Monday, October 12, 2009

VIẾT CHO AI ?


Viết cho ai?
Nguyễn Việt
12/10/2009 2:57 chiều
http://www.talawas.org/?p=11457

Bài “
Đổi mới Đảng để tránh nguy cơ sụp đổ” của Tống Văn Công đã tạo ra một dư luận khá tích cực về công cuộc dân chủ hóa ở Việt Nam, trên cả các diễn đàn không chính thống lẫn các diễn đàn chính thống. Chỉ riêng việc mấy tờ báo lớn ở Việt Nam phải ra tay ngay hôm sau bằng mấy bài phản pháo yếu ớt cũng đủ thấy đuợc sức mạnh của bài viết. Vậy mà khi tranh luận với tôi, một cô bạn ở Bắc Âu vẫn cho rằng tác giả Tống Văn Công có nhiều mặt hạn chế. Lẽ tất nhiên tôi không bẻ nổi các lý do cô đưa ra, nhưng chỉ dám đánh một câu: Bác Công đâu có gửi thông điệp đó cho cô, mà gửi cho Trung ương Đảng cùng 3 triệu đảng viên cơ mà! Đó là cách viết của một đảng viên, mà chưa nói đến góc nhìn của bác Công, mấy đời gắn bó với cách mạng Việt Nam.

Trong những ngày này, khi chính quyền đang ra tay đàn áp những nguời bất đồng chính kiến thì chính báo chí nhà nước lại công khai đặt vấn đề về vai trò lãnh đạo của Đảng, một đề tài được coi là cấm kỵ tuyệt đối tại Việt Nam. Loạt bài
Bỏ cách làm Đảng quyết, Quốc hội thông qua“, “Muốn hết “nghị gật”, Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo“, “Đảng phải dân chủ hơn“, “Đảng không làm thay“, “Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo với Mặt trận”, đăng trên VNN, tờ báo online lớn nhất ở Việt Nam, là một ví dụ tốt cho lương tâm của báo giới Việt Nam. Nếu đọc nguyên văn các bài này, thế nào cũng có vị chê là “sặc mùi cộng sản” vì tất cả các bài viết trên đều dựa trên nguyên tắc “Đảng lãnh đạo”.
Nhưng người viết đâu có viết riêng cho các vị ở hải ngoại đọc. Họ nhắm vào 83 triệu nguời sống trong cái thực tế đó, đã bị cái nguyên tắc đó ngấm vào máu thịt để mà nói rằng: OK! Ông cứ lãnh đạo đi, nhưng xin ông chớ có lãnh đạo toàn diện. Bên cạnh ông còn có quốc hội và nhân dân, trên ông còn có tổ quốc!

Hôm qua đọc
bài về Giải thưởng Nobel văn học 2009 của Lê Diễn Đức, tôi cảm ơn bác Đức đã công phu tổng hợp về cuộc đời bà Hertha Müller mà xưa nay tôi không hề biết đến. Nhưng giá như bác Đức không nêu đoạn kết thì bài viết sẽ có giá trị hơn. Việc báo chí ở Việt Nam bị bịt miệng, bị kiểm duyệt thì đứa trẻ nào học xong hết cấp hai ở ta cũng biết. Nhưng mà nhiều nguời không nhìn thấy cái cố gắng “thoát gông cùm” của của báo giới Việt Nam hiện đại. Mà muốn thoát khỏi cái hàng rào dây thép gai dày đặc đó mà không bị mất mạng thì phải biết cách, không phải cứ điên đầu mà lao vào. Bên cạnh các báo phải chấp nhận đưa tin kiểu “nửa cái bánh mỳ” vì họ biết không thể đút cả cái bánh mỳ qua hàng rào đuợc, thì cũng có lúc, có người sẽ tìm cách dúi nốt cái nửa kia qua. Vì tin như vậy nên Bài viết trên VNN về Hertha Müller không hề làm tôi ngạc nhiên. Những câu tưởng như đơn giản với nguời đọc:
“Học xong Đức ngữ và văn học Romania, bà làm phiên dịch tại một nhà máy nhưng sớm bị sa thải vì không chịu hợp tác với Securitate, tổ chức mật vụ của Romania.”
Bà chia tay với người chồng đã cùng bà chạy khỏi Romania, chịu sự công kích của các đồng nghiệp cũ bị bà vạch mặt đã làm việc cho Securitate, rời Trung tâm Văn bút danh tiếng và bỏ lại sau lưng cả cộng đồng gốc Đức hôm nay chỉ còn 15.000 người ở Romania.“
“Đề tài tha hương không buông bà ra: Der Fuchs war damals schon der Jäger là bức tranh của cuộc sống ngột ngạt ở Banat được bà làm tái hiện khi đã ở Đức. Herztier tuy là tiểu thuyết chính trị nhưng đẫm chất thơ và ý chí vươn đến cuộc sống tươi sáng hơn.”
Nhưng ở Việt Nam lại có thể trở thành bản án tử hình cho nhiều nhà báo. Chính sau bài “Bức Tường Berlin” mà Huy Đức đã bị mất việc. Tuy vậy, việc gì cần, phải
nói“ ra thì khắc sẽ có kẻ nói đến mà không cần phải đuợc dạy khôn.

Trong khi ở hải ngoại, cuộc tranh luận về đề tài “
Trường hợp hai nghệ sĩ Brian Đoàn và Nguyễn Trần Ưu Đàm đang rộ lên và xem ra phần thắng có vẻ nghiêng về phía “Pro Cờ vàng” thì ở trong nước báo chí lại có vẻ muốn xé rào để xóa bớt đi cái ranh giới Quốc – Cộng này. Nhân vụ Hoàng Sa, Trường Sa, nhiều báo chí đã bắt đầu đề cập đến vai trò của chính quyền Sài Gòn trong việc bảo vệ lãnh thổ và sự hy sinh của anh em binh sĩ VNCH năm 1974. Một ví dụ là bài viết về hồi ức của cựu nhân viên “ngụy quyền” Nguyễn Văn Đức đăng trên TTO. Được hai số thì bị thổi còi, TTO phải xin lỗi và dừng lại, nhưng truớc sức ép của dư luận, cuối cùng TTO cũng phải cắt xén chút ít để đăng nốt câu chuyện. Báo Vitinfo.vn cũng đăng câu chuyện này và còn để nguyên văn lời bình của một độc giả: “Xin cám ơn Vitinfo đã đăng bài này lên chỉ xin cố gắng sau này khi có điều kiện chúng ta hãy vận động làm một buổi lễ tưởng niệm để vinh danh những người con Việt đã bỏ mình vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Tổ Quốc không bao giờ quên các Anh, các Anh xứng đáng được như vậy chỉ có điều còn chờ quyết định từ phía Nhà Nước.”
Còn có thái độ nào rõ ràng hơn? Như vậy xét ra về mặt hiệu quả, nhiều nhà văn, nhà báo, blogger, nhiều đảng viên cộng sản trong nuớc hiện đang đóng góp phần nặng cân hơn trong công cuộc dân chủ hóa báo chí. Do vậy sự bức xúc của tôi đối với nền báo chí vô sản ở Việt Nam phần nào đuợc xoa dịu bởi lương tâm của các đồng nghiệp trong nước. Trong khi đó sự bức xúc của tôi với báo chí hải ngoại lại có phần tăng lên.

Khi đọc các tranh luận về Brian Đoàn, về Viet Weekly trên mạng, tôi sực nhớ đến sự nhầm lẫn của một độc giả X-cafe giữa cách viết tắt CCCĐ (chống cộng cực đoan) và CCRĐ (cải cách ruộng đất). Tôi không dám buồn cười vì sự so sánh này, vì có lần tôi nói: Giữa một ông CCCĐ và ông cộng sản cuồng tín, chắc chắn phải có một ông đứng nhầm chỗ! Tôi đã lãnh đủ sự tức giận của mấy nguời nghe. Cái vũ khí của mấy vị này luôn là: dùng chính sự độc ác, đểu giả của bên kia để biện minh cho hành động của họ. Cái vũ khí thô thiển đó tưởng như sẽ không có chỗ đứng trong các xã hội văn minh dân chủ, nhưng đáng buồn thay là nhiều khi cái vũ khí đó đã giúp họ thắng thế trong cuộc sống tinh thần ở hải ngoại.

Sống mãi trong cái không khí đó, nhiều người viết dần cũng bị sức ép làm cho họ mất đi cái nhìn thực tế về một xã hội Việt Nam đang bị trói buộc trong cái bẫy cay nghiệt của lịch sử cũng như những khả năng thoát ra của nó. Họ quên mất rằng, kể cả nguời thua, kẻ thắng đều phải chịu trách nhiệm về kết cục của ván cờ. Nhà thơ Bùi Chát ở Sài Gòn có nói với tôi: “Thật là ngạc nhiên khi thấy không một chính khách, một tướng lãnh, một trí thức nào của chế độ cũ, đại diện cho giai cấp tư sản Việt Nam đứng ra nhận trách nhiệm của họ trước dân tộc, mặc dù đã 34 năm trôi qua!”
Cách tốt nhất để họ phủ nhận trách nhiệm là đổ tội cho Mỹ, cho Nga, cho Tầu đã đánh cờ trên lưng dân tộc ta. Điều này làm tôi nhớ đến câu “Mất mùa thì tại thiên tai, đuợc mùa thì bởi thiên tài Đảng ta”. Giống y chang! Giá như đám này thắng cuộc chiến, thì chắc là nhà báo Đoan Trang cũng sẽ bị bỏ tù vì cố tìm cách xem xét lại lịch sử.
Phải chăng giai cấp tư sản nào thì đẻ ra giai cấp vô sản đó, hay ngược lại?

Một khi đã luẩn quẩn trong cái vòng mắc tóc đó, họ không còn khả năng nhìn nhận thực tế. Cách duy nhất để thỏa mãn nguyện vọng của họ là đập tan chế độ độc tài của Đảng CSVN, nếu đuợc, bằng các ý kiến trên các blog bị tường lửa! Bình luận cho bài của talawas blog về các ý kiến thận trọng trên VNN
“Đảng phải dân chủ hơn?“, là các câu đại loại như:
“Dân chủ là tử thù của độc tài, là mồ chôn chủ nghĩa cộng sản. Đừng có xúi dại Đảng đi ngược lề như thế. ‘Đảng không làm thay‘, bởi vì đảng là chủ tể đất nước, là lãnh chúa tóm thâu tất cả mọi thứ, không chừa một thứ gì.“….
“Một hành động dân chủ đúng đắn đúng nghĩa nhất là đảng cộng sản phải từ bỏ vị trí độc quyền cai trị Việt Nam, nếu không làm được việc này, các đảng viên Đảng Cộng sản không nên & không thể & không có tư cách gì để bàn gì về dân chủ nữa.”
Đúng là nói cho bõ tức, không hề là câu trả lời cho các vấn đề mà tác giả trên VNN đặt ra. Nghe thì có vẻ có lý, nhưng mà lạc đề, không tưởng.

Thậm chí đã có không ít ý kiến cho rằng, các bài viết kiểu này trên báo chí Việt Nam là do được giật dây, để xả van quả bóng v.v. Những ai cho là Đảng giật dây để VNN bàn về hiến pháp, đòi hỏi cải cách thể chế hoặc đổ cho A25 đứng đằng sau Huy Đức thì rõ ràng là họ đã công nhận những động lực canh tân xuất thân từ trong Đảng, vậy thì còn lý do gì để đòi xóa bỏ nó?

Những ai tiếp xúc với dân chúng, trí thức Việt Nam đều thấy rằng, chính những nhà báo bị “giật dây” này đến với họ dễ hơn và vì vậy chắc chắn đóng vai trò quan trọng hơn trong quá trình nâng cao dân trí, cải cách xã hội. Công cuộc đấu tranh cho một nuớc Việt Nam dân chủ sẽ do nhân dân trong nước quyết định. Do vậy đây là khối độc giả, khán giả quan trọng nhất.

Lẽ tất nhiên, do sự kiểm duyệt ngặt nghèo của thể chế nên khả năng tung hoành của báo giới Việt Nam vô cùng hạn chế, đặc biệt là trong lĩnh vực thông tin. Có rất nhiều thông tin bị bưng bít một cách quyết liệt, ví dụ như các vụ Tam Tòa, Bát Nhã, các vụ xử án tù chính trị v.v... Do đó báo chí “Ngoài luồng” vẫn đóng vai trò quan trọng hơn trong việc cung cấp thông tin cho xã hôi. Những nghị định, quyết định của nhà nuớc nhằm kiểm soát bằng đuợc báo mạng, chẳng qua chỉ là sự công nhận vai trò chính trị không thể bỏ qua đuợc của lực lượng này. Cho đến này nhà nước hoàn toàn không thể kiềm chế được lực lượng này, tuy đã phải dùng đến nhà tù. Ngược lại, những biện pháp gần đây trong việc đóng cổng Thương mại điện tử Việt-Trung, xử lý ông Đào Duy Quát, trả lời đơn kiện của Luật sư Cù Huy Hà Vũ, ngầm sửa bài trên trang web TTXVN v.v..., là những phản ứng không chỉ chữa thẹn, mà còn tích cực ở chỗ ngầm công nhận sức mạnh của “Báo chí nhân dân”.

Tuy nhiên các “Thông tin nhân dân” đó chỉ đến được với quảng đại quần chúng khi được nguời dân tin và cảm thấy đây là diễn đàn dành cho họ. Những tin đăng từ những nơi mà nguời dân cảm thấy nó có mùi CCRĐ thì khó mà được coi là có thật. Nguời ta sẽ cho rằng: một hãng thông tấn chuyên có các bình luận sai thực tế, cảm tính thì chẳng bao giờ có thể đưa tin đúng.

Tôi không hề muốn chụp mũ cho các tác giả được trích trên đây là phần tử CCCĐ, nguợc lại tôi chỉ mong các vị tạo cho bà con độc giả trong nuớc cái cảm giác là các vị đang đối thoại với họ, chứ không phải (cãi vã) với nhau.


© 2009 Nguyễn Việt
© 2009 talawas blog



No comments: