Wednesday, June 3, 2009

THIÊN AN MÔN : NHỮNG NGÀY ĐỂ NHỚ

Thiên An Môn: Những ngày để nhớ
Dan Southeland
Đinh Từ Thức dịch
04/06/2009 4:37 sáng
http://www.talawas.org/?p=5479

Hai năm trước đây, tôi gặp một sinh viên Trung Quốc vào trường cao học tại Hoa Kỳ. Tôi nói với cô rằng tôi đã từng ở Bắc Kinh hồi xảy ra biến cố “Lục Tứ”, là tên tắt người Tầu dùng để chỉ cuộc thảm sát vào ngày 4 tháng Sáu.
Cô hỏi lại rằng tôi nói cái gì vậy?
Lúc đầu, tôi tưởng cô không hiểu được tiếng Tầu của tôi, nhưng chỉ lát sau tôi biết rằng “4 tháng 6″ chẳng có nghĩa gì với cô. Đáng lẽ tôi không nên ngạc nhiên.

Trong 20 năm kể từ khi quân đội bắn vào thường dân tay không gần Quảng trường Thiên An Môn, các nhà kiểm duyệt Trung Quốc đã tìm cách xóa mọi nhắc nhở tới thảm cảnh đó trong sách giáo khoa và truyền thông quốc doanh.

Biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn 1989 (Ảnh: AP)
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/06/dtt1-196x400.jpg

Nhưng với tôi, không thể quên được Thiên An Môn. Với tư cách là trưởng phòng báo Washington Post tại Bắc Kinh, tôi theo dõi cuộc biểu tình của sinh viên bắt đầu vào giữa tháng Tư, cố gắng tìm dấu vết vụ tranh quyền trong bóng tối của giới lãnh đạo Trung Quốc, và điều khiển một nhóm phóng viên trẻ người Mỹ nói tiếng Tầu.
Điều tôi nhớ rõ nhất là bỗng nhiên có sự cởi mở trong số rất nhiều người ở Bắc Kinh thuộc đủ mọi ngành nghề. Họ phấn khởi trước những đám đông sinh viên đòi cải tổ chính trị, tự do báo chí và chấm dứt “chính thức trục lợi”.
Những người ủng hộ Đảng Cộng sản bỗng nhiên nói với tôi những điều họ nghĩ. Một số người vốn kín tiếng trước đây, nay tranh luận chính trị, ngay cả ở góc phố.

Vào đầu tháng Năm, báo giới Trung Quốc kiến nghị xin được quyền loan tin rộng rãi về những cuộc biểu tình tại Thiên An Môn, mà vào ngày 17 tháng Năm đã lên tới trên một triệu người tuần hành ở thủ đô. Nhà báo của mọi tờ báo lớn Trung Quốc, kể cả Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản cũng nhập cuộc. Khẩu hiệu của họ là: “Đừng bắt chúng tôi nói dối”.

Một khoảng thời gian ngắn, nhà báo Trung Quốc được phép loan tin vô tư về các cuộc biểu tình của sinh viên. Nhưng tự do báo chí này đã chết sớm, chấm dứt vào ngày 20 tháng Năm với tình trạng thiết quân luật được ban hành, và Quân đội Giải phóng Nhân dân vào Bắc Kinh.

Lúc đầu, cư dân Bắc Kinh tự làm lấy chướng ngại vật để ngăn cản quân đội. Nhưng vào đêm khuya ngày 3 tháng 6, xe tăng, thiết vận xa, và quân đội nổ súng tại quảng trường.
Số nạn nhân thiệt mạng mau chóng trở thành điều cấm kỵ đối với truyền thông Trung Quốc.
Bác sĩ và y tá Trung Quốc đã công khai về phe với sinh viên tại quảng trường, và mặc dầu dưới áp lực phải giấu con số thiệt hại, họ đã để cho nhà báo vào phòng giải phẫu chứng kiến những người bị thương.
Một bác sĩ quả cảm tại một bệnh viện không xa Quảng trường Thiên An Môn dẫn tôi và một đồng nghiệp vào một nhà xác dựng tạm, nơi tôi thấy khoảng 20 thân thể đầy vết đạn nằm trên nền xi măng. Sau này tôi được biết vị bác sĩ đó đã bị “kỷ luật” vì để tôi nhìn cảnh đó.
Một nhà báo Trung Quốc tôi coi như bạn cố gắng thuyết phục tôi là chính quyền ước tính chỉ có dưới 300 người chết là đúng, và rằng con số này bao gồm cả thiệt hại về phía quân đội và cảnh sát. Sau này, các đồng nghiệp của anh ta cho tôi biết là anh làm cho cơ quan an ninh.
Sau khi so sánh với ghi nhận của những người khác, tôi phỏng chừng con số người chết thực sự ít nhất là 700, và đa số là thường dân Bắc Kinh.

Việc Chính quyền Trung Quốc ém nhẹm thành công một thảm cảnh lớn trong thời gian lâu như thế hầu như là một phép màu.
Nhưng với những người theo sát việc tiếp tục đàn áp tự do dân sự tại Trung Quốc - và biện pháp bóp nghẹt tin “nhậy cảm” của chính quyền - thì chẳng có gì ngạc nhiên.

Chính quyền Trung Quốc tiếp tục đe dọa phóng viên, chặn website và nhiễu sóng các đài phát thanh hải ngoại. Trung Quốc đứng đầu thế giới trong việc bỏ tù nhà báo và các nhà bất đồng chính kiến trên mạng.
Giới trẻ Trung Quốc thuộc loại giỏi nhất thế giới về mạng điện tử. Nhưng bộ máy truy tầm của Trung Quốc, các biện pháp chặn chat và blog, cũng như các nhà cung cấp dịch vụ internet, đều được trang bị những bộ lọc để chặn một số chữ cấm kỵ liệt kê trong sổ đen được liên tục cập nhật.
Kiểm duyệt Trung Quốc có nhiều, đôi khi nhẹ tay, đôi khi tinh vi, cho phép thảo luận trên một số vấn đề, và chặn đứng một số khác, như chuyện Thiên An Môn.
Kiểm duyệt bắt các nhà cung cấp dịch vụ internet và chủ Internet cafe phải chịu trách nhiệm về những gì khách hàng đọc hay cho lên mạng. Một nhà cung cấp dịch vụ nhỏ cho blog thường sai lầm về phía cẩn trọng hơn là để bị mất giấy phép hành nghề vì một cuộc thảo luận về mùng 4 tháng 6.
Ranh giới thay đổi tùy thời, khiến người dân không biết chắc và thiên về tự kiểm duyệt.

Tin vui là chuyện bưng bít không hoàn hảo. Chúng tôi biết qua những chương trình gọi vào của Đài Á Châu Tự Do là một số người trẻ Trung Quốc biết đủ về Thiên An Môn để muốn được học hỏi thêm.
Tôi làm việc với nhiều nhà phát thanh Trung Quốc họ vốn là những sinh viên ở Bắc Kinh hôm mùng 4 tháng 6. Và họ ở đây để nhắc nhở tôi - và nhiều người Trung Quốc - về một lịch sử không bao giờ nên quên.
_________

Dan Southerland hiện là chủ bút (executive editor) của Đài Á Châu Tự Do (RFA). Ông là trưởng phòng báo Washington Post tại Bắc Kinh từ 1985 đến 1990.

Nguồn:
Tiananmen: Days to Remember“, trang bình luận A15, 2 tháng 6, 2009

Bản tiếng Việt © 2009 Đinh Từ Thức
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog

--------------------------------

Thiên An Môn đẫm máu
Tháng Sáu 3, 2009
http://ledienduc.wordpress.com/2009/06/03/thien-an-mon-d%e1%ba%abm-mau/

Vén màn bí mật vụ thảm sát Thiên An Môn
Tháng Sáu 2, 2009
http://ledienduc.wordpress.com/2009/06/02/th%e1%bb%a7-t%c6%b0%e1%bb%9bng-trung-qu%e1%bb%91c-ven-man-bi-m%e1%ba%adt-v%e1%bb%a5-th%e1%ba%a3m-sat-thien-an-mon/

No comments: