Ai sẽ là TBT Đảng CSVN đời thứ 14 [3]
Nguyễn Vũ Trần Lê
Đăng ngày 2-1-2010
http://danchimviet.com/articles/1878/1/Ai-s-la-TBT-ng-CSVN-i-th-14-3/Page1.html
Ứng cử viên thứ 5 - người cuối cùng - có nhiều khả năng được đề cử chức Tổng Bí Thư Đảng CSVN ở đại hội XI: UV BCT, Bộ trưởng Quốc phòng - Phùng Quang Thanh (PQT).
Qua một số bài viết trên mạng: PQT sinh ngày 2.2.1949 tại xã Thạch đà, huyện Mê linh ngoại thành Hà Nội, gia nhập quân đội lúc mới 18 tuổi (1967), 40 năm sau (2007) - trở thành Đại tướng tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam. Ông đã tu nghiệp nhiều khoá tại các Học viện quân sự, trường đào tạo sĩ quan trong nước và Học viện quận sự cao cấp Voroshilov (Liên bang Nga).
Bước đường trưởng thành của PQT chỉ tóm tắt: Đi lên từ anh lính binh nhì đến vị trí cao cao tột đỉnh : Đại Tướng - Tổng tư lệnh, vào đảng CSVN năm 1971 - cùng năm, được phong danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang , lần lượt tham gia các cấp ủy đảng cơ sở… khoá 9, năm 2001 vào Trung ương. Đại hội đảng CSVN lần thứ 10 (2006), trúng cử tiếp rồi vào Bộ chính trị, được giao trọng trách Bộ trưởng quốc phòng.
Trên chính trường, danh tiếng của PQT ít nổi trội hơn. Dù vậy, gần đây có nguồn tin từ cơ quan đầu não "rò rỉ": Khóa 11 - Phùng Quang Thanh có thể sẽ được đề cử TBT ĐCSVN. Tin này làm không ít người ngạc nhiên . Theo quan niệm thông thường: Người được bầu vào chức vụ này phải có những đặc điểm nổi bật nào đó, hoặc có thanh thế có kinh nghiệm lãnh đạo, trong khi PQT chỉ nổi lên từ cuộc chiến tranh trong quá khứ.
Mặt khác, khi những diễn biến trên biển Đông do quân đội TQ gây ra, nhân dân VN phẫn nộ, trong khi Quân đội của Đại tướng PQT dường như ’’được lệnh’’ án binh bất động? Bây giờ, qua các nguồn tin: Quân đội Việt Nam không có lực lượng Hải quân cần thiết, tương xứng với đất nước có gần 90 triệu dân, nằm trải dài trên hơn 3 nghìn Km bờ Thái Bình Dương, Không quân thì cũ kĩ, lạc hậu ...
Mặt khác nữa: Ở thời nay, chính trường thế giới rất e dè, nghi ngại đất nước nào đó trong cộng đồng nhân loại do giới "Ka ki" nắm quyền điều hành. Chế độ độc tài Miến Điện là một minh chứng. Bởi vậy, việc đưa một Đại tường lên chức vị TBT là điều khó có thể xẩy ra. Dư luận cho "rò rỉ" kia chỉ là ’’tin… Vịt’’ do một phe trong BCT đưa ra để thăm dò dư luận.
Đột nhiên, thời gian gần đây báo chí của VN cho một số tướng lĩnh đã về hưu lên tiếng bằng những bài viết toát lên ý biểu dương quân đội trong quá khứ ngầm nhắn nhủ giới tướng lĩnh trẻ và nhóm lãnh đạo đương quyền việc bảo vệ tổ quốc trước hiện tượng TQ lấn lướt trên Đất liền, Biển, Đảo.
Chỉ đến khi Bộ trưởng Quốc Phòng VN đi thăm Hoa Kì , Pháp, tiếp xúc với bộ quốc phòng Ấn Độ và các nước trong khu vực… Đặc biệt khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Liên bang Nga, kí các hợp đồng mua tầu ngầm, máy bay…dư luận mới hướng sự chú ý vào PQT về chức TBT khóa XI...
Có những lí do để xem xét nguồn tin này:
Trong quá khứ, đã có tiền lệ - 2 lần đại hội ĐCSVN bầu 2 viên tướng làm TBT: Khóa III (1960) bầu Lê Duẩn, gốc là Cục trưởng cục dân quân thuộc bộ Tổng tham mưu. Khóa VIII (1996 - 2001) bầu Thượng tướng Lê Khả Phiêu.
Dư luận đón nhận tin này một cách dè dặt . Nếu chọn được TBT trong các ƯCV là người có kiến thức quân sự như PQT hi vọng có khả năng đối diện trực tiếp với tình thế bảo vệ an ninh toàn ven lãnh thổ . Người lính trước kẻ thù xâm lược không có cách lựa chọn nào khác ngoài kiên cường, dũng cảm ’’Nhằm thẳng quân thù mà bắn’’ (1) .
Như vậy, chọn một người có tư chất, khả năng lãnh đạo quân dân chống lại ’’sự xâm lược từ bên ngoài’’ - là sự lựa chọn đúng, cần thiết. Thời đại này - thế giới và, đất nước - có biết bao biến động hàng ngày. Trong 5 năm (một nhiệm kì) TBT mới không làm chuyển biến được tình hình, đưa đất nước tiến lên - sẽ là một lãng phí tai hại!...
Có 2 yêu cầu để chọn người vào chức vụ TBT.
Thứ nhất: Từ công việc, nhiệm vụ!
Yêu cầu này đã được lịch sử kiểm chứng:
Sau cuộc phân chia đất nước làm 2 miền Nam - Bắc (1954), thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị trong 6 năm đã đủ, những người CSVN quyết định phải thực hiện thống nhất đất nước bằng ’’đấu tranh vũ trang’’ (chiến tranh). TBT Trường Chinh đã hết vai trò lịch sử (2) phải ra đi, bởi cả 2 lẽ: Ông đã đánh mất uy tín của Đảng trong nhân dân miền Bắc (qua vụ Cải Cách Ruộng Đất) và quá gắn bó với học thuyết của Mao (…), không theo kịp xu thế phát triển của thời đại mới, trong khi lớp cán bộ dưới quyền lăn lộn trên chiến trường miền Nam đã tiếp nhận tư duy thời đại khá nhanh nhậy, hiểu biết cặn kẽ đối thủ mới là Hoa Kì - hoàn toàn khác thực dân Pháp.
Trước thềm đại hội Đảng CSVN (tên cũ từ 1951, là đảng Lao Động) lần thứ 3 (1960) , người được chọn cho chức TBT phải là người hiểu biết địa bàn miền Nam, có kinh nghiệm chiến đấu, lãnh đạo được nhân dân miền Nam trực tiếp tiến hành làm cuộc cách mạng, miền Bắc sẽ là hậu phương vững chắc. Bởi vậy, chủ tịch Đảng Hồ Chí Minh kiên quyết đề cử, bảo lãnh để ông Lê Duẩn làm TBT Đảng ở đại hội 3, bất chấp nhiều người, nhiều đồng chí thân cận (Trong đó có cả ông Võ Nguyên Giáp) – không tán thành, thậm chí còn phản đối. Sau này, khi đất nước thống nhất (1975) đã chứng minh việc chọn lựa này là sáng suốt!
Trường hợp chọn đúng người - thứ 2:
Năm 1986, VN gặp nhiều khó khăn, rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Đại hội Đảng lần thứ 6, đặt ra vấn đề cần phải chọn người lãnh đạo có thể đưa đất nước thoát ra bằng đổi mới đường lối chính trị nhưng vẫn nằm trong quỹ đạo học thuyết Mác - Lê. Ông Nguyễn Văn Linh đã hoạt động lâu năm ở miền Nam, tiếp cận với nền kinh tế thị trường nên có cái nhìn khách quan, học được ở đó nhiều điều, hơn những người lãnh đạo chỉ sống trên miền Bắc – nơi thông tin bị hạn chế, phong toả, khép kín, ảnh hưởng chủ nghĩa Mao khá nặng nề. Do vậy, cuối khóa 5, NVL mới được bầu bổ sung vào BCT và đại hội 6 (1986 – 1991) trúng cử TBT.
Tuy sự nghiệp đổi mới này chưa và không thể hoàn thành trọn vẹn, mĩ mãn, nhưng phải thừa nhận: Thời Nguyễn Văn Linh làm TBT , công cuộc đổi mới đường lối kinh tế - trước hết là kinh tế nông nghiệp - đã được tiến hành ít nhiều có kết qủa . Nhờ vậy đất nước thoát khỏi nạn đói triền miên , hàng năm phải vác ra đi ăn xin bè bạn, từng bước tiến lên thừa ăn, có gạo xuất khẩu và bây giờ VN xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 2 trên thế giới, đời sống của xã hội ít nhiều dần được cải thiện. Đặt NVL vào ghế TBT ĐCSVN khóa 6 cũng là một lựa chọn đúng đắn xuất phát từ công việc - chọn người thực hiện! Thế nhưng đại hội 8, đưa tướng Lê Khả Phiêu làm TBT, và các đại hội khác (…) - chọn TBT đã không chuẩn nên đất nước chững lại, không phát triển theo kịp thời đại, dẫn đến nhiều hệ lụy kéo dài cho tới hôm nay…
Điều đáng tiếc: Bỏ lỡ, không xây dựng được mối quan hệ mất thiết với cả Mỹ, Nga - 2 đối tác có khả năng giúp VN kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc đe dọa đến an ninh lãnh thổ…
Thứ 2: Chọn người có khả năng, có thế mạnh để giao trọng trách TBT!
Trước tình hình có nguy cơ bị xâm lược , người có khả năng vạch ra đường lối để chống lại hành động phiêu lưu này của kẻ thù, trước hết phải là người có kiến thức quân sự, kinh qua chiến đấu và chiến thắng, biết thuyết phục một tập thể lãnh đạo đồng thuận, đặt nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc khỏi họa xâm lược lên hàng đầu.
Đồng thời, phải giáo dục, đào tạo quân đội cùng việc cấp tốc, kịp thời trang bị khí tài cho lực lượng vũ trang. Quân đội Việt Nam – theo đánh gía của dư luận quốc tế - là đội quân mạnh, không một đội quân xâm lược nào có thể thắng quân đội Việt Nam. Thử điểm lại, soi rọi mà xem:
Khi quân đội cách mạng mới chỉ có dăm ba nghìn người, Đảng CSVN đã biết dựa vào dân tộc, phát động toàn dân làm chiến tranh cách mạng và đã từng bước đạt được thắng lợi trước bọn phát xít Nhật, thực dân Pháp!
Khi cách mạng VN sang trang, lực lượng quân đội tuy được bổ xung về quân số, song vũ khí còn thô sơ, chất lượng kĩ thuật kém, số lượng thiếu – QĐVN vẫn đương đầu với đội quân tinh nhuệ, khí tài dư thừa, chất lượng cao - đã vẫn chiến thắng: Pháp thua!
Khi người Mĩ nhẩy vào miền Nam, cũng đội quân này với tình trạng trang bị khí tài - kĩ thuật so với đội quân Hoa Kì kém cả về chất lẫn số lượng – nhưng VN vẫn buộc người Mĩ phải rút - tháo chạy...
Và gần đây nhất: Trong trận chiến trên biên giới phía Bắc với TQ, mặc dù bất ngờ bị quân đội TQ ào ạt tấn công’’dậy cho bài học’’. Nhưng sự chống trả không cân sức của quân địa phương, dân quân du kích, đã gây cho địch thủ thiệt hại khá nặng. Nhân dân TQ ở ba tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam vẫn chưa hêt kinh hoàng khi con em mình bị xua sang xâm lược 6 tỉnh biên giới phía bắc của VN lại phải ’’ôm đầu mắu’’ rút về…
Gần đây, VN cử nhiều học sinh sinh viên sang du học ở Nam Ninh, Quế Lâm. Họ có dịp tiếp xúc với bạn bè đồng môn, tìm và hiểu, biết được nhiều thông tin… về, kể lại: Hầu như các gia đình dân ở địa phương nằm giáp biên giới với VN đều có thân nhân hi sinh trong trận chiến tranh biên giới 1979…Q – sinh viên khoa Hán văn trường đại học sư phãm Nam Ninh kể: Một lần bạn cùng lớp mời về nhà ở một làng quê gần biên giới Việt Trung - chơi. Cha của anh ta là quân nhân đã từng tham chiến ở biên giới. Khi rượu đã ngấm, ông nới với Q - Chúng tôi thực sự kinh hoàng mỗi khi nghe tiếng nổ 3 phát một (lính ta gọi là bắn’’tắc cú’’) của khẩu AK do đối thủ điều khiển (3)...
Quả thực, Quân đội VN trong quá khứ đúng là thực hiện được danh hiệu truyền thống vinh quang, (đến độ có lúc trở nên tự mãn, chủ quan, kiêu căng (4). Điều cốt yếu: Thực chất quân đội VN là đội quân thiện chiến, dũng cảm, tinh nhuệ vì đằng sau họ còn có cả một dân tộc anh hùng, thông minh, có truyèn thống chống giặc ngoại xâm - làm chỗ dựa, tiếp sức.
Bây giờ - khi nguy cơ bị xâm lược đang tiềm ẩn, lớn dần, nếu vị tổng tư lệnh tối cao được kiêm nhiệm luôn cả chức TBT – nghĩa là được toàn quyền quyết định theo quan điểm của vị Tướng – người Lính, sẽ như được tiếp thêm sức mạnh, như ’’Hổ mọc thêm cánh’’. Tất nhiên: Nếu vị tướng vẫn giữ được khí phách anh hùng mà thời vàng son trong qúa khứ đã thu lượm được!
Nhìn vào bản trích ngang - Phùng Quang Thanh đã trải qua, hiểu rõ mọi ’’cung bậc’’ của chiến tranh . Ông không thuộc loại tướng thuần túy chỉ biết đánh đấm, lại càng không phải loại ’’Võ biền’’ , ’’liều’’ để làm lên vinh quang. Phùng Quang Thanh đã qua nhiều trường lớp từ trong nước đến quốc tế tin rằng học được nhiều trong đường lối chỉ đạo chiến tranh thời hiện đại.
Điều quan trọng hơn: Thời nay, lực lượng vũ trang phải có trong tay trang bị khí tài với kĩ thuật quân sự hiện đại. Được vậy, chắc chắn họ sẽ làm được hơn những người lãnh đạo không xuất thân từ người lính.
Tổ quốc Việt Nam đang ngóng trông những người con anh hùng trong cuộc chiến ’’Chống Mĩ Xâm lược’’ năm xưa. Bây giờ – hôm nay : Nếu kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam - điên rồ, liều lĩnh xâm lược nước ta lần nữa - Những chiến binh – ’’hậu bối’’ thời nay - sẽ noi gương cha anh, những ’’tiền bối’’ anh hùng trong qúa khứ - cũng nhau sẽ trở thành Anh hùng ’’Chống ngoại xâm’’ - thời hiện đại!
Tin rằng: Đại tướng - Tổng tư lệnh Phùng Quang Thanh sẽ dẫn dắt, lãnh đạo quân dân tiếp tục thực hiện khẩu hiệu truyền thống, vinh quang của đội quân ’’từ nhân dân mà ra - vì nhân dân phục vụ’’, lúc nào cũng vang vọng trong lòng bài ca bất tử:
’’Vì nhân dân quên mình
Vì nhân dân hi sinh
Anh em ơi!
Vì nhân dân quên mình!’’ (5)
Vì mỗi người Lính - vị Tướng của quân đội nhân dân Việt Nam luôn tâm niệm trong lòng:
- Trung với Nước (6), Hiếu với Dân
- Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành!
- Khó khăn nào cũng vượt qua!
- Kẻ thù nào cũng đánh thắng! (7)
© Đàn Chim Việt Online 2009
----------------------------------------
(1) - Lời anh hùng Nguyễn Viết Xuân trong trận chiến với không lực hoa kì thời chiến tranh’’Chống Mĩ cứu nước’’!.
(2) – Tác phẩm do TBT Đảng CSVN Trường Chinh viết trong thời gian chiến tranh chống Pháp, có tựa đề: ’’Trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi’’...
(3) Theo chiến sĩ ta : Sùng trường AK của Liên xô là loại súng rất tiện dụng, đường đạn đi rất căng. Nó có thể bắn phát một hoặc bắn liên thanh từng tràng. Bắn tắc cú rất khó, phải rèn luyện lâu, thiện nghệ mới điều khia cho súng nổ vài ba phát một khiến địch thủ không biết đâu mà phán đoán…
(4) - Lời khẳng định này trong diễn văn do TBT ĐCSVNđọc nhân ngày lễ 30 tháng 4 năm 1975, truyền trên làn sóng điện cho quân dân cả nước nghe:''Đất nước ta từ nay sạch bóng quân xâm lược''
(5) – Ca khúc truyền thống của QĐND Việt Nam: Vì Nhân Dân Quên Mình - Nhạc và lời Dzoãn Quang Khải.
(6) - Khẩu hiệu này ra đời từ những năm 60 của thế kỉ 20, nguyên văn : Trung với Đảng, hiếu với Dân. Sau năm 1975, chữ ĐẢNG được thay bằng NƯỚC.
(7) – Tiêu đề, phát thanh viên đọc trước lúc phát bản tin của buổi phát thanh Quân đội nhân dân.
Ai sẽ là TBT Đảng CSVN đời thứ 14 (2): Cái lưỡi của Tô quân…
Ai sẽ là Tổng Bí Thư - Đảng CSVN Khóa 11?
No comments:
Post a Comment