Friday, June 5, 2009

VỊ THẾ CỦA CÁC BÊN TRONG VÙNG BIỂN ĐÔNG

Vị thế của các bên trong vùng Biển Đông
nuocmua, Thành viên X-Cafe
03.06.2009
http://www.x-cafevn.org/node/1828
Không kể các nước riêng lẻ, hiện nay ở biển Đông có 5 bên có lợi ích gắn liền với biển Đông, và có tiếng nói có trọng lượng:

1. Mỹ. Quyền lợi của Mỹ là an toàn cho giao thông thương thuyền trong khu vực, đảm bảo phát triển kinh tế toàn vùng Asean, Đông Á (TQ, Nam Hàn, và Nhựt). Kinh tế Mỹ càng ngày càng phụ thuộc vô kinh tế thế giới, và đảm bảo được an toàn cho phát triển kinh tế ở châu Á.
Ngoài hiệp ước phòng thủ chung với Philippines yêu cầu quân đội Mỹ hỗ trợ quân đội Philippines, Mỹ không có nhu cầu sử dụng sức mạnh ở biển Đông. ngay đối với Philippines, quân đội Mỹ có chính sách không xen vô các tranh chấp hiện hữu. Chính sách này đã có lâu đời, nếu được lại lịch sử, quân đội Mỹ chưa bao giờ hỗ trợ, giúp đỡ bất cứ đồng minh nào ở biển Đông.

2. Trung Quốc. Ngoài quyền lợi về kinh tế bảo đảm an toàn thương thuyền, TQ có thêm quyền lợi về nguồn dầu mỏ, khí đốt, và thủy sản. Với tăng trưởng kinh tế, TQ đương nhiên sẽ trở thành một sức mạnh vể vũ trang và kinh tế đối với các nước trong vùng.

3. Nhật. Quyền lợi của Nhật tương tự như của Mỹ, gắn liền với an toàn, bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong vùng, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho công nghiệp kinh tế Nhật, bảo đảm xuất cảng cho Nhật. Ngoài ra, an toàn trong vùng cũng đảm bảo cho đầu tư của Nhật trong các nền kinh tế trong vùng. Nhật cũng đang phát triển hải quân và tuần duyên thành một sức mạnh đáng kể

4. Nam Hàn. Nam Hàn vẫn đang là một trong những nền kinh tế phát triển của thế giới, dựa vô buôn bán, thương thuyền. Nam Hàn đang phát triển kế hoạch blue-water Navy để bảo đảm an toàn cho thương thuyền của mình.

5. Asean. Quyền lợi của toàn Asean gắn liền với quyền lợi toàn bộ thành viên. Tuy nhiên Asean có chính sách không can thiệp, không ủng hộ tranh chấp giữa thành viên hay giữa thành viên và TQ. Trong các thành viên, chỉ có VN, Philippines và Mã lai có tranh chấp lãnh hải với TQ, cho nên Asean sẽ không hoàn toàn ủng hộ các tranh chấp.

Những người đang có suy nghĩ dựa vô các sức mạnh quân sự trên thế giới như Nga, Mỹ để đối phó với TQ cần phải thấy rõ trong lịch sử, khi một nước nhỏ cần được hỗ trợ, chưa hề có muốn nhúng tay. Mỹ để yên cho TQ chiếm Hoàng Sa năm 1974, Mỹ chưa hề can thiệp mặc dù Philippines đã nhờ vài lần, Nga cũng không có động thái nào khi VN phải đương đầu với TQ năm 1979. Các sức mạnh này chỉ có thể giúp về kìm chế, hay trọng tài giải quyết mâu thuẩn, chứ không bao giờ sẽ tốn một giọt máu nào cho các tranh chấp ở biển Đông.

Hiện diện của quân đội Mỹ trong vùng chỉ để bảo đảm an toàn lưu thông hàng hải. Tập huấn, hợp tác giữa các quân đội trong vùng chỉ để chống hải tặc, khủng bố, hay cao lắm là ngăn ngừa các hành động thiếu suy nghĩ, thiếu trách nhiệm của một bên nào đó, chứ không hề có mục đích bảo vệ, hay ủng hộ tranh chấp cho một bên nào.
Với vị trí của mình, Mỹ có thể có hai vai trò sau:
1. Có sức mạnh bảo đảm an toàn lưu thông hàng hải, và khả năng hợp tác với nhiều nước trong vùng,
2. Là thành viên trung lập của UN Security Council để đem ra các xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải, hay các hiệp ước. TQ là thành viên có quyền lợi trong vùng, nhưng không trung lập vì có tranh chấp lãnh hải nên không thể làm trọng tài được.

Người Nhật tuy chưa có nhiều ảnh hưởng quân sự, nhưng có ảnh hưởng kinh tế rất lớn và có thể yêu cầu các bên như VN, Phi, Mã lai ngừng các hoạt động quân sự trong vùng thay vì tình trạng hiện naỵ Nam Hàn cũng có thể chung tiếng nói với Nhật trong vấn đề này.

Để giải quyết các vấn đề biển Đông, người Việt cần phân chia rạch ròi ra 3 phạm vi :

I. Tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải: đây chỉ là vấn đề tranh giành ảnh hưởng, và uy tín quốc gia, tên tuổi lãnh đạo ...

II. Quyền lợi khai thác dầu mỏ, khí đốt: cần so sánh lợi và hại khi giành hết mà không đủ sức, hay chấp nhận chia sẻ để cùng phát triển trong khi chưa một bên nào đủ sức làm chủ toàn bộ

III. Quyền lợi khai thác tài nguyên thủy sản, trách nhiệm bảo vệ nguồn thủy sản, môi sinh, cũng như trách nhiệm bảo vệ người dân và luật phát trong vùng.

Khi tách các vấn đề II và III ra, vấn đề I sẽ không còn ý nghĩa nhiều nữa và không ai sẽ tốn tiền của, xương máu đi bảo vệ mấy hòn san hô.

Vấn đề II và III khi không còn bị áp lực về lịch sử, về "mất đất của cha ông," các bên sẽ có nhiều phương thức thương lượng hơn, và dễ đạt được tiếng nói chung, cũng như kêu gọi được các trọng tài quốc tế vô cuộc.


Biển Đông - Vấn Đề và Giải Pháp
nuocmua, Thành viên X-Cafe
02.06.2009
http://www.x-cafevn.org/node/1820
Trước khi bàn thêm về các phương thức đối phó, tôi muốn đưa ra 3 vấn đề được Trung Quốc coi quan trọng ở biển Đông:

1. Biển Đông là khu vực quan trọng cho thương thuyền Trung Quốc. Để duy trì phát triển kinh tế, Trung Quốc cần bảo vệ các đoàn thương thuyền chở dầu, nguyên vật liệu về Trung Quốc và hàng hóa xuất cảng từ Trung Quốc qua châu Phi, châu Âu, và Trung Đông. Hai con đường từ Ấn Độ Dương về Trung Quốc qua eo Malacca và eo Lombok/Sunda đều đổ vô biển Đông. Trung Quốc đã thương lượng và thiết lập nhiều căn cứ Hải quân ở Sri Lanca, Bangladesh, và Tây Phi để bảo vệ thương thuyền Trung Quốc, và sẽ gia tăng ảnh hưởng để làm chủ được biển Đông.

2. Trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tiềm tàng ở biển Đông sẽ góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế cho Trung Quốc,

3. Tài nguyên thủy sản ở biển Đông rất lớn, đã và đang đóng góp rất nhiều cho nhiều nền kinh tế trong vùng, như Việt Nam, Trung Quốc, Phi, Mã lai, Thái, Indo ... Khác với tài nguyên dầu mỏ và khí đốt, tài nguyên thủy sản có sản sinh lại, và không bị giới hạn bởi các phân chia biên giới. Nếu có phân chia biên giới thực sự, và đánh bắt không hạn chế của một nước vẫn ảnh hưởng đến tài nguyên của nước khác trong vùng.

Trong vấn đề 1, người Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ tranh chấp, bởi đây là con đường sống của họ. Người Trung Quốc sẽ tăng cường các hoạt động vũ trang cho đến khi nào họ thực sự làm chủ được vùng biển hay đạt được cam kết an toàn cho thương thuyền của họ.

Vấn đề 2 liên quan đến lãnh thổ, lãnh hải, và người Trung Quốc đương nhiên biết họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn với 5 chủ quyền tranh giành. Họ biết phân chia cuối cùng sẽ đạt được bằng thương thuyết, nhưng ai to tiếng nhứt, đòi hỏi nhiều nhứt, mạnh nhứt sẽ dành được phần nhiều nhứt.

Vấn đề 3 đang là vấn đề được ít người quan tâm. Ngư dân các nước trong vùng kể cả Trung Quốc đều đang đánh bắt không hạn chế và đang làm kiệt quệ nguồn tài nguyên này. Người Trung Quốc đang "tỏ ra rất có trách nhiệm" trong việc cấm đánh bắt hay hạn chế đánh bắt theo mùa.

Trong ba vấn đề trên chỉ có hai vấn đề 1 và 3 có khả năng được giải quyết trong tương lai gần trong khi vấn đề 2 cần phải được đặt trong tình trạng hiện tại, không ai được tự ý chiếm, xây cất thêm hay sử dụng vũ lực đối với bất cứ quốc gia nào trong vùng.

Hiện nay chế độ ở Việt Nam đang tìm cách tăng cường sức mạnh vũ trang của mình, về cả Hải quân và Không quân. Họ có vẻ muốn chọn chiến lược submarines/fast attack crafts để đối đầu với thay đổi chiến lược Blue-water Navy của Trung Quốc. Nhưng có 5 để đối chọi với hơn 80 submarines của Trung Quốc, hay 20 tàu Corvette đối chọi với hơn 300 tàu của Trung Quốc có hiệu quả hay không? Còn nữa, Trung Quốc đã có kinh nghiệm với chiến lược submarines/fast attack craft trong vài chục năm gần đây trong khi Hải quân QDNDVN vẫn còn là lực lượng chuyên chở chớ chưa phải là lực lượng phòng thủ hay tấn công.

Chạy đua vũ trang với Trung Quốc không phải là chiến lược khôn ngoan, bởi Trung Quốc đương nhiên giàu hơn, mạnh hơn, và có nhiều tài nguyên, kỹ thuật hơn xa Việt Nam. Chiến thuật trên biển cũng khác xa chiến thuật trên bộ nên người Việt Nam không thể dựa vô kinh nghiệm chiến tranh du kích. Người Trung Quốc có dư khả năng chạy đua vũ trang trên biển cho đến khi chế độ ở Việt Nam phá sản giống như cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô trong thời chiến tranh lạnh, và người Trung Quốc sẵn sàng chạy đua vì đó là con đường sống của họ, của cả nền kinh tế Trung Quốc, chớ không phải chỉ vì vài hòn đảo san hô ở Trường Sa.

Hiện đại hóa quân đội, hay tiêu pha phung phí vì thiếu suy nghĩ chiến lược

Hiện đại hóa quân đội để có khả năng phòng thủ đất nước, bảo vệ người dân là nhiệm vụ chính của lãnh đạo bất cứ quân đội nào. Nhưng không phải cứ vung tiền mua vũ khí là "hiện đại hóa".

Nói về việc mua tàu ngầm. Tàu ngầm có thể tấn công bất ngờ khi đối phương không biết là có tàu hay không, nếu biết có, đối phương không biết có ở đâu, làm gì. Hoạt động của tàu ngầm là trò chơi cút bắt, ẩn để đối phương không biết tung tích, đồng thời hoạt động truy tìm tung tích tàu ngầm đối phương.

Về chiến thuật, Trung Quốc hiện tại và trong tương lai gần có hơn 10 lần số tàu Việt Nam sắp mua. Họ đã và đang hoạt động mạnh, chắc chắn sẽ có nhiều kinh nghiệm về ẩn tránh và truy tìm tung tích. Trung Quốc có riêng cả satellites, định vị, bản đồ lòng biển đủ chi tiết hơn Việt Nam ... mấy chiếc tàu ngầm của Việt Nam có đủ kinh nghiệm và kỹ thuật hay không?

Về chiến lược, sức mạnh của tàu ngầm là gây sợ hãi cho đối phương. Vì đối phương không biết sẽ bị tấn công từ đâu, họ sẽ bảo toàn lực lượng bằng cách giữ tàu bè trong ụ. Người Trung Quốc không có con đường sống nếu tàu bè nằm ụ, hơn 80% dầu tiêu thụ ở Trung Quốc đi qua biển Đông, tất cả hàng hoá xuất cảng từ Trung Quốc qua châu Phi, Trung Đông và châu Âu đều đi qua biển Đông. Trung Quốc đang xây dựng đường dẫn dầu từ vịnh Bengal đi qua Miến Điện về Trung Quốc để giảm rủi ro ở biển Đông, nhưng dù sao họ sẽ không chấp nhận sợ hãi, và sẽ làm hết sức vô hiệu hóa các đe dọa vũ trang. Như vậy chiến lược gây sợ hãi cho Trung Quốc sẽ không có con đường "thắng", hoặc là không có hiệu quả, hoặc là thua. Cho dù có tốn hơn 2-3 lần số lượng tàu để vô hiệu hóa 5 tàu của Việt Nam, người Trung Quốc vẫn còn hơn 80% tàu để kiểm soát biển Đông.

Con đường Việt Nam có thể "thắng" là một mặt xoa dịu sợ hãi của người Trung Quốc, một mặt bảo vệ cuộc sống, công ăn việc làm của mọi ngư dân trong vùng.

Người Trung Quốc đang sợ leo thang vũ trang trong vùng sẽ ảnh hưởng đến sống còn của kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc từ chối tập trận chung với Mỹ và vài nước Asean trong mấy năm vừa qua vì họ chưa tin tưởng vô chính sách của Mỹ cho phép TQLC hay Tuần Duyên Mỹ leo tàu, kiểm soát các tàu khả nghi trong biển Đông. Gia tăng hoạt đông quân sự đơn phương chỉ làm tăng thêm nghi ngờ, không tin tưởng, dẫn đến leo thang không cần thiết. Các quốc gia Asean trong đó có Việt Nam cần phải xoa dịu sợ hãi của người Trung Quốc, có chính sách hoạt động quân sự hợp tác nhằm đem đến an toàn cho toàn bộ giao thông trong vùng. Qua hợp tác quân sự nghi ngờ sẽ được giải toả, các bên sẽ tôn trọng chủ quyền và tiếng nói của nhau hơn.

Về bảo vệ cuộc sống và công ăn việc làm của ngư dân trong vùng, tàu ngầm cũng không phải là phương tiện đúng. Các chính sách ngoại giao phải tập trung vô giải pháp bảo vệ tài nguyên thuỷ sản và các phương pháp hạn chế đánh bắt cho toàn bộ ngư dân. Công việc giám sát hạn chế đánh bắt theo mùa theo vùng biển phải được đặt ra, và chia trách nhiệm hợp tác cho tuần duyên các nước trong vùng. Chi có tuần duyên Việt mới có cơ sở pháp lý giải quyết ngư dân Việt, và chỉ tuần duyên Trung Quốc mới có cơ sở pháp lý giải quyết ngư dân Trung Quốc bất cứ nơi đâu trên biển Đông. Để làm được điều này, các nước trong vùng không cần phân chia biên giới lãnh thổ mà có thể cùng đồng ý khai thác tài nguyên theo quota, và chia trách nhiệm giám sát.

Tuần duyên Việt Nam phải có khả năng phản ứng trong vòng 2-3 giờ đến bất cứ địa điểm nào trên biển Đông khi tuần duyên Trung Quốc, Phi, Mã tiếp cận ngư dân Việt đánh bắt trái phép, sai quotas. Tuần duyên Việt Nam cũng cần thông báo và yêu cầu tuần duyên của nước mà ngư dân đang đánh bắt trái phép đến giải quyết khi phát hiện trường hợp này. Các sự kiện người Trung Quốc tông tàu ngư dân Việt hay truy đuổi ngư dân Việt phải được giải quyết theo hướng này, vì người Trung Quốc đang làm việc này đơn phương không ai hợp tác.

Để làm được điều này, tàu ngầm không phải là phương tiện có hiệu quả. Thay vì vài tàu ngầm, Việt Nam có thể phát triển vài trăm hải đội phản ứng nhanh, tiếp cận ngư dân, sự việc trong toàn biển Đông để bảo vệ người dân là công việc thiết thực và có hiệu quả hơn.

No comments: