Ông
Tô Lâm đang gia tăng khả năng kiểm soát Đảng như thế nào?
Zachary Abuza
2025.01.31
Chính
xác một năm trước Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) lần thứ 14,
Ban Chấp hành Trung ương đã khai mạc Hội nghị Trung ương – nơi Tổng bí thư Tô
Lâm củng cố hơn nữa sự kiểm soát đối với Đảng.
Tổng
bí thư Tô Lâm và Hội nghị Trung ương ĐCSVN (Paul Nelson/AFP)
Đã
có một số thay đổi về nhân sự, trong đó quan trọng nhất là việc đưa ông Nguyễn
Duy Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ Công an đồng thời là người được ông Lâm bảo trợ lâu
nay, vào Bộ Chính trị.
Ngay
sau khi trở thành Tổng Bí thư sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời vào tháng 7
năm ngoái, ông Lâm đã bổ nhiệm ông Ngọc làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Đây
không phải là một vị trí hấp dẫn nhưng lại là “trung tâm thần kinh” của Đảng Cộng
sản (ĐCS), chịu trách nhiệm tổ chức, xây dựng văn kiện, lên chương trình nghị sự
cho các hội nghị toàn thể của Đảng cũng như hàng loạt vấn đề nhân sự. Nếu ai muốn
có tai mắt trung thành trước thềm đại hội Đảng, thì Văn phòng Trung ương là một
nơi lý tưởng.
Ông
Tô Lâm đã gặp phải một số phản đối khi cố gắng nhanh chóng đưa ông Ngọc vào Ban
Bí thư khi ông Lương Cường được bầu làm Chủ tịch nước vào tháng 10/ 2024. Vào
thời điểm đó, dường như đã có một số quan ngại rằng ông Lâm đang tập hợp quá
nhiều quyền lực. Mặc dù vậy, tại Hội nghị Trung ương mới, ông Ngọc còn được bầu
làm ủy viên Bộ Chính trị.
Điều
này gây bất ngờ vì theo quy định của Đảng, một người chỉ đủ điều kiện vào Bộ
Chính trị sau khi hoàn thành trọn một nhiệm kỳ ủy viên Ban Chấp hành Trung
Ương. Trong khi đó, ông Ngọc chỉ mới bắt đầu là ủy viên Ban Chấp hành Trung
ương từ Đại hội Đảng Toàn quốc Khóa 13 - tháng 1/2021.
Điều
này cho thấy một cách rõ ràng sự tin tưởng mà ông Tô Lâm dành cho ông Ngọc cũng
như quyền kiểm soát của ông Tô Lâm đối với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung
ương.
Ông
Tô Lâm đang điều hành đất nước theo chiều hướng cấp bách thực dụng, lo sợ về việc
Việt Nam có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Ông đang đẩy mạnh một công cuộc
tái tổ chức bộ máy chính quyền quy mô lớn, dự kiến sẽ khiến khoảng 20% công chức
mất việc làm và 10 bộ ngành trong chính phủ sẽ được gộp lại thành năm bộ. Cuộc
cải tổ này nhằm mục tiêu cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền và
đẩy nhanh quá trình ra quyết định.
Để
làm được tất cả những điều đó, ông Tô Lâm cần bổ nhiệm những người trung thành
và ủng hộ chương trình nghị sự của mình đồng thời loại bỏ những người phản
kháng.Hướng tới mục tiêu đó, một công bố nhân sự lớn khác cũng đã được đưa ra tại
Hội nghị Trung ương. Đó là việc ông Trần Cẩm Tú sẽ thôi giữ chức Chủ nhiệm Ủy
ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) để tập trung đảm nhiệm vai trò Thường trực Ban
Bí thư Trung ương Đảng.
Ông
Tú được coi là một trở lực tiềm năng đối với ông Tô Lâm. Là người đứng đầu
UBKTTW, ông Tú kiểm soát bộ máy điều tra duy nhất tập trung vào các quan chức cấp
trung ương – một bộ máy mà ông Lâm không hoàn toàn kiểm soát được trong khi ông
lại là sử dụng các cuộc điều tra chống tham nhũng để hạ bệ đối thủ hiệu quả cho
bản thân.
Chủ
nhiệm UBKT Trung ương Trần Cẩm Tú và ông Lý Hy, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật
Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 6/11/2023
Ông
Ngọc đã nắm quyền kiểm soát UBKTTW trong khi Bộ Công an lại nắm chắc trong tay
một người cũng được ông Lâm bảo trợ, đó là ông Lương Tam Quang. Hiện cả hai ông
này đều là ủy viên Bộ Chính trị. Việc nắm giữ quyền kiểm soát cả hai cơ quan điều
tra trọng yếu trước thềm Đại hội Đảng 14 sẽ cho phép ông Tô Lâm loại bỏ và vô
hiệu hóa các đối thủ một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Ban
Tổ chức Trung ương - cơ quan phụ trách các vấn đề nhân sự của Đảng - hiện đã nằm
dưới sự điều hành của ông Lê Minh Hưng, một người trung thành khác của ông Lâm.
Bố ông Hưng từng là Bộ trưởng Bộ Công an, người quản lý và tạo điều kiện cho
ông Lâm thăng tiến.
Phó
Thủ tướng Trần Lưu Quang đã được bầu vào Ban Bí thư. Với những kinh nghiệp về
kinh tế, ông là một tiếng nói bổ sung rất cần thiết cho cơ quan điều hành hoạt
động hàng ngày của Đảng.
Có
một số điều khác cần lưu ý về những lựa chọn nhân sự này.
Những
quyết định nhân sự này đã làm tăng số lượng ủy viên Bộ Chính trị xuất thân từ Bộ
Công an. Hiện có tới bảy trong tổng số 16 ủy viên (44%) có gốc gác công an và
điều này dường như làm gia tăng sự bất an vốn có trong ĐCSVN.
Thứ
hai, ông Ngọc là đồng hương cùng tỉnh với ông Tô Lâm - điều này khiến người ta
lo ngại nhiều hơn về phe cánh Hưng Yên.
Nếu
vài năm trước phe Nghệ An chiếm ưu thế, thì giờ đây họ rõ ràng đã bị hất cẳng bởi
những người đến từ Hưng Yên.
Thứ
ba, việc mở rộng Bộ Chính trị có vẻ là bước đi hợp lý để ông Tô Lâm chuẩn bị
cho Đại hội lần thứ 14. ĐCSVN là một tổ chức vốn bảo thủ và theo truyền thống,
không quá 50% thành viên Bộ Chính trị sẽ được thay thế. Vì vậy, chúng ta có thể
chứng kiến sự mở rộng dần dần của Bộ Chính trị trong năm tới để ông Lâm có thêm
sự linh hoạt để gạt bỏ đối thủ. Nếu ông Tô Lâm có thể tăng số lượng ủy viên Bộ
Chính trị lên 18, thì việc nghỉ hưu của tám hoặc chín người sẽ tạo cơ hội loại
bỏ thêm những ủy viên không còn hữu dụng.
Tìm
kiếm sự ủng hộ từ khu vực phía Nam
Trước
thềm Hội nghị Trung ương đã diễn ra một sự kiện khác có hàm ý chính trị quan trọng,
đó là việc ông Tô Lâm trao tặng danh hiệu cao quý nhất của ĐCSVN cho cựu Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng.
Ông
Dũng từng ganh đua để trở thành Tổng Bí thư ĐCSVN tại Đại hội 12 vào tháng
1/2016 nhưng đã thất bại trước ông Nguyễn Phú Trọng. Hai người này vốn rất
không ưa nhau.
Nguyên
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ khai mạc Quốc hội ở Hà Nội hôm 20/10/2022
(Nhac Nguyen/AFP)
Ông
Dũng thúc đẩy chủ trương phát triển/ tăng trưởng dựa trên cải cách thị trường
trong khi ông Trọng coi đó không chỉ là sự phản bội các giá trị xã hội chủ
nghĩa mà còn là một chính sách làm gia tăng bất bình đẳng và tham nhũng, từ đó
khiến cho Đảng mất tính chính danh.
Mặc
dù không ông Dũng còn tham gia vào các quyết định trung ương, nhưng Trọng đã
không bao giờ có thể cáo buộc ông Dũng tham nhũng. Trong khi đó, ông Dũng âm thầm
sắp đặt để người con trai được đào tạo tại Mỹ của ông thăng tiến. Hiện là Bộ
trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Thanh Nghị - con trai ông Dũng - gần đây đã được
bổ nhiệm làm Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngay
sau khi được bầu làm Tổng Bí thư, ông Tô Lâm nhanh chóng và công khai tìm kiếm
sự ủng hộ của ông Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng đây không chỉ là sự đồng điệu giữa hai
cựu quan chức Bộ Công an.
Mặc
dù hiện có khả năng kiểm soát mạnh mẽ bộ máy Đảng nhưng ông Tô Lâm vẫn có một
thiếu sót. Đó là tỷ lệ đại diện của khu vực phía Nam tại Bộ Chính trị và các cơ
quan trung ương khác vẫn còn thấp và chưa tương xứng. Một phần nguyên nhân là
vì ông Trọng đã nỗ lực thanh lọc bộ máy Đảng ở miền Nam mà ông cho là quá tự
do.
Hiện
tại, chỉ có ba trong số 16 ủy viên Bộ Chính trị là người miền Nam (Có hai người
miền Trung, số còn lại là người miền Bắc). Những người miền Nam đang yêu cầu có
thêm đại diện trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương khóa 14.
Chìa
khóa cho việc giành được sự ủng hộ từ khu vực phía Nam chính là ông Nguyễn Tấn
Dũng – chính trị gia miền Nam có mối quan hệ và hiểu biết chính trị nhất. Do
đó, ông Nguyễn Thanh Nghị - con trai ông Dũng - có khả năng sẽ được cất nhắc.
Vì
vậy, mặc dù việc trao tặng Huân chương Sao Vàng cho ông Dũng rõ ràng báo hiệu sự
kết thúc của thời kỳ Nguyễn Phú Trọng nhưng nó cũng phản ánh việc ông Tô Lâm
đang chủ động tìm kiếm sự sự ủng hộ từ một khu vực quan trọng để từ đó có thể sử
dụng một đội ngũ lãnh đạo do chính ông gây dựng thay vì một đội ngũ có sự cân bằng
giữa các phe phái và khu vực theo lối truyền thống.
*Zachary
Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ
giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của
riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại
học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.
-------------------------------------------------------------
Bài
viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment