại quy luật của dòng sông thì như chuổi đập thủy điện trên Sông Ba (Gia Lai, Phú Yên), A Vương (Quảng Nam) vẫn tiếp tục là đại họa cho con người, xã hội… Đã hơn 5 năm qua, Đà lạt thành phố Hoa, thành phố nổi tiếng của cả nước cứ tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần lại có “phố đi bộ”! Đề hình thành nên phố đi bộ, những nguời có thẩm quyền đã khoanh lại cung đường Thành Thái nay là Nguyễn Chí Thanh, vòng Khu Hòa Bình, Lê đại Hành, Nguyễn thị Minh Khai- đường vào Chợ Đà Lạt …làm phố đi bộ. Phố ấy có tạo nên dòng sông êm đềm, thơ mộng như cuộc sống xã hội yên bình, hiền hòa nhân dân Đà lạt đợi mong!?
“Phố đi bộ” hình thành không khó, cứ chặn hai đầu- be đập, cấm xe - đầu những đoạn đường mỗi con phố… là xong. Nhà quản lý đô thị giành đường của xe cho người xuống đường đi bộ; giành lề đường của người đi bộ cho các cửa hàng, cửa hiệu lấn chiếm bày hàng hoặc cho những người bán hàng “xôn” đủ món, đủ loại chiếm lề đường buôn bán như chợ nông thôn có đường nhựa. “Phố đi bộ” có mang tính văn hóa, nhân văn?! Có lẽ chính quyền “của dân, do dân, vì dân” đã “học đòi” cái phố đi bộ Vương An Thạch của Bắc Kinh, Trung quốc. Đặc điểm của phố ấy hình thành có giống với “phố đi bộ” của Đà Lạt? Ở đây chúng tôi xin khoanh lại một con phố đi bộ đặc trưng - đoạn đường Nguyễn thị Minh Khai, đường vào chợ Đà Lạt!.
Chợ là nơi tập trung đông người. Đường vào chợ, nơi trung tâm mua bán nên thường đông người, nhiều xe… Mỗi khi ngăn đập bằng những barrière kiểm soát bởi công an và đội dân phòng ở đầu đường vào chợ, xe, người đứng tràn ra như hai chận đập kéo dài nhưng không tạo nên thế vững chắc, mỹ quan. Đứng ở “chân đập” đó là những người chạy xe không kịp đã vào chợ muộn; xe cấm vào nên đứng chờ đón nguời thân đi bán, đi chợ về; những nguời hành nghề xe ôm, xe ta xi; những xe đạp đôi chạy loanh quanh, loạng quạng…Tôi có lẽ là khách thường xuyên của phố đi bộ! Cuộc sống còn nhiều vất vả nên cũng luôn được hưởng sản phẩm văn hóa đặc trưng của thành phố! Cứ đến tối thứ bảy, chủ nhật, làm gì thì làm, có bận việc cũng phải bỏ để lo chạy xe cho kịp vào chợ trước giờ be đập cấm xe chờ đón vợ và chở hàng còn ế về nhà. Nhiều lúc vội cũng sợ sự cố giao thông nhưng vì “phố` đi bộ” nên phải tăng ga mà chạy, nếu trễ, không mang xe vào được mà đứng ngoài be đập mà chờ thì cũng khổ, không biết gửi xe đâu nhưng vất vả nhất là mang, xách những sô hàng nặng bán không hết từ trong chợ để ra bên ngoài bờ đập… Cứ thường xuyên được dạo phố đi bộ mà thương cho vợ, cho mình, cho những người lao động buôn bán dọc “dòng sông chợ”. Những người lao động nghèo dường như không phải là công dân bình đẳng” của một xã hội có đảng “đại biểu, đại diện trung thành lợi ích người lao động” nắm quyền lãnh đạo đã hô vang khẩu hiệu trước năm 1945 để có “cách mạng tháng Tám”; trước năm 1975 ở Miền Nam để có ngày 30/4… Bây giờ, “lợi ích” của những người lao động nghèo khổ ấy hình như không ai “đại biểu, đại diện”. Từ kết quả những “chủ trương lớn, nhỏ “ của những tổ chức đại biểu theo luật và đứng trên luật thì người lao động tự cuộc sống của mình đã thấm đòn bởi những “đại biểu” ấy như thế nào rồi. Những khiếu kiện đông người, ít người từ năm này kéo dài qua năm khác về đất đai, nhà cửa, giảI tỏa, đền bù là những điển hình. Người lao động chỉ mong mình được tôn trọng là người công dân bình đẳng trước pháp luật thôi; tôn trọng mình là “người chủ” như câu nói cửa miệng của những “ông đấy tớ” đã cho dân “làm chủ” khi nói về “nhà nước của dân, vì dân…” Nhân dân lao động “cùng khổ” không cần phải được ưu ái có người “đại biểu trung thành” và “nhân dân” là tư sản, địa chủ, ngụy quân, ngụy quyền cũng mong không còn sự phận biệt như xưa! Mọi lời đảng, chính quyền nói càng làm cho nhân dân càng nhớ, càng thấm câu nói của “ông tổng thống ngụy quyền” xưa- “đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”! Người cộng sản tự thể hiện, chứng minh lời nói ấy trong thực tế cuộc sống xã hội đó chứ có ai bắt ép đâu!
“Phố đi bộ” nên người đi bộ học tư tưởng, đạo đức HCM, “sống theo Hiến pháp và pháp luật” chiếm lòng đường giao thông của các loại xe tham gia giao thông… để… đi bộ. Xe máy phải đẩy bộ, cá biệt, xe hơi không đẩy bộ được thì cứ …rón rén, lừ đừ chạy! Lề đường của người đi bộ lại bị các “cửa hàng” tự phát, chồm hổm (có bảo kê vì có thu thuế) la liệt chiếm cứ! Văn hóa giao thông đô thị lâu nay cứ đổ vấy cho người tham gia giao thông nhưng có phải cái gốc ở đó?!
Nhờ có phố văn hóa - phố đi bộ nên có những công dân - bảnh bao, những khách du lịch Tây, Ta đi bộ dạo phố, nghênh ngang; có những công dân - lao động nghèo phải còng lưng đẩy xe… đi bộ trên con đường làm từ thuế của dân để cho xe chạy. Đường của xe nhưng xe phải ”đi bộ”. Phố là của mọi người, có những quyền bình đẳng như nhau nhưng lại bị phân biệt đối xử bởi cái nghèo, cái khổ và cái giàu sang, dư mặc, dư ăn. Ngày xưa tiểu thương đã cùng nhân dân xuống đường đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Ngày nay, chính quyền đã về “tay nhân dân” nên nhân dân ở chợ cũng rất ư là hạnh phúc thường xuyên được làm khách phố văn hóa, dân chủ, văn minh! Người lao động thời nào cũng khổ! “Cách mạng” lâu rồi nhưng cuộc đời có “đổi được đâu nhưng dù sao, chế độ và chính quyền thành phố cũng ưu ái cho mình được sống với phố đi bộ để thấm hơn ước mơ về sự đổi đời so với cuộc sống ngày xưa, về một xã hội tốt đẹp còn …trong mơ !
2.
Những năm trước ngày được “giải phóng” chợ Đà lạt là một trong những trung tâm đấu tranh của nhân dân thành phố! Lực lượng tiểu thương chợ Đà Lạt là “hậu phương” cho các lực lượng đấu tranh ở đô thị. Tiểu thương chợ Đà lạt ngày ấy đa số đều vợ của những sỹ quan, viên chức nhà nước và những người lao động nghèo nhưng luôn là một trong những lực lượng đi đầu đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ! Những người mẹ, người chị sao mà dũng cảm, mưu trí, năng động… Một người hô trăm người hưởng ứng, tự giác, tự nguyện tham gia vào mọi cuộc sống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”., chống sưu cao, thuế nặng, đòi hòa bình, độc lập, dân chủ, cơm áo, tự do …! “Truyền thống cách mạng” ấy nay hình như không được phát huy. “Quyền dân chủ, dân sinh” đã có đảng chăm lo toàn bộ. Những “truyền thống” không nên phát huy lại cũng cứ “năng động”. “tự phát”. Nhiều người đã “tương thân, tương ái” trong những hoạn nạn, thiên tai, nhân tai từ Đà Lạt tự nguyện đi làm công tác xã hội từ thiện, thậm chí đến cả Bảo Lộc, Chùa Phước Huệ, cùng với tiểu thương chợ Bảo Lộc và các Phât tử khác đi thăm hỏi, tiếp tế cho những tăng sinh Bát Nhã Làng Mai bị chính quyền xua đuổi, hành hung, không cho phép tu vì rất nhiều lý do theo lý của nhà nước … Chế độ miền Nam trước đây những việc làm ấy của nhân dân chính quyền không can thiệp vì đó là hoạt động của xã hội dân sự, là quyền tự do, dân chủ của con người trong xã hội; là tình cảm “lá lành đùm lá rách”, tương trợ lẫn nhau. Chính quyền ta rất ư là có kinh nghiệm về “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ” trong xã hội Miền Nam trước đây nên đã có nhiều đối sách, ngăn chặn. Lực lượng “quần chúng tự phát” đã đi vận động tại gia, buộc những người “có quan hệ” ký cam kết không được đến Chùa, không được tiềp tế, giúp đỡ, động viên… Lực lượng “quần chúng tự phát” nhưng rất là có tổ chức nên mới có băng rôn khẩu hiệu, có văn bản chuẩn bị sẳn để ép Thượng tọa trụ trì chùa Phước Huệ ký đuổi tăng sinh Bát Nhã Làng Mai, mới có những hành động vô văn hóa, vô luật pháp đối với Tăng, Ni, mới phá Chùa một cách “tự do tự tại…”.
Chợ Đà lạt xưa cũng là một công trình kiến trúc đẹp, nổi tiếng, đặc trưng của thành phố. Những nhà quy họach, kiến trúc đã tạo nên cảnh quan thông thoáng, hài hòa; không có những nhà phố, nhà hàng, khách sạn cao tầng mọc lên bao che chung quanh. Chợ có đường đi bộ, lối đi xe, có đường tránh, đường thoát…Lề đường của người đi bộ ở các dãy phố dọc hai bên chợ cũng rất là thoáng, ngăn nắp, không có sự lấn chiếm. Có một đồn Tân thị để quản lý trật tự an ninh chứ không cần phảI có cả Ban quản lý và phải thuê an ninh, cảnh sát như hiện nay. Ngày nay, “tấc đất, tấc vàng”, những đường ấy đều đã bị xóa. Đường đi, lối lại chỉ còn một con đường độc đạo, cứ tối thứ bảy, chủ nhật lại cấm xe để làm “phố đi bộ”, nhiều người quan tâm đến cuộc sống xã hội lại lo, nếu không may khi chợ có sự cố, đông đúc người mua, kẻ bán…nhiều xe cộ như nêm thí lúc đó không biết cái gì sẽ xảy ra ...
Ngày hôm nay, thời thế có khác, nhân dân đã có chính quyền “của dân, do dân, vì dân”!. Những người lao động nghèo buôn thúng, bán bưng, 6 giờ tối mới được xuống đường ngồi hai bên lề đường phố chợ để buôn bán, tạo nên như những dòng sông… Chợ bây giờ thêm tầng và mở rộng hơn, người buôn bán đông hơn và người buôn bán lề đường phố chợ cũng nhiều hơn, thậm chí cũng có “ca”, "kíp”… Các nhà quản lý đô thị có lẽ cũng đã thấy như vậy là không đẹp, không có văn hóa, chưa được văn minh nhưng “vì nhân dân” nên… cũng phải “ra tay cứu giúp”! Cuộc sống gia đình tôi cũng nhờ được ân huệ ấy cùng vớI nhiều sự “quan tâm” nếu không cuộc sống sẽ không biết ra sao! Cái gì nhìn lâu ngày cũng thành quen. “Phố cấm xe” cũng vậy. Người lao động tiểu thương, có lẽ hàng năm không có ngày nghỉ! Chị em tiểu thương có sạp hàng buôn bán trong chợ nhờ có “phố đi bộ” nên thứ bảy, chủ nhật được nghỉ ngơi sớm hơn; những “tiểu thương” buôn thúng, bán bưng thì càng phải bương chải nhiều hơn, cày cục vất vả hàng ngày để lo cho cuộc sống gia đình, lo cho con cái có cái ăn, cái học, mong cho thế hệ mai sau của họ đỡ vất vả hơn, có cuộc sống “ấm no, hạnh phúc”, giúp nước, giúp dân chứ không phải vị kỷ, chỉ ”làm giàu” cho bản thân. Người lao động buôn bán, dù nghèo, nhiều vất vả nhưng họ vẫn luôn sống có tình dù đôi khi cái “tham, sận, si” bùng lên thì cũng đao to, búa lớn. Buôn bán sáp mặt nhau hàng ngày họ đâu có thể sống lường gạt, gian dối, sống vô sỹ, vô liêm. Dù làm người buôn thúng bán bưng nhưng họ cũng có lòng nhân, danh dự, tự trọng, sống yêu thương con người, luôn có tinh thần cộng đồng xã hội dù chuyện cuộc đời, trong cái được có cái mất; cái xấu, cái tốt xen nhau như hoa và cỏ dại; cái gì cũng có thể….
3.
Phố đi bộ ắt không phải dành cho nguời lao động nghèo, cũng chưa hẳn là dành cho người dân thành phố! Tất cả vì sự nghiệp du lịch, nay lại là Thành phố Festival Hoa thì lại càng… văn hóa hơn! Những ngày đầu khi mới ban hành chủ truơng ”phố đi bộ”, sinh hoạt bị xáo trộn, nhiều tầng lớp nhân dân cũng có ý kiến đề nghị chính quyền, hội đồng nhân dân TP xem xét lại có nên hay không nên hình thành “phố đi bộ”, cần tổ chức như thế nào cho hợp lý, phù hợp với cuộc sống sinh hoạt bình thường của nhân dân… Nhưng, thương cho những ông quan trái tim bị chai với cái đầu có trí tuệ chỉ làm cái “đường cày đảm đang” cho nên, đến hôm nay, dù sao chính quyền thành và phố cũng đã duy trì được một “nếp sống văn hóa mới: “phố đi bộ” nhưng người dân thì gọi đó là: phố …“cấm xe”!.
- Phố cấm xe vì đường phố ấy chỉ có thể đi bộ! Phố đi bộ vì không thể đi xe! Mỗi đuờng phố trong thiết kế xây dựng đều dành những phần đường riêng cho người đi bộ và đi xe. Giao thông đô thị quy hoạch, xây dựng phải đảm bảo cho cuộc sống, sinh hoạt bình thường của xã hội trong sự phát triển, đảm bảo cho mỗi con người được sống an toàn, sống đẹp, sống có văn hóa; “mình vì mọi người”; làm chủ, gìn giữ, xây dựng ngôi nhà thành phố!. Lề đường dành cho người đi bộ nay hầu như cũng chẵng có lề; phần “lề” ấy lại được làm thấp, thoai thoải để xe có thể dễ dàng leo lên lề của người đi bộ… Nhiều tai nạn giao thông đã xảy ra. Đường mỗi lần “đại tu” là nền đường càng nâng cao lên, rút ngắn khoảng cách của lề đường, xóa làn ranh ngăn xe vượt lề. Phần giao thông của xe, của người đi bộ dường như ngày càng “không biên giới” rất là “quốc tế xhcn”. Vấn đề giao thông nhà nước cứ đổ về phía người đi bộ, là do “văn hóa người tham gia giao thông” nhưng có phải như vậy? Cái gốc là ở văn hóa quản lý, tổ chức, bộ máy, con người trong quản lý giao thông đô thị; là tầm nhìn trong quy hoạch, thiết kế; là quản lý phương tiện giao thông phù hợp với đặc điểm con đường, phương tiện, cung, cầu cuộc sống con người-xã hội; là luật pháp, ý thức về chấp hành pháp luật, về quản lý, kiểm tra… Người tham gia giao thông là “quả” của tất cả những nhân ấy. Đã giành quyền làm ông chủ của xã hội rồi sao lại cứ đổ vấy cho dân! Nếu dân thật sự làm chủ với một thiết chế bảo đảm “nhân dân là chủ thể quyền lực của xã hội”; không có kẻ tự nhân danh làm chủ xã hộI cho phép “mở rộng”, “thu hẹp” hoặc “đóng cửa dân chủ” thì dòng sông giao thông đô thị sẽ không bị những rác rưởi làm vấy bẩn….
- Thành phố Festival Hoa, cái tên rất quyến rủ. Thành phố Hoa - cái tên rất thân thương, có khác, dân Đà Lạt trước đây làm chủ thành phố của mình. Người là Hoa, “Người ta là Hoa của đất” chứ không phải là những đóa hoa trồng trong chậu kiểng. Dân thành phố Hoa, thành phố du lịch khi không làm chủ thì sẽ làm cu ly cho người khác thôi. Quyền dân - quyền hoa, tâm hồn hoa - được tôn vinh khi nhân dân thực sự là người chủ chân chính của thành phố và xã hội đất nước thì Đà Lạt Festival Hoa sẽ thật sự đẹp cả sắc và tâm hồn chứ không phải chỉ là “nước sơn” hào nhoáng bên ngoài. Với công nghệ hiện đại như hiện nay, cái giả xen với cái thật, để có một Thành phố Festival Hoa, “nhiều không gian hoa” kéo dài hàng cây số thì bất cứ đâu cũng có thể làm được chứ chẵng riêng gì Đà Lạt. Đất và Người; Người và Đất. Người trồng Hoa; Hoa trồng Người. Khi Người, Hoa, Đất, Nước không quyện vào nhau, Người – nhân dân không là chủ thì sự phù phiếm thăng hoa tạo nên những nạn dịch Lễ hội, Festival tràn lan trên đất nước này cũng là những chuyện bình thường thôi….
4.
Đà Lạt thành phố Hoa. Thành phố xưa, nay không có đèn xanh, đèn đỏ! Một thành phố du lịch nổi tiếng nay với hơn 180 ngàn dân, tăng hơn gấp đôi so với trước năm 1975, chủ yếu là tăng cơ học. Từ sau năm 1990 thành phố nhiều thay đổi cùng với sự đổi mới, phát triển nền kinh tế xã hội theo nền kinh tế thị trường “xhcn”, không còn “ngăn sông cấm chợ”, không còn hệ thống mậu dịch quốc doanh và cuộc sống nhân dân cũng dễ thở, phát triển hơn trước. Đà Lạt xưa dần thay màu áo mới. Con người cũng nhiều thay đổi, nếp sống cũng thay đổi. Thành phố của ngàn thông đã được “công nghiệp hóa” (!) Những vườn rau hoa của thành phố vườn, rừng đã dần biến mất. Đường lối “định hướng” phát triển chưa rõ sẽ về đâu nhưng sự quản lý thì quá nhếch nhác. Thành phố văn hóa - ngàn hoa ngày xưa chất văn hóa tỷ lệ nghịch với những tòa nhà cao tầng xen nhau mới mọc lên. Văn hóa phải có chất nhân văn thể hiện chất sống văn hóa của con người và trong sự quản lý xã hội để mỗi người dân làm chủ thành phố. Một thành phố sống có luật pháp, quản lý có luật pháp, có khoa học và với “Hoa” lại còn có cả nghệ thuật. Nghệ thuật là cái đẹp của tâm hồn chứ đâu phải là những xe máy, xe hơi nhiều loại, nhiều đời thể hiện sự giàu có, quyền chức, những chiếc xe dài ngắn, to nhỏ tạp bí lù trong cái lẩu đường phố…
Cuộc sống xã hội trên đường phố những ngày bình thường êm ả như dòng chảy bình thường của dòng sông. "Phố cấm xe” những đêm bình thường ít người, đường phố thông thoáng, tạo được chổ cho trẻ em đá banh, chơi các trò chơi thoải mái trên đường. Thành phố Hoa hình như là dành cho ngườI lớn, trẻ em muốn tìm một chổ chơi cũng rất khó. Sân chơi trong trường học cũng thu hẹp lại. Khu vui chơi giải trí của thiếu nhi rất là hiếm hoi, chen một chút trong một vài khu du lịch. Công viên lớn nhất, nét độc đáo của thành phố - Đồi Cù cũng đã mất rồi!
Những lúc Lễ Hội, không chỉ thứ bảy, chủ nhật, đông đảo du khách và nhân dân đổ dồn về trung tâm thành phố, phố cấm xe không bị cấm và không thể cấm nếu cấm thì tạo nên bất bình thuờng của dòng chảy và càng dễ vỡ bờ! Phố cấm xe - đi bộ là cấm và phục vụ ai đây?! Đối với cuộc sống của dân Đà lạt từ xưa đến nay thường những ngày Tết, Lễ, Hội việc ngăn xe ở một số giao lộ, những chổ đông người là bình thường, ai cũng thấy là cần thiết vì cần cho dòng chảy giao thông được thông suốt, đó cũng là quyền lợi của mỗi người. Công việc ấy cũng chẵng đòi hỏi sự tài ba gì về “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” trong quản lý đô thị. Con người cộng đồng trong cuộc sống xã hội với nếp sống hàng ngày, có văn hóa, tôn trọng trật tự chung, vì nhu cầu và lợi ích chung của xã hội người dân cảm thấy như mình là người chủ, còn những Festival Hoa, những cuộc “trình diễn văn minh đô thị ”; “cấm xe” để tạo thành “phố đi bộ”… đó có phải là dân chủ, văn hóa, văn minh!?
Phố đi bộ nếu tạo nên cuộc sống xã hội yên bình, hiền hòa như dòng sông êm đềm, thơ mộng thì đúng là thành phố du lịch, văn hóa, văn minh và con người Đà lạt cũng xứng danh” hiền hòa, thanh lịch, mến khách”! Những phẩm cách ấy của con người Đà lạt “ ngày xưa”, nay chỉ thật sự có khi nhân dân thật sự là người chủ thành phố với đầy đủ quyền của con người công dân! Vì sao khách Du lịch đến thành phố vẫn thường hay bị” chém đẹp” cả ăn, ở, vui chơi, đi lại? Sức hấp dẫn của cảnh quan du lịch Đà Lạt không còn thu hút khách du lịch như xưa? Rừng và màu xanh thành phố như nhạt màu hơn, con người Đà lạt nét dịu dàng, thanh lịch xưa dường như cũng tăng ngược theo nhiệt độ ngày càng tăng lên của Thành phố! Dòng sông giao thông đô thị đẹp như vẻ đẹp hiền hòa của dòng sông, bản thân nội tại của nó cũng phải tuân theo như quy luật của dòng sông, quy luật phát triển của cuộc sống lịch sử xã hội. Ở một thời đại tự hào là khoa học, văn minh, tiến bộ; có tư tưởng “tiên tiến nhất loài người”; tự hào là thành phố văn hóa nhưng sao những người tự mình nhân danh làm chủ, quản lý xã hội lại cứ muốn đi ngược lại quy luật dòng chảy của dòng sông!
© Đàn Chim Việt Online 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment