Monday, October 5, 2009

TRUNG QUỐC NGÀY NAY LÀ CHẾ ĐỘ QUÂN CHỦ CỘNG SẢN


Trung Quốc ngày nay là chế độ quân chủ cộng sản
Harry Wu
Lê Diễn Đức dịch
06/10/2009 12:07 sáng
http://www.talawas.org/?p=11123
Tại Trung Quốc ngày hôm nay vẫn ngự trị một thứ “ism”, cai trị bởi một đảng, quyết định bởi một người lãnh đạo. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngoài các khẩu hiệu lặp đi lặp lại, không có gì dính dáng tới chủ nghĩa cộng sản nữa cả. Tôi sẽ gọi hệ thống hiện có của Trung Quốc là chế độ quân chủ cộng sản – Ngô Hoàng Đạt (Harry Wu) nói trong một cuộc phỏng vấn của tờ Gazeta Prawna. Ngô Hoàng Đạt là nhà hoạt động nhân quyền, nhà đối lập Trung Quốc đã từng trải qua 19 năm trong các trại cải tạo cộng sản, hiện sống tại Hoa Kỳ.
---------------------------------

Anna Masłoń: Trung Quốc chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Nhưng khó có thể gọi hệ thống chính trị hiện hành tại Trung Quốc là chủ nghĩa cộng sản. Vậy nó là cái gì?
Harry Wu: Tại Trung Quốc ngày hôm nay vẫn ngự trị một thứ ”ism”, cai trị bởi một đảng, quyết định bởi một người lãnh đạo. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngoài các khẩu hiệu được lặp đi lặp lại, không có gì dính dáng tới chủ nghĩa cộng sản nữa cả. Tôi sẽ gọi hệ thống hiện có của Trung Quốc là chế độ quân chủ cộng sản.
Hoàng đế đầu tiên của triều đại mới là Mao Trạch Đông. Mặc dù chưa bao giờ thực sự là một người mác-xít, ông ta đã biết làm cách nào sử dụng hệ tư tưởng để củng cố vị thế của mình. Sau ông ta đến Đặng Tiểu Bình và những người được bổ nhiệm kế vị – Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Chức vị của họ không do dân cử, cũng không phải do Đảng cử, mà do hoàng đế chỉ định. Do vậy, chừng nào triều đại cộng sản còn cai trị, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc sẽ tiếp tục tồn tại. Mặc dù Trung Quốc bây giờ dường như là một quốc gia hoàn toàn khác với thời Mao, hệ thống được tạo ra bởi ông ta vẫn được duy trì.

Anna Masłoń: Làm thế nào mà sự phát triển kinh tế dựa trên quan hệ chặt chẽ với nước ngoài lại có thể cùng tồn tại với hệ thống chính trị như vậy?
Harry Wu: Đảng Cộng sản thực sự được lập nên bởi các nhà tư bản, những người sử dụng chức vị của mình để làm giàu, nhưng chùi miệng bằng các khẩu hiệu của cuộc đấu tranh giai cấp. Đảng nắm độc quyền, không chỉ quyền lực chính trị, mà còn kiểm soát quân đội và an ninh, nhưng trước hết là độc quyền hưởng thụ các lợi nhuận trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Người hưởng lợi là những quan chức của Đảng – cho nên chẳng có gì ngạc nhiên trước việc họ làm tất cả mọi thứ để giữ vững hệ thống này.

Anna Masłoń: Trong số lãnh đạo Đảng có rất nhiều nhà hoạt động đã già. Nhưng ở Trung Quốc giới trẻ có kiến thức đang ngày mỗi lớn lên. Họ làm gì để có sự nghiệp?
Harry Wu: Khả năng làm giàu phụ thuộc vào việc gia nhập Đảng. Không có gì đáng ngạc nhiên với con số gần 80 triệu đảng viên. Năm 1994, tôi thăm Trung Quốc, một hướng dẫn viên trẻ là sinh viên nói rằng, anh ta muốn gia nhập Đảng. “Nhưng bạn không đồng ý với những gì họ đang làm cơ mà” – Tôi bực bội nói. “Nhưng tôi phải làm, nếu muốn đạt được điều gì đó” – Anh ta trả lời.

Anna Masłoń:
Vậy thì, giới trẻ Trung Quốc, thay vì đấu tranh với hệ thống, lại cố gắng tìm ở trong nó vị trí tốt nhất?
Harry Wu: Những sinh viên giỏi nhất gia nhập Đảng không phải vì lý tưởng, mà hoàn toàn thực dụng. Bởi vì tiếp cập được bộ máy quyền lực đồng nghĩa với việc chạm tay vào đồng tiền. Đã một thời, vấn đề gia nhập Đảng có nghĩa là sự cống hiến. Hôm nay, đứng trong hàng ngũ Đảng tương đương với việc hưởng dụng các đặc quyền. Đảng luôn luôn xoay quanh khẩu hiệu về chủ nghĩa Mác từ các sách giáo khoa. Trong khi đó, chẳng còn cuộc đấu tranh giai cấp. Giới tư sản và chủ đất không còn là kẻ thù của nhân dân, mà chính là các quan chức Đảng địa phương. Hôm nay, Trung Quốc là nước giàu và vị thế của nó dựa trên sự tận dụng chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Những dự án lớn, đối với phương Tây là dấu hiệu của phát triển kinh tế, được thực hiện để mang lại lợi nhuận cho nhà nước. Quốc gia thì giàu có, người dân vẫn nghèo.

Anna Masłoń: Nhưng họ có quyết tâm cải thiện tình hình. Câu hỏi được truy cập trên mạng phổ biến nhất của người Trung Quốc là “làm thế nào để kiếm tiền”. Nếu mọi người nghiêng về hướng làm giàu, Đảng lại tạo điều kiện, thì không có lý do gì để người ta nổi loạn chống lại chính phủ của họ. Mối đe dọa lớn nhất ngày nay với Đảng là cái gì?
Harry Wu: Tại Trung Quốc không có thể chế pháp quyền, còn vấn đề nghiêm trọng nhất là nạn tham nhũng. Chính phủ nhận thức được nó làm xấu đi hình ảnh của mình ra sao. Do đó mới phát động các chiến dịch bài trừ tham nhũng – Chính phủ trưng ra bàn tay sạch sẽ, vì người ta nhìn thấy nó đang tranh đấu chống tham nhũng, trong khi nhận hối lộ vẫn là chuyện thường tình. Đó là lý do tại sao với người Trung Quốc ngày nay chẳng có gì quan trọng hơn tiền bạc. Ở đây không chỉ nói lên chuyện làm giàu. Nếu có đủ tiền, bạn sẽ có tác động lớn hơn cho số phận. Ngay cả luật cấm có nhiều hơn một con vẫn có thể bỏ qua nếu có tiền để trả.

Anna Masłoń: Vì vậy, chừng nào nền kinh tế Trung Quốc còn phát triển, Đảng có thể yên tâm về vị trí của mình?
Harry Wu: Người ta tin rằng Liên bang Xô-viết sụp đổ vì đã có một nền kinh tế không hiệu quả. Nhưng kinh tế không phải là vấn đề chính yếu của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc. Mà là sự thiếu tự do. Và vì tự do là kẻ thù của chế độ độc tài, tốt hơn không nên nhắc đến nó. Chỉ cần có tiền để mua một ít tự do giả tạo. Đảng sẽ sụp đổ, nếu người dân bắt đầu nhận ra giá trị của tự do, hơn là tập trung vào tiền bạc, là thứ mang lại cho Đảng ảo tưởng. Nhưng điều này không phải là vấn đề của vài năm, và chúng ta có thể nói, là của nhiều thập niên nữa. ■


Nguồn: Nhật báo Dziennik, Ba Lan, ngày 1/10/2009 với cùng tựa đề, tại link:
http://www.dziennik.pl/swiat/article450179/Dzisiejsze_Chiny_to_monarchia_komunistow.html

Bản tiếng Việt ©
http://ledienduc.wordpress.com
Bản tiếng Việt © talawas blog


No comments: