Wednesday, October 21, 2009

100 TRIỆU ĐÔLA THÀNH LẬP ĐẠI HỌC ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ


100 triệu Đô la
Phạm Việt Vinh
21/10/2009 2:02 chiều
http://www.talawas.org/?p=11940
Cách đây hơn một năm, công ty A của nhà nước Việt Nam mở chi nhánh kinh doanh tại một thành phố lớn châu Âu. Để phục vụ cho việc mua bán, người ta đã thuê một khu nhà kho rộng gần 1000 m2 với giá 30 Euro/m2 một tháng tại khu phố thuộc loại sầm uất nhất thành phố. Trong khi đó, ngay cả các công ty cỡ bự của nước sở tại cũng chỉ thuê nhà kho tại rìa thành phố với giá xấp xỉ 10 Euro/m2 một tháng. Trong một bữa nhậu, mấy nhà doanh nghiệp Việt kiều tỏ ra hết sức bất bình và thắc mắc về hành vi làm ăn có vẻ khó hiểu và ngớ ngẩn này. Bên bàn nhậu còn có mặt một cán bộ Sứ quán Việt Nam. Sau khi nghe chán chê các lời phê phán của giới doanh nhân, vị cán bộ Sứ quán tủm tỉm cười nhận xét: “Các cậu thực sự là chẳng hiểu cái quái gì! Mấy tay phụ trách công ty là dân làm ăn, dù có ngu đến mấy chúng nó cũng biết giá 30 Euro/m2 một tháng là giá cắt cổ. Nhưng chúng nó vẫn làm thì các cậu phải biết là có một lý do gì rất khác, và nằm ở một chỗ rất khác chứ không phải là ở chỗ rẻ-đắt. Không hiểu chuyện đó mà cứ tranh cãi so sánh giữa 30 Euro và 10 Euro mới là điều ngớ ngẩn.”
Phát biểu chí lý của một người gần như là trong cuộc đã làm sáng mắt mấy vị Việt kiều đã nhiễm thói làm ăn trắng-đen rõ ràng ở ngoại quốc. Họ quên mất nguyên tắc phổ cập của Việt Nam hiện nay là “nói vậy mà không phải là vậy”, nói A thì phải hiểu là B. Cả xã hội thi nhau làm xiếc từ trên xuống dưới. Ai nghe A mà không hiểu thành B sẽ là người nhẹ dạ. Lấy thông tin chính thống làm cơ sở luận bàn nhiều khi sẽ là điều thừa thãi đáng thương.

Mới đây, ông bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân công bố chủ trương vay khoảng 400 triệu Đô la Mỹ từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam. Đương nhiên, tin này được hàng loạt trí thức khoa bảng và giới truyền thông Việt Nam ồn ào bàn tán. Nhu cầu cấp bách về đào tạo nhân tài để xây dựng quốc gia là điều không cần phải bàn cãi. Sự tụt hậu thê thảm về giáo dục, đào tạo và chất lượng của bằng cấp Việt Nam cho thấy việc xây dựng con người đã trở thành vấn đề sống còn của đất nước. Tuy vậy, với tình hình quốc gia hiện nay, lấy của dân ra 400 triệu Đô la để theo đuổi ước mơ đứng vào “đẳng cấp quốc tế” là một hành vi nguy hiểm. Nhiều giáo sư, tiến sĩ trong và ngoài nước có kinh nghiệm giảng dạy đại học tại Việt Nam, trong đó có cả nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Đạo tạo Trần Hồng Quân tỏ ra băn khoăn hoặc là “về việc những tư duy bảo thủ sẽ cản trở tiến trình giáo dục theo khuynh hướng hội nhập”, hoặc là “chưa thấy có một văn bản nào rõ ràng về vấn đề chuẩn bị nhân sự để có các giáo sư giảng dạy”. Nhưng khi nhìn kỹ, người ta có quyền khẳng định rằng những ý kiến được gọi là phản biện trên chỉ là việc “nói cho vui”.
Những băn khoăn này hoàn toàn không cần thiết trước những sự thật hiển nhiên mà ai cũng biết.

Một trường đại học cao cấp theo đúng nghĩa ít nhất phải hội tụ đủ ba điều kiện đào tạo: chất lượng sinh viên cao, đội ngũ giảng dạy giỏi và điều kiện vật chất dồi dào. Nhưng ai cũng biết rằng chất lượng giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn không có khả năng cung cấp đủ cho các trường đại học một đội ngũ sinh viên có trình độ để hấp thụ một chương trình đại học cao cấp. Trường Đại học Việt-Đức mới mở tại Sài Gòn với sự trợ giúp của CHLB Đức sau một hồi “trống rung cờ mở” chỉ tuyển chọn được vài chục sinh viên cho khóa đầu từ hàng ngàn thí sinh dự thi. Du học sinh Việt Nam được tuyển chọn đi học tại ngoại quốc đa số đều hết sức vất vả để theo kịp chương trình một cách hết sức khiêm tốn.

Ai cũng biết rằng Việt Nam hiện nay không có khả năng tạo ra một đội ngũ cán bộ giảng dạy cho các trường đại học “tầm cỡ quốc tế”. Ngoài một số ít giáo sư có uy tín trên những lĩnh vực đặc thù như ngôn ngữ, văn hóa dân tộc hay là trong một vài bộ môn thuần lý thuyết, Việt Nam tuyệt đối thiếu vắng những nhà khoa học lớn, những giáo sư, tiến sĩ có tiếng về khoa học kỹ thuật hay là về các môn khác của khoa học nhân văn để đảm đương những vai trò chính trong một trường đại học chất lượng cao.

Cách đây 4-5 năm, Việt Nam đứng ra chủ trì một Hội nghị Hóa học Quốc tế nhưng hoàn toàn không có một thuyết trình khoa học nào được đánh giá cao. Từ vài năm gần đây, Việt Nam đã gửi hàng ngàn sinh viên, cán bộ khoa học đi làm bằng tiến sĩ ở nước ngoài. Nhưng, từ một tiến sĩ mới được “bóc tem” ở nước ngoài về tới một giáo sư giỏi tại một trường đại học còn là một khoảng cách khá xa và đòi hỏi hàng loạt các điều kiện khác. Hệ thống đại học Việt Nam cũng chưa thể hy vọng vào các giáo sư, tiến sĩ giỏi người Việt ở nước ngoài. Con số những người này vẫn chỉ có thể được đếm trên đầu ngón tay, và đại bộ phận vẫn chưa muốn trở về trong điều kiện hiện nay. Một vài giáo sư ngoại quốc có ý định giảng dạy “thiện nguyện” cho Việt Nam khi đã về hưu hoặc khi không còn điều kiện thi thố tài năng ở nước ngoài sẽ chỉ là ít muối bỏ bể, hoàn toàn không có tác động đáng kể.

Và ai cũng biết rằng, hiện nay và trong thời gian sắp tới, Việt Nam không có khả năng cung cấp thiết bị hiện đại cho việc nghiên cứu các công trình khoa học cao cấp ở các trường đại học. Chính phủ cũng đã có lúc bỏ ra một số tiền lớn so với ngân sách quốc gia để mua sắm các thiết bị nghiên cứu cho một vài viện nghiên cứu và trường đại học trọng điểm. Cách đây khoảng mười năm, nhà nước đã chi ra vài chục triệu Đô la để dựng lên 30 phòng thí nghiệm khoa học “tầm cỡ Đông Nam Á”. Số tiền này được dùng để mua nhiều thiết bị thuộc loại hiện đại lúc bấy giờ. Nhưng kể từ lúc mua cho đến hiện nay, phần lớn số thiết bị này đều “nằm đắp chiếu” và chỉ được mang ra lau chùi trưng dẫn khi có khách đến thăm. Lý do đơn giản là số thiết bị này và cả những nhân viên vận hành đều không có việc làm vì không có đề tài thích ứng. Tại các nước phát triển, những công trình nghiên cứu cao cấp tại các viện khoa học và các trường đại học đều được cấp kinh phí từ những chương trình lớn của nhà nước hay là từ những hợp đồng với các công ty giàu có. Thêm vào đó là một số tiền không nhỏ từ những đóng góp thiện tâm. Cả ba điều này đều thiếu vắng ở Việt Nam. Không có các công trình nghiên cứu cao cấp, kể cả về khoa học kỹ thuật và khoa học nhân văn, thì không thể mơ tưởng đến một trường đại học cấp cao.

Ngoài vấn đề chất lượng sinh viên và cơ sở hạ tầng ban đầu, tầm cỡ một trường đại học còn được thẩm định qua kinh phí hàng năm để trả lương cho giáo sư, nhân viên và chi phí cho nghiên cứu. Số tiền này cho trường đại học danh tiếng Harvard ở Mỹ là 2 tỷ Đô la, và cho một trường đại học “tầm cỡ trung trung” ở Đức là 200 triệu Đô la một năm. Tất nhiên, đó là con số của các nước giàu có, nhưng sau khi gắng sức vay tiền để dùng khoảng 100 triệu Đô la cho việc dựng lên một trường đại học, trong thời gian trước mắt, Việt Nam không có khả năng đều đặn chi ra một phần của lượng tiền trên để “nuôi”, để vận hành một cơ sở đào tạo xứng đáng với tầm cỡ quốc tế. Nhà nước cũng không thể tiếp tục đi vay để hàng năm chi ra một số tiền tương ứng. Thiết bị công nghiệp và know-how công nghệ chủ yếu được nhập từ nước ngoài hoàn toàn không tạo ra nhu cầu có các hợp đồng nghiên cứu nhiều tiền cho các viện khoa học kỹ thuật và các trường đại học. Việc thu học phí cao chỉ có thể đặt ra với một bộ phận rất ít những gia đình giàu có. Tiền đóng góp của sinh viên sẽ chỉ là một phần rất nhỏ không thể bù đắp cho một lỗ hổng quá lớn.

Rõ ràng, trong thời gian trung hạn, “trường đại học tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam” chỉ là một điều hoang tưởng. Nó được đưa ra và nghe có vẻ dễ lọt tai trong một xã hội đang lên cơn sốt về bằng cấp. Từ vài năm gần đây, các trường đại học tại Việt Nam mọc lên như nấm sau cơn mưa. Từ đầu những năm 2000 lại đây, hầu như cứ một hai tháng người ta lại được đọc thông cáo thành lập trường đại học mới đủ hình đủ dạng. Ngày 26.09.2009, một trang Web của nhà nước Việt Nam đưa ra thống kê của Vụ Đại học và Sau Đại học cho thấy: 11 trường đại học mới thành lập chưa có một giảng viên nào đạt trình độ giáo sư hay phó giáo sư; trong 22 trường đại học mới thành lập, số tiến sĩ chỉ chiếm 6,9% trong đội ngũ giảng viên. Đó là về chất lượng giáo viên, còn điều kiện vật chất cũng không kém phần “ngoạn mục”. Trừ trường hợp tại một số rất ít vài trường đại học tại Hà Nội và Sài Gòn, hầu hết sinh viên tại Việt Nam đã phải ngỡ ngàng và vỡ mộng sau khi vượt qua “cổng trường đại học cao vời vợi” để tiếp xúc với điều kiện trường sở, thiết bị hết sức nghèo nàn, để “học chay” và nhiều khi còn thiếu cả sách giáo khoa. Người Việt Nam có quyền tự hào về kỷ lục lập trường đại học nhanh và nhiều, nhưng hình như vẫn chưa thấy xấu hổ về khoảng cách quá xa về danh bằng và thực chất.

Điều dễ hiểu là cơn “lên đồng đại học” đã sản sinh ra giấc mơ “đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam”. Và kết quả là người ta sẽ bỏ ra một lượng khổng lồ nhân lực và tài lực để lại thu về những mảnh bằng mờ nhạt. Nhiều người bảo vệ cho giấc mơ này bằng luận cứ: khi các ngân hàng quốc tế cho vay tiền thì họ cũng phải biết là Việt Nam có khả năng thực thi dự án. Họ quên rằng hiệu quả của một công trình đào tạo con người cần rất nhiều thời gian để minh định, và nó cũng rất trừu tượng. Các định chế tài chính ngoại quốc không phải là chỗ ngồi của các vị thánh vô tư, họ đã chứng nhận dự án PMU 18 hoàn toàn trong sạch trong khi một đứa trẻ con ở Việt Nam cũng biết các quan chức trong và ngoài dự án đã đút túi riêng hàng triệu Đô la, và họ hoàn toàn an tâm khi biết rằng khi các “trường đại học tầm cỡ quốc tế” của Việt Nam đưa ra những sảm phẩm làng nhàng nội địa thì nông dân Việt Nam dù muốn hay không cũng vẫn có hàng trăm triệu tấn gạo xuất khẩu để trả nợ dần.

Tất cả những điều trên là hiển nhiên. Điều khó hiểu là tại sao người ta lại phải bỏ ra nhiều công sức để phản biện một cách khá nghiêm túc một dự án chắc chắn là phá sản. Các phản biện này tuyệt đối không cần thiết cũng như việc so sánh sự khác nhau giữa 30 Euro và 10 Euro trong phần đầu bài viết. Trong một xã hội tù mù như ở Việt Nam, những phản biện và so sánh trên hoàn toàn đi lệch hướng. Cũng như đối với những công trình đại học nhếch nhác rào rào xuất hiện, người ta phải nghi ngờ là dự án bỏ ra 400 triệu Đô la xây dựng bốn “trường đại học đẳng cấp quốc tế” ở Việt Nam rất ít có liên quan tới việc đào tạo nhân tài. Việc dựng trường đại học tại Việt Nam hiện nay đang đơn thuần là việc làm kinh tế kiếm lời. Con số thất thoát 30-35% từ các công trình của nhà nước đưa tới số tiền khoảng 100 triệu Đô la sẽ chảy vào túi riêng các quan chức cho thấy mức độ béo bở của dự án. Trong một cơn ảo ước, con số này là một thực tế nhiều người biết, nhưng ít ai nói tới.

10.2009
© 2009 Phạm Việt Vinh
© 2009 talawas blog



Phản hồi


Hoàng Trường Sa nói:
21/10/2009 lúc 5:28 chiều
Cám ơn tác giả Phạm Việt Vinh về bài phân tích khá thuyết phục này. Tôi cũng nghĩ những dự án xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế đang ồn ào bán tán ở VN hiện nay cũng chỉ là kiểu bày chuyện ra để vẽ vời kiếm chác tí tiền còm bỏ túi của các “cụ” nhà ta thôi. Khả năng là sau khi vay được tiền của các quỹ quốc tế, mọi chuyện sẽ thực hiện qua quít, xây cất cơ sở vật chất thì lèm nhèm (vì các “cụ” sẽ rút ruột), còn tổ chức giảng dạy (ban giảng huấn và chương trình học) thì lộn xộn đầu voi đuôi chuột không đâu vào đâu. Chắc chắn rồi nợ nần vay mượn các nước khác cho chương trình này cũng sẽ đổ lên đầu các thế hệ VN tương lai phải còng lưng ra mà trả thôi.
Muốn cho nền giáo dục VN được phát triển tương xứng với tiềm năng trí tuệ của dân tộc ta, điều đầu tiên là phải thay thế chế độ độc tài, độc đảng và tham nhũng thối nát hiện nay bằng một chế độ thực sự dân chủ, tự do và do nhân dân trong nước chọn lựa qua những cuộc ứng cử và bầu cử công bằng và tự do có quan sát viên quốc tế chứng kiến. Chỉ khi nào chính quyền VN là thực sự của dân, do dân và vì dân (theo đúng nghĩa của các từ này) thì đất nước mới có cơ hội cất cánh về đủ mọi mặt, trong đó có cả giáo dục. Còn ngoài ra, thì chỉ càng ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực (và trên thế giới) mà thôi.



No comments: