Sunday, October 4, 2009

CÁC CUỘC ĐẤU TRONG ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC


Các cuộc đấu trong Đảng CS Trung Quốc
Melinda Liu
NEWSWEEK , 26/09/2009
http://www.newsweek.com/id/216213

Trong khi Trung quốc đang sửa soạn kỷ niệm 60 năm cầm quyền của Đảng Cộng sản, hệ thống chính trị một đảng ngày càng tỏ ra khó có thể có thêm được 60 năm nữa. Ai là người sẽ kế tục Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào năm 2012 đang có dấu hỏi ngày càng lớn khi hai phe mạnh gần như nhau đang cùng chạy đua cho vị trí này. Một bên là những người có đầu óc dân túy như kiểu Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, muốn cải thiện hệ thống an ninh xã hội, thực hiện các chính sách “xanh hơn” và làm cân bằng phát triển giữa vùng duyên hải giàu có với các vùng nội địa nghèo túng. Một bên là những người thuộc giới tinh hoa, có cả con cháu của những quan chức cao cấp, thiên về gia tăng phát triển cho vùng duyên hải và thúc đẩy hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế và tự do thương mại.

Sự phát triển của hai phe này đang gây ra những vết nứt mới trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Trước đây, các phe phái, vốn có ở trong đảng này, thường chỉ dựa trên yếu tố có tính cá nhân.Nhưng nay, ngược lại, hai phe mới này lại có sự khác biệt trên các yếu tố địa lý và các vấn đề kinh tế, chính trị thực tiễn.
Điều này đang dấy lên một khả năng lý thú cho sự xuất hiện hệ thống chính trị hai hoặc đa đảng trong khoảng hai thập niên tới tại Trung quốc. Đó là nhận định của Cheng Li, một chuyên gia về Trung quốc tại Viện Brookings ở Washington, D.C., người gọi phe dân túy là “đội đỏ” còn phe tinh hoa là “đội xanh”.
Cho đến nay, nhiều chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Đối với cộng đồng quốc tế, việc ai sẽ kế tục Hồ Cẩm Đào, kèm theo lý do của nó, sẽ ảnh hưởng rõ đến các vấn đề quan trọng như mức độ Trung quốc sẽ tiếp tục duy trì các khoản nợ của Mỹ hay lượng khí thải Các-bon-níc. Nếu phe tinh hoa nắm quyền, sẽ có thể là các chính sách thị trường và tự do thương mại được tăng cường, còn vấn đề bảo vệ môi trường sẽ trở nên thứ yếu. Nếu phe dân túy củng cố được quyền lực, đó có thể sẽ là báo hiệu một mối quan hệ kinh tế với phương Tây sẽ gai góc hơn, sẽ có một Trung quốc dân tộc chủ nghĩa hơn, nhưng cũng là một Trung quốc tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến việc cải thiện môi trường đang suy thoái. Đối với những thường dân Trung quốc, phe dân túy đang hứa hẹn gia tăng ngân khoản cho an sinh xã hội, trong khi phe tinh hoa có thể sẽ tiếp tục theo đuổi mô hình kinh tế hướng về xuất khẩu, ưu tiên cho các thành phố lớn (với các nhà máy lớn) và bỏ rơi các vùng nông thôn.

Cuộc đua quyền lực đang thể hiện sự gia tăng rõ rệt về mức độ cạnh tranh trong đảng duy nhất của Trung quốc – điều mà dường như đang được Hồ Cẩm Đào khuyến khích. Trong Hội nghị Trung ương mới đây, đảng đã tuyên bố “dân chủ nội bộ đảng” là “huyết mạch” của đảng. Nhà Trung quốc học David Shambaugh tại Đại học George Washington cho rằng dân chủ nội bộ “là điều mà Hồ Cẩm Đào muốn trở thành dấu ấn cá nhân của ông ta” và đã có rất nhiều ứng cử viên tranh giành để vào Ủy ban Trung ương. Hàng trăm vùng đô thị đang thể nghiệm các cuộc bầu cử trực tiếp để chọn ra các tổ chức đảng địa phương. Trong hệ thống đảng, Ban Tổ chức là một cơ quan có quyền ấn định qui trình để mọi người đánh giá kín về các ứng viên cho các vị trí quan trọng. Thậm chí ứng viên có thể bị loại nếu có quá nhiều nhận xét xấu. Trong hội nghị vừa qua, Hồ Cẩm Đào đã tổ chức các cuộc tham vấn, được đưa tin rầm rộ, với các quan chức phi cộng sản và các đảng viên của 8 (tám) đảng nhỏ kiểu “dân chủ”.

Mặt trận quan trọng nhất trong cuộc cạnh tranh này là cuộc tranh cãi giữa hai phe dân túy và tinh hoa, cuộc tranh cãi đang bắt đầu có dấu hiệu bung ra khỏi phạm vi nội bộ của đảng. Vào mùa hè vừa rồi, ủy viên bộ chính trị có uy lực, Wang Yang, bí thư tỉnh Guangdong theo phe dân túy, đã lớn tiếng chỉ trích quan niệm phát triển bằng mọi giá của phe tinh hoa. Mặc dù không nói rõ tên ai, nhưng ông ta đã tuyên bố, trong một phát biều thẳng thắn một cách bất thường, là các chỉ số kinh tế trong nửa năm 2009 đã bị “gian lận”. Hai tỉnh của Trung quốc đã công bố tốc độ tăng trưởng tới 16%, ông nói, theo số liệu của cái loa của đảng là Nhân dân Nhật báo, trong khi cả nước chỉ có tốc độ là 7%. Điều vô lý hơn nữa là 24 trong số 31 tỉnh đã báo cáo tốc độ tăng trưởng cao hơn con số trung bình của cả nước. “ Một số dữ liệu về GDP của chúng ta chắc chắn đã được tô hồng”, Wang nói với các lãnh đạo đảng trong một cuộc phản công các quan chức tỉnh đang mê mẩn với các chỉ số gia tăng GDP, “ Ví dụ như họ xây một cái cầu không cần thiết để đưa vào tăng trưởng GDP của tỉnh, sau đó lại phá nó đi và cũng lại đưa vào tăng trưởng GDP. Rồi họ lại xây lại. Quá trình này được lặp lại tới vài lần. Đó thực là một lãng phí vô cùng lớn.”

Kinh tế là vấn đề trung tâm của cuộc đấu tranh giữa các phe nhóm. Một trong những tranh luận lớn là làm sao để sử dụng tốt nhất gói trợ giúp kích kinh tế 600 tỷ UDS. Phe tinh hoa đang cố sức để giữ cho dòng tiền tiếp tục rót vào các vùng duyên hải hướng đến xuất khẩu như vùng Yangtze và các đồng bằng sông Ngọc. Phe dân túy lại cố làm tăng sức mua của dân Trung quốc bằng cách giành các ngân khoản lớn cho các vùng phía tây, sự thiên vị này có một phần là do phe này có nhiều người đã bắt đầu sự nghiệp tại các vùng hoang vu phía tây Trung quốc. Một phần tư gói trợ giúp đã được giành cho việc tái thiết sau động đất, phần lớn giành cho tỉnh phía tây Sichuan bị ảnh hưởng nặng. Thành phố phía tây Chong-quing đã nhận được 34 tỷ USD- nhiều hơn hai lần số tiền thành phố này có thể nhận được nếu tổng số tiền được chia đều cho 1,3 tỷ người. “ Chúng tôi được chia nhiều hơn”, ông Thị trưởng Chong-quing thừa nhận, nhưng cho rằng vì thành phố của ông có vai trò lớn trong chính sách “phát triển phía tây” của chính phủ.
Một mặt trận khác lại nằm ở các cuộc điều tra tham nhũng đang chạm đến một số quan chức thành phố.

Năm 2006, bí thư Thượng Hải đã là ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị thanh lọc và tống giam vì tham nhũng. Ông này từng là một nhân vật lớn của nhóm Thượng Hải, nhóm đã chi phối toàn bộ các vị trí cao nhất của chính quyền trung ương trong thập niên trước. Việc phế truất ông này đã giúp cho Hồ Cẩm Đào gia tăng ảnh hưởng của phe dân túy lên các vị trí cao nhất. Đến nay, những nhân vật còn lại của nhóm Thượng Hải chỉ còn có ảnh hưởng trong phe tinh hoa, chưa kể một số thành viên đang phải chống đỡ với các cáo buộc tham nhũng.

Mùa hè vừa qua, bí thư của Chongquing và một ủy viên Bộ Chính trị, một “ngôi sao” đang lên, Bo Xilai – con của một cựu quan chức lớn, đã tuyên bố tuyên chiến với các tập đoàn tội phạm lớn, có tổ chức sâu rộng tại Chongquing – thành phố cảng trên sông với hơn 30 triệu dân. Bao năm qua, các nhóm tội phạm ngầm ở đây, được bảo kê bởi nhiều quan chức chính quyền, đã thâu tóm đáng kể các hoạt động vận tải, bất động sản, chế biến thịt heo, tổ chức kinh doanh sòng bạc, mãi dâm và ma túy. Dưới sự chỉ đạo của Bo, từ tháng Sáu đến nay đã có 2000 người bị bắt, trong đó có cả cựu phó giám đốc công an thành phố, 3 tỷ phú, 50 quan chức chính quyền, 6 trưởng công an quận, 2 thẩm phán cao cấp và hơn 20 đầu đảng các nhóm tam hoàng. Một trong các đầu đảng đó là một thành viên của hội đồng nhân dân địa phương.

Những kết quả ngoạn mục của Bo cho thấy đang có một sự lật lại tế nhị đối với những người tiền nhiệm, những người đã không mạnh tay với các nhóm tệ nạn. Trong số này có: Wang Yang, bí thư tỉnh Guangdong theo kiểu dân túy, người đã tấn công các số liệu “gian lận” và đảm nhiệm chức bí thư tỉnh Chongqing từ 2005-2007. Hơn nữa, các vụ bắt giữ đã làm cho Bo càng nổi bật. Bo hiện đang nổi tiếng khắp nước như một phiên bản Trung quốc của viên cảnh sát liên bang Mỹ Eliot Ness, người đã hạ gục một nhóm tội phạm lớn vào những năm 1930. “Bo Xilai là người có thể làm cho mọi việc trôi chảy thực sự,” Zhao Zhengrong, một quan chức tại Chongquing khoe như thế.

Đối với một số trí thức, cạnh tranh giữa các phe phái là điều tốt cho đất nước “vì nó thể hiện tiến bộ trong việc triển khai cơ chế dân chủ nội bộ của đảng”, Giáo sư Hu Xingdou của Viện Công Nghệ Bắc kinh nói như thế. “Việc có các phe, nhóm, liên minh quyền lực khác nhau là điều tốt và là điều bình thường đối với một nước” vì điều đó làm tăng các tranh luận, cân nhắc, đàm phán - những cái diễn ra ở sau hậu trường và giúp tránh được các chính sách cực đoan, cả hữu và tả. “ Nó giúp tạo ra tinh thần đồng đội trong hệ thống lãnh đạo cao cấp.”

Đến nay cả hai phe vẫn sợ sự chia rẽ giữa hai trường phái trở nên quá lộ liễu sẽ dẫn tới những đổ vỡ không thể kiểm soát. Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo biết rõ rằng chính sự va chạm mạnh mẽ giữa hai phe bảo thủ và tự do đã dẫn đến sự đổ máu tại Thiên An Môn cách đây 20 năm và hai người này đang cố tránh cho cuộc đấu tuột khỏi tầm tay. Do đó, việc bổ nhiệm nhân sự đang được sắp xếp theo cách để cho mọi nhân vật quan trọng đều có phần. Đặc biệt như Bo và Wang, cả hai đều đã được đưa vào các vị trí nằm tại lãnh địa của phe bên kia. Li thuộc Brookings cho rằng Hu đang thực hiện dạng bổ nhiệm chéo này một cách cố tình để ông ta có thể làm dịu đi sự khác biệt gay gắt về xã hội và địa lý giữa hai phe.

Người hưởng lợi nhất từ hành động cân bằng đó, cho đến nay, có thể là Xi Jinping, Phó Chủ tịch nước, 56 tuổi, con trai của cựu phó thủ tướng. Sự nghiệp của Xin Jingping đã trải nhiều năm tại các vùng thuộc giới tinh hoa cổ điển – các khu vực duyên hải làm động lực cho xuất khẩu như Fujian, Zhejing và Thượng Hải và được gắn với các chính sách của phe Thượng Hải trước đây. Ông này ủng hộ chính sách cởi trói nhiều hơn nền kinh tế khỏi ràng buộc của chính quyền trung ương và để cho các vùng duyên hải phát triển trước nhằm tạo ra nguồn lực như tiền, công nghệ, việc làm cho các vùng nội địa sau đó.

Cho dù có mối quan hệ rất rõ với phe tinh hoa, Xi Jingping vẫn giữ được quan hệ rất tốt với Hồ Cẩm Đào bằng cách khéo léo đi giữa khe hẹp của hai phe. Xi đang nổi lên như một ứng viên được đa số ủng hộ. Việc được cất nhắc vào thường vụ Bộ Chính trị năm 2007 cho thấy Xi là người có tiềm năng nhất để trở thành chủ tịch đảng và chủ tịch nước cho khóa tới, và có thể sẽ đưa Trung quốc hướng theo trường phái tinh hoa. Đối thủ chính của Xi là Li Keqiang, người đã từng được chính Hồ Cẩm Đào sủng ái. Giống như Hồ, Li cũng trưởng thành qua các cấp của Đoàn Thanh niên Cộng sản và sinh trưởng ở tỉnh nghèo hơn Xi. Các nhà quan sát Trung quốc cho rằng Li có tiềm năng trở thành thủ tướng khóa tới. Điều này cho thấy sự cân bằng mong manh ở phía sau hậu trường giữa hai phe sẽ vẫn được duy trì trong một khoảng thời gian tới đây.

D.Y. dịch tháng 10/2009
http://www.doi-thoai.com/baimoi1009_033.html



No comments: