Tuesday, June 23, 2009

PHẢN BIỆN VỀ CHÍNH SÁCH THÔNG TIN MỘT CHIỀU

Phản biện về chính sách thông tin một chiều
Võ Thanh Liêm
Đăng ngày 23/06/2009 lúc 12:58:38 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3883
Hà Nội tăng cường bóp nghẹt thông tin để đánh dấu 84 năm ngày Báo Chí Cách Mạng Việt Nam bằng cách tái xác định nhiệm vụ của báo chí là tuyên truyền cho đảng Cộng Sản. Họ cũng đồng thời gia tăng quản lý blog internet, trừng phạt người có ý kiến theo lề trái. Phát biểu về tình trạng 700 tờ báo mà chỉ có một Tổng biên tập của Việt Nam ngày nay, nhà báo Bùi Tín đã nói với đài Á Châu Tự Do ngày 21 tháng 6 năm 2009 rằng: ‘Trong tất cả các mặt lạc hậu của Việt Nam thì tự do báo chí là cái lạc hậu rõ nhất và nó sinh ra tất cả các mặt lạc hậu khác’. Tại sao Hà Nội lại cứ tiếp tục duy trì cái thứ Mẹ của những lạc hậu này? Không ai trên thế giới mà không biết câu trả lời, đó là: lạc hậu là bóng tối đồng loã che đậy và duy trì độc tài.

Đồng thuận cao lao về phía trước
Thông tin độc tài một chiều rất tai hại. Lạc hậu vẫn có thể sống lây lất nhưng có một cái hại khác sẽ dẫn đến tử vong. Hãy tưởng tượng một đoàn người lái xe lao về phía trước, đi một chiều, đồng thuận cao, nhất trí cao với chủ trương và đường lối của Đảng và họ cứ thế mà lướt tới. Đích đến là vực thẳm vì có vùng đất lở. Đoàn người này dù đông nhưng không có ai đi lề trái nghịch chiều để cảnh báo có vực thẩm phía trước. Kết quả là đoàn người có đồng thuận cao này cùng rơi xuống vực thẩm chết hết lớp sau dồn lớp trước không ngưng lại được. Đối với một dân tộc thì lao xuống vực rất có thể là vong quốc và mất chủ quyền quốc gia. Thông tin một chiều ở nước Việt Nam lại có phần buồn hơn vì con đường một chiều này có quá nhiều chông gai hầm hố, lịch sử đã chứng minh điều đó rõ ràng và không thể chối cãi.
Trí tuệ cũng như tình yêu, tự cổ vốn dĩ quan trọng trong quá trình phát triển của văn minh nhân loại. Sự mở mang trí tuệ lại thường lệ thuộc vào khả năng thu thập tin tức và sự tiếp xúc giao lưu trong xã hội con người. Hôm nay, tất cả chúng ta, hoàn toàn không có một lý do nào để từ chối không nhìn nhận hay đánh giá những thay đổi mà thời đại mới mang lại. Ngược lại, mỗi người trong chúng ta sẽ có một lúc nào đó phải chấp nhận những biến thiên của thế hệ để không bị dòng đời đào thải. Từ chối không nhìn vào sự thật không làm cho ta trở nên anh hùng hơn. Ðã từ lâu, ngay sau ngày đệ nhị thế chiến kết liễu, vào năm 1948, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã liệt quyền tự do thông tin trong điều 19 của bản Hiến Chương Nhân Quyền là một trong những quyền căn bản nhất của con người. Cái quyền bẩm sanh này bao gồm quyền tìm tòi, tiếp nhận và quảng bá tin tức, tư tưởng bằng mọi phương tiện sẵn có. Quyền căn bản này cũng đã được nhà cầm quyền Hà Nội cam kết với quốc tế là họ sẽ nhất quyết tuân theo. Người miền Nam vẫn có câu nói mà bây giờ cả người Trung và Bắc đều nói theo và giữ cách phát âm miền Nam là ‘nói dậy mà không phải dậy’.

Thông tin đa chiều
Sự tiếp giao tư tưởng và thông tin đa chiều cho nhau giữa những phần tử xã hội phải được coi như là một ‘nhân tính’ căn bản bất phân ly với linh hồn của con người. Tầm mức quan trọng của những tư tưởng mới lạ trong nền kinh tế thị trường có thể ví như nguồn nước chảy vào ao hồ. Trừ phi nguồn nước kia có lối thoát ra dễ dàng như khi chảy vô, cái ao nước kia sẽ trở nên ứ động và hôi thúi. Những tư tưởng khác nhau càng có cơ hội cọ sát thì cơ hội đẻ ra những phát minh tiến bộ càng nhiều. Các nền văn minh lớn của nhân loại đều được nhào nặn bởi những va chạm giao lưu không ngừng giữa nhiều đơn vị xã hội và giữa cá nhân với cá nhân. Ngược lại, những bộ lạc, nhân chủng lạc hậu, chậm tiến là kết quả của sự cô lập.
Tự do thông tin có nghĩa trực tiếp là bất kỳ ai nếu muốn tán phát tin tức hay phát biểu ý kiến cá nhân đều được tự do không bị cản trở bởi chính quyền qua mạng lưới kiểm duyệt, cấp giấy phép, hay cấm đoán thô bạo. Sức mạnh trí tuệ vốn tuỳ thuộc vào sự giao lưu của tin tức và sáng kiến do đó bị bế tắc và giới hạn. Những chính phủ nào hoạt động chống lại sự giao lưu thông tin trong kỷ nguyên tin học sẽ phải gánh lấy hậu quả đen tối của việc làm xấu xa của họ.
Tự do thông tin và thông tin đa chiều giúp cho người học sinh có đủ điều kiện lựa chọn môn học thích hợp với khả năng cá nhân và hoàn cảnh kinh tế. Sự hiểu biết nhờ thông tin trung thực giúp các thương gia hoạch định dự án tương lai, giảm thiểu nguy hiểm và nắm lấy cơ hội kịp thời. Những thí dụ điển hình là những doanh gia và nông gia đang đầu tư vào ngành cà phê, cá basa và lúa gạo cần được thông báo nhanh chóng về thị trường và dự đoán tương lai để giảm thiểu rủi ro. Với sự vắng mặt của tự do thông tin và tư tưởng, nền kinh tế thị trường và luôn cả nền tảng của dân chủ tự do và luôn cả nền độc lập sẽ sụp đổ tan tành.

Hậu quả tai hại của thông tin một chiều
Trong một xã hội mà quyền tự do thông tin bị chà đạp, xã hội đó sẽ biến thành một vùng đất màu mỡ cho nạn tham nhũng của những người có chức quyền đi đôi với tệ đoan xã hội do tình trạng con người bị dồn vào cảnh túng quẫn bất công.
Tham nhũng và tệ đoan xã hội như một thứ bịnh ung thư sẽ làm băng hoại niềm tin giữa con người và con người và cuối cùng bào mòn mối giây thiêng liêng nối kết con người với xã hội và quốc gia. Người dân sẽ không còn tin vào chính phủ, không tin lẫn nhau và họ có thể chọn con đường thờ ơ trước vận mệnh đất nước.
Nếu người dân thật sự làm chủ chính mình, họ phải tự trang bị cho mình quyền lực và sức mạnh mà chỉ có trí tuệ và sự hiểu biết mang lại mà thôi. Một chính phủ vì dân nhưng lại không cho phép người dân quyền tự do tiếp nhận thông tin sẽ không là gì cả mà chỉ là một dẫn nhập cho rối loạn hoặc một tuồng bi kịch, hoặc cả hai. Xã hội Việt Nam đã xảy ra rất nhiều bi kịch:
1/ Tệ đoan chà đạp phẩm giá con người là một bi kịch
2/ Sự khủng hoảng niềm tin là một bi kịch
3/ Khoảng cách giàu nghèo lớn nhanh là một bi kịch
4/ Đạo đức suy đồi, kinh tế tụt hậu là một bi kịch
5/ Và sự mất đi chủ quyền đất nước và sĩ diện dân tộc là một bi kịch lớn nhất.

Kết luận

Những nền văn hóa lớn của nhân loại thường có khả năng sống âm ỉ lâu dài. Lord Radcliffe, một quí tộc và luật gia lỗi lạc của Anh Quốc có quan sát rằng con người thường sẵn sàng bắt chước theo một thể chế chính trị ngoại lai hơn là một văn hóa xa lạ. Ðiều đó có thể nói lên phần nào tầm mức quan trọng tương đối giữa hai yếu tố chính trị và văn hóa. Chúng ta ít nhiều đã từng tự hào về văn hóa và phong tục của dân tộc ta. Chúng ta chớ nên quên rằng văn hóa từ ngàn xưa đã được nuôi dưỡng bởi những giao lưu không ngừng của sự tiếp xúc, thông tin, và giao thiệp với sức mạnh tạo nên tập quán, gián tiếp hoặc trực tiếp gợi óc tưởng tượng và khơi động cảm xúc. Sau hết, chính khả năng phán đoán của bộ óc với trí khôn học hỏi được đã và đang đưa con người tiến bộ để bước vào tương lai. Cấm đoán thông tin đa chiều là một điều tuyệt đối không nên làm, dưới bất cứ hình thức nào cũng không biện minh được cho hành động sai quấy đó.

Võ Thanh Liêm
22.6.2009
© Thông Luận 2009


No comments: