Friday, June 26, 2009

LỖ HỔNG PHÁP LÝ TRONG LẬP LUẬN của LÊ MINH PHIẾU

LÊ MINH PHIẾU VÀ NHỮNG LỖ HỔNG PHÁP LÝ TRONG BÀI “ TOÀ ÁN HÀ NỘI BÁC ĐƠN KIỆN THỦ TƯỚNG CỦA LS CÙ HUY HÀ VŨ”
Đức Hiếu
HC Mạng bauxite Việt Nam biên tập
http://bauxitevn.info/2212/le-minh-phieu-va-nhung-lo-hong-phap-ly/

Trong bài “Tòa án Hà Nội bác đơn kiện Thủ tướng của LS Cù Huy Hà Vũ” (
http://leminhphieu.com/?p=1116), tác giả Lê Minh Phiếu viết: “Đơn kiện của LS. Cù Huy Hà Vũ đã bị bác. Điều này hoàn toàn không làm tôi ngạc nhiên. Tôi đã biết chắc chắn đơn kiện này sẽ bị bác ngay từ khi vừa đọc nó. Đó là bởi vì đơn kiện của LS. Cù Huy Hà Vũ đã sai lầm trong cách tiếp cận vấn đề: (1) Nó đã lựa chọn không đúng đối tượng cần khởi kiện và (2) tư cách khởi kiện của LS. Cù Huy Hà Vũ là chưa chắc chắn”. Thế nhưng những lập luận mà Lê Minh Phiếu đưa ra trong bài viết chẳng những không chứng minh được LS Cù Huy Hà Vũ đã mắc sai lầm trong việc kiện Thủ tướng mà còn chứng tỏ Lê Minh Phiếu “hổng” nghiêm trọng về kiến thức pháp luật.

Về “đối tượng khởi kiện”
Lê Minh Phiếu viết: “
Quyết định 167/2007/QĐ-TTg ngày 1/11/2007 phê duyệt Quy hoạch là một văn bản quy phạm pháp luật, nó không phải là một “quyết định hành chính” nên Quyết định này không thể là đối tượng khởi kiện hành chính. Thay vào đó, Lê Minh Phiếu cho rằng chỉ có thể khởi kiện các “Quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư” do các cơ quan quản lý đầu tư cấp (Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Thủ tướng Chính phủ) cho các dự án khai thác bauxite tại Tân Rai và Nhân Cơ (Tây Nguyên).

Theo Từ điển Luật học (NXB Từ điển bách khoa – NXB Tư pháp) thì “quyết định hành chính” là “quyết định trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước”. Vẫn theo Từ điển này thì “Chính phủ” là “cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước CHXHCNVN” và “Thủ tướng Chính phủ” là “người đứng đầu Chính phủ”. Vậy quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ có thể là “quyết định hành chính”. Đi sâu hơn thì quyết định của Thủ tướng Chính phủ có thể thuộc một trong hai phạm trù: “văn bản quy phạm pháp luật” (Khoản 5 Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật) và “văn bản áp dụng pháp luật”.
“Văn bản quy phạm pháp luật” theo Điều 1 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là “văn bản do cơ quan nhà nước ban hành trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung” trong khi “văn bản áp dụng pháp luật” theo Từ điển Luật học là “văn bản áp dụng các quy phạm pháp luật đối với những quan hệ cụ thể, cá biệt nhằm thiết lập quyền và nghĩa vụ cụ thể của cá nhân, cơ quan, tổ chức nhất định”. Như vậy, Quyết định 167/2007/QĐ-TTg là văn bản áp dụng pháp luật chứ không phải là văn bản quy phạm pháp luật vì nó nhằm thiết lập quyền và nghĩa vụ cụ thể của cá nhân, cơ quan, tổ chức nhất định. Thực vậy, Quyết định này xác định trách nhiệm của một số Bộ, UBND tỉnh, thành phố và Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam trong việc quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite trong một giai đoạn nhất định (2007 -2015, có xét đến năm 2025) chứ không có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các bộ, địa phương, ngành…
Tóm lại, Quyết định 167/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là quyết định hành chính cá biệt, áp dụng đối với một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể (thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite) và vì vậy dứt khoát là đối tượng khởi kiện hành chính.

Về việc Lê Minh Phiếu cho rằng lẽ ra LS Cù Huy Hà Vũ phải khởi kiện các “Quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư” khai thác bauxite thì mới có cơ thành công, người viết bài này thấy đề xuất đó hoàn toàn không khả thi bởi lẽ làm sao có thể hủy bỏ được các quyết định hành chính nói trên nếu căn cứ pháp lý mà nó dựa vào mà ở đây là Quyết định 167/2007/QĐ-TTg vẫn còn đó? Trừ phi Lê Minh Phiếu tự mình khởi kiện các “Quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư” khai thác bauxite này!

Về “tư cách khởi kiện”
Lê Minh Phiếu viết: “Việc LS Vũ đứng đơn với tư cách người khởi kiện cũng chưa chắc chắn. “Người khởi kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính
” (Khoản 2, Điều 4 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính)… Việc LS. Vũ chứng minh ông là người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hẳn cũng sẽ khó khăn. Nếu như ông đứng đơn đại diện (có ủy quyền) của những người sống ở Tây Nguyên có đất bị giải tỏa cho việc khai thác hay những người sống gần khu khai thác bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm môi trường thì sẽ thuyết phục hơn”. Vậy là Lê Minh Phiếu có đọc nhưng chưa đến nơi đến chốn Đơn khởi kiện Thủ tướng của LS Cù Huy Hà Vũ.

Trong Đơn khởi kiện LS Cù Huy Hà Vũ đã dẫn Khoản 2 Điều 4 Luật bảo vệ môi trường: “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân”. Như vậy, môi trường phải là lợi ích hợp pháp của mọi công dân Việt Nam thì Luật mới có thể quy định bảo vệ môi trường là sự nghiệp của “toàn xã hội”. Vậy chỉ chừng nào LS Cù Huy Hà Vũ không phải là công dân Việt Nam hay “toàn xã hội” chỉ bao gồm “những người sống ở Tây Nguyên có đất bị giải tỏa cho việc khai thác hay những người sống gần khu khai thác bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm môi trường”, hay cực đoan hơn, Tây Nguyên chỉ của người dân Tây Nguyên mà không thuộc về toàn dân Việt Nam thì lúc đó mới có thể nói LS Cù Huy Hà Vũ không có lợi ích hợp pháp của mình tại vùng này của đất nước.
Cũng như vậy, khi dẫn Khoản 1 Điều 128 Luật Bảo vệ môi trường: “Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”, LS Cù Huy Hà Vũ đã tiếp tục chứng minh tư cách khởi kiện của mình vì như trên đã phân tích, môi trường không của riêng ai.
Vậy để bảo vệ môi trường của Tây Nguyên bị xâm hại bởi những hệ quả của việc Thủ tướng ban hành Quyết định 167/2007/QĐ-TTg trái Luật bảo vệ môi trường, không chỉ TS LS Cù Huy Hà Vũ mà bất cứ công dân Việt Nam nào cũng có thể khởi kiện Thủ tướng.

Còn nói như Lê Minh Phiếu thì giải thích thế nào đây nỗi đau đáu môi trường, an ninh ở Tây Nguyên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở tuổi 98, giải thích thế nào đây sự phản kháng quyết liệt trước chủ trương khai thác bauxite ở cao nguyên này thể hiện qua Kiến nghị gửi lãnh đạo Việt Nam của hàng nghìn, hàng nghìn nhân sĩ, trí thức và mọi tầng lớp xã hội do GS Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Phạm Toàn, TS Nguyễn Thế Hùng khởi xướng… là những người mà tôi đoan chắc không có hộ khẩu ở Tân Rai và Nhân Cơ. Cách lập luận của Lê Minh Phiếu không gì khác hơn một sự thiển cận và ích kỷ: nhà hàng xóm bị cướp mình cứ lặng thinh cho khỏi tai bay vạ gió, miễn kẻ cướp không vào cướp nhà mình!

Vì sao Tòa án Hà Nội không thụ lý Đơn khởi kiện Thủ tướng của LS Cù Huy Hà Vũ?
Trước hết cần nói rằng Lê Minh Phiếu cũng như nhiều tờ báo đã nhầm lẫn khi dùng thuật ngữ “bác” đơn kiện vì “bác” đơn kiện chỉ áp dụng trong trường hợp Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, tức Đơn khởi kiện đã được Tòa án thụ lý và vụ án đã được đưa ra xét xử. Còn trong trường hợp này thì phải nói Tòa án Hà Nội “trả lại” như chính “Thông báo trả lại đơn khởi kiện” của Tòa án Hà Nội gửi LS Cù Huy Hà Vũ đã chỉ rõ hoặc cũng có thể nói Tòa án Hà Nội “không thụ lý” Đơn khởi kiện của LS Cù Huy Hà Vũ.
Thông báo trả lại Đơn khởi kiện số 19/TB – TA ngày 15/6/2009 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội gửi LS Cù Huy Hà Vũ có ghi: “Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thấy: Theo quy định tại Điều 12 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ và cấp tương đương trở xuống và quyết định hành chính, hành vi hành chính của Thủ trưởng các cơ quan đó. Do đó, việc ông khởi kiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bằng vụ án hành chính. Căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 31 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, Tòa hành chính – Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo đơn và thông báo cho ông được biết”.
Như vậy là rõ, Tòa án Hà Nội không thụ lý đơn khởi kiện của LS Cù Huy Hà Vũ là do Tòa án Hà Nội chỉ có thẩm quyền giải quyết Đơn khởi kiện quyết định của Bộ trưởng và cấp tương đương trở xuống nên Đơn khởi kiện quyết định của Thủ tướng không thuộc thẩm quyền của Tòa án này.
Điều này cũng có nghĩa:

1/Quyết định 167/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng là đối tượng bị khởi kiện, tức phải là quyết định hành chính và
2/ LS Cù Huy Hà Vũ có đầy đủ tư cách để khởi kiện, chỉ có điều Tòa án Hà Nội không có thẩm quyền thụ lý.
Vậy Tòa án nào có thẩm quyền thụ lý Đơn khởi kiện Thủ tướng của LS Cù Huy Hà Vũ? Tất cả chúng ta, kể cả Lê Minh Phiếu, hãy chờ xem!
ĐH
HC Mạng bauxite Việt Nam biên tập



Tòa án Hà Nội bác đơn kiện Thủ tướng của LS. Cù Huy Hà Vũ

Lê Minh Phiếu
23 Tháng Sáu, 2009
http://leminhphieu.com/?p=1116
Đơn kiện của LS. Cù Huy Hà Vũ
đã bị bác. Điều này hoàn toàn không làm tôi ngạc nhiên. Tôi đã biết chắc chắn đơn kiện này sẽ bị bác ngay từ khi vừa đọc nó.
Đó là bởi vì đơn kiện LS. Cù Huy Hà Vũ đã sai lầm trong cách tiếp cận vấn đề: (1) Nó đã lựa chọn không đúng đối tượng cần khởi kiện và (2) tư cách khởi kiện của LS. Cù Huy Hà Vũ là chưa chắc chắn.

1. Đối tượng khởi kiện
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, có sự khác nhau giữa « văn bản quy phạm pháp luật »*
và « văn bản áp dụng pháp luật ». Văn bản áp dụng pháp luật trong trường hợp này chính là « quyết định hành chính ».**
Đối với Văn bản quy phạm pháp luật, pháp luật Việt Nam chưa có cơ chế để một người dân được khởi kiện một văn bản khi cho rằng nó trái luật và ảnh hưởng đến mình. Lúc trước có Viện kiểm sát có chức năng « kiểm sát việc tuân theo pháp luật » của các văn bản này nhưng chức năng này của Viện kiểm sát đã bị bãi bỏ.
Đối với Văn bản áp dụng pháp luật, mà trong trường hợp này là quyết định hành chính, thì công dân có quyền khởi kiện nó nếu nó trái luật, theo trình tự thủ tục được quy định tại Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.
« Quyết định hành chính » do Thủ tướng ban hành cũng là đối tượng có thể bị khởi kiện
***
Về kỹ thuật một chút, thì hiện nay, những văn bản quy phạm pháp luật có ký hiệu kiểu như 17/2008/QH12 hay 167/2007/QĐ-TTg (số văn bản/năm/cơ quan ban hành). Các văn bản áp dụng pháp luật thường không có ký hiệu này.
Quyết định 167/2007/QĐ-TTg ngày 1/11/2007 phê duyệt Quy hoạch là một văn bản quy phạm pháp luật, nó không phải là một “quyết định hành chính”. Vì vậy, nó không thể bị khởi kiện theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, và cũng không có văn bản pháp luật nào khác quy định cơ chế để công dân có thể khởi kiện Quyết định 167/2007/QĐ-TTg này. Do vậy, việc Tòa án Hà Nội bác bỏ đơn khởi kiện này là hoàn toàn đúng, chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Tuy nhiên, sai lầm trong việc khởi kiện của LS. Cù Huy Hà Vũ còn ở chỗ là: có quyết định khác có thể kiện được thì lại không được đề cập đến. Việc khai thác bauxite ở Tân Rai và Nhân Cơ hiện nay chắc chắn phải có “Quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư” do các cơ quan quản lý đầu tư cấp (Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Thủ tướng Chính phủ). Chắc chắn là các quyết định này đã được cấp rồi thì dự án mới được triển khai. Đây hoàn toàn là những “quyết định hành chính” và nó có thể bị kiện theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.
Chính vì những sai lầm trên mà lập luận trong đơn khởi kiện của LS. Cù Huy Hà Vũ cũng không được thuyết phục. Ví dụ như LS. Vũ đã viện dẫn những quy định áp dụng cho “Dự án” để áp dụng cho đối tượng mà ông khởi kiện là “quyết định phê duyệt quy hoạch” (trong mục I của Đơn kiện). Nếu như ông chọn đối tượng bị khởi kiện là Quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư thì những lập luận này của LS. Vũ mới đúng.

2. Tư cách khởi kiện
Việc LS Vũ đứng đơn với tư cách người khởi kiện cũng chưa chắc chắn. “Người khởi kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc cán bộ, công chức cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm bởi quyết định kỷ luật buộc thôi việc, nên đã khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền”****.

Việc LS. Vũ chứng minh ông là người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hẳn cũng sẽ khó khăn. Nếu như ông đứng đơn đại diện (có ủy quyền) của những người sống ở Tây Nguyên có đất bị giải tỏa cho việc khai thác hay những người sống gần khu khai thác bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm môi trường thì sẽ thuyết phục hơn.

-------------------------------------------------------

*Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này hoặc trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội. (Khoản 1, Điều 1, Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật).
**Quyết định hành chính là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính. (Định nghĩa của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính).
***Theo Pháp lệnh năm 1996 thì không được nhưng theo Pháp lệnh sửa đổi năm 2006 thì được.
****Khoản 2, Điều 4 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.


No comments: