Sunday, October 18, 2009
Từ THÁI HÀ đến BÁT NHÃ
Từ Thái Hà đến Bát Nhã
Ls Lê Trần Luật
VietCatholic News (17 Oct 2009 12:43)
http://vietcatholic.net/News/Html/72184.htm
Dân ta có truyền thống tôn trọng những bậc tu hành. Đó là một trong những nền tảng văn hóa và đạo đức của dân tộc. Có rất nhiều vị vua khi lên ngôi, đã cho trùng tu và xây dựng rất nhiều chùa chiền, mà bây giờ đã trở thành di sản văn hóa.
Trong ký ức lờ mờ, tôi nhớ vào những ngày giữa tháng 4 năm 1975, bố mẹ tôi đưa các anh em tôi đến ngôi Chùa gần nhà để trú ẩn, vì sợ "chiến tranh". Đến khoảng giữa năm 1980, khi đất nước đã thống nhất, bỗng dưng phi trường quân sự ở quê tôi phát nổ. Những tiếng nổ long trời lở đất kéo dài từ sáng sớm cho đến chiều tối, hệt như chiến tranh đang xảy ra. Đến giữa trưa, mọi người lũ lượt kéo đến các nhà Chùa và nhà Thờ để trú ẩn. Sau này khi lớn lên, bố mẹ tôi giải thích là phải vào nhà Chùa hoặc nhà Thờ vì đó là nơi linh thiêng, "chiến tranh" không vào được. Vả lại, ai ai cũng tôn trọng những bậc tu hành. Tôi mang bài học và sự trải nghiệm đó khi lớn lên. Gặp các Cha, các Sư thầy tôi đều lễ phép và kính trọng. Rồi có dịp đọc Kinh Thánh và các sách nhà Phật tôi càng tin rằng những bậc tu hành là biểu tượng của đạo đức và niềm tin. Cuộc đời của các vị không có gì ngoài hai chữ Tu Hành.
Hằng năm, sau giao thừa, rất nhiều người đã kéo đến các Chùa, nhà Thờ để thắp hương cầu nguyện cho một năm mới an lành. Nét đẹp văn hóa đó đã in sâu vào lòng từng người dân Việt Nam. Khi nói đến nhà Thờ, nhà Chùa tôi tin rằng mọi người đều công nhận đó là những nơi tôn kính và linh thiêng. Vậy mà, từ nhà thờ Thái Hà đến nhà chùa Bát Nhã là câu chuyện nhiều bi thương, thể hiện sự xuống cấp của một nền đạo đức và sự suy đồi của nền văn hóa dân tộc.
Câu chuyện bắt đầu từ những buổi " cầu nguyện lịch sử " của những người Công giáo ở nhà thờ Thái Hà. Sau sự kiện đó nhiều giáo dân đã bị bắt, bị truy đuổi và đánh đập. Từ đó, các Cha bị xem là "tội đồ”, nhà thờ Thái Hà bị xem là nơi "nguy hiểm" cho Chính quyền. Nhiều "đối sách” đã được đưa ra để "xử lý" nhà Thờ và các Cha. Môt lực lượng "đa thành phần" đã được huy động để bao vây nhà Thờ và các Cha. Đặc biệt trong đoàn quân "Liên hợp quốc" đó có cả đám "xì ke, hút chích" và đám “thanh niên, sinh viên tình nguyện". Họ hô to: giết, giết, bất chấp đó là nơi linh thiêng. Họ nhổ nước bọt và phỉ báng các cha bằng những lời thô tục, bất chấp các Cha là những bậc tu hành. Đám xì ke hút chích đã đành, ở đây có rất nhiều thanh niên sinh viên. Trong số họ chắc có nhiều Đoàn viên, chắc hẳn có nhiều người từng đoạt danh hiệu “cháu ngoan Bác Hồ”. Mà Bác đâu có dạy những điều mất dạy và vô đạo đức đó! Đi đến đâu, từ trường tiểu học, đến trung học, đến đại học đều thấy nêu cao khẩu hiệu: Tiên học lễ, hậu học văn! Không hiểu sao họ lại hành đông mất hết cả lương tâm và đạo đức như vậy.
Đến Bát Nhã, câu chuyện càng kinh hoàng hơn! Lần này không biết có đoàn quân "Liên hợp quốc" không, nhưng thấy có rất nhiều "côn đồ”. Đám này tấn công trực diện vào các nhà sư. Đánh đập và xua đuổi chưa đủ, đám này tung "tuyệt chiêu" bóp vào "chỗ kín" của các sư thầy. Ở đây, không những đạo đức đã không còn, mà tình người và lương tâm cũng bi đánh mất. Sự kiện này đã gây xúc động cho hàng triệu triệu người. Hàng trăm người đã tình nguyện ký vào danh sách phản đối. Dòng chúa cứu thế Việt Nam cũng đã có sự chia sẻ và cầu nguyện cho Bát Nhã. Phải chăng cả hai đều là nạn nhân của một nền đạo đức suy đồi và xuống cấp? Phải chăng những giá tri xã hội chuẩn mực đã bị xóa nát, nhường chỗ cho những "giáo điều" hoang tưởng, lạc hậu và ngu ngốc?
Đạo đức là gốc của con người. Pháp luật có thể vô tình, nhưng đạo đức thì không. Đạo đức chứa đựng cả tâm tư tình cảm của con người, chứa cả "hồn" của dân tộc. Nếu như pháp luật điều chỉnh con người từ bên ngoài, thì đạo đức điều chỉnh từ bên trong. Pháp luật trừng phạt con người bằng sức mạnh Nhà Nước, thì Đạo đức trừng phạt bằng sức mạnh của dư luận. Một hệ thống pháp luật ổn đinh phải dựa trên một nền tảng đạo đức ổn định. Tôi không có điều kiện để làm thống kê về tội phạm một cách chính xác, nhưng qua những bản án có được, tôi nhận thấy những người có Đạo ít có khuynh hướng phạm tội. Đó là điều cần lưu ý để thấy được sự tác động tích cực của tôn giáo trong việc xây dựng nhân tố con người và ổn định xã hội.
Có người hỏi tôi: "Có phải vì muốn đàn áp tôn giáo nên người ta sử dụng nhiều biện pháp vô đạo đức, hay vì nền đạo đức xuống cấp nên người ta mới đàn áp tôn giáo, hay cà hai đều đúng?". Câu trả lời xin nhường lại cho quý độc giả.
Sài Gòn ngày 17/10/2009
Ls Lê Trần Luật
----------------------------
LỆ THƯ
Tăng Ni sinh trường Phật học Lâm Đồng
gửi Lãnh đạo Đảng và Nhà nước
Phổ biến ngày 16.10.09 17:30 (GMT)
http://phusaonline.free.fr/PhatHoc/TinTuc/PNBN_3/30_Lethu.htm
Kính gửi:
- Ông Tổng bí thư TW Đảng Cộng Sản Việt Nam.
- Ông chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
- Ông chủ tịch quốc hội nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam.
- Ông thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.
Kính thưa quý Ông!
Chúng tôi thường nghe:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.
(Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi)
Lại nghe:
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
(Tuyên Ngôn Độc Lập – Hồ Chí Minh)
Nay chúng tôi là những Tăng Ni sinh trường Phật Học Lâm Đồng viết thư này gửi lên cho quý Ông, mong rằng quý Ông lắng nghe tiếng nói bé nhỏ của chúng tôi.
Thiền sư Pháp Thuận có dạy rằng:
Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.
(Vận nước như dây leo quấn,
Trời Nam mở cảnh thái bình.
Vô vi nơi cung điện,
Khắp nơi hết đao binh.)
(Quốc Tộ - Thiền Sư Pháp Thuận)
Nhưng trong 3 tháng vừa qua, tại Tu Viện Bát Nhã – Bảo Lộc – Lâm Đồng đã xảy ra những sự việc rất nghiêm trọng. Vào ngày 29 tháng 06 năm 2009, Ban Trị sự Phật Giáo Lâm Đồng bị tấn công bằng phân uế, đá và gậy gộc. Ngày 27 tháng 09 năm 2009, các Tăng Ni tu học ở đây bị bắt bớ, sách nhiễu, đàn áp và tấn công bằng vũ lực và máu đã chảy, nước mắt đã rơi, tiếng oán than vang dậy cả góc trời … Không biết quý Ông có biết đến hay không? Thiết nghĩ một con thú khi thấy đồng loại của nó bị tấn công cũng sẵn sàng bỏ mạng để bảo vệ huống hồ chi chúng tôi là những người cùng xuất gia, cùng lý tưởng, cùng chung một Đấng Từ Phụ theo dòng họ Thích lẽ nào lại khoanh tay đứng nhìn đồng đạo của mình bị ức hiếp tai ương mang nhiều oan án đến như vậy ?
Theo công văn số 425/CV.HĐTS ngày 02/10/2009, do Hòa Thượng Thích Thiện Pháp đã kí, cũng nêu lên rằng: “…Các sự kiện liên quan đến Tăng ni đang tu tập theo pháp môn Làng Mai tại Tu Viện Bát Nhã là vấn đề mà Trung ương Giáo Hội đang quan tâm và đang tập trung phối hợp cùng Ban Trị Sự, Chính Quyền tỉnh Lâm Đồng thị xã Bảo Lộc để tìm phương án giải quyết tốt nhất, nhằm ổn định tình hình Phật giáo tại địa phương.
Tuy nhiên, vào ngày 27/09/2009 một sự kiện xảy ra tại Tu Viện Bát Nhã và chùa Phước Huệ, thị xã Bảo Lộc đã làm ảnh hưởng đến dư luận và gây nên sự bức xúc trong Tăng ni, Phật tử”.
Và công văn số 418/VT/BTS ngày 06 tháng 10 năm 2009, của Thường Trực Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Lâm Đồng báo cáo về sự việc xảy ra tại Tu Viện Bát Nhã ngày 27 tháng 09 năm 2009 đã nêu: “…tu sinh ngày đêm luôn bị một số công an, mặt trận, tôn giáo các cấp đến động viên đưa họ về quê quán, Thượng tọa trú trì Chùa Phước Huệ Thích Thái Thuận cũng như các đoàn đến thăm chùa đều bị chính quyền công an sở tại làm khó dễ”.
Báo Giác ngộ oline ngày 10/10/2009 có lời dẫn : “… Sự cố đáng tiếc diễn ra tại tu viện Bát Nhã, thị xã Bảo Lộc - tỉnh Lâm Đồng kéo dài từ ngày 27-9-2009 đến nay và đang tạo ra những diễn biến phức tạp tại chùa Phước Huệ trên cùng địa bàn đã gây hoang mang dư luận trong và ngoài Phật giáo, làm sút giảm niềm tin và tác động bất lợi đối với công cuộc xây dựng xã hội và phát triển đạo pháp của GHPGVN. Lộ trình “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” đang bị thử thách nghiêm trọng bởi cách hành xử thiếu văn hóa của chính quyền địa phương, phủ nhận những nỗ lực của xã hội theo hướng thượng tôn luật pháp…”
Cha ông của chúng ta từ xa xưa đã đề ra chính sách an dân lập quốc, nay các Ông là những người lãnh đạo của đất nước cũng không vì một lý do gì mà bỏ lề lối của cha ông, mà trong đó hành việc nhân nghĩa là điều không thể thiếu.
Mục đích cuối cùng của các nhà lãnh đạo là đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Chắc các Ông cũng biết rằng không một chế độ độc ác nào được nhân dân ủng hộ, không một xã hội phi nhân nào không bị sụp đổ, không một chính quyền nào đàn áp các Tôn giáo mà tồn tại được lâu dài. Sự sụp đổ ở đây không phải ở nhân dân mà ở những người lãnh đạo đã không đáp ứng được nhu cầu cần thiết cho nhân dân. Nó đã trở thành một quy luật tất yếu.
Chúng tôi rất mong quí Ông hãy bình tâm, lắng nghe mà suy xét rõ các vấn đề nêu trên để không làm tổn thương đến bất cứ một trái tim nào nữa. Nếu cứ để cho tình trạng máu chảy, lệ rơi vẫn tiếp tục thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng, không thể lường hết được.
Chúng tôi tha thiết xin quý Ông hãy tạo điều kiện thuận lợi cho các Tăng ni hiện đang tạm trú tại chùa Phước Huệ, Bảo Lộc, Lâm Đồng có nơi ở thích hợp để tiếp tục tu học theo tinh thần giới luật của Đức Phật dưới sự bảo bọc của Ban Trị Sự tỉnh Lâm Đồng theo đúng hiến chương của Trung Ương Giáo Hội và pháp luật Nhà Nước Việt Nam đề ra.
Lệ thư này xuất phát từ tình đồng đạo bảo vệ đạo pháp hòa hợp với dân tộc không hề xuất phát từ mục đích tình cảm cá nhân hay mưu đồ chính trị, đảng phái nào khác.
Chúng tôi thiết nghĩ, những người xuất gia tu học hiền thiện mà còn bị đàn áp đến như vậy, không biết ở thế gian còn bao nhiêu người phải chịu bị áp bức như vậy nữa?
Chúng tôi mong rằng “Lệ thư” này sớm được đón nhận sự hồi đáp từ quý Ông.
Đà Lạt, ngày 15 tháng 10 năm 2009
Tăng Ni sinh trường Phật Học Lâm Đồng
Đồng ký tên.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment