Friday, October 16, 2009
"KIÊN ĐỊNH" . . . và NGUY CƠ MẤT NƯỚC
"Kiên định"... và nguy cơ mất nước
Phạm Trần
Đăng ngày 16/10/2009 lúc 02:19:19 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4233
Tổ chức Phật giáo đối lập với Nhà nước Cộng sản Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất do Hoà thượng Thích Quảng Độ lãnh đạo, đã lên tiếng cảnh giác về nguy cơ dân tộc bị suy vong trước hiểm hoạ xâm lăng của ngoại bang.
Lời báo động này được đưa ra tại Đại hội khoáng đại kỳ 4 Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ, tổ chức tại chùa Diệu Pháp, thành phố San Gabriel, California, trong 3 ngày 9, 10 và 11 Tháng 10/2009, cùng thời gian với Hội nghị lần 11 của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam Khoá X diễn ra tại Hà Nội để bổ sung và phát triển “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991.
Tuy nhiên, sau 6 ngày họp từ 05 đến 10/10/2009, 180 Uỷ viên Trung ương vẫn dậm chân tại chỗ, vẫn còn những ý kiến khác nhau như họ đã thể hiện tại kỳ họp 10 từ 29/6 đến 4/7.
Thông báo của Hội nghị 11 viết: “Trên cơ sở những quan điểm, tư tưởng, định hướng cơ bản của Cương lĩnh năm 1991 và kế thừa những nội dung vẫn còn nguyên giá trị trong Cương lĩnh năm 1991, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) đã bổ sung, phát triển nhiều nội dung mới hoặc điều chỉnh, viết lại một số điểm không còn phù hợp; diễn đạt khái quát, chắt lọc chặt chẽ, có hệ thống hợp lý hơn, khắc phục trùng lặp, có độ dài tương đương Cương lĩnh năm 1991.
Qua thảo luận, Ban Chấp hành Trung ương cơ bản đồng ý với dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển); đồng thời, cho ý kiến cần làm rõ thêm một số nội dung và cách thể hiện về quá trình cách mạng và những bài học kinh nghiệm, bối cảnh tình hình quốc tế, các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, mục tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta, về chế độ sở hữu, các thành phần kinh tế, phát huy dân chủ và phương hướng, nhiệm vụ cơ bản trên một số lĩnh vực...
Trên một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau hoặc cần được làm rõ, Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị nghiên cứu, cân nhắc, trình Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 12“.
Trong Cương lĩnh 1991, viết vào giai đoạn các nước cộng sản Đông Âu và Liên bang Xô Viết nối đuôi nhau sụp đổ, đã khẳng định 3 điều then chốt:
Thứ nhất, “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.”
Thứ hai, trong lĩnh vực Kinh tế, Cương lĩnh viết loanh quanh: “Phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.”
Thứ ba, về mặt tư tưởng và văn hóa, Cương lĩnh quy định: “Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hoá làm cho thế giới quan Mác - Lênin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chỉ đạo trong đời sống tinh thần xã hội”.
Trong cả 3 điều cốt lõi này, dù những người soạn thảo có cố tình lý luận ra sao chăng nữa thì chung cuộc cũng chỉ nói được một điều, đó là tìm mọi cách để duy trì chế độ Cộng sản độc tài ở Việt Nam bằng mọi giá.
Nhưng cũng vì đảng Cộng sản Việt Nam không muốn cho dân được hưởng những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và các quyền tự do với thế giới văn minh ở Thế kỷ 21 nên sau 18 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 23 năm tiến hành công cuộc đổi mới và 10 năm thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội 2001 – 2010, Việt Nam vẫn còn là một trong số các nước nghèo nàn và chậm tiến nhất địa cầu !
Ngay so với các dân tộc láng giềng Đông Nam Á, người dân Việt Nam vẫn chưa được hưởng các quyền tự do như nhân dân Cao Miên, điển hình như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do lập hội, đảng phái chính trị và tự do bầu cử, ứng cử.
Vì vậy mà ngay trong nội bộ đảng, đã có những hoài nghi nổi lên về lý do duy trì chủ nghĩa cộng sản lỗi thời cũng như vai trò lãnh đạo độc tôn quá lâu của đảng dựa vào quy định phản tiến bộ và phản dân chủ của Cương lĩnh 1991. Sự ràng buộc phản khoa học của Cương lĩnh 1991 còn là nguồn gốc phát sinh ra những xung đột đang lan rộng trong đảng và nhân dân đối với các chủ trương và chính sách kinh tế tự do nửa vời do nhà nước định hướng và kiểm sóat.
Bên cạnh đó, những bất đồng ý kiến ngày một lên cao đang lan nhanh trong xã hội đối với quyết định độc tài của đảng để cho Tàu vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên đe doạ an ninh và kinh tế của Việt Nam. Người dân, nhất là giới thanh niên, còn nổi giận trước thái độ qụy lụy đến nhu nhược của Chính phủ trước hành động ngang ngược, liên tục vi phạm chủ quyền lãnh thổ của hải quân Trung Hoa. Chúng đã thường xuyên đe doạ, tấn công, đánh đâp, bắt chuộc tiền và cướp bóc tài sản của ngư dân Việt Nam đánh cá quanh khu vực Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài ra người dân còn mất tin tưởng vào đảng trong quyết tâm phòng, chống tham nhũng, cải tổ hành chính, xây dựng và chỉnh đốn đảng để làm sạch guồng máy Nhà nước. Quyền làm chủ đất nước của dân ghi trong Hiến pháp cũng đã bị cán bộ, đảng viên lộng hành, chà đạp nên thay vì làm “đầy tớ” nhân dân, họ đã ngồi lên đầu dân để làm ông chủ bất khả xâm phạm !
Vì vậy mà trong Bài diễn văn bế mạc Hội nghị 11, Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng mới lưu ý 180 Uỷ viên Trung ương: “Công tác xây dựng Đảng là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng và có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ ta. Nội dung quan trọng này cần phải được thể hiện rõ trong Báo cáo chính trị. Hội nghị cũng đã thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề cần nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng nhằm đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ xây dựng Đảng, đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn mới.”
Nhưng những điều ông Mạnh nói không có gì mới vì đảng đã thực hành Kế hoạch xây dựng cán bộ đến năm 2020 từ mấy năm rồi mà kết qủa vẫn như nước đổ lá khoai.
Tình trạng rệu rã của cán bộ, đảng viên không còn che đậy được nữa mà đảng thì vẫn muốn Điều lệ Đảng phải: “Tiếp tục khẳng định những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, thể hiện rõ bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa Đảng với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Hiểm hoạ
Nhưng trước hiểm hoạ xâm lăng lãnh thổ của Trung Hoa ngày một đến gần thì xâm lăng kinh tế đã gây khốn khó cho nền kinh tế của Việt Nam từ mấy năm qua. Đảng và Nhà nước CSVN đã hoàn toàn bất lực trước sự xâm nhập như nước vỡ bờ của hàng hóa Tàu nhập lậu, bán rẻ mà phẩm chất lại cao hơn khiến cho hàng hoá của Việt Nam ế ẩm, thua lỗ, không còn cạnh tranh được.
Đó cũng là lý do tại sao Hoà Thượng Thích Quảng Độ, Lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã kêu gọi đồng bào trong nước hãy can đảm tẩy chay hàng Trung Hoa để bảo vệ chủ quyền kinh tế, trong khi Bộ Chính trị đảng CSVN chỉ dám kêu gọi người dân dùng hàng Việt Nam để tránh động đến lỗ chân lông của Lãnh đạo Bắc Kinh.
Vì vậy, mọi người đã không ngạc nhiên khi nghe Hoà thượng Quảng Độ cảnh báo qua Đạo từ của Ngài gửi tới Đại hội Khoáng đại kỳ 4 Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ: “Độc tài chính trị chỉ phù du một thời, nhưng đạo Giải thoát Giác ngộ là của muôn đời. Trước cảnh tha hóa suy tàn của đạo đức dân tộc ngày nay, Giáo hội cần chuẩn bị nhân sự từ giới xuất trần đến giới tại gia để đảm lãnh đời sống tinh thần cũng như xã hội của dân tộc. Bảy mươi năm tàn phá khốc liệt con người và xã hội của chủ nghĩa Cộng sản tại Liên xô và Đông Âu cũ bi thảm như thế nào, thì sự trạng này cũng kinh khiếp như thế ấy tại Việt Nam. Phật giáo cần chuẩn bị đối diện với một đất nước điêu linh, một xã hội loạn lạc, một dân tộc vong tính trong những năm tháng tới.”
Trong khi đó thì Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác lại mạnh mẽ báo động trước 300 Phái đoàn đại biểu: “Đất nước đang đứng trước hoạ xâm lăng mà nghĩ là an bình thịnh trị ; Phật giáo đang bị khai thác làm công cụ cho chế độ đương quyền mà nghĩ là nhà nước ủng hộ Phật giáo ; nội bộ giáo hội bị phân hóa để biến tướng mà nghĩ là đang bình chân như vại. Những cái nhìn như vậy cũng tai hại như chính những nguyên nhân tạo nên pháp nạn và quốc nạn hiện nay”.
Thượng toạ Tổng thư ký Thích Viên Lý, Trưởng Ban Tổ chức Đại hội cũng thẳng thắn nói trước Đại hội: “Việt Nam của chúng ta đang là một tử địa. Dân tộc Việt Nam vẫn sống trong lầm than, độc tài, bất công và bạo lực. Bất công, bạo lực và độc tài là một tội ác. Là một Phật tử, với tâm từ bi, tất nhiên chúng ta không chỉ lên án bạo lực, bất công mà còn nỗ lực hành động để chận đứng mọi bất công và bạo lực”.
Cùng trong một thời gian mà khi đảng Cộng sản Việt Nam bình chân như vại trước kế hoạch xâm chiếm lãnh thổ của người Tàu Bắc Kinh để chú tâm vào củng cố quyền lực và duy trì chủ nghĩa Cộng sản tại Hội nghị 11 thì các Nhà sư lại báo động công khai về hiểm hoạ diệt vong của giống nòi.
Có khác chăng là khi những kẻ cầm quyền CSVN chỉ biết củng cố địa vị để hưởng lợi cho bản thân và phe nhóm thì các bậc tu hành lại hiên ngang lên tiếng hô hào bảo vệ đất nước dù trong tay không có một tấc sắt.
Phạm Trần
15/10/2009
© Thông Luận 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment