Friday, October 23, 2009

DÂN và NHÀ NƯỚC Không Đi Chung Một Đường


Dân và nhà nước không đi chung một đường
Phạm Trần
Đăng ngày 22/10/2009 lúc 14:44:05 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4251

Quốc hội giả điếc trước “quốc nạn” bauxite

Kỳ họp lần 6 của Khóa Quốc hội 12 đã khai mạc tại Hà Nội hôm 20-10-2009, nhưng trong lúc đảng và nhà nước lạc quan dè dặt thì người dân lại hoàn toàn bi quan trước tất cả mọi vấn đề của đất nước.

Theo lời Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp kéo dài một tháng có 5 nhiệm vụ:
Một là, “xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2010”.
Hai là, “thảo luận và thông qua 8 dự án luật: Luật người cao tuổi; Luật khám bệnh, chữa bệnh; Luật viễn thông; Luật tần số vô tuyến điện; Luật dân quân tự vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục; Luật thuế tài nguyên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp“.
Cho ý kiến về 10 dự án luật: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi); Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật thuế nhà, đất; Luật nuôi con nuôi; Luật thi hành án hình sự; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật người tàn tật; Luật bưu chính; Luật trọng tài thương mại và Luật an toàn thực phẩm.”
Ba là, “tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Xem xét một số báo cáo kết quả giám sát do Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội thực hiện. Xem xét Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị từ sau kỳ họp thứ năm đến nay, chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; Báo cáo giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các công trình quan trọng quốc gia. Xem xét, thông qua Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010”.
Bốn là, “xem xét các báo cáo công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ và các ngành Toà án, Kiểm sát về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác thi hành án, phòng, ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác đối ngoại của Nhà nước, tình hình quốc phòng, an ninh; quá trình và kết quả một năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan; và một số báo cáo chuyên đề khác”.
Năm là, “xem xét, quyết định về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận”.

Gác lại đề tài “bauxite”
Tuy nhiên, trong bài diễn văn khai mạc ông Trọng không nói gì đến quyết định của Ban Thường vụ Quốc hội hoãn yêu cầu Chính phủ báo cáo chi tiết lợi, hại và tiến trình của kế họach khai thác bauxite ở Tây Nguyên, như đề nghị của nhiều Đoàn Đại biểu và các Đại biểu Quốc hội.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý để cho Trung Hoa vào giúp Việt Nam khai thác bauxite ở Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) năm 2008, nhiều Đoàn Đại biểu của Tỉnh, Thành và nhiều Đại biểu của dân đã chính thức yều cầu được thảo luận kỹ hơn vấn đề nóng bỏng này với Chính phủ.
Nhưng trước 4 ngày khai mạc Kỳ họp 6, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội Trần Đình Đàn cho báo chí hay là vấn đề bauxite “đã được Chính phủ báo cáo tương đối đầy đủ tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, nên sẽ báo cáo tại kỳ họp sau của Quốc hội”.
Ai cũng biết trong Kỳ họp 5, kết thúc ngày 19-6-2009 chỉ có khoảng 10, trong tổng số 493 Đại biểu có dịp chất vấn các Bộ liên hệ, nhưng vì không được ghi vào Chương trình nghị sự và khi đó còn nhiều Đại biểu chưa nắm vững vấn đề nên dự án khai thác bauxite chưa được thảo luận rộng rãi.
Tuy nhiên sau Kỳ họp 5, phản ảnh chung của các Đại biểu Quốc hội là họ chưa hài lòng với các câu trả lời của các Bộ trưởng Công thương; Tài nguyên và Môi trường; Lao động, Thương binh và Xã hội, cũng như đối với báo cáo tổng qúat về khai thác bauxite của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng.

Có 5 lĩnh vực còn vướng mắc đối với nhiều Đại biểu Quốc hội, đó là:
1) Tại sao một Kế họach kinh tế lớn như bauxite mà không đem ra thảo luận tại Quốc hội.
2) Tại sao Công ty Chalieco của Trung Hoa lại trúng thầu một cách qúa dễ dàng?
3) Tại sao lại để cho Công ty này tự do đem hàng ngàn Công nhân của họ vào làm việc tại hai Nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) trong khi nhiều người Việt Nam ở hai địa phương này không có việc làm?
4) Chưa hoàn toàn bảo đảm không nguy hiểm đến an ninh cho Quốc gia khi để cho người Tàu vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên.
5) Chưa bảo đảm an toàn vấn đề môi trường, nhất là kế họach chôn vùi Bùn đỏ có chất gây nguy hại cho tính mạng người dân và tài nguyên của Quốc gia.

Trong số 1687 ý kiến của Cử tri kiến nghị Chính phủ do Mặt trận Tổ quốc trình Quốc hội, người dân cũng đã yêu cầu Chính phủ phải: “Tăng cường công tác quản lý đối với việc khai thác tài nguyên, khoáng sản nói chung, đặc biệt là khai thác rừng, khai thác than, bô xít, titan…”
Trước Kỳ họp 5 của Quốc hội hồi tháng 5/2009 các Cử tri Hà Nội đã đồng tình với hàng ngàn Trí thức, chuyên gia khoa học, khóang sản và người dân trong và ngoài nước yêu cầu đảng phải đưa Dự án khai thác bauxite ra trước Quốc hội.
Nhưng Nhà nước lại lập luận rằng: vì chi tiêu cho mỗi Dự án ở Tân Rai và Đắk-Nông chưa đến 600 triệu Dollars nên Chính phủ không phải xin phép Quốc hội. Các Đại biểu thì cáo buộc Chính phủ đã cố tình xé dự án lớn ra nhiều dự án nhỏ để không phải xin phép.

Sở dĩ quyết định của Đảng và Nhà nước CSVN để cho Tàu vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên còn tiếp tục gây sôi nổi ở trong và ngoài nước vì càng ngày người dân càng thấy rõ âm mưu bành trướng lãnh thổ của Chính quyền Bắc Kinh, không những ngay trên lãnh thổ Việt Nam mà còn ở biển Đông.
Trong khi đó thì nhà nước Việt Nam lại tỏ ra yếu hèn trước các hành động ngang ngược của Hải quân Trung Hoa khi chúng công khai tấn công, bắt giữ và cướp tài sản của Ngư dân Việt Nam đánh cá quanh vùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Vì vậy, người ta đã không lấy làm lạ tại sao, trong Báo cáo về “Tình hình Kinh tế, Xã hội Năm 2009 và Nhiệm vụ Năm 2010” trước Quốc hội ngày 20-10-2009, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng đã cam kết với Quốc hội về việc: “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; tăng cường sức mạnh tổng hợp của các lực lượng vũ trang, chú trọng trang bị kỹ thuật và phương tiện tác chiến. Chăm lo đời sống của cán bộ, chiến sĩ; ưu tiên đầu tư cho các đơn vị tại các vùng trọng điểm, biên giới, hải đảo. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”.
Ông Dũng còn kêu gọi cả nước “Chủ động phát hiện, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”, nhưng các hành động gây hấn của người Trung Hoa đối với Việt Nam trong mấy năm gần đây ờ biển Đông và kế họach ào ạt tự ý đưa công nhân, đa số là trai tráng khoẻ mạnh vào khắp nơi ở Việt Nam có nằm trong “âm mưu” của “thế lực thù địch” không?
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết họ chỉ xác nhận có khoảng 35 ngàn công nhân nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam, nhưng Báo chí trong nước thì đưa ra con số trên 75 ngàn người, phần đông là người Tàu đã do các Công ty Tàu trúng thầu các Dự án kinh tế đưa vào làm việc không qua các thủ tục của Luật lao động.
Chính Nguyễn Tấn Dũng đã thừa nhận với Quốc hội rằng: «Quản lý nhà nước về lao động, nhất là lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chưa tốt».
Khi nói về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước đối với các lân bang, ông Dũng thúc giục: “Đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký kết Nghị định thư về Phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và các văn kiện có liên quan khác với Trung Quốc, góp phần xây dựng khu vực biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển”.
Nhưng tại sao ông Dũng chỉ nói đến đàm phán trên đất liền mà không đả động gì đến vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải Biển Đông với Trung Hoa và một số nước khác trong khu vực?

Báo cáo về sự «tụt hậu»
Về tình hình Kinh tế, nhận xét của Quốc hội phản ảnh qua lời nói của Nguyễn Phú Trọng: «Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII diễn ra vào thời điểm sắp kết thúc năm 2009, năm mà tình hình thế giới có nhiều diễn biến sôi động. Khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế thế giới vẫn tiếp diễn, cùng với những biến đổi bất thường của thời tiết, khí hậu, gây ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nhiều quốc gia. Những bất lợi đó đã tác động tiêu cực đến nước ta, làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm đáng kể, tình hình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, việc làm và đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn.... Nền kinh tế nước ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững không chỉ trước mắt mà cả những năm tiếp sau, nhất là nguy cơ về ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát cao trở lại…”
Về phần mình, ông Dũng cũng phác họa ra bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa cho những năm sắp tới, nếu Nhà nước không đạt được các chỉ tiêu đề ra trong kế họach kinh tế năm 2010.Ông Dũng nói với Quốc hội: “Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 thấp nhất trong 10 năm gần đây… Các cân đối vĩ mô của nền kinh tế chưa thật vững chắc… Kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế thị trường chưa có bước cải thiện đáng kể, hiện vẫn là những điểm nghẽn của tăng trưởng … Mạng lưới giao thông chưa hoàn chỉnh, chất lượng thấp. Hệ thống thuỷ lợi chưa đồng bộ, hiệu quả quản lý và sử dụng chưa cao. Nguồn và lưới điện chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống. Hạ tầng đô thị, hệ thống cấp thoát nước vừa thiếu, vừa kém chất lượng, bị quá tải. Tình trạng ngập úng ngày càng tăng. Quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị vẫn còn nhiều yếu kém....Quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục, đào tạo còn bất cập.
Do tác động của suy giảm kinh tế, việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn nhiều khó khăn. Chỉ tiêu tạo việc làm, xuất khẩu lao động không đạt kế hoạch, tỉ lệ lao động thất nghiệp thành thị tăng (4,66% so với 4,65% năm 2008). Quản lý nhà nước về lao động, nhất là lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chưa tốt.
Đời sống nhân dân ở một bộ phận không nhỏ còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo và tái nghèo còn nhiều, nhất là ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, dịch bệnh. Một số chế độ, chính sách an sinh xã hội triển khai chậm, còn để xảy ra tiêu cực ở một số nơi. Tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng vẫn còn nghiêm trọng. Nạn ma tuý, mại dâm, xâm hại trẻ em còn tăng ở một số địa phương… quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt”.
Riêng trong hai lĩnh vực cải tổ hành chính và chống tham nhũng, ông Dũng không giấu giếm: “Xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường chuyển biến còn chậm, vẫn là thách thức lớn trong quá trình phát triển… Kết quả cải cách hành chính vẫn còn thấp… Kết quả rà soát các văn bản hành chính cho thấy thủ tục hành chính của nước ta còn rất nặng nề, trong đó không ít những thủ tục phiền hà, không cần thiết, cần…Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng. Kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm. Khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều, số lượng khiếu kiện đông người tăng hơn năm 2008”.

Lòng dân
Trong khi đó người dân, qua báo cáo của Huỳnh Đảm, Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc, đẽ phê bình về công tác chống tham nhũng như thế này: “Các giải pháp để phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao, nhất là các lĩnh vực đầu tư từ ngân sách, từ nguồn vốn nước ngoài thủ tục còn rườm rà dễ phát sinh tham nhũng; một số quy định về quản lý, sử dụng đất đai, về chi tiêu ngân sách, mua sắm tài sản công, về thuế chưa sát hợp với thực tế và yêu cầu phòng ngừa tham nhũng; một số vụ tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân nhưng chậm được giải quyết; chưa phát huy được sức mạnh toàn dân trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng“.
Người dân còn phản ảnh bi quan: “Sự suy thoái của kinh tế thế giới đã tác động mạnh vào nước ta, sản xuất công nghiệp khó khăn, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp cả trong nước và xuất khẩu, nhiều nhà máy, xí nghiệp phải sản xuất cầm chừng, có nơi phải ngừng sản xuất, hiệu quả sản xuất kinh doanh bị giảm sút, người lao động thiếu việc làm và mất việc làm gia tăng; lao động Việt Nam ở nước ngoài bị mất việc phải về nước trước thời hạn khá nhiều. Đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, bão lũ gặp rất nhiều khó khăn.
Việc thu hồi đất nông nghiệp, lâm nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, sân golf nhiều nơi chưa hợp lý; quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp; việc đền bù, tái định cư chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đó người nông dân bị thu hồi đất phần lớn chưa được đào tạo nghề, hoặc được đào tạo nhưng rất hình thức, chất lượng tay nghề không cao nên rất khó kiếm được việc làm dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhiều sinh viên là người dân tộc thiểu số được cử đi học theo chế độ cử tuyển về địa phương cũng không có việc làm“ .(Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc)

Quốc hội rùa
Riêng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm Quốc hội lần này chỉ quyết định sẽ “xem xét” rồi “cho ý kiến”, thay vì đem ra thảo luận ngay về “Luật an toàn thực phẩm” vì người dân rất bức xúc vấn đề có nhiều các sản phẩm, kể cả nhiếu thực phẩm bầy bán ngoài đường không rõ xuất xứ có chứa nhiều chất độc.
Báo cáo của Huỳnh Đảm nói: “Nhiều vụ việc vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm còn diễn ra, đặc biệt là các khu công nghiệp, khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa… Đông đảo cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm; làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng trên; đồng thời kiến nghị Quốc hội sớm hoàn thiện pháp luật về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và tăng cường hơn nữa công tác giám sát đối với lĩnh vực rất quan trọng này.
Về kế họach phát triển, Chính phủ dự trù Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010, sẽ tăng khoảng 6,5% trong khi năm 2009 chỉ đạt từ 5% đến 5,2%. Nguyễn Tấn Dũng cũng xin Quốc hội cho mức bội chi của Ngân sách năm 2010 lên đến 125,5 nghìn tỉ đồng, bằng 6,5% GDP.
Tuy nhiên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội chỉ muốn cho phép tăng không qúa 6% vì sợ nạn lạm phát sẽ trở lại. Uỷ ban này cũng chỉ trích Chính phủ đã “ứng truớc ngân sách” bừa bãi cho các Bộ, Cơ quan và địa phương lên đến mức báo động.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển báo cáo: “Đáng lưu ý, qua giám sát cho thấy, số vốn đã ứng lũy kế đến hết năm 2009 chưa có nguồn thu hồi khoảng trên 50.000 tỉ đồng; số vốn đến hạn năm 2010 khoảng 30.600 tỉ đồng, trong đó các bộ, cơ quan TƯ 14.600 tỉ đồng, các địa phương 16.000 tỉ đồng.
Uỷ ban Tài chính - Ngân sách thấy rằng, số vốn cho các bộ, ngành, địa phương lũy kế qua các năm đến nay rất lớn, một số bộ, ngành, địa phương không có khả năng hoàn ứng kéo dài nhiều năm, tạo nên bức tranh thiếu lành mạnh trong cân đối ngân sách nhà nước”. (VietNamNet, 20-10-2009)
Như thế cho thấy Nhà nước đã chủ trương lấy tiền lao động của dân chia chác cho nhau để chi tiêu dù không hy vọng thu lại, trong khi cả nước còn tới 62 Huyện nghèo khó và mức nghèo của dân, theo tiêu chuẩn của Việt Nam, hãy còn khoảng 11 phần trăm. Số thống kê nghèo,theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc, cao từ 13 đến 15 phần trăm.

Đó là lý do tại sao trong khi dân không đủ ăn, thiếu tiền mua thuốc khi đau ốm, con dân nghèo không được đi học thì cán bộ ở nhà lầu máy lạnh, đi xe hơi và có tiền gửi con đi học ở nước ngoài !
Sự chênh lệch giàu-nghèo trong xã hội, vì vậy còn là cái thước để đo khả năng và lòng dạ lãnh đạo của Đảng CSVN.

Phạm Trần

22/10/2009
© Thông Luận 2009



No comments: