Wednesday, October 7, 2009
AI CŨNG CÓ MỘT THỜI TUỔI TRẺ
Ai cũng có một thời tuổi trẻ
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, October 06, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=102322&z=7#
Những trận bão đổ vào miền Trung Việt Nam khiến khắp nơi lại kêu gọi nhau cứu giúp các đồng bào lâm nạn. Chúng tôi lại nhớ trận bão lụt năm Thìn, 1964. Tháng Mười năm đó, báo chí loan tin bão lụt làm hàng chục ngàn đồng bào mất nhà cửa, không đủ thức ăn; nhiều thanh niên, sinh viên đã tự động họp lại bàn chuyện “cứu lụt.” Họ thuộc nhiều đoàn thể, như nam và nữ Hướng Ðạo, thanh niên, sinh viên Phật tử, thanh niên, sinh viên Công Giáo, thanh niên thiện chí, các hội sinh viên ở Văn Khoa, Khoa học, trường Kỹ Thuật Phú Thọ, học sinh Cao Thắng, vân vân. Nhưng khi họp nhau thành lập một tổ chức tạm thời lo việc cứu trợ họ không cần xin phép đoàn thể của họ. Họ cũng không cần phải xin phép chính quyền, lúc đó cụ Phan Khắc Sửu là quốc trưởng. Phong trào “cứu lụt” này chỉ kéo dài trong mấy tháng rồi giải tán, nhưng đã gửi được nhiều đoàn sinh viên, học sinh ra miền Trung đem theo quần áo, chăn mền, thực phẩm và tiền quyên góp được ở Sài Gòn và các thành phố lớn đến tận tay các nạn nhân.
Khi phong trào khởi lên, các báo đài đều loan tin. Sinh viên, học sinh tự động đến ghi tên tham dự. Chính quyền lúc đó không nghi ngờ, không ngăn cản mà còn khuyến khích bằng cách giúp đỡ phương tiện di chuyển. Cụ Phan Khắc Sửu và ông Bộ Trưởng Phan Quang Ðán cho mở kho của Bộ Xã Hội, nhờ các thanh niên đem phẩm vật đến tận tay đồng bào, họ biết đường dây đó nhanh chóng hơn guồng máy của nhà nước và không lo bị mất mát. Mỗi đoàn thanh niên từ 50 đến 100 người gồm đủ sinh viên, học sinh các trường, được Bộ Giáo Dục cho nghỉ học, các giáo sư được nghỉ dậy để tham dự việc nghĩa trong hai, ba tuần.
Công tác xã hội đó là một kinh nghiệm sống quý báu cho giới trẻ. Vì họ có dịp chứng kiến những người bị hoạn nạn và mở rộng đức từ bi, chứng kiến cảnh chiến tranh mà trước đó họ chỉ đọc tin tức trên báo chí. Nhờ thế mà họ sống thật trong tình yêu nước thương nòi, thêm ý thức về trách nhiệm của mình đối với đất nước, và nuôi dưỡng lý tưởng phục vụ suốt cuộc đời của họ.
“Ai cũng có một thời trai trẻ,” đó là một câu thơ của một bạn trẻ viết vào thời 1960, 70. Thế hệ lớn lên trong thời đó rất dễ nẩy sinh lòng nhiệt thành muốn phục vụ xã hội chung quanh. Phải nói năm 1964 mở đầu một phong trào thanh niên ở miền Nam Việt Nam, nhờ chính quyền mới cho người dân được tự do hơn. Trong mấy năm sau đó xã hội công dân ở miền Nam phát triển mạnh vì chính quyền tin tưởng vào đám thanh niên có thiện chí. Bao nhiêu đoàn thể trẻ ra đời, một phần phát xuất từ các tôn giáo nhưng đa số là những nhóm người tự nguyện tự động họp nhau. Cứ 10 người, 20 người trẻ họp lại là có thể thành lập một tổ chức, xin Bộ Thanh Niên công nhận và được Bộ Nội Vụ cho phép. Từ đó họ phát triển thành những đoàn thể hàng trăm, hàng ngàn người, từ các thành phố lớn lan ra các tỉnh, quận. Tất cả đều nêu cao lý tưởng phục vụ xã hội, giúp đỡ đồng bào. Chính phủ miền Nam có lúc cũng tổ chức những đoàn thể thanh niên để chi phối hoặc hướng dẫn nhưng không thành công như các tổ chức tự do và tự nguyện của tư nhân. Sau năm 1971 thì phong trào này bớt mạnh vì áp lực của chiến tranh khiến các sinh viên, học sinh phải lo học nhiều hơn, nhiều người phải gia nhập quân đội, và nhiều thanh niên khác được lôi cuốn vào những phong trào chính trị hơn là xã hội.
Nhưng trong khoảng 5, 6 năm từ 1964 trở đi, tuổi trẻ ở miền Nam đã sống những ngày rất đẹp nhờ tự do hoạt động. Các thanh niên, sinh viên họp nhau để hội thảo. Các sinh viên, học sinh họp nhau để làm công tác giúp ích. Các đoàn thể tự nguyện không có cách nào khác là phải sống theo các quy tắc tự do dân chủ, vì thanh niên không thể chấp nhận cách nào khác. Trong khi làm các công việc cụ thể, họ rèn luyện bản thân, họ nuôi dưỡng lý tưởng. Các bạn trẻ này đã trở thành những hạt giống để phát sinh một xã hội công dân năng động, là nền tảng của mọi chế độ dân chủ. Không có một trường học dân chủ nào hữu hiệu bằng các sinh hoạt thanh niên tự do, tự nguyện.
Khi nói đến xây dựng chế độ dân chủ tự do người ta thường nghĩ đến việc thiết lập một bản hiến pháp mới, xây dựng các định chế, lập ra một chính quyền mới, vân vân. Nhưng một chế độ dân chủ có bền vững hay không là do xã hội công dân có đủ mạnh hay không. Khi các công dân một nước, trong từng khu phố, từng làng xóm biết tự động, tự nguyện họp nhau cùng thảo luận và tìm cách giải quyết các nhu cầu chung, không cần đợi chính quyền kêu gọi hoặc ra lệnh, khi đó họ đang sống tự do dân chủ và xây dựng dân chủ. Thói quen đó được huân tập lâu ngày cho thêm bền chặt, thì nền dân chủ sẽ bền vững. Ngày xưa Phan Châu Trinh khuyên dân ta phải bồi bổ dân trí, phải nâng cao dân khí. Phương pháp bồi bổ và nâng cao không gì bằng phát triển xã hội công dân (civil society). Trong nước hiện giờ hay dịch là “xã hội dân sự,” một từ ngữ không diễn tả đầy đủ ý nghĩa của vai trò các công dân tự do, tự nguyện, độc lập và ngang hàng với chính quyền. Trong đảng Cộng Sản Việt Nam cũng đang bàn đến nhu cầu phát triển xã hội dân sự. Nhưng một “xã hội dân sự” do chính quyền tổ chức theo nhu cầu của họ, mà không do các công dân tự nguyện đứng ra làm lấy, thì không phải là “xã hội công dân.” Vì vậy cần phải chính danh trước.
Năm 1964 đánh dấu một thời kỳ giới trẻ ở miền Nam Việt Nam phát triển thành những đoàn thể tự nguyện với lý tưởng phục vụ. Giống như mặt đất bước vào Mùa Xuân, không khí thay đổi trong xã hội thời đó tạo cơ hội cho bao nhiêu thanh niên có dịp sống cuộc đời có ý nghĩa.
Tuần trước, một nhóm anh em cùng hoạt động trong thời gian đó mới họp mặt với nhau ở Thiền Viện Tánh Không, miền Nam California. Ðó là những người đã khởi xướng và hoạt động trong phong trào Thanh Niên Chí Nguyện, thành lập năm 1964. Vị trụ trì thiền viện, thầy Thông Triệt trước khi xuất gia cũng là một Thanh Niên Chí Nguyện, mà nhóm này do anh Trần Ngọc Báu, một bạn cựu chủ tịch Sinh Viên Công Giáo khởi xướng cùng các thanh niên thiện chí khác. Các thanh niên chí nguyện đã huấn luyện được khoảng 300 thanh niên, gởi đi tới các làng thôn hẻo lánh để sống chung và phục vụ đồng bào trong thời gian từng 6 tháng một. Các thanh niên, sinh viên này giúp đồng bào cải thiện về y tế, vệ sinh. Họ mở lớp dậy học và dậy con em trong làng về cách cư xử có đạo lý trong gia đình, trong xã hội. Họ giúp đồng bào sửa sang đường sá, trường học, chợ, cải thiện kỹ thuật canh nông. Ngày nay đã ở tuổi giữa Ðiêu và 80, những thanh niên chí nguyện này gặp nhau vẫn công nhận họ đã dùng tuổi trẻ của mình vào những việc hữu ích. Ðiều đáng tiếc cho phong trào này là sau thời gian công tác ở mỗi làng, họ không thiết lập được những cơ cấu tại chỗ để tiếp tục công việc đang làm. Là Khai dân trí, Hưng dân khí như Phan Châu Trinh đã kêu gọi từ đầu thế kỷ 20.
Cùng thời gian đó, một tổ chức khác phát xuất từ Viện Cao Ðẳng Phật Học là trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập, cũng theo đuổi các mục tiêu trên. Ðiểm đặc biệt là các tác viên Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đến mỗi làng đều ở một thời gian nhiều năm, lần lượt thay phiên nhau giúp đồng bào phát triển về y tế, giáo dục, kinh tế và tổ chức cuộc sống chung với tính cách các công dân, không cần chờ chính quyền giúp đỡ hoặc ra lệnh chỉ huy. Những hạt giống của xã hội công dân được gieo rắc những năm đó ngày nay vẫn còn tiếp tục sống, nhiều tác viên Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội vẫn âm thầm hoạt động phục vụ dù không còn được tập họp trong một tổ chức nào nữa. Vì khi một thanh niên đã quyết định dùng cuộc đời của mình cho có ích thì lý tưởng đó không bao giờ mất.
Thanh Niên Chí Nguyện và Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội chỉ là hai thí dụ trong rất nhiều nỗ lực của thanh niên, sinh viên, học sinh trong thập niên 1960-70 cùng ý thức về nhu cầu phục vụ và quyết tâm theo đuổi lý tưởng giúp ích đồng bào. Có những Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đã phải sống ba tháng trong một làng mới thuyết phục được đồng bào đào hố cầu tiêu ở mỗi nhà để sống theo lối mới. Có những Thanh Niên Chí Nguyện là sinh viên con nhà giầu ở Sài Gòn đã xung phong làm việc dọn cầu tiêu công cộng trong trại tị nạn để làm gương cho đồng bào ý thức bổn phận giữ vệ sinh chung. Người ta có thể hăng hái và bền chí, nhẫn nại như vậy, vì các bạn trẻ này biết họ đang sống một cuộc sống có ý nghĩa, có lý tưởng, một cuộc đời rất đẹp, đáng sống!
Trong tuần này, chính quyền Cộng Sản sắp đưa một số nhà trí thức trẻ ra tòa. Họ cũng là những thanh niên khát khao sống với lý tưởng, và họ đã chọn con đường đấu tranh cho tự do dân chủ. Bao nhiêu thanh niên khác đang cần được tự do để được sống có ý nghĩa.
Ngay bây giờ ở trong nước ta có hàng triệu thanh niên, sinh viên, và học sinh đang muốn sống cuộc đời có lý tưởng, có ý nghĩa. Dù không được phép chính thức, các đoàn thể như Hướng Ðạo, Gia Ðình Phật Tử, các đoàn thể thanh niên Công Giáo đã hoạt động trở lại. Họ cũng nuôi dưỡng lý tưởng phục vụ. Trong mấy năm vừa qua khi các thiền sinh ở Tu Viện Bát Nhã mở những khóa tu tập cuối tuần, những ngày quán niệm, có hàng ngàn thanh niên, sinh viên, học sinh từ các thành phố đã kéo về tham dự. Tới đó, họ biết thế nào là sống an lạc, hạnh phúc, và họ muốn chọn một đời sống có ý nghĩa.
Chỉ có một điều kiện hiện nay còn thiếu là giới trẻ ở Việt Nam không được hưởng không khí tự do của thời 1964 như chúng tôi đã trải qua. Mà vì thế, xã hội công dân cũng không được phát triển tự do nữa. Nhưng chúng ta biết thanh niên Việt Nam không muốn sống cuộc đời vô vị, kể cả con cái của các đại gia. Họ đều không muốn bê tha trà đình tửu điếm, không muốn sa vào cái bẫy ma túy, nếu có cơ hội nuôi dưỡng lý tưởng vị tha. Ai cũng có một thời tuổi trẻ, và không ai muốn bỏ phí. Chỉ nhìn vào cuộc sống của các thiền sinh Bát Nhã trong những ngày hoạn nạn vừa qua. Họ là những người mới biết và tu tập đạo Phật trong vòng mấy năm! Nhìn họ không sợ hãi, không chán nản, chúng ta có thể tin vào chí khí cao thượng, khát khao sống lý tưởng của tuổi trẻ Việt Nam. Họ là một biểu tượng cho niềm tự hào và niềm hy vọng cho dân tộc.
Cho nên bây giờ khi chúng ta đòi cho người Việt Nam được sống tự do, trước hết phải đòi cho các thanh niên, sinh viên, học sinh được tự do sống có lý tưởng, được tự do phục vụ đồng bào. Như các bạn trẻ Bát Nhã chứng tỏ, tuổi trẻ Việt Nam là một kho tàng chưa được dùng để phục vụ đất nước. Chỉ cần được tự do tập họp và tự do phục vụ, họ cũng sẽ trở thành những viên đá xây dựng xã hội công dân làm nền tảng cho chế độ tự do dân chủ trong tương lai. Nếu không, một thế hệ thanh niên nữa sẽ bị phí phạm.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment