Saturday, October 10, 2009

HERTA MULLER và CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI CỘNG SẢN


Từ cuốn sách về chế độ độc tài cộng sản đến Giải thưởng Nobel Văn học 2009
Lê Diễn Đức
09/10/2009 7:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=11303
Herta Müller sinh ngày 17/08/1953 tại Banat (thuộc Nitzkydorf, Romania), một ngôi làng đa sắc tộc nhưng với đa số người Đức.
Trong Đệ nhị Thế chiến cha bà là quân nhân SS của Đức Quốc xã. Sau chiến tranh mẹ bà đã bị trục xuất đi lao động cưỡng bức tại Liên Xô cùng với những người Đức khác.
Bà sử dụng tiếng Đức từ bé, còn tiếng Romania chỉ bắt đầu khi tới trường.
Bà nghiên cứu văn học Đức và văn học lãng mạn tại Timisoara. Thời gian này bà thuộc nhóm văn học có tên Aktionsgruppe Banat, nơi bà gặp người chồng tương lai.
Năm 1976, bà làm việc như một dịch giả các văn bản kỹ thuật trong một nhà máy sản xuất máy móc. Năm 1979, vì từ chối hợp tác với Securitate (cơ quan mật vụ) của chính quyền cộng sản, bà bị mất việc. Bà kiếm sống bằng công việc trong nhà trẻ và dạy thêm tiếng Đức.

Năm 1982, bà qua được kiểm duyệt và cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay Niederungen (Vùng đất thấp). Sau khi công bố phiên bản đầy đủ vào năm 1984 ở Tây Đức, ra mắt công khai với tên Herta Müller, bà bắt đầu giành được những giải thưởng đầu tiên và được thừa nhận là một tiếng nói mới trong văn học Đức.
Năm 1987, cùng với chồng là Richard Wagner, sau hai năm chèo lái tận lực, bà đã di tản được sang Tây Berlin, Tây Đức. Bà đã làm việc như là một nhà văn được hưởng quy chế định cư và làm “giáo sư khách mời” thuyết giảng tại một số trường đại học ở Đức và ở nước ngoài, trong đó có Đại học Tự do tại Berlin, nơi bà hiện đang sống. Bà là dịch giả của rất nhiều tác phẩm trong hơn 20 thứ tiếng. Bà đã nhận nhiều giải thưởng văn học của Đức, trong đó có giải thưởng uy tín nhất – Giải Kleist và những giải thưởng khác của nước ngoài. Hầu hết các tác phẩm của bà đều đã được dịch ra tiếng Ba Lan và được công chúng Ba Lan ái mộ.
Cuốn sách đầu tay Niederungen mô tả về cuộc sống tại ngôi làng Banat từ bối cảnh của một đứa bé, cái nhìn của nó, những cử chỉ và nỗi sợ hãi phải đương đầu với thế giới của người lớn, với sức mạnh đứng trên đời sống và cái chết. Những bóng ma nguy hiểm như thường trực. Con người có cảm giác bị đóng cửa trong cơn ác mộng không lối thoát. Bà là nhân chứng của một thế giới bị thống trị bởi hận thù và đối xử tàn ác, vô cảm với các nghi lễ và chuẩn mực trong chế độ cộng sản độc tài Ceauşescu. Cộng đồng này bị cấm đoán mọi tập quán truyền thống, bị rẻ rúng như một thứ nô lệ, cá tính bị tiêu diệt. Thành phố mà trong đó mọi thứ đều do Nhà nước và Đảng quyết định đã tạo nên những chuỗi dài không dứt của sự đàn áp và kiểm soát.

Mặc dù xa Romania đã hơn 20 năm, bà Herta Müller vẫn tiếp tục viết về chế độ độc tài cộng sản trong các cuốn tiểu thuyết khác và thơ của mình.
Theo Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển, ông Peter Englund, bà Herta Müller là khuôn mặt của đạo đức và hoàn hảo với các tiêu chuẩn của Giải thưởng Nobel Văn học năm nay.
“Mặt khác bà là một tác giả tuyệt vời với cách sử dụng ngôn ngữ hết sức chuẩn xác” – Englund nói – “Sống trong một chế độ độc tài luôn lạm dụng ngôn ngữ, bà bị buộc vào sự hoài nghi mỗi khi cầm bút sử dụng từ ngữ”.

Cuốn tiểu thuyết mới nhất của bà, Atemschaukel, có lẽ được yêu thích hơn cả trong cuộc bầu chọn Giải Nobel Văn học kỳ này. Bà viết về một cậu bé bị cưỡng bức vào một trại cải tạo lao động nổi tiếng ở Ukraine, mô tả hoàn cảnh đáng sợ dành cho người Đức sống tại Romania bị xua đuổi qua đó. Cuốn sách dựa trên thân phận bi kịch của những người Đức bị đày ải khổ cực và dựa trên câu chuyện do nhà thơ Oscar Pastior kể lại, một người cũng giống như Herta Müller, thuộc dân tộc thiểu số Đức ở Romania. Thoạt đầu họ có ý định viết chung, nhưng không may, Oskar Pastior qua đời vào năm 2006. Atemschaukel như là một biểu tượng chia tay của bà với nhà thơ.

Với sự trải nghiệm quá lớn trong chế độ độc tài cộng sản tại Romania, bà Herta Müller từng nói: “Tôi đóng dấu ấn lên quá khứ của mình và chúng ta hãy nhớ rằng chế độ độc tài vẫn còn là chủ đề hiện tại ở nước Đức”.

Người giành Giải thưởng Nobel Văn học được chọn bởi 18 thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Có khoảng 200 đề cử trong năm được lập thành một danh sách bí mật. Người thắng phải nhận được hơn một nửa số phiếu bầu. Herta Müller trở thành người chiến thắng thứ 106 của Giải Nobel Văn học.
Nhận được tin, bà Herta Müller nói rằng bà không tin mình được nhận vinh dự to lớn như vậy và nói rằng, bà chẳng phải là ngôi sao và không muốn bị công luận làm phiền nhiễu mà chỉ muốn được làm việc bình thường, trong sự yên tĩnh.

Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã phát biểu trước công luận rằng, Giải thưởng Nobel Văn học dành cho nữ nhà văn Đức Herta Muller thật ý nghĩa biết bao khi được trao đúng vào dịp 20 năm bức tường Berlin sụp đổ.

Chúng ta hãy chờ xem báo chí và truyền thông Việt Nam, vốn trơ trẽn tới mức điêu luyện trong nghệ thuật cắt xén thông tin, đưa tin như thế nào về việc một nhà văn xuất thân từ Đông Âu, có những tác phẩm lên án sâu sắc và mãnh liệt chế độ cộng sản, được tôn vinh với giải thưởng văn chương danh giá nhất hoàn cầu này.

Nguồn: TVP1, TVP24.pl ngày 8/09/2009
© Lê Diễn Đức
© talawas blog


Phản hồi

Bắc Phong nói:
09/10/2009 lúc 11:19 chiều
ngòi bút chống độc tài cộng sản
được công nhận giá trị văn chương
hy vọng thêm sức mạnh đối kháng
cho những người viết ở quê hương


Công tử Bạc Liêu nói:
09/10/2009 lúc 5:11 chiều
Đúng như anh Lê Diễn Đức dự đoán, báo chí VN đưa tin về Giải Nobel Văn học 2009 rất là… “một nửa cái bánh mì còn hơn không có cái bánh mì nào cả” như sau:
TTXVN:
http://www.vietnamplus.vn/Home/Nu-nha-van-Duc-doat-giai-Nobel-Van-hoc-2009/200910/19969.vnplus
“Từ năm 1973-1976, bà bắt đầu nghiên cứu văn học Đức và Romania tại trường đại học Timisoara. Bà cùng chồng sang Đức sinh sống từ năm 1987. Theo đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển, với sự cô đọng của thi ca và tính chân thực của văn xuôi, các tác phẩm của bà Mueller đã mô tả sinh động những gì diễn ra ở Romania khi bà còn sinh sống ở mảnh đất này.”
eVăn:
http://evan.vnexpress.net/News/Tin-tuc/2009/10/3B9AE70A/
“Herta Müller sinh năm 1953 trong một gia đình nông dân tại Timiş, Romania. Lớn lên, bà theo học tiếng Đức và Văn học Romania tại Đại học Timişoara. Từng trải qua nhiều nghề như phiên dịch, dạy học, Müller xuất bản cuốn sách đầu tiên năm 1982. Từ năm 1987, bà cùng chồng sang Đức và định cư ở đây cho đến nay.”
TTVH:
http://www.thethaovanhoa.vn/173N20091009090730985T133/herta-mueller-bat-ngo-gianh-giai-nobel-van-hoc-2009.htm
“Bất ngờ đối với tất cả, Ủy ban Nobel đã lờ đi mọi ứng cử viên sáng giá được nhà cái đặt cược rất cao và chọn một nữ văn sĩ Đức gốc Romania không mấy nổi tiếng để trao giải Nobel Văn học năm 2009: Herta Mueller.”
Nhưng bất ngờ thay, tờ An ninh Thủ đô lại làm một quả ngoạn mục:
http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=59301&channelid=7
“Khi lên đại học và sau đó làm nghề thông dịch, bà đã nhiều lần từ chối, không cộng tác với mật vụ Securitate của Ceauşescu. Nhiều tác phẩm đầu tay của Herta Müller đã bị chế độ cộng sản Rumani thời đó kiểm duyệt. Năm 1987, bà thành công cùng chồng vượt biên sang…” (Câu này bị bỏ dở, nhưng đối với một tờ báo có nhiệm vụ làm lính gác ở lề phải thì thế là oanh liệt lắm rồi.)
Còn ai muốn đọc thông tin trung thực hơn mà không phải trèo tường lửa thì vào blog của nhà văn Nguyễn Quang Lập:
http://quechoablog.wordpress.com/2009/10/09/herta-mueller-gianh-gi%E1%BA%A3i-nobel-van-h%E1%BB%8Dc-2009/
“Bằng việc trao giải thưởng cho Herta Mueller, một người lớn lên trong cộng đồng thiểu số nói tiếng Đức ở Rumania,(ủy ban) đã ghi nhận một tác giả quyết không để cho mảng cuộc sống phi nhân dưới chế độ cộng sản bị rơi vào quên lãng,20 năm sau ngày kết thúc cuộc xung đột Đông-Tây.”
“Giải thưởng này là sự thừa nhận quốc tế đối với việc đàn áp những gì xảy ra ở Rumania và Đông Âu.”
Mèng ơi, có mỗi chuyện đưa tin về một người lạ hoắc, không làm chết người Việt nào, mà cũng dứ dứ cho nửa mẩu bánh mì. Chắng trách cái bức tường Berlin xa hoắc xa hơ cũng làm anh Osin bay việc!

Lê Diễn Đức nói:
09/10/2009 lúc 4:20 chiều
Lướt các trang điện tử của Vietnamnet, Tuổi Trẻ, VnExpress,… tin về Giải Thưởng Nobel Văn Học dành cho Herta Muller được nói tới nhưng không một tờ nào viết về các tác phẩm của bà với chủ đề chính là phê phán chế độ cộng sản. Chắc chắn vì sợ “ăn đòn” nên báo chí VN đã cố tình tránh né với phương châm “im lặng là vàng”. Cũng dễ hiểu thôi, nhưng mà có cái gì đó thật đáng xấu hổ cho bản lĩnh và tính trong sáng, trung thực của người viết báo.
Thà không đăng tin như một số tờ khác, còn không, đã nói thì hãy nói cho rõ ràng, cho hết. Phải chăng đây là thân phận của những cây bút “viết thuê”? – Tôi mượn hai từ “viết thuê” của Tố Hữu trong bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi!” viết về Nguyễn Văn Trỗi, nhắm vào báo giới của Việt Nam Cộng Hòa.

-------------------------------


Thân phận con người trong lòng chế độ cộng sản : chủ đề sáng tác của Herta Müller, Nobel Văn học 2009
Bảo Thạch
Bài đăng ngày 09/10/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 09/10/2009 17:25 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/118/article_5247.asp
Trong bài trước, RFI đã giới thiệu với quý vị tập sách La Convocation (Lời triệu mời lên thẩm vấn). Hôm nay, tiếp tục lọat bài về Nobel Văn học 2009, chúng ta sẽ tìm hiểu về tiểu thuyết tiếng Đức là ‘’Der mensch ist ein grosser fasan auf der welt’’, được dịch sang tiếng Pháp dưới tựa ‘’L’homme est un grand faisan sur terre’’ (Con người là chim trĩ lớn trên mặt đất). Còn tựa tiếng Anh lại khác ‘’The passeport’’ có nghĩa là Tờ hộ chiếu.

Câu chuyện diễn ra trong khung cảnh một ngôi làng hẻo lánh tại một nước giáp ranh với Liên Xô, vào một thời điểm không được ấn định rõ ràng, có thể là những năm 70 hay đầu thập niên 80. Khi đọc sâu vào tiểu thuyết, ta có thể xác định đây là miền đất thuộc Rumani, bởi vì bên cạnh những người dân làng nói tiếng Đức, xuất thân từ gia đình gốc Đức, còn có người Rumani và người tzigan.
Nhân vật chính là Windisch làm nghề xay bột, vợ là Katharina, đứa con gái mới lớn tên Amélie.
Mở đầu câu chuyện, trang thứ nhất, Herta Müller viết :
‘’Mỗi buổi sáng, khi Windisch một mình đi đến cối xay bột, hắn đếm: hôm nay là ngày mồng mấy nhỉ? Một khi đến trước tượng đài liệt sĩ, hắn đếm bao nhiêu năm. Rồi xa hơn một chút, gần cây dương đầu tiên, nơi mà xe đạp của hắn lún sâu mãi vào cái con đường mòn duy nhất này, hắn lại đếm bao nhiêu ngày ‘’.
Windisch khác với người dân làng. Kể từ khi hắn muốn xuất ngọai, hắn đếm thòi gian, ngày tháng, trong khi đó Herta Müller viết ‘’ thời gian đã ngừng trôi, đối với những người muốn ở lại’’. Hiềm một nỗi, kể từ khi hắn xin hộ chiếu di cư, Windisch lại thấy cái chết xuất hiện khắp nơi. Hắn không hẵn là đã mất trí khôn. Mỗi sáng, đến cối xay, hắn nói chuyện với người gác đêm. Tên này phẫn uất, vợ hắn đã chết, mà hắn ta đã tha thứ tất cả cho vợ, tha thứ cả cái tội ngọai tình với người hàng xóm bán bánh mì, vậy mà hắn không thể tha thứ vì sao mà bà ta lại bỏ hắn một mình trên cõi đời. Không riêng gì Windisch, trong ngôi làng còn có bà cụ Kroner cũng cảm thấy có điềm gở. Bà cụ suốt ngày uống nước lá điền ma (tiếng Pháp gọi là Tilleul). Một hôm, bỗng dưng bà cụ thấy cái chết hiện lên trong đáy chén nước lá.
Cuộc sống vốn đã chật vật lại ngặt nghèo hơn kể từ khi Windisch muốn xuất ngọai. Đã hơn một chục lần, hắn phải mua chuộc tên lý trưởng bằng vài bao bột xay vậy mà hộ chiếu vẫn chưa thấy tăm hơi. Đứa con gái của Windisch, Amélie bán mình cho tên công an trưởng, để đốc thúc cho hồ sơ xin di cư được nhanh chóng giải quyết. Con bé thật ghê gớm. Bố nó biết, nó sẵn sàng cởi quần cởi áo cho ai biếu xén nó một món đồ nó ưng ý. Nó chẳng vừa. Bà mẹ ghẻ, vợ thứ nhì của Windisch, bị con bé Amélie mắng vào mặt : "Lúc ở bên Nga, mẹ làm đĩ".
Thằng bố nhí của Amélie, thằng Rudi, kỹ sư, cũng khôn khéo, lanh lợi hơn người, tuy vào lúc mới lớn, hắn đã bị giam vào bệnh viện tâm thần. Đút lót, chiều chuộng tên mật thám trưởng trong làng đã giúp cho Rudi mau chóng nắm hộ chiếu mới tinh trong tay. Đàn bà mới khó nhọc mà được quyền xuất ngoại, tên công an trưởng cứ giả bộ làm mất hồ sơ xin hộ chiếu, đến năm lần bẩy lượt. Gia đình nào muốn ra đi phải cử đại diện phái nữ đến tìm hắn. Ở đằng sau nhà Bưu điện, tên công an này đã bầy sẵn một cái nệm, hắn tiếp đón chị em các gia đình muốn di cư.
Bán hết đồ đạc để mua hộ chiếu, cuối cùng, gia đình Windisch thành công ra đi, bỏ lại đằng sau ngôi làng cũ.
Sau này, vào một ngày mùa hè, bố con Windisch mặc âu phục đắt tiền, bà mẹ Katherina đi đôi giầy cao gót cứ lún sâu xuống đất bùn, trở lại ngôi làng xưa, lấp lánh trên gương mặt họ và quần áo những biểu hiện của sự thành đạt và hào quang phương Tây. Thế nhưng, trong buổi lễ cử hành tại nhà thờ, người ta lại thấy lung linh trên gò má của Windisch một giọt lệ bằng thủy tinh. Đến đây, câu chuyện kết thúc.
« Con người là chim trĩ lớn trên mặt đất », cái tên của tiểu thuyết này được nhà văn cảm thụ từ một tục ngữ của Rumani, theo đó, người nào bị gọi là « chim trĩ » là đứa ngu, đứa ngốc, bị kẻ khác lợi dụng. Một khi diễn nghĩa, cái tên của tiểu thuyết có thể là « Con người là loài vật cực kì ngu muội, bị đánh lừa suốt đời ». Giọt lệ bằng thủy tinh trên gò má của Windisch có thể là nỗi ám ảnh không nguôi, cái vốn sống oan nghiệt đã ăn sâu vào tâm trạng nhân vật này, vô phương cứu chữa.

Tiểu thuyết này, tuy vậy, không hề rơi vào vòng bi lụy. Với những câu văn rất ngắn, rất khúc chiết, mang chất thi ca gần với chủ nghĩa siêu thực. Khi Herta Müller miêu tả một chiếc đồng hồ lớn nhưng không có kim chỉ giờ để ám chỉ thời gian đã ngưng đọng. Khi bà kể về câu chuyện vụ án cây táo lạ, cứ được quả nào ra là có một cái miệng ở thân cây xuất hiện và ngốn ngay quả táo đó, khiến cho cả làng phải trình lên cấp trên và cấp trên cử một phái đoàn thanh tra mang một cái tên rất quan liêu dài ngoằng.
Văn phong của nhà văn này rất độc đáo, bởi nó vừa lạnh lùng, tàn nhẫn, phô trương cái thân phận bèo bọt của con người bị lệ thuộc và đối xử dã man trong chế độ toàn trị, nhưng đồng thời, nó chuyển tải nhiều hình tượng rất trữ tình, như đoạn viết ngắn ngủi : « Mặt trăng lốm đốm bóng mây đỏ » hay là khi mượn các loài vật như con cóc, cho chúng biết nói tiếng loài người để chúng phát âm và cảnh báo. Đã vậy, dòng văn của Herta Müller ở đây còn đan vào câu chuyện rất nhiều tình tiết trào lộng, như khúc Windisch bị vợ từ chối, không chăn gối với ông ta, còn mắng là : « Ông già rồi, quên chuyện đó đi », nhưng Windisch rình rập, bắt quả tang bà ta thủ dâm. Thế là ông xông vào ngay, không bỏ lỡ cơ hội. Tất cả bao nhiêu trò đời oái ăm, những câu chuyện như đùa, vậy mà Herta Müller viết « Chúa Giê Su ngủ quên trên thánh giá ».
Vậy thì đối với những kẻ bị kẹt lại làm con tin trong lòng chế độ, đi hay ở ? Phản đối hay đầu hàng ? Nói, viết hay im tiếng ? Đó là những lựa chọn không dễ dàng nhưng chắc chắn phải trả giá.

-------------------------------

Nhân vật Cuối tuần

Nobel Văn học 2009 – Người suốt đời mắc nợ
Cập nhật lúc 07:28, Thứ Bảy, 10/10/2009 (GMT+7)
http://www.vietnamnet.vn/vanhoa/200910/Nobel-Van-hoc-2009-%E2%80%93-Nguoi-suot-doi-mac-no-872949/
Giải Nobel Văn học năm nay đã thuộc về nữ sĩ người Đức Herta Müller. Bà luôn cảm thấy “mắc nợ với những con người, những sự vật, những vùng đất”.
Herta Müller sinh năm 1953 tại Romania. Từ năm 1973-1976, nghiên cứu tiếng Đức, tiếng Romania và văn học tại trường Tổng hợp Timişoara, tham gia nhóm Aktionsgruppe Banat, một tổ chức đoàn kết của các cây bút trẻ nói tiếng Đức. Năm 1987, vì lý do chính trị, Herta Müller cùng chồng rời Romania đến cư trú tại Đức. Hiện giờ bà sống chủ yếu ở Berlin.
Thực ra, nếu nhớ rằng, những năm gần đây, bất kỳ một tác gia nào lọt vào mắt xanh của hội đồng chấm giải Nobel Viện hàn lâm Thụy Điển đều khiến người ta xôn xao vì sự “không thời sự, không hot” của họ, thì cái tin Herta Müller được vinh danh năm nay lại khiến dư luận ngạc nhiên vì điều ngược lại! Đây là một cây bút rất “hot” trên văn đàn Đức.

Herta Müller chưa nhiều tuổi đến mức bị coi là tác gia của thế kỷ cũ như Doris Lessing (Nobel Văn học 2007), cũng không xa lánh báo giới và sống gần như ẩn dật như Jean-Marie Gustave Le Clezio (Nobel Văn học 2008). Bà là một cây bút còn đầy sung sức và tích cực tham gia vào cuộc sống hiện đại. Thậm chí, người ta thấy tên Herta Müller ký dưới rất nhiều bức thư ngỏ phản đối chiến tranh ở Chechnya. Bà viết đều và xuất bản nhiều, là tác giả của 19 tiểu thuyết và truyện vừa. Tác phẩm của bà được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới.
Tập truyện ngắn đầu tay của Herta Müller là tập “Những miền đất trũng” xuất bản tại Bucharest vào năm 1982, từng bị cấm phát hành tại Romania. Tại Đức, Herta Müller có nhiều tác phẩm được độc giả chú ý như tập truyện “Tháng hai chân đất” (1987), truyện dài “Con quỷ ngụ trong gương” (1991), tiểu thuyết “Ngay cả con cáo cũng từng là thợ săn” (1992), các tập tiểu luận “Cơn đói và tơ lụa” (1995), “Hôm nay có lẽ em không nên gặp anh” (1997)…
Ngoài ra, trong gia tài văn chương của mình, Müller còn có một số tuyển thơ bằng tiếng Romania và tiếng Đức được trình bày rất hiện đại – thơ cắt dán từ những mẩu báo. Năm 2000, Herta Müller cho ra mắt độc giả tập thơ – cắt dán “Im Haarknoten wohnt eine Dame” (Một người đàn bà sống trong búi tóc).
Sáng tác của Herta Müller được coi là một trong những hiện tượng đáng lưu ý của nền văn học Đức hiện đại và được giới phê bình rất quan tâm. Bà cũng là người có duyên với các giải thưởng. Từ năm 1981 cho đến nay, bà nhận được trên dưới 20 giải thưởng quốc gia và quốc tế về văn học, trong số đó, đáng kể nhất là giải thưởng mang tên Heinrich von Kleist (1994), giải thưởng Frankz Kafka (1999), giải thưởng Joseph-Breitbach (2003), giải thưởng văn học Đức Walter-Hasenclever (2006) và bây giờ là giải Nobel Văn học 2009!

Người mắc nợ cuộc sống
Herta Müller lớn lên ở một làng quê vùng Timiş (Niţchidorf) hẻo lánh. Nơi ấy, bà có một thế giới đặc biệt của riêng mình: một cộng đồng người dân gốc Đức lưu lạc ở Romania từ thời quân chủ Áo – Hung. Họ sinh hoạt tương đối biệt lập, có trường học riêng, có ý thức giữ gìn ngôn ngữ gốc. Chính vì thế, ngay từ khi bắt đầu sáng tác, Herta Müller đã viết bằng tiếng Đức. Bà cảm nhận ngôn từ tiếng Đức tinh tế hơn nhiều đồng nghiệp sinh ra và lớn lên ở Đức.
Bà tìm được trong ngôn ngữ này cách biểu cảm độc đáo và bất ngờ bởi bà vừa nắm vững tiếng Đức như tiếng mẹ đẻ, lại vừa có cái nhìn của một người từ bên ngoài, một người lớn lên ở một đất nước khác, một nền văn hóa khác. Người ta so sánh khả năng linh hoạt về ngôn ngữ của Herta Müller với nhà thơ Heinz Erhard, một người Đức sống ở Riga, nắm vững và hiểu sâu sắc ba ngôn ngữ: Nga, Đức, Latvi.
Trong cách hành văn, ngôn ngữ của Müller khá đặc biệt – nó như cách một đứa trẻ tiếp nhận thế giới ngôn từ theo cách riêng của mình, đầy bất ngờ. Müller từng viết trong cuốn tiểu luận “Nhà vua cúi chào và xuống tay giết người” về quan niệm của mình về ngôn ngữ như sau: “Đối với phần đông mọi người, không hề có kẽ hở nào giữa một từ và sự vật mà từ ấy gọi tên, muốn nhìn được ra kẽ hở ấy, có lẽ cần phải định vị ánh mắt vào cõi mông lung, giống như tuột từ thân thể chính mình vào chỗ trống vậy…. Trong mỗi một ngôn ngữ, nghĩa là mỗi một phương cách để chuyển tải lời nói, đều ẩn giấu những cái nhìn khác”
Herta Müller là một cây bút bao quát nhiều thể loại. Bà viết truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, tiểu luận, đoản văn, và cả thơ. Trong một tác phẩm của mình, nữ sĩ đã viết: “Tôi… chính là hồi ức về bản thân mình” – gần như là một tuyên bố quan niệm về nghề của bà. Ký ức giống như lương tâm, lên tiếng thông qua nhà văn, nhà văn chỉ là công cụ của ký ức – lương tâm mà thôi. Với Müller, những hồi tưởng trở thành chất liệu cho gần như mọi tác phẩm của bà, trở thành một thủ pháp nghệ thuật cơ bản của tác giả.
“Tôi không có bổn phận gì hết đối với văn học. Những gì tôi viết, tôi hoàn thành sứ mệnh đối với bản thân tôi.” – Müller từng nói như vậy. Bà nói đến “nghĩa vụ của mình trước những điều đã có trong ký ức”, đến sự thật cần được nói ra mà bà luôn cảm thấy “mắc nợ với những con người, những sự vật, những vùng đất”. Nghĩa là, Herta Müller đến với nghề bằng sự thôi thúc tự thân, bằng sự mong muốn được “trả những món nợ” tinh thần ấy.
Một trong những miền đất mà bà mắc nợ chính là Romania. Herta Müller khi đã chọn con đường ra đi rồi, thì dường như vẫn chưa hề rời khỏi đất nước bà đã gắn bó từ tuổi ấu thơ. Romania hiện lên trong mọi cuốn sách bà viết sau này, với mây trời cây cối, những con chó con bò, những cánh đồng ngô trải rộng, những con đường nhựa ở Timiş, với cả thứ phương ngữ thân thuộc của vùng quê bà từng sống.
Những gì nữ sĩ về miền đất này có thể coi như chứng nhân cho thời thế, cho một giai đoạn lịch sử, trong đó khắc họa con người rất rõ nét, sự tồn tại vô vọng của họ, sợ hãi, bạo lực, trống trải… của một thời. Herta Müller từng nói: “Trong nhiều tác phẩm của tôi, Romania cứ hiện ra, cứ trào ra… Tôi chỉ mong sao Romania và chế độ xã hội ấy đừng có nhoi lên phía trước, đừng đập vào mắt người đọc như thế. Thế nhưng, trong mọi văn bản tôi viết, chúng vẫn cứ có mặt, kể cả khi đề tài hoàn toàn khác.”

Đề tài dữ dội, cách viết trữ tình
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí cách đây mấy năm, Herta Müller cho rằng, “văn học giúp ta hiểu thấu đáo hiện thực hơn, giúp ta đối diện với nó chứ không phải chạy trốn”. Vì thế, bà không ngại khai thác những đề tài “dữ dội” mang màu sắc chính trị. Nhưng cách viết lại linh hoạt: khi đơn giản, hiện đại, lúc lại mang hơi hướng cổ điển trữ tình, ảnh hưởng của nền văn học Nga mà bà rất hâm mộ. Müller đặc biệt yêu thích các nhà thơ Nga Venedikt Eropheev, Marina Tsvetaeva và Daniila Harms.
Truyện ngắn của Herta Müller độc đáo ở tính thơ nội tại, với những chi tiết được hình tượng hóa, với dung lượng từ không nhiều, đôi lúc sử dụng thủ pháp láy ngữ láy hình ảnh và nhịp điệu mở. Thế nhưng, mạch cảm xúc lại dồn nén đến độ lạnh lùng, nhưng luôn tạo hiệu quả bất ngờ khi kết thúc.
Chẳng hạn, viết về tình cảnh túng quẫn cùng cực của một người muốn rời bỏ đất nước mình, bà bắt đầu như mở đầu một bài thơ: “Từ bìa rừng một người màu xanh lá cây đi dọc theo cánh đồng. Cái gáy của người ấy được cạo trọc lốc. Người màu xanh lá cây đeo một chiếc ba-lô màu xanh lá…” Sau đó, cuộc sống bi đát hiện lên dần dần, chỉ bằng những lời văn tả ngắn gọn, không kể lể, không một lời cảm thán từ phía tác giả.

Đến cả viết về cái chết cũng tưởng chừng rất thản nhiên: “Ba năm trước Karl từng muốn vào núi ở. Trước khi Karl trở lại làng, cha anh đã treo cổ trong nhà kho. Karl nhìn thấy đôi giày của cha ở cạnh miệng giếng. Trước khi chết, kẻ tự vẫn từng có ý định trẫm mình.
Hai năm trước Karl từng muốn ra miền biển…
Một năm trước Karl từng muốn bỏ xứ mà đi…”
(truyện ngắn “Giữa mùa hè”)

Ngược lại, thơ của Herta Müller lại khúc triết, duy lý mà vẫn đầy sức gợi, với cách trình bày cắt dán ngộ nghĩnh ấn tượng:
Trong bọc lông vũ có con gà trống đang sống
Trong bọc lá phong có cả hàng cây
Hồn con thỏ trong bọc đựng lông mềm
Trong bọc nước mắt một mặt hồ đang ngủ

(Ba bài thơ)

Cuốn tiểu thuyết mới nhất Herta Müller viết năm 2009 có tên “Atemschaukel” (tạm dịch là Nhịp thở) là một tác phẩm thuộc thể loại non-fiction (phi hư cấu) viết về cuộc đời có thực của một người Đức sống ở Romania trải qua thời kỳ ở trại lao động cưỡng bức ở Ukraine.
Vừa mới xuất bản, cuốn sách đã được đề cử giải Deutscher Bücherpreis, một trong những giải thưởng văn học có uy tín ở Đức. Trong tác phẩm, có sự thật mà gia đình Herta Müller từng trải qua, có bi kịch của 80 nghìn người Đức sống ở Romania bị cưỡng chế rời Romania vào năm 1945. Có lao động khổ sai, có cái đói, cái rét và cả chết chóc. Để viết cuốn sách này, nhà văn đã cất công tìm gặp rất nhiều nhân chứng, nhưng bà thất vọng vì cách kể chuyện rập khuôn, không tình tiết sống động của họ.

Người ta không quên nhưng không muốn hoặc không quen, không biết cách nhắc đến những bi kịch của một thời như nhắc về một hiện thực gần gũi có thật. Về sau, nữ sĩ may mắn tìm được một “người đồng hành” quan trọng là tác giả người Đức từng sống ở Romania Oscar Pastior (1927-2006), một nhân chứng sống. Hai người đã tìm về Ukraine, về nơi Oscar đã từng lao động trong trại. Tiếc rằng năm 2006, Oscar qua đời, Herta Müller đã hoàn thành cuốn sách mà không có sự trợ giúp đắc lực của người bạn văn - nhân chứng sống ấy.
Điều đáng nói là, giới phê bình văn học Đức nhận xét rằng, cuốn sách được viết một cách trữ tình cho dù nội dung dữ dội. Sự thật phơi bày trong tác phẩm được cách truyền tải “trữ tình” ấy làm cho thật và dễ cảm nhận hơn. Đó có lẽ cũng là lý do mà Herta Müller được nhận giải Nobel lĩnh vực văn học năm 2009: vì “sự dồn nén của thơ và sự chân thực của văn xuôi mà tác giả dùng để lột tả bối cảnh cuộc sống của những người thống khổ bị tước đoạt miền đất của mình”
Thụy Anh


No comments: