Friday, October 23, 2009

VIỆN IDS : SỐNG KHÔNG ĐƯỢC, CHẾT CHẲNG YÊN


Vụ IDS (Viện Nghiên cứu Phát triển): Sống không được, chết chẳng yên!
Alfonso Hoàng Gia Bảo
VietCatholic News (22 Oct 2009 08:33)
http://vietcatholic.net/News/Html/72321.htm
Việc IDS (Viện Nghiên cứu Phát triển) phải ‘tự giải thể’ hôm 14/9/09, chỉ vài giờ trước khi quyết định
97/2009/QĐ-TTg có hiệu lực nhưng cũng chính tổ chức này chưa đầy hai năm trước đã được nhà nước cấp phép hoạt động, một sự thay đổi chính sách quá nhanh chóng trong quãng thời gian ngắn đã cho chúng ta thấy hết sự bất cập của nền hành chính Việt Nam.

Những con chữ biết ‘nhảy múa’!

Tuy nhiên điều đáng nói là sự bất cập này lại đưọc che giấu đằng sau những con chữ ‘lắt léo’ (chính xác hơn có lẽ phải gọi là ‘láu cá’) trong quyết định 97, rằng nhà nước không hề buộc IDS phải đóng cửa, mà chỉ ‘nhẹ nhàng’ yêu cầu “…Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ" (trích Điều 2.2: Trách nhiệm của cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ) nhưng trên thực tế thì ai cũng biết, chẳng có ‘cá nhân’ lẫn ‘tư nhân’ nào về lâu về dài có thể chịu nổi cảnh công sức mình bỏ ra để làm nên sản phẩm lại bị kẻ khác ‘phỗng tay trên’? (‘gửi ý kiến’ thôi à nghen không phải cung cấp, bán buôn hay trao đổi gì đâu đấy! họ ‘tử tế’ chưa?).
Và như thế ý định ‘tối hậu’ của nhà nước khi ban hành QĐ97 tưởng đã quá rõ. Vì không muốn thấy bất kỳ một viện nghiên cứu kinh tế chính trị tư nhân nào xuất hiện trên lãnh thổ VN (ngoại trừ những viện nghiên cứu HCM, Mác-Lê Nin) nhưng lại sợ mang tiếng cấm đoán, mất dân chủ nên chơi trò đểu ‘mượn gió bẻ măng’ bằng cách chận đầu ra không cho sản phẩm mang nhãn hiệu ‘IDS think-tank’ được bày bán trên thị trường. Quản lý chặt cái hầu bao kiểu này làm sao IDS sống? mà nhắm không sống nổi thì đành phải “tự chết” thôi!
Dân VN mình toàn là những người thông minh cả, vì hễ cứ đụng đến chuyện gì có ‘hơi hướm’ chính trị là y như rằng, nhà nước lẫn nhân dân chẳng ai buồn nói thẳng, nói thật với nhau điều gì nhưng mọi người vẫn hiểu thấu suốt ‘ruột gan’ nhau, thế mới tài!
Giữa kẻ ban hành quyết định 97 và người đấu tranh chống lại nó có thể nói là cả một sự đấu trí ghê gớm giữa ‘ông’ nhà nước và 16 bộ não của IDS, và có vẻ như IDS đã thắng ít nhất cũng là 1-0 bằng pha ‘tự kết liễu đời mình’ sau khi không khó lắm để ‘giải mã’ cái ý đồ đen tối của nhà nước nằm sau những câu chữ lắt léo ‘nhảy múa’ nêu trên.
Khi trả lời phỏng vấn BBC hôm 15/9, Ts.Nguyễn Quang A có nói đến
“đây là một quyết định rất khó khăn” chắc hẳn ông muốn ám chỉ về sự ‘đấu trí’ này? rằng IDS biết ‘tỏng’ nhà nước muốn gì nhưng vì chuyện này ‘nhạy cảm’ quá chẳng thể nói ra được, đằng nào cũng ‘chết’ thôi thì cho thiên hạ biết mình chết oan bằng cách tự mình “treo cổ” vậy!
Có vẻ như việc IDS ‘bắt bài’ nhà nước cộng thêm những phát biểu xung quanh việc ‘tự vẫn’ này đã làm ông thủ tướng ‘bị quê’, nên mới vừa có thêm chuyện
chỉ đạo phải “xử lý thích hợp, đúng quy định”… tuy nhiên, một lần nữa sự thông minh của dân VN giúp mọi người hiểu ra những câu chữ ấy ‘múa vậy mà không đẹp vậy’, vì trước nay chẳng ai thấy người nào ngoan ngoãn chấp hành yêu cầu của nhà nước mà bị xử lý bao giờ, IDS là trường hợp đầu tiền và độc nhất vô nhị? Chẳng qua là muốn “xử lý” cái tội dám ‘bêu rếu’ nhà nước qua hành động “tự giải thể” này mà thôi.
Cũng từ chuyện hiểu rõ ‘ruột gan’ nhau như vậy, những người lên tiếng chỉ trích quyết định giải thể của Ts.Nguyễn Quang A khi cho đó là “vội vã” xem ra cũng rất có lý, vì tại sao IDS không chịu tiếp tục trò đấu trí bằng đòn ‘nắn gân’ ngược lại nhà nước: “các anh muốn độc quyền thâu tóm các công trình nghiên cứu phản biện ư? Ok! Chúng tôi chấp nhận cuộc chơi nhưng xin nhớ cho rằng nền kinh tế VN bây giờ chẳng còn ai bao cho ai nữa, chúng tôi phải tự túc từ A – Z không lệ thuộc ngân sách, vậy xin quí vị nhớ bỏ tiền ra để được làm đại lý độc quyền và giá cả, tất nhiên do IDS quyết định vì chúng tôi là chủ làm ra những sản phẩm trí tuệ này”.
Tại sao không nhỉ? Khi ấy chẳng nhẽ nhà nước lại dám nói thẳng đòi ‘xài chùa’ thì coi sao được trong khi không ‘nuôi’ IDS ngày nào? một khi họ không thể núp dưới mỹ từ “gởi ý kiến” nữa, tức điều 2.2 tự nó phơi bày tất cả những mặt trái vô lý của nó ra.
Sự thiếu cao thượng của nhà nước trong cách ‘triệt hạ’ IDS có thể thấy qua việc lên án những phát biểu của Ts.Nguyễn Quang A (vì là người phát biểu nhiều nhất) “thiếu tinh thần xây dựng” nhưng thực tế là bất cứ ai nghe, xem qua những phát biểu ấy (link ở đây
1, 2, 3 trên BBC, ngoài ra còn có trên cả các trang RFA, Bauxitevietnam.info v.v…) đều cảm thấy toàn những lời nói hết sức nhã nhặn. Sự thật này buộc mọi người phải nghĩ gì về QĐ-97? Phải chăng chỉ với một mục đích duy nhất là loại cho bằng được IDS một cách ‘hợp pháp’ ra khỏi ‘sân chơi’ phản biện, vì sự nổi tiếng của nó đang khiến những học viện, viện nghiên cứu công khác do nhà nước quản lý ngày càng trở nên lu mờ bởi họ đang đi vào ngõ cụt với những ‘công trình nghiên cứu’ vô bổ về quá độ tiến lên CNXH, về ‘KTTT theo định hướng XHCN’? Nếu không phải vì thế thì sao khi viện này đã ‘biết điều’ tự giải thể rồi mà vẫn còn bị người ta làm khó dễ?
Mấy chữ “thích hợp, đúng quy định” đi kèm cái chỉ đạo “xử lý” cho ta thấy bản thân ông thủ tướng hiểu hơn ai hết tình trạng xử lý không thích hợp và sai qui định là phổ biến. Lẽ ra với những kinh nghiệm sửa sai – tái phạm – sửa tiếp, sửa hoài… mà VN đã phạm phải không biết bao lần mấy chục năm qua, ông thủ tướng phải can đảm dựa vào chúng để xem xét lại quyết định 97 xem, liệu nó có điều gì “bất hợp lý” không? thay vì cứ tiếp tục cho thi hành trong tâm trạng hoài nghi, vừa xử lý IDS mà vừa lo nên phải nhắc nhở thích hợp với đúng qui định.

“Ôn cổ tri tân”


Dẫu sao thì IDS cũng đã ‘chết’ và ít nhiều gì cái chết này cũng đã làm liên lụy đến công ăn việc làm của của 16 vị trí thức ISD, sự ‘lận đận’ của họ (xin phép gọi vậy) khiến gợi nhớ lại một câu chuyện khá lâm li bi đát của một kẻ sĩ sa cơ lỡ vận…
Chuyện rằng tại một nước nọ có một cậu học trò thông minh xuất chúng, sau khi thi đậu Trạng Nguyên được vào triều làm quan. Nhưng chắc số cậu “đầu thai nhầm thế kỷ” nên đã ‘đầu quân’ nhầm vào một triều đình mà ở đó số người tài đức đếm chưa hết mấy đầu ngón tay, trong lúc lũ quan tham bất tài lại đông như kiến cỏ. Bởi vậy, dù rất có năng lực làm việc nhưng ông chỉ được giao cho những chức vụ ‘quèn’ để chẳng bao giờ có cơ hội thăng tiến.
Có ở trong chăn lâu ngày mới biết chăn lắm rận! Vì biết rõ tư chất mình khó có thể hòa hợp cùng kiểu tiến thân ‘lưng đi không được phép thẳng, mắt chẳng được nhìn ngay’, tháng tháng nhận bổng lộc tiếng là của ‘vua ban’ nhưng thực chất đấy lại là tiền mồ hôi nước mắt đóng thuế của dân, nên ông đã xin rũ áo từ quan về quê sinh sống bằng nghề dạy học. Rời kinh đô chẳng bao lâu thì chuyện tiếm quyền đã xảy ra. Triều đình như rắn nhiều đầu nhưng chẳng đầu nào biết khóc. Con nào con nấy chỉ chực chờ tranh giành quyền lực khiến cho đất nước bị rơi vào tình cảnh hỗn loạn, lạc hậu, sản xuất đình đốn thua kém thiên hạ, mất mùa đói kém khắp nơi, khiến vị thầy đồ cũng bị vạ lây do khó khăn nên học trò mỗi lúc một thưa dần... trong cơn túng quẫn ông tình cờ gặp lại một bạn học cũ thủa hàn vi nay anh này giàu ‘nứt khố đổ vách’. Do từ lâu biết tiếng là người có chí học hành, sống trung thực nhưng do chẳng gặp vận may sa mà bạn mình phải cơ thất thế, nên anh ta đã giúp đỡ bằng cách thu xếp cho bạn về làm quản gia cho mình.
Nếu những người bình thường khác gặp nạn mà được ‘quới nhân’ giúp đỡ như vậy cả là một may mắn, vận hạn ắt sẽ chóng qua thì với những kẻ tài hoa, kẻ sĩ ‘lỡ thời’ như vị quan của chúng ta, sự đời thường không mấy khi chịu chiều lòng họ nhanh như vậy. Có những việc xảy đến tưởng rằng gặp may nhưng đâu ai ngờ đấy mới chỉ là khúc prélude êm ả nghe bùi cái lỗ tai để dẫn đưa tới những chương presto, aggressimo gầm thét dữ dội tiếp theo. Vì vậy mà cái giá long đong lận đận họ phải trả bao giờ cũng gấp đôi, gấp ba lần người bình thường, như cụ Nguyễn Du từng bảo “chữ tài liền với chữ tai một vần”.
Đoạn trường của vị cựu quan này khởi đi từ việc ‘may mắn’ gặp lại bạn hiền nhưng cũng từ đây ‘đại họa’ xảy đến cho chính ông khi người bạn chỉ nhận ra mỗi đức tính trung thực nơi mình nhưng lại không biết rằng, giao cho một người tốt giàu lòng trắc ẩn quản lý cả một gia sản lớn giữa lúc dân tình đói kém có khác nào tự ‘giăng bẫy’ hại bạn?
Quả thật, mới sau vài năm làm quản lý gia sản của bạn sa sút thấy rõ. Vì sao chắc khỏi cần nói ra chắc mọi người cũng hiểu. Bởi đây chắc hẳn đúng là mẫu quản gia mà Chúa Jésus từng khen ngợi là khôn ngoan trong Thánh Kinh vì đã biết ‘lấy của thế gian mua lấy nước thiên đàng’ bằng những việc làm đầy xót thương đối với người nghèo khổ trong vùng đang làm công cho nhà bạn mình.
Bạn anh mặc dù không vui vì chuyện ‘thất thu’ nhưng cũng không nỡ xua đuổi bạn nhưng vợ anh ta thì không! Của đau con xót khiến bà phải suy tính và đã nghĩ ra chiêu trục xuất bạn chồng bằng cách sai tên đầy tớ ruột lợi dụng lúc anh này lo công việc ngoài trang trại đem chục lượng vàng lén giấu vào rương của anh ta và sau đó sẽ hô hoán lên mất của. Vì chỉ bằng cách bị bắt quả tang như thế mới có lý do ‘chính đáng’ để bứng người bạn hiền lành của chồng mình ra khỏi nhà. Hơn nữa thời điểm ra lúc khi gia đình đang buồn rầu vì thất thu do việc thương dân nghèo ‘không đúng chỗ’ khiến càng dễ nghi vấn về ‘lòng tham’ với anh hơn.
Tuy nhiên người tính chẳng bằng trời tính mà nguyên nhân là do chủ sao thì tớ vậy. Chủ giỏi mưu mô thì đứa tớ ắt cũng phải lắm mưu mẹo. Khi nhận lệnh thi hành tên đầy tớ liền nhận ra cái ‘lỗ hổng’ to tướng không ai kiểm soát mình từ lúc khi nhận vàng cho đến chỗ gài bẫy, vì làm chuyện hại người nên đâu dám cho ai biết mà chỉ chủ tớ biết với nhau, vì thế “cài bao nhiêu, bao nhiêu bỏ túi chỉ có Trời và ta biết” hắn nghĩ vậy và cũng đã làm như vậy.
Thế là từ ý định chỉ đóng kịch mất của giả thôi nay bỗng dưng bị mất thật và người lãnh đủ mọi tai họa tất nhiên không ai khác ngoài vị quan thất thời kiêm quản gia khốn khổ của chúng ta!
Sau cái ngày xảy ra đại họa oan trái này, vị cựu quan, kiêm thầy đồ kiêm quản gia tốt bụng của chúng ta biết có kẻ rắp tâm hại mình, nhưng trước những ‘chứng cớ’ quá rõ ràng, trong lúc chờ giải quyết ông chỉ còn biết tạ lỗi chịu tội và xin cáo việc để trở về sống tại quê nhà. Tưởng phen này thôi đành chấp nhận sống yên ở quê cho đến cuối đời thì nào ngờ vụ mất vàng thiệt khiến bà chủ ‘cay cú’ nên đã quyết làm đến nơi đến chốn trước công đường….
Thế rồi vào một ngày nọ khi chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là gà sẽ gáy sáng là đến giờ xét xử, mặc dù vô tội nhưng lại không thể chứng minh, muốn bảo toàn danh dự ông chỉ còn cách treo cổ tự vận tại nhà. Phiên tòa đành phải hủy bỏ nhưng ‘tự chết’ chưa phải đã là hết.
Ma chay mới tháng trước thì tháng sau có kẻ xấu bụng biết bà chủ vẫn còn ấm ức vì chuyện ‘tự chết’ của ông quan này nên lại tâu với bà rằng muốn biết ông ta có ‘chôm’ vàng hay không cứ xin quan cho quật mồ hắn lên, nếu đích thị là thủ phạm hẳn thế nào vợ con hắn cũng chôn theo quan tài chút đỉnh cho y xài dưới âm phủ, cứ quật mồ lên là biết liền!
Tất nhiên ‘cây ngay chẳng sợ chết đứng’ kết quả đào bới chẳng được gì thêm nhưng trước những cay cú người ta vẫn cứ thích đòi phải “xử lý” tiếp vụ việc nhân danh công lý và “sự cần thiết, phù hợp với hiến pháp, pháp luật”.

Sàigòn, 22/10/2009
Alfonso Hoàng Gia Bảo


No comments: