Monday, October 19, 2009

NGUYÊN TẮC


Nguyên tắc
Võ Tấn Phong
19/10/2009 2:29 chiều
http://www.talawas.org/?p=11811
Bạn đã xem phim High Noon bao giờ chưa?
Tóm tắt nội dung phim như thế này. Viên cảnh sát trưởng lâu năm Will Kane của một thị trấn nhỏ đang làm đám cưới với Amy Fowler, và chuẩn bị từ chức để làm chủ một tiệm bán hàng. Vừa lúc đó thì cả thị trấn được tin tên tội phạm khét tiếng Frank Miller được thả ra và đang trên chuyến xe lửa đến thị trấn đúng giữa trưa. Frank Miller trước đó đã bị Will Kane bắt và bị tòa án xử treo cổ, nhưng (trong phim) không nói rõ vì sao lại đuợc tha. Ba tên đồng đảng của Frank Miller đang chờ ở ga xe lửa để cùng nhau tìm Will Kane trả thù.
Được tin đó cả thị trấn thúc Will Kane bỏ chạy với người vợ mới cưới. Vừa chạy được một đoạn thì Will Kane quay lại, vì không muốn cứ chạy trốn hoài. Về lại thị trấn, ông đeo lại huy hiệu cảnh sát trưởng, và tìm các viên cảnh sát khác để giúp ông, nhưng tất cả đều trốn tránh hoặc từ chối khéo. Vợ ông theo đạo Quaker, yêu hòa bình và từ chối giết người dù vì lý do gì, đã bỏ đi khi Will Kane không nghe lời cô tránh đi. Ông phải chạy hết mọi nơi, ngay cả trong nhà thờ để tìm người giúp đỡ, nhưng mọi người đều khuyên ông bỏ đi để khỏi phiền phức. Chỉ có một chú bé 14 tuổi xin giúp ông, nhưng ông không chịu.
Đối diện với bốn kẻ thù, Will đã giết được hai tên và bị thương ở tay. Khi vừa nghe súng nổ, cô Amy nhảy khỏi chuyến xe lửa vừa lăn bánh, chạy về đồn cảnh sát, rút súng bắn qua cửa kính vào lưng một tên tội phạm đang rình chồng cô và hạ sát tên này. Frank Miller chạy vào đồn cảnh sát bắt Amy làm con tin và bắt Will Kane phải hạ súng. Will Kane buộc phải đồng ý. Khi ông vừa bước ra khỏi chỗ ẩn nấp, thì Amy quay lại cào vào mặt Frank Miller và bị hắn quăng ra đất. Will Kane nhân đó hạ gục Frank Miller. Khi ông quay lại đỡ vợ dậy, mọi người chạy ùa ra. Cậu bé 14 tuổi đem chiếc xe ngựa của Will Kane lại cho ông. Viên cảnh sát trưởng giận giữ quăng huy hiệu cảnh sát xuống đất và cùng với vợ lên xe bỏ đi.
Có nhiều điều để bình luận về bộ phim này. Nhưng ở đây có một điểm là tính nguyên tắc. Viên cảnh sát trưởng có thể bỏ chạy nhưng ông không chịu được ý tưởng người ngay phải chạy trốn như một tên tội phạm. Khi mọi người khuyên ông ra tay trước, bắt ba tên đồng đảng đang chờ ở ga xe lửa thì ông bảo bọn chúng chưa phạm tội gì, theo luật thì không thể bắt. Khi không thể tìm được người giúp đỡ, ông vẫn một mình dũng cảm đương đầu với bọn cướp. Ông thà chết chứ không từ bỏ những nguyên tắc của mình. Ở đó ta cũng thấy người vợ Amy đã phá vỡ nguyên tắc không giết người khi thấy mình có thể mất chồng mãi mãi.

*

Mới đây chuyện Pháp nạn Bát Nhã lại gợi lại cho tôi về phim High Noon. Những người tu sĩ trẻ tuổi dù bị hành hạ một cách bẩn thỉu như thế vẫn từ chối đáp trả lại bằng lời nói và hành động hung bạo. Họ đã đáp trả những lời mắng chửi bằng lời tụng kinh, những hành động côn đồ bằng ngồi yên như núi. Và trong những giờ phút nguy hiểm, họ lo lắng cho những người đến thăm chùa hơn cho bản thân họ. Họ vẫn vui vẻ thực hành đạo Bụt trong nguy khốn. Dù đang phải chạy trốn và hắt hủi, thầy Pháp Tụ và nhiều người trẻ khác vẫn trả lời phỏng vấn một cách từ tốn và không chút giận dữ. Những bức thư, những cuộc phỏng vấn không bao giờ cho thấy những con người đang bị đàn áp rất bất công lòng đầy oán hận, mà cho thấy họ còn tỏ lòng thương xót đám côn đồ kia. Họ không căm ghét những kẻ đang đàn áp mà chỉ thương xót sự vô minh trong những kẻ đó. Họ giữ vững nguyên tắc yêu thương, và hành động và lời nói của họ luôn đi đôi với nhau.

*

Những tu sĩ trẻ này, cùng với một số người tốt khác, có lẽ sẽ vực lại một xã hội Việt Nam hiện tại không hề có nguyên tắc, mà đầy chủ nghĩa cơ hội:
Một Đảng Cộng sản lúc đầu tuyên bố vì độc lập tự do hạnh phúc cho nhân dân mà khi giành được chính quyền chỉ còn vì cái Đảng của mình, và giờ đây thì lo lắng cho sự tồn vong của Đảng hơn sự tồn vong của đất nước và dân tộc.
Một nhà nước Việt Nam lúc nào cũng rêu rao độc lập tự do mà thực sự vừa hèn nhát nô lệ ngoại bang vừa đàn áp tàn bạo tất cả những người can đảm dám mở miệng. Một nhà nước đối xử hung hãn côn đồ với những người trung thực, vừa vinh danh những nịnh thần.
Một tầng lớp trí thức lúc nào cũng “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” mà phần lớn lại im lặng hay hùa lơ với chính quyền, khi cái chính quyền đó đàn áp những người chống đối, đàn áp tôn giáo, thô bạo ăn cắp đất đai của dân nghèo, và bao nhiêu hành động bỉ ổi khác.
Một phần lớn tầng lớp tu sĩ im lặng khi đồng đạo bị đàn áp viện đủ thứ lý do.
Một phần lớn luật sư hùa theo nhà nước lên án và kết tội ngay lập tức những đồng nghiệp can đảm dám chống đối nhà nước bằng những phương tiện hòa bình.
Một phần lớn văn nghệ sĩ im lặng hay hùa theo chính quyền khi đồng nghiệp bị đàn áp và bị tù đày.

*

Hãy xem nhà cầm quyền Việt Nam đang dâng biển bán nước, dâng tài nguyên cho Tàu, bỏ mặc ngư dân bị “tàu lạ” hành hạ, hành xử côn đồ và bỏ tù những công thần can đảm, nghi ngờ và đàn áp mọi tôn giáo, khinh thường và đàn áp mọi thành phần trí thức trung trực, chiếm đoạt đất đai của những người nông dân nghèo khổ nhất xã hội, vừa đánh người vừa ngụy tạo bằng chứng, càng ngày càng chà đạp quyền tự do của công dân. Không phải là nhà cầm quyền Việt Nam đang cười vào mũi và tuyên chiến với “bọn phản động đội lốt nhân dân” hay không?

Chỉ có thể giải thích những hành động hèn yếu với ngoại bang, vừa đàn áp hung hăng gần đây của nhà nước cộng sản là do họ sợ. Họ hiểu rằng nếu để mất chính quyền thì ngay lập tức nhân dân sẽ không chút luyến tiếc nhà nước cộng sản, và lịch sử chính thống sẽ viết về họ như những tội đồ lịch sử. Họ sợ nếu mất quyền, họ sẽ bị trả thù bẩn thỉu như họ đã làm với đối lập. Nhưng đàn áp như thế chỉ là để kéo dài một nhà nước rệu rã càng ngày càng phản dân. Cách hay nhất là cải cách hệ thống tòa án và công an độc lập với chính quyền, cho phép tự do ngôn luận, để cho những tiếng nói trung thực được quyền phát biểu, để cho nhà nước biết sợ dư luận của nhân dân. Như thế nếu không may một mai họ bị đem xét xử, đôi khi vì những đồng chí hôm nay của họ, thì họ (và gia đình họ) sẽ được xét xử công bằng, và xã hội sẽ lên tiếng cho họ nếu bất công xảy ra. Những nguyên tắc dân chủ không chỉ có lợi cho dân chúng, mà cũng có lợi cho giới cầm quyền nữa.

*

Những người Việt trong nước sẽ ngay lập tức bảo, thì ở ngoài nước nên nói mạnh vậy, thử về Việt Nam đi? À, lẽ ra người Việt hải ngoại chẳng cần làm gì cả. Nhưng đất nước Việt Nam đó ai đang sống vậy? Nếu người Việt trong nước không chịu từ bỏ cái “nguyên tắc” mũ ni che tai, im lặng trước những chuyện bất bình, không chịu bênh vực cho người thân yếu thế cô khác, thì sẽ đến lúc không còn ai lên tiếng cho họ, sẽ đến lúc không còn gì ở Việt Nam để mà sống để mà yêu, để cho người Việt hải ngoại “hung hăng” lên tiếng cho nó.

Nhưng vẫn còn hy vọng: những người tu sĩ trẻ tuổi Bát Nhã bình tĩnh hiền hòa đối diện với cả hệ thống côn đồ, những giáo dân can đảm biểu tình đòi lại đất ở Thái Hà, Tam Tòa, những nông dân can đảm bền bỉ kiện đòi lại đất, những trí thức ít ỏi lên tiếng trong vụ bauxite, lên tiếng trong vụ Bát Nhã, những trí thức của Viện IDS tự giải thể để phản đối Quyết định 97, một vài tu sĩ Phật giáo và Thiên Chúa giáo dám bênh vực các tăng ni Bát Nhã, một vài con người có thể sống giàu sang yên ổn lại chọn con đường đấu tranh một cách hòa bình cho một tương lai Việt Nam sáng lạng hơn, những blogger can đảm dám phê phán nhà nước, những trang web hải ngoại như BBC, talawas, Người Việt, Thông Luận, RFA…, những viên chức chính quyền dám lên tiếng vì những bất công, những sinh viên dám phản đối vụ Hoàng Sa-Trường Sa…
Và để hy vọng thành hiện thực, phải cần thêm nhiều người tốt và can đảm hơn.

17/10/2009
© 2009 Võ Tấn Phong
© 2009 talawas blog



No comments: