Friday, October 9, 2009

VỤ BÁT NHÃ từ góc nhìn NHÂN ĐẠO và PHÁP LUẬT


Vụ Bát Nhã từ góc nhìn Nhân đạo và Pháp luật
Hà Sĩ Phu
Bài này được đăng lúc 00:10 ngày Thứ Sáu, 09/10/2009
http://bauxitevietnam.info/c/12643.html
Vụ 400 tu sĩ và tu sinh Phật giáo tu học tại Tu viện Bát Nhã bị hàng trăm kẻ lạ mặt dùng hung khí tấn công, đả thương, sỉ nhục, văng những vật bẩn thỉu vào người, phá phách tu viện, bị đẩy từ trong nhà ra ngoài đường giữa trời mưa bão… đã gây chấn động lương tâm. Tình hình khẩn cấp của số phận hàng trăm con người như vậy, đòi hỏi người có lương tri hãy tạm gạt ra một bên những uẩn khúc (có thể có) về quan hệ trong nội bộ tôn giáo hay quan hệ tôn giáo với nhà nước.

Tôi xin gạt ra một bên những lý do tôn giáo và chính trị! Trước mắt, tôi chỉ đề cập đến vụ xô xát này dưới cái nhìn NHÂN ĐẠO và PHÁP LUẬT. Nếu Nhà nước không chủ động có giải pháp thi đây sẽ thành tiền lệ rất xấu, gây tác hại lâu dài cho xã hội và cho chính Nhà nước.

Không thể nói đây là sự tranh chấp nội bộ tôn giáo, chính quyền không can thiệp, vì những lý do sau đây:
- 400 tu sĩ có mặt ở tu viện này đã “được Nhà nước chấp nhận cho tu học tại Tu viện Bát Nhã, xã Dambri, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng từ năm 2006”, nay có điều bất thường xảy ra với họ, Nhà nước đương nhiên phải có trách nhiệm, sao có thể ngoảnh mặt làm ngơ?

- Thực tế, chính quyền đã có mặt trong vụ này rồi, không thể chối cãi. Vì nhiều công an đã đến tận nơi chứng kiến cuộc xô xát, đã điều xe cộ và cưỡng bức người bị hại lên xe (thay vì cưỡng bức kẻ hành hung). Vân vân…

- Ở địa phương, chỉ cần có một cuộc xô xát giữa 2 người trong gia đình hay trong hàng xóm là công an đã tới can thiệp, có khi dùng cả cảnh sát cơ động 113.

- Ngay những mâu thuẫn gia đình, cá nhân, làng xóm… chính quyền cũng còn có những Ban hòa giải để cố gắng thu xếp cho ổn thỏa.

- Khi các thanh niên chỉ mang quốc kỳ và biểu ngữ bảo vệ Hoàng Sa – Trường Sa của Tố quốc, xếp hàng lặng lẽ còn bị coi là “gây mất trật tự an ninh” kia mà?

Vụ xô xát này lớn hơn rất nhiều. Nhà nước không thể bỏ lệ thường, mà chuyển sang thái độ quan sát hay “quan sát khéo”, bỏ mặc “trật tự an ninh” là điều vẫn đề cao được. Như thế là nhà nước tự mâu thuẫn.
Những vụ việc tuy chưa phải việc lớn, nhưng cả xã hội đã biết, nếu đúng trách nhiệm của PHÁP LUẬT mà pháp luật làm ngơ, hoặc làm ngược, thì tạo tiền đề cho sự khinh nhờn pháp luật là điều rất nguy hiểm.
Việc hàng trăm con người lương thiện bị hành hung, bị đẩy vào tình trạng lang thang bất trắc (trong đó có rất nhiều phụ nữ và học sinh) mà ta bỏ lơ, không khẩn trương cứu giúp, hoặc thu xếp nhưng lại buộc người ta phải bỏ đức tin của người ta… thì những cuộc thăm hỏi một người già, một nạn nhân bị bão lụt, bị điện giật… mà ta vẫn đưa lên truyền hình, sẽ mất đi ý nghĩa thành thực của nó. Đấy là tiền đề của một xã hội vô cảm, chỉ nói tốt đẹp ngoài miệng.

Tôi mong rằng, trước mắt ta hãy có giải pháp cứu nạn cấp thiết như thế, trên tinh thần NHÂN ĐẠO và PHÁP LUẬT.
Trong trường hợp xấu, buộc họ phải rời chỗ ở thì rất có thể các nhà chùa, với truyền thống từ bi là nơi trú chân tạm thời thích hợp cho người cơ nhỡ, và xin chính quyền tạm giữ an ninh cho họ khỏi bị làm hại. Còn việc giải quyết những uẩn khúc bên trong (nếu có) thì đấy là việc tiếp theo của một “Ban Hòa giải”, trong đó sẽ có tiếng nói thích đáng của Nhà nước và những tiếng nói, những nguyện vọng của mỗi bên liên quan, như lẽ thường thôi mà!
HSP
6-10-2009
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

---------------------------------------

TIẾNG NÓI NHÂN CHỨNG :
Thỉnh nguyện thư
Những bạo hành ở tu viện Bát Nhã : Xin giải thích giùm tôi (bauxite Vietnam)

TIẾNG NÓI NHÀ CẦM QUYỀN CỘNG SẢN :
Bác bỏ thông tin sai sự thật về sự việc ở tu viện Bát Nhã (ĐCSVN)
Không có việc ‘ép’ 400 người rời tu viện Bát Nhã (VNN)
Bát Nhã ‘tạo ra tiền lệ nguy hiểm’ (BBC)
Không ép các tăng ni rời tu viện Bát Nhã (tuoi tre)



No comments: