Bị xua đuổi khỏi trường học – Bài học đắng cay cho các trẻ nhiễm H.I.V. tại Việt Nam
Seth Mydans – The New York Times
(Thanh Khiêm dịch)
17-10-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6811
AN NHƠN TÂY, Việt Nam- Đối với 15 em thuộc cô nhi viện Mai Hòa, ngày khai truờng trong tháng vừa qua là một ngày đặc biệt. Các em này bị nhiễm vi khuẩn H.I.V., loại vi khuẩn gây bịnh AIDS. Và đó là lần đầu tiên các em được phép nhập học trường tiểu học địa phương.
“Chúng quá háo hức,” Sơ Nguyễn Thị Bảo, người trông coi cô nhi viện này cho biết. Sơ đã vận động trong 3 năm để xin cho các em vào học trường của nhà nước. “Các em đã từng ao ước có được ngày hôm nay.”
Nhưng khi đến trường, các em đã thấy sự phản đối của cha mẹ các học sinh khác, những người đã từ chối cho con họ nhập học chung với các cô nhi bị nhiễm H.I.V. Vài phụ huynh đã vội vàng kéo con họ ra xa khi các trẻ cô nhi bước ngang qua.
Sau một lúc tranh cãi, vị hiệu trưởng, người đã từng chấp nhận cho các em cô nhi, nói với Sơ Bảo rằng giấy tờ của các em không hợp lệ và các em không thể vào học.
Các đứa trẻ trở về cô nhi viện, chỉ cách một đoạn ngắn trên con đường làng, nơi chúng tiếp tục học trong những phòng học nhỏ, tiếp tục bị lưu đày, cách ly ra khỏi đời sống bên ngoài.
“Em thật quá vui sướng được đến trường. Nhưng rồi em thấy vài phụ huynh không cho con họ đến trường với em chỉ vì họ sợ căn bịnh của em,” một bé gái 12 tuổi, học lớp 4, mà Sơ Bảo yêu cầu giấu tên để tránh cho em khỏi bị chú ý, đã nói như thế.
Cô bé bảo rằng em hiểu phản ứng của các phụ huynh kia.
“Nếu em là đứa bé bình thường, em cũng sợ như thế, bởi vì em không hiểu,” cô bé nói. “Em có lẽ cũng sẽ có cùng tâm trạng như thế. Nhưng mà em sẽ không hành động như họ đã làm.”
Sơ Bảo và các viên chức địa phương cùng nhà trường, tiểu học An Nhơn Đông, đã họp với các phụ huynh này sau đó, nhưng họ vẫn giữ thái độ cứng rắn.
“Tôi không muốn con tôi học chung với các đứa trẻ bị nhiễm bịnh AIDS,” bà Nguyễn Thi Thúy, 36 tuổi, nói như thế vào một hôm khác khi bà ta ta dẫn đứa con trai 8 tuổi đến trường. “Nó có thể bị thương, và thật dễ bị lây bịnh qua đường máu. Và một khi bị nhiễm bịnh rồi, thật là khó để trở thành một người bình thường được nữa.”
Hết người này đến người khác, các phụ huynh chở con đến trường trên các xe gắn máy lớn tiếng đồng ý. Một người đàn ông chỉ cho biết tên là Tâm, nói rằng nếu các trẻ em cô nhi trở lại, ông ta sẽ đem con về lần nữa.
Chuyện này chẳng có gì ngạc nhiên cả, theo lời ông Eamonn Murphy, giám đốc chi nhánh Việt Nam của Unaids, một cơ quan phòng chống bệnh AIDS của Liên Hiệp Quốc.
“Bạn tới bất kỳ vùng nông thôn nào ở Á Châu và bạn sẽ gặp những phản ứng tương tự,” ông ta nói. “Sự thiếu hiểu biết tổng quát sẽ dẫn đến các phản ứng và lo sợ không đúng cách này.’
Hầu hết phụ huynh ở đây là những nông dân ít học, tuy vậy thành kiến này hình như cũng lan rộng tới cư dân thành thị.
“Tôi không hiểu tại sao chúng ta không cách ly dân chúng với bịnh AIDS,” một viên chức của thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 20 dặm về phía đông nam của làng này, phát biểu. “Ngay cả với bịnh cúm heo chúng ta cũng cách ly bịnh nhân, và bịnh AIDS này còn nguy hiểm nhiều hơn nữa.”
Những sự lo sợ này thật ra không đúng, theo lời ông Murphy.
“H.I.V. không lây nhiễm từ sự giao tiếp trong cộng đồng, ngay cả nếu bạn dùng chung tách, dĩa và ăn chung mâm. Bạn không thể bị lây vi khuẩn H.I.V. từ đó.”
Trong những năm vừa qua, chương trình phòng ngừa và trị liệu của Việt Nam đã được cải thiện, theo lời ông Murphy, dẫu rằng cho đến nay chỉ có 30 phần trăm số người cần thuốc chống bịnh liệt kháng nhằm duy trì mạng sống được nhận thuốc.
Ngày nay có khoảng 290,000 người trong số 86 triệu dân Việt Nam nhiễm vi khuẩn H.I.V., ông Murphy nói rằng mặc dù tỷ lệ gia tăng tuy chậm, sự nhiễm bịnh đang lan rộng ra bên ngoài, khỏi các nhóm có nguy cơ lây bịnh cao.
Trong số người bị nhiễm bịnh, chính quyền ước tính có khoảng 5,100 trẻ em. Mặc dầu theo luật, mọi người phải được đối xử bình đẳng, hầu như không có em nào trong số này được nhận vào các trường bởi vì sự lo sợ của cha mẹ các học sinh khác, ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết như thế vào tháng rồi.
Ông ta nói rằng Bộ sẽ cố gắng thâu nhận ít nhất phân nửa các em này vào trường công trong niên khóa tới, nhưng kinh nghiệm vừa qua với các em cô nhi Mai Hòa cho thấy điều đó không phải dễ.
Biểu lộ sự sợ hãi và tức giận trong ngày khai trường đó, vài phụ huynh dường như không có lòng nhân ái, Sơ Bảo nói.
“Họ (phụ huynh) nói rằng các em bé bị nhiễm binh này trước sau cũng chết, vì vậy chúng không cần được học. Nếu chúng muốn học, hãy để chúng học trong cô nhi viện chứ đừng để con cái họ bị nguy hiểm, ” Sơ Bảo cho biết thêm.
Trung tâm giúp đỡ bịnh nhân AIDS Mai Hòa, một cơ sở xanh tươi và yên tĩnh, được thành lập bởi Giáo hội Công giáo La Mã vào năm 2003 như là nơi nuôi dưỡng các bịnh nhân này vào thời kỳ cuối. Trung tâm đươc đã mở rộng thêm một cô nhi viện để chăm sóc con cái của những người đã chết nơi đây.
Các trẻ em nơi đây cũng bị nhiễm và đang được cấp thuốc chống bịnh liệt kháng. Sơ Bảo cũng cho biết.
Các dãy nhà phía sau phòng học hiện vẫn là nơi săn sóc cuối cùng, nơi hàng tá các bịnh nhân hốc hác nằm la liệt trên các giường nhỏ. Tổng cộng có 250 người đã chết ở đây, bao gồm 90 cốt tro vô thừa nhận được thờ đàng sau dãy nhà, theo lời Sơ Bảo.
Trong số đó có hài cốt của cha mẹ các em cô nhi ở đây.
Vì thế các em cô nhi của cô nhi viện Mai Hòa sống lơ lửng giữa sự chết phủ đầy phía sau các lớp học và sự sống của xã hội bên ngoài, chỉ ngay bên kia đường, một xã hội mà đến nay vẫn chưa chấp nhận các em.
“Các em nói rằng chúng muốn đến truờng khác vì chúng muốn có thêm bạn,” Sơ Bảo cho hay.
Nhưng cô bé 12 tuổi học lớp 4 hình như đã thay đổi mong ước của mình.
“Em không muốn đến trường đó nữa, em đã có đủ bạn ở đây rồi.” Cô bé nói.
© DCVOnline
Nguồn: target=new>Exiled From School, H.I.V.-Infected Orphans Learn a Bitter Lesson. By Seth Mydans - The New York Times, Oct 13, 2009
-----------------------------
Trẻ mồ côi bị AIDS ở Việt Nam không đến được trường công - Seth Mydans (talawas)
No comments:
Post a Comment