Wednesday, October 21, 2009

55 NĂM HỘI NGỘ (bút ký)


55 NĂM HỘI NGỘ
Giao Chỉ, San Jose
10/17/2009 12:53:33 PM
http://www.take2tango.com/~/n3ws/giao-chi-san-jose-55-nam-hoi-ngo-8492.aspx

Chiến hữu tha hương
California quả thực là nơi quần hùng hội tụ. Bắt đầu từ thế kỷ 21, người Việt trên toàn thế giới đã tìm về với nhau ngày một nhiều hơn. Có thể về DC, Houston, Seatle, hay Dallas. Tuy nhiên phần lớn kéo nhau về Cali.
Nếu quận Cam và Litle Saigon là điểm hẹn thì San Jose, San Francisco cũng chẳng hề bị bỏ quên. Từ 2005, sau 30 năm di cư tỵ nạn, đa số đợt cao niên đầu tiên đã bắt đầu về hưu. Mỗi dịp vacation là tìm về với nhau. Và chúng ta đã có nhiều đại hội đồng hương , đồng ngũ và đồng trường. Từ Quảng trị đến Cà mau, tỉnh nào cũng có bảng hiệu Ái hữu. Có lẽ chỉ còn thiếu Hà nội và Saigon. Trường nào cũng có ban chấp hành và đặc san. Tình nghĩa binh chủng lại còn thắm thiết hơn cả. Quân trang, cấp bậc được hồi phục trong những ngày lễ hội. Và tuần qua San Jose chào đón đại hội nhẩy dù toàn thế giới lần thứ 29. Kỳ tới đến lượt thủy quân lục chiến. Rồi đây khóa 1 Thủ đức Nam định sẽ kỷ niệm 60 năm ngày ra trường. Khóa chúng tôi, năm 2004 tổ chức 50 năm hội ngộ. Bây giờ, đầu tháng 10 năm 2009 sẽ gặp nhau sau 55 năm kể từ ngày ra trường năm 1954.

Vài hàng về khóa Cương Quyết

Năm 1954, phe quốc gia dưới ảnh hưởng của Liên hiệp Pháp vẫn còn cả 2 miền Nam Bắc từ Hà Nội vào Sài Gòn. Nhu cầu thành lập quân đội quốc gia, chính phủ động viên thanh niên vào các khóa trừ bị.
Ðầu năm 54 khóa 4 Thủ Ðức vào trường, khi tốt nghiệp được đặt tên là khóa Cương Quyết. Ba tháng sau vào tháng 3-1954 trường sĩ quan trừ bị Thủ Ðức nhận 6 đại đội sinh viên gọi là khóa tư (4) phụ, tháng 6 ra trường đặt tên là khóa Cương Quyết II.
Cùng 1 thời gian, hơn 300 thanh niên Hà Nội do Ðệ Tam quân khu gửi vào Nam cùng 1 lượt với khóa tư phụ, Cương quyết II, tuy là sĩ quan trừ bị nhưng thụ huấn tại Ðà Lạt.
Hai đại đội Bắc kỳ chúng tôi cũng có 1 vài anh bạn miền Nam và miền Trung lạc bầy. Tuy thụ huấn Ðà Lạt nhưng bao năm qua khi các sĩ quan trẻ trung của trường võ bị vẫn hỏi niên trưởng học khóa nào. Anh em ta đâm ú ớ. Niên trưởng ra trường 54 sao không phải khóa 10. Học Ðà lạt sao chỉ có 6 tháng. Thường ra sĩ quan Ðà lạt là phải học tối thiểu 1 năm.
Trên thực tế thì nhiều người không biết. Những khóa Ðà lạt từ năm 1950 đến 1955 thường chỉ học từ 6 đến 8 tháng. Dù là SVSQ trừ bị hay hiện dịch cũng học cùng một chương trình, cùng lớp, cùng thầy.
Ðó là câu chuyện lẩm cẩm của khóa Cương Quyết tại Ðà lạt. Tuy mang thân phận học nhờ nhưng vẫn chỉ có một lần Cương Quyết. Trong khi đó bên Thủ Ðức lại có đến 2 khóa Cương quyết nên phải phân biệt thành Cương quyết II và thuộc về khóa Tư phụ. Như thế tên tuổi của anh em Cương Quyết chúng tôi xem ra quả thực là phiền phức.

Sau 55 năm xa mặt cách lòng, lần này khóa Tư phụ, Cương Quyết II, Thủ đức Ðà Lạt sẽ họp mặt với nhau lần đầu và sẽ gặp nhau 2 lần. Ðầu tháng 10-2009 Ðà Lạt mời Thủ Ðức tại San Jose. Giữa tháng 10-2009 Thủ Ðức mời Ðà lạt tại Quận Cam.
Nhân dịp anh em về San Jose chúng tôi sẽ có dịp hỏi thăm riêng các chiến hữu về câu chuyện mùa hè 72 tại Quảng Trị.

Xin hảy tưởng tượng anh em đã từng có mặt tại Quảng Trị 37 năm xưa, nay ngồi lại bên nhau. Tấm bản đồ hành quân của Vùng I chiến thuật, nguyên bản tỷ lệ 1/250.000 được trải lên bàn. Những mái đầu bạc cúi xuống. Ðây là quốc lộ số 1 ở đoạn đại lộ kinh hoàng. Ðây là tuyến sông Mỹ chánh. Anh Phạm văn Chung, sinh viên sỹ quan trung đội 24 nói rằng Lữ đoàn của tôi giữ tuyến này. Anh Trần quốc Lịch, trung đội 21 ngày xưa, nay chỉ huy lữ đoàn Dù đi cánh trái. Anh Ngô văn Ðịnh, trung đội 22, chỉ huy lữ đoàn thủy quân lục chiến đi cánh phải.
Cùng tiến về Quảng trị. Anh Lê khắc Lý, tham mưu trưởng bộ chỉ huy tiền phương của Quân đoàn I lúc đó đang ở đâu. Nhẩy dù Ngô Lê Tĩnh, thủy quân lục chiến Pham ngoc Thụy ngược suôi chỗ nào trong mùa hè 72. Toàn là sinh viên Cương Quyết cả. Người khách của anh em, sinh viên sĩ quan khóa 5 Thủ đức, đại tá Hà mai Việt, chỉ huy thiết giáp đi với cánh quân nào.

Khóa chúng tôi sẽ ngồi lại truy điệu anh em vào đêm thứ sáu 2 tháng 10-2009. Sẽ họp mặt và thăm Viện Bảo tàng Việt Nam vào thứ bẩy 3/10/09. Buổi tối sẽ là dạ tiệc hội ngộ hoàng hôn. Cuộc đời của sinh viên sĩ quan Cương quyết với bình minh là tuổi vào đời, đất nước thanh bình với tiếng ca reo vui miền Nam. Rồi đến 1 thời chinh chiến điêu linh, tù đầy và lưu vong quá dài. Ngày nay ai còn. ai mất, ai là người cùng ngồi lại họp mặt lúc hoàng hôn. Hơn 40 năm xưa họp khóa lần đầu tại Saigon, tưng bừng hoa lá, nói chuyện lấp bể vá trời, Bây giờ, tuổi trung bình là 75, quá 10 năm trên tuổi về hưu, gặp nhau lúc hoàng hôn của cuộc đời, chẳng còn đợi chờ chuyện lạ bất ngờ, không mong có văn nghệ xuất sắc, cũng không quan tâm đến thực đơn phong phú. Những người anh hùng ngày nay đã mỏi mệt, tuổi hoa niên đã chìm sâu kỷ niệm, nét phong sương cũng đã phai màu, chỉ còn tuổi cao niên tìm về với nhau trong tình thân hữu thương yêu.

Nhân dịp này, xin gửi đến các bạn 1 bài thơ họp khóa đã viết năm 2004 kỷ niệm 50 năm họp khóa ngậm ngùi. Kỳ này họp khóa hoàng hôn 55 năm cũng định sáng tác một bài. Nhưng xem ra văn chương cũng đã cạn nguồn. Suốt đời chỉ viết được 1 bài thơ. Bèn sửƯa đôi ba chữ, gọi là làm mới lại bài thơ cũ. Quí vị đã quen đọc văn Giao Chỉ. Xin một lần đọc thơ của chúng tôi. Có thể thành danh thi sĩ một bài.

Bài thơ như sau:

BÀI CA HỌP KHÓA
Viết cho Khóa Cương Quyết Ðà Lạt 54
55 Năm Họp Khóa Hoàng hôn (1954 - 2009)
Tháng 10-2009


Thưa chư liệt vị, Khóa chúng tôi đây.
Dở giăng, dở đèn. Môn chẳng ra môn, khoai chẳng ra khoai.
Cầm giấy khai sinh Thủ Ðức, nhưng chẳng phải đấng sinh thành.
Công ơn dưỡng dục mẹ nuôi, đàn con nhớ về Ðà Lạt.
Năm hai mươi tuổi, chúng tôi đi quân đội.
Ngày vào trường, năm năm mươi bốn. Tổ quốc còn đủ hai đầu Sài Gòn-Hà Nội.
Khi mãn khóa, ngày một tháng mười.
Genève cưa đôi đất nước, chia thành hai mảnh Bắc Nam.
Ðang thụ huấn, Ðiện Biên Phủ, Tây kéo cờ hàng.
Trong quân trường, điểm trung bình, đôn lên hai nấc.
Lúc quỳ xuống, vẫn còn sinh viên sĩ quan. Khi đứng lên, có anh mang lon trung sĩ.
Nhưng rồi sau cùng, dù lính hay quan, cũng chia nhau về ba vùng chiến thuật. (1)
Anh đội mũ đỏ nhảy dù, tôi về mũ xanh lính thủy.
Ði tới đi lui, quanh quẩn Cà Mau-Bến Hải.
Năm mươi phần trăm lấy vợ Nam kỳ... bỏ lại nửa mối tính đầu Hà Nội.
Hai mươi mốt năm chinh chiến ngược suôi.
Bạn đi tàu suốt, tôi ốm yếu xanh xao...nhận sổ quân y ba mươi ngày tái khám.
Người lên lon lá huy hoàng, ngực đỏ huy chương cứu quốc.
Riêng anh thuyên chuyển khắp bốn phương trời, dậm chân tại chỗ.
Nhiều cậu lả lướt dăm bảy mảnh tình. Có anh hiền lành, giữ mãi tơ duyên một mối.
Vào cuộc chiến,tôi đánh Bình Xuyên... xuống miền Tây, ông vây Hòa Hảo.
Dứt trận Mậu Thân, bị đánh phủ đầu, quân ta đã huy hoàng đứng dậy.
Mùa Hè đỏ lửa, bị địch quân đập trúng ngang lưng, lính Cộng Hòa vẫn còn gân mạnh mẽ phi thường.
Từ Bình Long anh dũng, Nguyễn Kiếm Diệm gan lỳ ngồi trên nóc hầm, đội pháo, ăn cơm. (2)
Cho đến khi vào Hạ Lào gian khổ,
Ngô Lê Tĩnh đái một bãi trên đất Tchepone theo đúng lệnh quân hành ông Thiệu. (3)
Nhưng chiến tranh đâu phải chuyện đùa. Nhất tướng công thành vạn cốt khô.
Giữa chốn sa trường Xuân Phan đền xong nợ nước (4)
Trong hầm hành quân Văn Hiền tự sát hiển linh (5)
Rồi đến khi hạ thành Quảng Trị.
Nhảy dù Quốc Lịch thay quân cho mũ xanh Ngô Ðịnh lên phiên. Hào khí ngất trời.
Cho đến ngày trời sầu đất thảm tháng Tư Ðen.
Ðỗ Ðình Vượng dẫn trung đoàn về đồn trại thân yêu. (6)
Ngước nhìn trời Lai Khê thấy cay cay khóe mắt.
Người ngậm tăm, súng đeo vai buồn bã. Ngồi ăn trưa với ông tư lệnh, cơm nuốt không vô.
Miếng vải trắng ai đã treo trên nóc ngọn cờ, Lê Nguyên Vỹ đi một đường tự sát.
Ðỗ Vượng bèn cho quân lính hồi hương. Ðể sĩ quan Cương Quyết xếp hàng, vào tù cải tạo.
Riêng Ðình Duy tự kết liễu cuộc đời ở Thủ Ðô (7) cùng với thành Sài Gòn sụp đổ.

* * *

Khóa chúng tôi đây, khóa di cư chạy loạn, từ Bắc vào Nam..
với nhân dân đã kiến tạo hai nền Cộng Hòa...
và hai mươi mốt năm xây nhà, dựng nước.
Paris ký hiệp ước hòa bình,
Nguyễn Thế Nhã đón tù binh Nghiêm Kế trở về bến sông Thạch Hãn (8).
Tưởng rằng phen này trong ấm ngoài êm.
Chẳng hiểu vì sao, chỉ một tháng trời oan nghiệt,
quân cán chánh chạy dài từ dọc đến ngang...
để anh em cũng phải chia phần, làm tan đàn xẩy gánh
Ðám nhanh chân chạy thoát khá nhiều, người ở lại chịu đọa đày cũng lắm.
Bước chân đi mặt còn ngoảnh lại, phía chân trời xiềng xích trông theo.
Sau 15 năm lao cải, Hoa Kỳ thỏa hiệp lãnh tù.
Khi HO qua Mỹ, khóa tổn thất quá phần ba. Gặp lại anh em, vừa yếu lại vừa già.
Hai mươi mốt năm chinh chiến đã trôi qua,
Thêm hai mươi chín năm cải tạo cộng với lưu đày. Là vừa đủ, năm chục năm tròn gian khổ.
Vì vậy nên mới có hôm nay, tháng mười năm lẻ chín.
Chúng tôi về đây dành lại một ngày cho năm mươi lăm năm họp khóa ngậm ngùi.
Ðể đếm đầu người, xem anh em ai còn, ai mất.
Ba trăm chàng trai đất Bắc, giờ đây chỉ còn lại vài chục vị cao niên.
Già thật là già. Lão ơi là lão. Nước mắt đã khô rồi. Gặp nhau chỉ cười thôi.
Chẳng phải lần đầu, nhưng biết đâu đây sẽ là lần cuối.
Sợ thì ông đếch sợ, nhưng buồn thật là buồn.

* * *

Thưa cùng chư liệt vị.
Bầy ong thợ về già sẽ bay đi bốn phương trời... trong cuộc hành trình vĩnh biệt.
Nhưng con cá hồi suốt đời vùng vẫy biển khơi... nó vẫn phải trở về họp bạn ở nơi nguồn gốc.
Khóa chúng tôi không phải lũ ong chơi xong rồi bỏ cuộc.
Chúng tôi là những con cá hồi lương thiện năm mươi năm sau trở về tìm lại anh em...

Ðó là ngày hôm nay (01-03-04) ta họp khóa thật ngậm ngùi
Ðó là ngày hôm nay (01-10-09) ta họp khóa lúc hoàng hôn.

Giao Chỉ - San Jose

-----------------

Ghi chú:
(1) 1954 Việt Nam tổ chức theo 3 Quân Khu
(2) Trung tá Nguyễn Kiếm Diệm,trận Bình Long đã qua đời tại Nam Cali.
(3) Hành quân Lam Sơn 119, ông Thiệu lúc tửu hậu trà dư nói với Tướng Phú: “Toa vào Tchepone đái một bãi rồi rút ra”.
(4) Trung tá Dù, hy sinh Hạ Lào.
(5) Xuân Hiền tự tử tại Hạ Lào .
(6)Tại Sư đoàn 5 bộ binh
(7)Trung tá quân báo tự tử tại Sài gòn 1975
(8) Ðại tá Nguyễn Thế Nhã đã hy sinh tại Thừa Thiên.



No comments: