Wednesday, October 14, 2009

TƯ DUY CHIẾN TRANH GIỮA THỜI BÌNH


Tư duy chiến tranh giữa thời bình
Chí Linh

Gửi cho BBCVietnamese.com từ Sài Gòn
Cập nhật: 12:30 GMT - thứ ba, 13 tháng 10, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/10/091013_warlike_attitudes.shtml
Chiến tranh đã thật sự kết thúc ở Việt Nam hay chưa? Câu trả lời còn tùy thuộc vào định nghĩa của từ “chiến tranh”.
Nếu chiến tranh chỉ có nghĩa thuần túy là có tiếng súng nổ và bom rơi, thì vùng đất này đã thừa hưởng hơn 30 năm hòa bình. Nhưng chiến tranh có thật sự đơn giản chỉ là tiếng súng?
Đương nhiên là không. Chúng ta ai cũng biết rằng súng đạn là điều đơn giản nhất của chiến tranh, và những sự phức tạp và khốc hại to lớn nhất của chiến tranh lại là con người và xã hội. Con người sinh ra và lớn lên trong chiến tranh khác xa với con người sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Con người lập nghiệp và thành danh trong chiến tranh cũng khác xa con người lập nghiệp và thành danh trong hòa bình. Xảo thuật thành công trong chiến tranh đương nhiên khác xa và thậm chí ngược với cung cách làm ăn trong hòa bình.
Như vậy thì quá trình hình thành và phát triển của xã hội trong chiến tranh đương nhiên là một trời một vực so với quá trình đó trong hòa bình. Câu hỏi không phải là chúng ta có thật sự đang sống trong hòa bình hay không mà là chúng ta có muốn xây dựng hòa bình bằng tư duy và hành động của con người hòa bình hay không?

Tư duy chiến tranh
Trong chiến tranh, con người phải làm mọi thứ để sống còn, vì còn sống thì mới có ngày mai. Vì vậy, thay vì toan tính kế hoạch lâu dài và có tính chiến lược, mọi việc làm và hành động đều phải ngắn hạn và tạm thời và không cần biết hậu quả về sau. Đây là tư duy thể hiện rất rõ trong xã hội Việt Nam hiện thời. Câu nói bình dân và luôn luôn được nghe thấy –“ tới đâu hay tới đó” thể hiện rõ tư duy chiến tranh đang còn oằn nặng trong tâm thức và chi phối hành động của đa số người dân.
Trong đời sống hằng ngày, sự chi phối của tư duy chiến tranh trong hành động và quyết định của mọi người thể hiện rất rõ. Ví dụ như tắc nghẽn giao thông là kết quả của việc làm thiếu kế hoạch lâu dài và định hướng chiến lược. Tắc nghẽn giao thông là do nhu cầu đi lại tăng nhanh hơn việc xây dựng đường xá. Nếu có kế hoạch lâu dài, chúng ta phải thấy được nếu dân số tăng và kinh tế phát triển thì nhu cầu đi lại sẽ tăng lên. Vì vậy, nếu mục tiêu là phát triển kinh tế thì tất cả những việc cần chuẩn bị cho sự phát triển này phải được thực hiện trước hoặc ít nhất là kịp thời trong đó có xây dựng và mở rộng đường xá, chứ không như hiện nay, kinh tế đã và đang phát triển nhưng cầu đường thì vẫn chưa phát triển bao nhiêu nên mới có việc quá tải và tắc nghẽn.

Lối sống chiến tranh
Khi bom rơi đạn nổ trong chiến tranh, người ta không còn đầu óc đâu mà nghĩ đến bảo tồn văn hóa hay nét đẹp trong hành động và cư xử. Nhà cửa, đường xá bị bom đạn cày xới thì cần gì giữ gìn cho sạch đẹp. Vì vậy, người ta cứ khạc nhổ bừa bãi, cứ xả rác lung tung, và chẳng ngại nhăn nhó gắt gỏng lẫn nhau. Cho đến nay, lối hành xử này cũng còn đầy.
Một hôm tôi đi ăn cơm tối với một anh chủ tịch một công ty du lịch và vài nhân viên nhà nước. Chúng tôi ăn cơm trưa tại một tỉnh lỵ và cơm tối ở một thành phố. Sau bữa trưa, người doanh nhân này mửa ngay kế bên ghế ngồi trong nhà hàng lót sàn gỗ sang trọng, rồi tươi cười nói “dễ chịu hẳn, uống nhiều quá”, sau đó anh mới đủng đỉnh đi vào nhà vệ sinh để “rửa mặt cho mát, nóng quá”. Sau buổi tối, cũng anh doanh nhân này ho rất lớn rồi khạc ngay bên cạnh ghế ngồi trong nhà hàng.
Hôm khác, tôi tham gia một buổi hội thảo rất hoành tráng, và sau đó họ mời mọi người dùng trưa buffet rất sang trọng. Những khách mời tham dự đều là trí thức và có địa vị cao trong xã hội, nhưng lúc bắt đầu ăn, mọi người chen nhau lấy thức ăn. Tôi quen kiểu ở nước ngoài nên buộc miệng hỏi “xếp hàng từ đâu vậy chị”, và mọi người hăng hái đáp ngay, “làm gì có chuyện xếp hàng, nó là văn hóa rồi”.

Tâm lý chiến tranh
Tâm lý tiêu biểu nhất trong chiến tranh là sự sợ hãi và bất cần. Sợ hãi luôn là một phần của đời sống con người, nhưng sự sợ hãi trong chiến tranh thì khác thường bởi sự sợ hãi của ngày thường chỉ có thời gian nhất định và có lý do, nhưng trong chiến tranh thì sự sợ hãi bao trùm cuộc sống, không có thời gian nhất định và cũng không có lý do nhất định.
Ngày nay, dù không còn súng nổ, sự sợ hãi vẫn bao trùm cuộc sống ở Việt Nam. Từ sợ thực phẩm không an toàn, tai nạn giao thông, trộm cướp, cho đến sự chậm trễ và bất cẩn dẫn đến chết người ở bệnh viện. Câu nói, “biết đâu mà tránh, chịu thôi” được nhắc tới thường xuyên.
Cùng với nỗi sợ hãi bao trùm, con người trở nên bất cần, bất cẩn, và chấp nhận sự thiếu hoàn hảo. Lối làm việc thiếu chi tiết và không hoàn hảo thể hiện qua chữ “kệ” và “du di” trở nên gần như là một nét văn hóa đặc thù của vùng đất này.
Mọi người vừa lòng với sự thiếu hoàn hảo và biện bạch rằng “Việt Nam mà đòi hỏi như Mỹ sao được” mặc dù có rất nhiều điều Việt Nam có đủ điều kiện để làm tốt như các nước tân tiến. Ví dụ điển hình là việc rửa tay để tránh truyền bệnh và lây bệnh. Rửa tay quá dễ dàng, thế nhưng trong nhiều bệnh viện mà tôi đã ghé thăm và làm việc, nhân viên y tế và ngay cả bác sĩ và điều dưỡng đều không rửa tay theo đúng quy trình và thậm chí nhiều người không rửa tay trước và sau khi thăm khám mỗi bệnh nhân.

Làm ăn kiểu chiến tranh
Chiến tranh không cho phép người ta có thời gian kiểm chứng hoặc tạo dựng uy tín lâu dài nên người ta chụp giật hoặc lừa lọc lẫn nhau để thủ lợi vì nếu không thì không thể sống còn. Nhưng trong hòa bình thì ngược lại, uy tín lâu dài mới là yếu tố thành công thật sự. Nhưng hiện nay, ở Việt Nam báo chí cứ đăng tin dự án ma đầy dẫy. Gian lận chất lượng thực phẩm bằng hóa chất công nghiệp là chuyện thường xuyên.
Trong chiến tranh, tất cả phải dành ưu tiên để phục vụ cho chiến trường. Kỷ luật quân đội là tuyệt đối tuân thủ, và trách nhiệm thành hay bại là của người chỉ huy chứ không phải của từng chiến sĩ. Giáo dục hay rèn luyện không để phát triển tư duy hay năng khiếu mà chỉ để chiến thắng quân thù. Vì vậy, con người không có sự lựa chọn cá nhân vì nếu không đồng lòng thì không thể chiến thắng được.
Nhưng trong thời bình, người ta có thời gian để xây dựng và hưởng thụ, nên trách nhiệm không còn của chỉ huy nữa mà là sự cố gắng vươn lên và tìm tòi của chính mỗi con người. Thế nhưng, giới đầu tư chứng khoán hay địa ốc ở Việt Nam hành xử y như là người lính trên chiến trường mà chỉ huy của họ là dư luận và tiếng đồn. Họ dường như không quan tâm đến giá trị thật của một công ty hay tự mình tìm hiểu và phân tích thị trường mà chỉ mua và bán theo phong trào.
Học trò thì than phiền là làm theo ý thầy cho khỏe vì nếu trả lời câu hỏi theo ý tưởng khác thầy thì sẽ không được điểm cao dù cho là đúng. Đáng buồn hơn nữa là bài làm nào mà có óc sáng tạo hơi nhiều thì trở nên hơi xa với những gì thầy nói thì lại càng nguy hiểm hơn. Trong trường hợp này, rõ ràng là cả thầy lẫn trò đều hành xử như trên chiến trưòng chứ không phải trong một lớp học của thời bình.

Chiến tranh hay hòa bình là quyết định của từng cá nhân
Mỗi người là một tế bào của xã hội, và chúng ta cũng biết chỉ cần một tế bào ung thư là đủ để dẫn đến tử vong cho một cơ thể nếu không được chữa trị kịp thời. Nếu chúng ta muốn có một xã hội lành mạnh thì mỗi cá nhân phải giữ cho mình không là “tế bào ung thư của xã hội.” Nếu chúng ta muốn xây dựng hòa bình thì mỗi cá nhân phải chủ động bỏ đi những thói quen trong chiến tranh và dần dần hành xử theo lối hòa bình.
Ngạn ngữ Hoa Kỳ có nói “Điều gì đem bạn lên thì sẽ mang bạn xuống.” Những tư duy và cách hành xử đã mang lại chiến thắng và sống còn trong chiến tranh sẽ mang lại thất bại ê chề trong thời bình. Nếu lối sống “chấp nhận tất cả” đã đem lại bình yên cho tâm hồn trong thời loạn lạc thì trong thời bình sẽ làm chúng ta không bao giờ phát triển.
Nếu chúng ta vừa lòng với hiện tại thì không cần bàn cãi, nhưng nếu phát triển và hội nhập là mục tiêu của toàn xã hội thì từng cá nhân và tập thể cần phải thay đổi tư duy và hành động theo chiều hướng thích hợp.
Chúng ta, dân tộc Việt, hãy nhắc nhau gìn giữ tâm hồn hòa bình, không sợ hãi, không thù hận, và không nghi ngờ. Hãy tin tưởng hợp tác với nhau trong sự cảm thông của những người vừa cùng nhau kinh qua gian khổ.
Hãy vượt lên trên những thói quen lừa lọc và cách hành xử không có trước sau của chiến tranh vì chúng ta đã phải vật lộn với sự sống chết đã lâu lắm rồi.
Hãy lo lắng cho nhau và có trách nhiệm với xã hội và môi trường vì nếu không tự chúng ta đang tạo điều kiện cho chiến tranh tiếp diễn dưới lớp áo hòa bình.
Ý muốn làm con người của hòa bình hay con người của chiến tranh để từ đó xây dựng một xã hội hòa bình hay “xã hội chiến tranh” là do quyết định và trách nhiệm của mỗi chúng ta. Chúng ta không nên trông chờ ở luật lệ để ngăn cấm những “thói quen chiến tranh” mà mỗi người chúng ta cần có quyết tâm thay đổi tư duy và cách hành xử.
Và khi từng con người thay đổi, xã hội sẽ dần dần thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp mà tất cả chúng ta ai cũng mong chờ.

Bấm vào đây để xem ý kiến độc giả



No comments: