Saturday, October 10, 2009

NHÀ KHOA HỌC ÚC GIÀNH GIẢI NOBEL Y HỌC


Nhà khoa học Úc giành giải Nobel Y học
06/10/2009 - 14:31
Lexi Metherell
Nguồn
Australian scientist wins Nobel prize
Giáo sư Elizabeth Blackburn là phụ nữ Úc đầu tiên đạt giải Nobel. Là người đặt nền móng cho các nghiên cứu về tế bào, bà đã làm nên lịch sử bởi đã khiến cho các nhà khoa học thay đổi suy nghĩ về vấn đề tuổi tác và bệnh tật.

Giáo sư Blackburn trước những tràng vỗ tay ca ngợi của các cộng sự tại Đại học California. (Nguồn ảnh: ABC)
http://www.bayvut.com.au/sites/default/files/imagecache/story_460/story-images/Prof%20Blackburn-Nobel%20prize.jpg

Vào sáng sớm ngày hôm qua (05/10) tại San Francisco, khi mới thức dậy, giáo sư Blackburn đã nhận được vô số các cuộc gọi từ khắp nơi trên thế giới chúc mừng bà đã giành được giải Nobel.
Những cống hiến của bà cùng các cộng sự người Mỹ là Carol Greider và Jack Szostak đã được ghi nhận bằng giải thưởng Nobel về Y học lần thứ 100 cho công trình nghiên cứu chung của họ.
Tuy nhiên, chiến thắng của giáo sư Blackburn đã trở thành lịch sử vì bà là người phụ nữ Úc đầu tiên giành được giải thưởng Nobel đầy khó khăn này. “Tôi muốn nói lời cám ơn chân thành tới mọi người. Thật tuyệt khi giành được giải Nobel và tôi cảm thấy rất sung sướng khi được chia sẻ niềm vui này với Jack và Carol”, bà tâm sự.
Bộ ba trở nên nổi tiếng vì đã tạo ra một lĩnh vực nghiên cứu mới trong khoa học về nhiễm sắc thể và phát hiện một loại enzyme mới được đặt tên là Telomerase.
Telomerase được coi như một giải pháp để chống lại tuổi tác. Nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc tái sản xuất tế bào - quá trình quyết định sự sống. Nếu các tế bào không thể tái sản xuất thì con người thường mắc bệnh tật.
Giáo sư Blackburn cho biết: “Điều thực sự quan trọng là tất cả các tế bào cũng như cơ thể con người có thể chuyển sang được một giai đoạn lão hoá khoẻ mạnh.”
Tuy nhiên, enzyme Telomerase cũng giúp các tế bào ung thư ác tính phát triển. Điều này có nghĩa là công trình nghiên cứu đạt giải Nobel của bà cũng mở ra một con đường mới trong điều trị ung thư.
Bà nói: “Kết quả nghiên cứu giúp mọi người thực sự hiểu được quá trình diễn tiến của bệnh tật dưới góc độ khoa học mới, vì vậy, đây là một lĩnh vực cần tiếp tục được nghiên cứu và phát triển. Tôi nghĩ rằng khi mới bắt đầu nghiên cứu, các nhà khoa học không nghĩ tới giải Nobel mà thực sự nó xuất phát từ niềm đam mê khoa học cũng như từ sự thu hút của các câu hỏi chưa có lời giải đáp.”

Quan điểm về sự nghiệp của phụ nữ
Giáo sư Blackburn sinh năm 1948 tại Hobart, bang Tasmania, Úc. Bà đã tốt nghiệp Đại học Melbourne và sau đó học tiến sĩ tại Đại học Cambridge.
Từ năm 1990, bà là giáo sư sinh học của Đại học California tại San Francisco và không ngừng đặt ra các câu hỏi về khoa học. Công việc chủ yếu hiện tại của bà là nghiên cứu về tác động của căng thẳng tâm lý đối với quá trình tái sản xuất tế bào.
Bà nói: “Câu hỏi là liệu quá trình tái sản xuất tế bào có ảnh hưởng như thế nào tới việc giúp con người vượt qua được sự căng thẳng? Chúng tôi thực sự rất quan tâm tới lĩnh vực này vì việc chịu đựng căng thẳng kéo dài sẽ có ảnh hưởng tới rất nhiều người.”
Kể từ năm 1901 tới nay, đã có 800 người giành được giải Nobel. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này thì giáo sư Blackburn và cộng sự Carol Greider chỉ nằm trong số 37 nhà khoa học nữ ít ỏi giành được giải thưởng cao quý đó.
Giáo sư Blackburn cho biết trong lĩnh vực nghiên cứu của bà, có rất nhiều nhà khoa học nữ tài năng nhưng sự nghiệp của họ dường như bị suy giảm sau khi họ hoàn thành các khoá học sau tiến sĩ.
“Điều quan trọng đối với sự nghiệp của người phụ nữ là họ phải liên tục phát triển kiến thức một cách mạnh mẽ, không chỉ trong giai đoạn đào tạo trường lớp mà còn trong cả quá trình làm việc. Vì vậy, tôi hy vọng rằng giải thưởng của mình sẽ là động lực phấn đấu cho phụ nữ.”
Quyền Bộ trưởng Khoa học Liên bang Úc, Tiến sĩ Craig Emerson, đã chúc mừng giáo sư Blackburn. Ông cho biết công trình của giáo sư Blackburn là bước khởi đầu cho lĩnh vực nghiên cứu sinh học và bà xứng đáng với giải thưởng Nobel lần này.
Ông chia sẻ: “Đây là bước đột phá rất quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu sinh học. Thật xúc động và vinh dự cho nước Úc vì giáo sư Elizabeth Blackburn đã giành được giải Nobel.”


No comments: