Thursday, October 1, 2009

PHONG TRÀO THỢ THUYỀN TẠI TRUNG QUỐC


Phong trào thợ thuyền tại Trung Quốc
Ching Kwan Lee & Eli Fredman
Nguyễn Ước dịch
02/10/2009 1:27 sáng
http://www.talawas.org/?p=10982
Ching Kwan Lee là giáo sư môn xã hội học tại Ðại học California, Los Engeles, và tác giả cuốn Against the Law: Labor Protests in China’s Rustbelt and Sunbelt, (Trái với luật pháp: các phản đối của thợ thuyền ở vòng đai rỉ sét và vòng đai mặt trời tại Trung Quốc), 2007.
Eli Friedman là ứng viên tiến sĩ xã hội học tại Ðại học California, Berkeley.

------------------------------------

Hai chục năm kể từ 1989 đã đưa tới hai phát triển chính trong sinh hoạt vận động công nhân (worker activism) tại Trung Quốc (TQ).

Thứ nhất, tuy công nhân có tham gia cuộc nổi dậy tập thể trong phong trào Thiên An Môn nhưng chỉ là những đối tác phụ thuộc vào sinh viên, và kể từ lúc ấy, sinh hoạt vận động công nhân gần như hoàn toàn giới hạn trong giai cấp công nhân. Trong khi hàng ngũ thợ thuyền nhanh chóng chịu sự khổ sở càng lúc càng tăng (trải rộng từ công nhân trong khu vực quốc doanh cho tới các công nhân nhập cư, migrant workers), và các hình thức cùng sự cố xảy ra trong sinh hoạt vận động công nhân gia tăng gấp bội, thật khó có dấu hiệu nào cho thấy có sự huy động vượt quá lằn ranh giai cấp hoặc các khu vực địa phương.
Thứ hai, chúng ta nhận thấy sức mạnh của công nhân trong vấn đề sản xuất – một sức mạnh mới trước đó được định chế hóa bằng một hệ thống điều hành với các cấp lãnh đạo khôn khéo, tính chất đại diện của công đoàn, quản trị mang tính dân chủ, việc làm dài hạn hoặc thường xuyên và các điều kiện công tác khác, tất cả cùng nhau cấu thành một khế ước xã hội mang tính xã hội chủ nghĩa – ngày càng sa sút và tiếp tục sa sút dài hạn trong khi họ lại có nó rất nhiều (ít nhất trên giấy tờ) ở bên ngoài nơi làm việc. Các luật lệ lao động mới mẻ mở rộng quyền của công nhân và mở rộng các kênh quản lý và luật pháp để giải quyết những xung khắc lao động. Các thủ tục thư lại và luật pháp đó chẻ nhỏ và phi chính trị hóa sinh hoạt vận động công nhân nhưng đồng thời chúng cũng gây ra và làm gia tăng cường độ của sự huy động bên ngoài các giới hạn chính thức.

Ðã biến mất các điều kiện kinh tế và chính trị từng có thời làm cho công nhân có khả năng liên kết với sinh viên. Cuộc đàn áp đẫm máu khởi đi từ Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng Sáu năm 1989 làm nản lòng nhiều nhà trí thức có óc cải cách, những kẻ từ thời điểm ấy buông bỏ ý tưởng cho rằng phong trào quần chúng có thể là phương tiện truyền bá sự thay đổi chính trị.
Diễn biến mang tính quyết định của chính quyền hướng tới sự tự do hóa kinh tế như một phản ứng đối với cuộc khủng hoảng về tính chính thống và các bất mãn xã hội nằm bên dưới cuộc nổi loạn Thiên An Môn, đã sắp xếp lại lợi ích của các giai cấp khác nhau. Trong thập niên 1990, cải cách theo kinh tế thị trường bắt đầu tạo phúc lợi rộng rãi cho rất nhiều thành phần dân chúng TQ và nó có ý nghĩa quan trọng nhất cho người có học cùng người mạo hiểm kinh doanh. Nó đồng thời cũng khiến cho viên chức của nhà nước cộng sản độc đảng được tiếp tục hưởng lợi lớn lao nhờ vị trí ở trong guồng máy chính quyền và các quan hệ của chúng.

Giai cấp công nhân của TQ bắt đầu có nhiều biến thái bên trong, và các thành phần khác nhau của nó đối mặt với những thách đố khác nhau khi sự thay đổi kinh tế chuyển dịch tới trước. Thí dụ, với luồng khổng lồ tư bản nước ngoài đổ vào và sự mở rộng kinh tế tư nhân đưa tới sự hình thành một khối thị trường rộng lớn các công nhân nhập cư – những dân quê lên thành thị, nhập cư làm công nhân hoặc thiên di theo nhu cầu nhân dụng – với tổng số hiện nay lên tới gần 130 triệu người, hoặc phỏng chừng 10 phần trăm dân số TQ.
Vào giữa thập niên 1990, việc “tái cơ cấu” (hay tái cấu trúc, restructuring; nên hiểu là: tư nhân hóa và phá sản) nhiều xí nghiệp kỹ nghệ quốc doanh, cùng với các cải cách lao động liên quan tới sự thay thế việc làm thường trực bằng việc làm theo hợp đồng, đã buông lỏng một thời kỳ thất nghiệp nặng nề, kéo dài một thập niên. Suốt thời kỳ ấy, các công ty xí nghiệp tập thể và nhà nước sa thải khoảng 45 triệu công nhân thành thị. Trong khi đó, tình trạng việc làm thất thường cùng khuynh hướng toàn cầu lại đi lên rất nhanh, thậm chí trong các kỹ nghệ nòng cốt, thí dụ ngành chế tạo ô-tô.

Hiện nay, người lao động do tự mình làm chủ, bán thời gian, tạm thời, thất thường, chiếm tới khoảng 40% dân số thợ thuyền đô thị, và công nhân như một toàn bộ thì ít có sức mạnh để thương thảo (mặc cả). Thế nhưng, cơn thịnh nộ vì tiền lương chưa thanh toán, tiền hưu dưỡng hay trợ cấp còn thiếu, đóng cửa nhà máy, và các điều kiện làm việc nghèo nàn, tiếp tục làm tăng thêm tình trạng bất ổn của công nhân, tuy tùy vào đặc tính địa phương mà rất khác nhau.
Bên trong giai cấp công nhân vẫn dai dẳng sự phân chia nông thôn với thành thị. Các qui chế đăng ký hộ khẩu khác nhau đưa tới những cung cấp khác nhau cho sự sống của thợ thuyền vượt quá tiền lương do việc làm mang lại, và như thế đưa tới kết quả là tạo ra các nhóm quyền lợi khác nhau bên trong giai cấp công nhân. Thật không lấy làm ngạc nhiên khi thấy công nhân quốc doanh hay công nhân không quốc doanh có khuynh hướng dùng lối tiếp cận khác nhau đối với hành động tập thể.
Cuối cùng, việc nhà nước quyết tâm sử dụng đàn áp để chống lại bất cứ cái gì có vẻ là hoạt động vận động công nhân tại các công ty xí nghiệp, đã và đang ngăn chặn sự phát sinh một phong trào của giai cấp công nhân có cơ sở rộng rãi.

Tước quyền ở nơi làm việc và trao quyền cho luật pháp
Vai trò đang biến đổi của công đoàn chính thức đã nói lên một cách hùng hồn sự tước quyền hạn tại nơi làm việc mà người dân TQ phải chịu. Trong nửa đầu của năm 1989, Tổng Công đoàn Trung Quốc (TCÐTQ) cũng bị tác động bởi cơn náo động quét ngang các vạt cỏ trơ trụi của xã hội TQ. Suốt sáu tháng ấy, những thảo luận nội bộ về tính chất tự trị lớn lao hơn của TCÐTQ càng lúc càng tăng nhiệt hơn trong khi một số viên chức của công đoàn gặp gỡ các sinh viên và bày tỏ lập trường ủng hộ các công đoàn độc lập.
[1]
Thế nhưng như đã xảy ra tại rất nhiều góc khuất của sinh hoạt cả nước, cuộc tàn sát Thiên An Môn ngày 4 tháng Sáu đặt một dấu chấm hết đầy kịch tính cho việc mở ra những thảo luận về sự tự do hóa lớn lao hơn bên trong công đoàn. Kể từ lúc đó, không lãnh tụ công đoàn nào dám công khai đặt vấn đề về sự phụ thuộc chính thức của TCÐTQ vào Ðảng Cộng sản TQ. Sự kiện ấy có nghĩa rằng, ngoài công tác bảo vệ quyền lợi của người lao động, công đoàn còn có thêm các công tác hàng đầu khác theo đúng mục tiêu đã được thiết lập một cách kiên định của nhà nước, đó là giữ cho xã hội ổn định và đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Hậu quả là TCÐTQ giới hạn việc tích cực ủng hộ các lợi ích của công nhân vào trong một chuỗi những ràng buộc có tính quản lý và luật pháp, được vạch ra một cách lộ liễu và khá nghiêm ngặt – một kịch bản chứng tỏ tình trạng thiếu trầm trọng tính chất thật sự đại diện cho công nhân tại nơi làm việc.
Sự cực kỳ thiếu sức mạnh của công nhân TQ như kẻ sản xuất trực tiếp cũng được minh họa một cách kỳ quặc bằng một vấn đề lan rộng, đó là việc không thanh toán tiền lương. Một bản điều nghiên có thẩm quyền, được thực hiện toàn quốc, do Hội đồng Nhà nước (State Council) công bố, cho thấy năm 2006, gần một nửa (48%) lực lượng công nhân nhập cư được thanh toán đều đặn tiền lương, trong khi đó 52% được báo cáo là không được thỉnh thoảng hay đều đặn thanh toán tiền lương.
[2]
Sự kiện việc thu thập tiền lương cho công nhân nhập cư trở thành chủ đề cho một cuộc vận động lớn của cá nhân Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong năm 2004, đã làm nổi bật sắc nét sự thiếu những bảo vệ mang tính định chế cho công nhân. Các chuẩn mực lao động của TQ bị nhận chìm trong những vực thẳm mới, từ một chế độ lương bổng thấp nổi tiếng xuống một cuộc khủng hoảng cuộc sống gây ra bởi những công nhân đang không được trả lương cho công sức của mình.
Nếu chính quyền TQ có vẻ nhượng bộ kiểm soát tại nơi làm việc đối với tư bản nội địa và ngoại quốc (trong khi các xí nghiệp quốc doanh sử dụng ngày càng nhiều thêm các chế độ quản trị theo kiểu tư bản), nó cũng chủ trì một quá trình trao quyền hạn qua sự ban hành các đạo luật để công nhân có các quyền hợp pháp mới. Các đạo luật ấy gồm: Luật Lao động Toàn quốc (1995); Luật Công đoàn (2001); Luật Hợp đồng Lao động (2007); Luật Trọng tài và Hoà giải Lao động (2007); và Luật Thăng tiến Việc làm (2007). Mỉa mai thay, công nhân được trao quyền hạn như những cá thể pháp nhân đang hành xử các quyền theo hợp đồng không thể nào giải quyết sự thiếu sức mạnh của mình trong quá trình lao động. Công nhân chỉ có thể tìm kiếm sự bồi thường theo thực tế, và như thế, vẫn còn phó mình cho ý muốn chính trị và (vô) hiệu quả thất thường của Sở Lao động (Labor Bureau) và tòa án.
Vì thế, sự gia tăng số lượng pháp chế lao động dường như trùng khớp với những con số cao hơn các vi phạm lao động, các tranh chấp lao động liên quan tới các tài phán và các vụ kiện, với một ít chứng cớ cho thấy bất cứ cái nào trong những cái đó cũng đưa tới kết quả cải thiện điều kiện lao động. Sự gia tăng ý thức các quyền là năng lực có tính định chế đang phát triển nhanh chóng nhằm đáp ứng hoặc để kiềm chế các yêu cầu của công nhân. Thợ thuyền càng có nhiều quyền hơn trên giấy – và càng nhận biết chúng – hơn trước đây. Nhưng trong thực tế, chúng ít có tác dụng đòn bẩy tại nơi họ làm việc, và sự bảo vệ lợi ích mà may ra họ nhận được từ tòa án hay chính quyền thì thất thường. Thật không đáng ngạc nhiên khi đánh giá rằng những cuộc phản đối của công nhân sẽ không biến mất khỏi cuộc sống của TQ bất cứ lúc nào trong thời gian sắp tới.
Một điều kiện có tính lịch sử cho sự thành công choáng váng mà kiểu thức tư bản chủ nghĩa mang tính chuyên quyền (version of authoritarian capitalism) của TQ đăng ký suốt ba chục năm qua là sự lớn mạnh của thể chế tân tự do toàn cầu (global neoliberal regime) của thương mại tự do cùng lưu lượng tư bản đang gia tăng nhanh chóng. Ðiều ấy tạo ra luồng đầu tư tuôn vào, yêu cầu vô độ các sản phẩm của TQ, các cơ hội việc làm cho công nhân, và không gian cho kinh tế TQ tăng trưởng bằng cách đặt sức ép lên thợ thuyền.
Nhưng giải quyết mọi sự theo cách đó có thể đi tới điểm cạn kiệt. Khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu đang đẩy vấn đề nền tảng ấy – sự tước quyền sở hữu của công nhân như kẻ sản xuất trực tiếp – lên trên bề mặt, trong khi trắc nghiệm những giới hạn của lối tiếp cận của TQ vào phát triển. Nếu sự tích lũy phi tập trung thất thường theo cách đó không thể giữ cho bất ổn lao động quá lan rộng và cá biệt hóa để làm thành sự hăm dọa cho hệ thống như một toàn bộ, lúc đó việc đóng cửa trong cùng một lúc các xưởng máy khổng lồ nổ ra bởi thời kỳ suy thoái toàn cầu mới nhất có thể khuấy động những loại khác nhau về mặt phẩm chất của sinh hoạt vận động công nhân.
Thậm chí trước khi đi tới cuộc khủng hoảng vào nửa sau của năm 2008, một số công đoàn hạ tầng cơ sở thấy mình bị ép buộc phải nghĩ ra một kiểu tổ chức mới và sinh hoạt vận động mới, do bởi sự khuất phục đáng chê trách của các thành viên. Hiện nay có những chỉ dẫn cho thấy một số người điều khiển công đoàn cấp công ty xí nghiệp đang dấn thân tích cực hầu bảo vệ lợi ích của các đoàn viên nếu những cuộc phản đối ấy vẫn giữ được tính hợp pháp cao. Trong số đó, đặc biệt đáng chú ý có những nỗ lực nghiêm chỉnh của các lãnh đạo công đoàn tại các cửa hàng Wal Mart ở huyện Nam Chương (Nanzhang) và Thâm Quyến (Shenzhen), nhằm gây sức ép lên ban quản trị bằng chiến thuật thương thảo tập thể.
Các viên chức chóp bu của ÐCSTQ lẫn TCÐTQ đã tỏ cho biết ý muốn rằng các công đoàn sẽ theo đuổi việc thương thảo tập thể – và ý tưởng ấy hiện hữu là để giảm bớt sức ép đòi hỏi phải có những hình thức sinh hoạt vận động cấp tiến hơn. Tuy thế, trường hợp Wal Mart cũng như các trường hợp khác khắp TQ cho thấy các lãnh đạo ở cấp bậc cao hơn của hệ thống chỉ có ý muốn hỗ trợ những sinh hoạt vận động ở hạ tầng cơ sở tới một điểm nhất định. Những lãnh tụ công đoàn cấp công ty xí nghiệp nào thúc ép ban quản trị một cách mạnh bạo và quyết liệt, đều đang bị xem là “không hài hòa” và bị mất hậu thuẫn của nhà nước.
Tóm lại, vấn đề hiện nay là không biết TQ có thể biến cuộc chuyển tiếp từ chiến lược phát triển có tính vắt-ép-lao-động tới một phương pháp mở rộng hơn nhằm cung cấp phúc lợi cho người đáng được hưởng cùng sự cai trị của luật pháp và những bảo vệ căn bản cho thợ thuyền đối với mọi công nhân trên toàn xứ sở. Sự tăng cường và mở rộng những cơ cấu được hợp lý hóa trong việc thương thảo tập thể, và có lẽ một số điều khoản cho các cuộc đình công tập thể, là những chọn lựa mà chính phủ – vốn lúc nào lo lắng ngăn ngừa bất ổn – đang cân nhắc. Nhưng điều đó hẳn đòi hỏi phải buông bỏ niềm tin rằng có thể giải quyết xung khắc xã hội bằng cách luật hoá và quản lý, xa rời hiện thực, và hẳn sẽ đưa tới sự xuất hiện một giai cấp công nhân mới một khi có thêm sức mạnh chính trị có tính tổ chức hơn cái hiện có hôm nay – một viễn cảnh làm hãi hùng hầu hết các lãnh tụ ÐCSTQ. Tuy thế, rốt cuộc kiểu tranh đấu được hợp lý hóa có thể cung cấp nền tảng cho một hình thức ổn định hơn và có khả năng kéo dài hơn của chủ nghĩa tư bản tại Trung Quốc.

Nguồn: Dịch toàn văn từ bài The Labor Movement của Ching Kwan Lee và Eli Friedman đăng trong Journal of Democracy, số tháng Bảy 2009, Volume 20, Number 3, Nxb The Johns Hopkins University Press, Journals Division, Washingon DC, Hoa Kỳ, tt 21-24

Bản tiếng Việt © 2009 Nguyễn Ước
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog


---------------------------------------------

[1] Jude Howell. “Trde Unionism in Chia: Sinking or Swimming?” Journal of Communist Studies and Transition Politics 19 (March 2003): Có ở www.ihlo.org/LRC/ACFTU/trade_unionism_in_china.pdf.
[2] State Council Research Office Team, Research Report on China’s Migrant Workers (Beijing: Zhongguo Yanshi Publishing, 2006), 116.


No comments: